Tin tức

Vị đại sứ thần kỳ của điện ảnh

09/04/2011

Brigitte de la Royere từng bị ngôi sao điện ảnh Tư Cầm Cao Oa nắm lấy và chính xác là kéo đi, vừa đi vừa trò chuyện bằng tiếng Mông Cổ bản xứ. Khi cuối cùng Tư Cầm Cao Oa nhận ra rằng Royere không đáp trả lời bà, bà ngẩng lên và phát hiện bà đã nhận nhầm người.

Cuộc chạm trán hơi lạ lùng này là khởi đầu của một mối quan hệ thân thiết giữa Tư Cầm và Royere, một chuyên gia trị liệu mát xoa 64 tuổi người Bỉ. Và hơn nữa việc này đã làm gia tăng thêm tình yêu đang lớn dần của Royere với các bộ phim và văn hóa Trung Quốc – một điều bắt đầu ngay sau khi Trung Quốc mở cửa vào năm 1978.

Niềm đam mê với điện ảnh Trung Quốc đã khiến Royere trở thành người coi sóc không chính thức của hơn 2.500 bộ phim Trung Quốc, vô số áp phích và tư liệu về phim tại Kho lưu trữ phim hoàng gia Bỉ ở Brussels.

Các bộ phim và hiên vật tới từ Đại sứ quán Trung Quốc, bộ sưu tập cá nhân của bà và quyên góp từ con gái của một người bạn quá cố, Regis Bergeron, một người Pháp am hiểu về điện ảnh Trung Quốc.

Brigitte de la Royere làm việc tại Cục lưu trữ điện ảnh hoàng gia Bỉ, nơi có một bộ sưu tập hơn 2.500
bộ phim Trung Quốc [Ảnh: China Daily]

Mỗi tuần Royere dành ba ngày rưỡi tại kho lưu trữ, nói chuyện với các khán giả điện ảnh, các nhà nghiên cứu và sinh viên quan tâm tới việc nghiên cứu phim ảnh Trung Quốc.

Bà cho rằng: “Đây không phải là công việc mà là niềm vui. Xem phim và khám phá những điều từ đó không phải là một công việc khó khăn.”

Mỗi tuần, bà gửi thư thông báo và cập nhật trang web của kho lưu trữ để thông báo về những bộ phim mới nhất. Tháng trước bà đã mời những khán giả tới xem một bộ phim mới Let the Bullets Fly (Nhượng tử đạn phi) do người bạn của bà đạo diễn – diễn viên kiêm đạo diễn Khương Văn.

“Dù chỉ có một người yêu cầu được xem một bộ phim Trung Quốc trong văn phòng tôi, tôi cũng sẽ xem cùng người đó,” bà cho biết.

Trớ trêu là Royere, người trở nên hứng thú với Trung Quốc và nền văn hóa của đất nước này ngay từ khi còn rất trẻ, chưa bao giờ nghĩ tới chuyện viếng thăm Trung Quốc cho tới khi bà gặp hai người châu Âu “bình thường” trong số những người châu Âu đầu tiên tới thăm đất nước này sau khi Trung Quốc mở cửa vào năm 1978.

Bà dùng từ “bình thường” bởi vì trước thời kỳ mở cửa, chỉ có doanh nhân và những người thuộc Đảng cộng sản Bỉ mới có thể tới Trung Quốc. Bà nói: “Họ “bình thường” bởi vì họ không có mối liên hệ làm ăn hay chính trị nào tới chuyến viếng thăm của họ.”

Lúc đó Royere vừa tốt nghiệp đại học và đang làm việc với tư cách một nhà trị liệu. Bà được bảo rằng tới thăm Trung Quốc rất dễ dàng vì đất nước này vừa mới mở cửa và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều du khách nước ngoài.

“Ngay lập tức tôi mua vé và gia nhập một đoàn châu Âu,” bà kể lại và cho biết thêm có lẽ bà nằm trong nhóm thứ hai những người châu Âu “bình thường” tới thăm Trung Quốc.

Ngày 28/9/1978, Royere bắt đầu chuyến đi tới Trung Quốc, thăm Bắc Kinh, Hồng Kông, Tây An, Nam Kinh và thậm chí cả một ngôi làng kiểu mẫu gọi là Đại Trại tại tỉnh Sơn Tây. Chuyến đi là một cú sốc văn hóa vì cả những người châu Âu và Trung Quốc điều “hăm hở và hiếu kỳ” tìm hiểu lẫn nhau.

Là người châu Âu họ quen với việc nhận ra địa vị xã hội và bối cảnh của một người thông qua cách họ ăn mặc. Nhưng ở Trung Quốc điều này là không thể vì hầu như ai cũng ăn mặc cùng một kiểu và một màu. Royere cho rằng: “Điều đó thực sự lý thú.”

Đối với bà, năm 1978 giống như khoảnh khắc người Trung Quốc bừng tỉnh sau mười năm “cách mạng văn hóa” (1966-1976). Những người châu Âu gặp một số sinh viên vừa trở về sau khi được “giáo dục lại” tại vùng nông thôn, những người đang gấp gáp nhồi nhét kiến thức. Bà cho biết: “Họ chia sẻ một số câu chuyện thú vị.

Một thời gian ngắn sau khi trở lại Brussels, bà liên kết với Hiệp hội Bỉ - Trung Quốc và được cấp phép để xem một số bộ phim Trung Quốc được giữ trong phòng lưu trữ. Nhưng bà sớm phát hiện ra rằng xem phim với những người cùng yêu thích khác thì hứng thú hơn.

Những năm đầu thập niên 1980, với việc nhiều người nước ngoài hơn tới thăm Trung Quốc, bà mời họ tới chia sẻ kinh nghiệm về đất nước này bằng cách trình chiếu các slide cho thành viên của hiệp hội. Ngày càng nhiều người nước ngoài muốn chia sẻ những gì họ đã trải nghiệm và học hỏi, và Royere hỗ trợ việc tổ chức những hoạt động như vậy trong năm năm.

Royere cũng phát hiện rằng Đại sứ quán Trung Quốc ở Brussels có rất nhiều phim và hầu hết những bộ phim này chưa được sắp xếp danh mục. Với sự giúp đỡ của một người bạn, bà dành hai năm phân loại các bộ phim trong đó có ít nhất 400 phim truyện.

“Đó thực sự là một cách hay để học hỏi về văn hóa Trung Quốc,” bà cho biết và nói thêm rằng bà cũng đọc những tạp chí điện ảnh Trung Hoa cùng lúc đó.

Let the Bullets Fly, một trong những bộ phim Trung Quốc được Royere quảng bá tại Bỉ

Khi ấy, quảng bá các bộ phim Trung Quốc đã trở thành sở thích của bà và rất nhiều phim được bà lưu giữ tại nhà. Chỉ cho tới năm ngoái thì Kho lưu trữ mới bắt đầu giữ bộ sưu tập của bà.

Bà phát biểu: “Tôi khá nhẹ nhõm khi những kho báu đó cuối cùng cũng có một chỗ an toàn với nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng thích hợp.”

Vì tình yêu với văn hóa Trung Quốc, Royere cố gắng học tiếng Trung nhưng sau khi học được một năm rưỡi bà không thể xoay sở được với công việc tại bệnh viện, lưu trữ phim và học tiếng. “Như vậy là quá nhiều,” bà nói.

Qua các năm, Royere đã trở thành một du khách thường xuyên tới Trung Quốc. Những chuyến đi này đã bồi đắp niềm hứng thú từ thủa nhỏ của bà với đất nước này. Bà từng đọc rất nhiều sách của người nước ngoài sống ở Trung Quốc những năm đầu thập niên 1930 hay 1940. Trong số họ có Elizabeth Comber, con gái của một kỹ sư Trung Quốc và một phụ nữ Bỉ, những cuốn sách của bà đã hé lộ về Trung Quốc với Royere.

Royere nói rằng Comber học y học và bà cũng vậy. Và Comber cũng biết tiếng Bỉ. Đối với Royere: “Cô ấy rất gần gũi với văn hóa của tôi và vì thế cô ấy là tác giả yêu thích của tôi về Trung Quốc.”

Thông qua những chuyến đi của mình, Royere đã nhận ra rằng có một cách rất tốt để học hỏi về văn hóa Trung Quốc là xem những bộ phim của đất nước này. Theo bà: “Ngôn ngữ thể hiện, nhưng hình ảnh còn biểu đạt nhiều hơn.”

Năm 1986, Royere tổ chức một chuyến đi cho các mạng lưới truyền hình nói tiếng Pháp và tiếng Flemish* tới Trung Quốc để mua các bộ phim của đất nước này. Họ tới thăm các xưởng phim ở Bắc Kinh, Trường Xuân, Tây An và Thượng Hải. Bà cũng hỗ trợ một đài truyền hình mua bộ phim Trung Quốc Phù Dung trấn (Hibiscus Town)

* Ngôn ngữ của vùng Tây Bắc châu Âu (gồm có một phần của Bỉ, Pháp và Hà Lan)

Bà kể lại: “Chuyện đó xảy ra theo một cách khá thú vị.” Khi bà đang ở khách sạn tại Bắc Kinh, Royere mua một bản dịch tiếng Anh của Phù Dung trấn và đã đọc một phần cuốn sách trước khi gặp Khương Văn và Lưu Hiểu Khánh, những diễn viên chính của bộ phim. Trước khi bà gặp đạo diễn Tạ Tấn tại Thượng Hải, Royere đã đọc xong cuốn sách.

Và khi cuối cùng cả nhóm xem bộ phim, Royere có thể giúp họ hiểu, kết cục là đài truyền hình Flemish đã mua Phù Dung trấn.

Chuyến thăm đã dẫn tới việc Royere giới thiệu các bộ phim Trung Quốc tại các liên hoan phim ở Bỉ và đưa các bộ phim Bỉ tới Trung Quốc.

Theo thời gian, Royere dành phần lớn thời gian rỗi và các kỳ nghỉ của bà nghiên cứu về các bộ phim Trung Quốc. “Việc đó đem lại nhiều lợi ích cho tôi vì tôi đã có thêm rất nhiều bạn ở Trung Quốc,” bà cho biết.

Nhiều diễn viên và đạo diễn Trung Quốc giờ đã trở thành bạn thân của bà. “Tôi biết Khương Văn rất rõ và Tư Cầm Cao Oa là “chị em “ của tôi,” bà nói.

Tư Cầm Cao Oa là một người bạn thân thiết của Royere

Thực tế lúc Tư Cầm Cao Oa gặp và nắm lấy cánh tay bà là ở Liên hoan phim Trường Xuân nhiều năm trước, nơi chỉ có một vài người nước ngoài tham dự.

Thậm chí Tư Cầm Cao Oa còn tin tưởng giao con trai mình cho Royere khi anh đang học tại Bỉ.

Năm 2008, Royere tổ chức một liên hoan phim tại Brussels và có sáu đạo diễn Trung Quốc đã tới tham dự.

Khi bà đang điều hành câu lạc bộ điện ảnh tại Hiệp hội Bỉ - Trung Quốc, khoảng 20-60 người tới xem phim mỗi tháng. Rất nhiều người muốn mượn phim về xem tại nhà.

“Nhưng giờ tôi không muốn cho mượn nữa vì rất nhiều phim đã bị hư hỏng hoặc lấy mất,” Royere cho biết. Và rất nhiều bộ không thể thay thế được, đặc biệt là những bộ lưu trữ bằng cuộn phim và băng cát xét.

Royere cho biết bà quan tâm tới phim có nội dung xã hội. Bà nói: “Tôi không thích phim chủ yếu là để giải trí. Làm vườn, nấu ăn và đọc sách là những sở thích khác của tôi.”

Hiện tại bà đang lên kế hoạch tổ chức một liên hoan phim khác, nhưng việc này đang tỏ ra khó khăn khi chính phủ Bỉ nói rằng khó có thể kiếm đuợc nguồn ủng hộ tài chính vì bà đang quảng bá văn hóa Trung Quốc. Và Liên minh châu Âu cho rằng quảng bá văn hóa châu Âu mới là nhiệm vụ của họ.

Tuần cuối tháng 3 vừa rồi, Royere dự tính sẽ tới thăm Trung Quốc lần nữa để tham dự một liên hoan phim, gặp gỡ bạn cũ và tìm kiếm nhiều sự trợ giúp hơn. Nhưng cho dù có điều gì xảy ra thì tình yêu dành cho các bộ phim Trung Quốc của bà là mãi mãi.

Tháng 6 năm ngoái, Royere đã ở Trung Quốc để tham dự Liên hoan phim Thượng Hải. Bà cho rằng: “Tất nhiên Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn.”

Nhưng bà nói rằng có một điều chưa hề thay đổi về Trung Quốc: “Người Trung Quốc vẫn rất chăm chỉ và đầy năng lượng.”


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily