Việt Nam

Điều gì làm Đất rừng phương Nam trở thành bộ phim giải trí có 'tầm vóc'?

23/10/2023

Điều gì biến Đất rừng phương Nam trở thành một bộ phim điện ảnh ai cũng nói tới, thậm chí gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội và bùng nổ tại phòng vé?

Cuốn tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi có một vị thế đáng kể trong đời sống văn chương Việt Nam thế kỷ 20, đặc biệt đối với bạn đọc trẻ. Dù là một tác phẩm “đặt hàng” nhưng vẫn được yêu thích ngay từ khi mới ra mắt vào năm 1957 và tiếp tục có sức sống bền bỉ xuyên suốt nhiều thập niên sau đó.

Đất rừng phương Nam bản điện ảnh năm 2023

Tôi đọc cuốn tiểu thuyết này năm 1996 khi NXB Kim Đồng tuyển chọn nó vào Tủ sách vàng xuất bản hàng tuần. Ngay lập tức, tôi bị “mê hoặc” bởi một phương Nam vừa hồn hậu vừa phóng khoáng, đặc biệt đậm chất sinh thái của vùng sông nước mênh mông nơi tận cùng phía Nam đất nước. Những trang văn của Đoàn Giỏi mô tả về những chuyến phiêu lưu dọc theo rừng U Minh, qua Sroc Miên, đi bắt rắn, đi lấy mật ong, bẫy chim… hay những trang viết về “phường săn cá sấu” từ những chiếc “đèn nghề” đốt bằng mỡ người vừa kỳ thú vừa hấp dẫn khó cưỡng.

Cùng viết về miền đất Nam Bộ xưa, nếu nhà văn Sơn Nam chinh phục tôi bằng những trang viết văn chương đậm chất phong tục, tập quán thì Đoàn Giỏi hấp dẫn bằng những trang văn phiêu lưu sông nước và rừng U Minh. Cả hai ông cùng viết về con người Nam Bộ rất có tình.

Cải biên, lấy cảm hứng nhưng vẫn tôn trọng hồn cốt

Loạt phim truyền hình Đất phương Nam dài 11 tập ra mắt vào năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn do chính anh viết kịch bản là một sự cải biên thông minh và hợp lý. Nguyễn Vinh Sơn chọn cách giữ lại tinh thần, hồn cốt của nhà văn Nam Bộ cùng đường dây câu chuyện, nhưng thêm vào đó rất nhiều chất liệu về con người, văn hóa và một vài sự kiện lịch sử nổi bật để khán giả thấy được tinh thần bất khuất và sự hào sảng, hồn hậu của người dân phương Nam.

Hành trình của An trong bộ phim truyền hình cũng kịch tính hơn là hành trình mang tính trải nghiệm của nhân vật này trong cuốn tiểu thuyết. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dẫn dắt hành trình của An qua mỗi vùng đất để làm bật lên tình người. Mỗi bước chân phiêu lưu đi tìm cha của An đều có sự nâng đỡ của những con dân quê bình dị, không cùng huyết thống nhưng cùng màu da và bầu máu nóng.

Mất mát đau thương cũng nhiều, phẫn uất trước tội ác của bọn thực dân và đám cường hào cũng nhiều, mà sao qua mỗi tập phim, ta thêm yêu mỗi vùng đất, mỗi con người, để rồi cùng đồng điệu tâm hồn với “Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam” như lời bài hát của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cất lên ở cuối mỗi tập phim.

Loạt phim truyền hình đó khi ấy đã trở thành kinh điển và mang tầm “quốc dân”. Hầu như thế hệ 7X đến 9X không ai không biết về bộ phim Đất phương Nam, vì đó là ký ức tuổi thơ và tuổi trẻ của họ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (trái) trên trường quay cùng mẹ con bé An (Hồng Ánh và diễn viên nhí Hạo Khang)

Phiên bản điện ảnh Đất rừng phương Nam mới ra mắt được thừa hưởng một di sản giàu có của thế hệ đi trước. Đó vừa là một lợi thế lẫn một thách thức lớn. Lợi thế là đã có sẵn chất liệu và tiếng vang, thách thức là làm không khéo thì trở thành “tội đồ” giết chết di sản như chơi.

Sau suất chiếu ra mắt, tôi đã thở phào nhẹ nhõm cùng một chút bất ngờ vì những cải biên và phóng tác chất liệu gốc thành bộ phim đậm chất điện ảnh (giải trí). Tôi cũng thấy được tầm vóc và độ chịu chơi của toàn bộ êkíp làm nên bộ phim này.

Đội ngũ sản xuất và dàn “cast” vừa mới vừa cũ đều có cảm giác như đã cống hiến toàn bộ tâm lực vào bộ phim này để làm nên một “bài tình ca đất phương Nam” của thời hiện tại.

Với tôi, bản cải biên, hay nói chính xác hơn là “lấy cảm hứng” cả từ sách lẫn phim truyền hình, Đất rừng phương Nam có vẻ… đi quá xa bản gốc, nhưng vẫn kéo người xem lại gần bởi cái hồn cốt và bối cảnh phương Nam, cho dù được làm mới theo phong cách phim “blockbuster” đi nữa.

Sự cải biên, phóng tác đó đã gây nên những tranh cãi khá ầm ĩ đồng thời làm nên sức nóng cho bộ phim. Và đợi cho sự ồn ào lắng xuống, tôi muốn phân tích dưới góc nhìn chuyên môn để lý giải tại sao đây là một bộ phim có tầm vóc, trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Những điểm cộng khiến Đất rừng phương Nam trở thành một bộ phim giải trí có “tầm vóc”

Sáng tạo “quá đà” đầu tiên của phiên bản điện ảnh có lẽ bắt đầu từ kịch bản của Trần Khánh Hoàng. Là một biên kịch giàu năng lượng và “đẻ kịch bản như gà đẻ trứng”, tôi phải thừa nhận, đến Đất rừng phương Nam, anh đã tìm được “la bàn” trong không gian điện ảnh của mình.

Nhờ nắm vững cấu trúc kịch bản điện ảnh Hollywood, đặc biệt là dòng phim phiêu lưu hành động đậm chất giải trí cùng với sự giàu có của chất liệu gốc, biên kịch có sự bay bổng để nhào trộn bối cảnh, nhân vật, sự kiện làm cho bộ phim có sự hấp dẫn ngay từ mở đầu.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có câu trả lời rất xác đáng với báo chí rằng cả phim truyền hình của ông năm xưa và phim điện ảnh vừa ra mắt đều là dòng phim xưa (period film) hơn là phim lịch sử (historical film), nó cho phép biên kịch và đạo diễn có sự tự do hơn trong việc hư cấu. Anh cho rằng với dòng phim này, “những sự kiện lịch sử nếu có cũng chỉ làm nền cho cuộc sống của các nhân vật. Người làm phim cần nhận rõ sự khác biệt này để xây dựng câu chuyện.” (Theo Tuổi Trẻ)

Sự thống nhất về quan điểm đó đã được kế thừa một cách sáng tạo trong kịch bản điện ảnh của Hoàng. Anh “lôi” nhân vật Út Lục Lâm, một tên trộm vặt trong tập 4, 5 của phim truyền hình lên làm nhân vật thứ chính trong phiên bản điện ảnh mới, và “hô biến” nhân vật này trở thành một nhân vật được yêu thích gần như nhất nhì của bộ phim.

Út Lục Lâm trong phim điện ảnh Đất rừng phương Nam

Độ láu cá của một tên trộm vặt, sự trải nghiệm (giang hồ) của một đứa trẻ mất mẹ phải lang bạt từ sớm với sự chai lì cảm xúc nhưng vẫn còn cái tình người còn đâu đó trong tim, khiến Út Lục Lâm “steals the show” mỗi khi nhân vật này xuất hiện, qua diễn xuất không thể tỏa sáng hơn của Tuấn Trần.

Xem cuộc phiêu lưu của Út Lục Lâm và An ở “hồi 1” của bộ phim, người xem bị hút vào mạch phim một cách tự nhiên. Bên cạnh nhân vật chính bé An còn ngây thơ non nớt, Út Lục Lâm đích thị là một hình mẫu nhân vật kiểu “sidekick” (người hỗ trợ/đồng hành) như trong các bộ phim phiêu lưu của Hollywood.

Út Lục Lâm đâu đó có chút bóng dáng của chú lừa Donkey trong Shrek, cô cá mất trí nhớ ngắn hạn Dory trong Finding Nemo, chàng trai người hobbit Sam trong loạt phim Chúa Nhẫn hay Ron và Hermione trong loạt phim Harry Potter… Nghĩa là đôi khi nhân vật “sidekick” cướp mất “spotlight” của nhân vật chính vì sự duyên dáng và sự táo bạo không theo “khuôn” của bọn họ.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là An của diễn viên nhí Hạo Khang bị lu mờ. Trong những phân đoạn cần diễn tả cảm xúc nội tâm, đặc biệt là qua đôi mắt của Hạo Khang, An vẫn có khá nhiều khoảnh khắc “chạm” được vào khán giả, nhất là trong những phân đoạn nhớ mẹ mà cậu diễn cùng Bảo Ngọc (vai bé Xinh).

Ở dàn diễn viên phụ, ả “Việt gian” Tư Mắm qua diễn xuất của Băng Di là một phát hiện lớn của đạo diễn. Độ gian xảo, lươn lẹo được “bọc đường” với một vẻ ngoài xinh đẹp, lúng liếng (với ông Tiều) hoặc ngọt nhạt (với bọn trẻ) được Băng Di diễn ra chất một nhân vật phản diện.

Dàn cast còn lại, ngay cả những vai “làm nền” vẫn có dấu ấn cảm xúc: từ tiếng hét và đôi mắt khắc khoải của Hồng Ánh trong cảnh chạy loạn đến ánh mắt sững sờ của Hứa Vĩ Văn (thầy Bảy) khi bị giặc Pháp chặn lại trong cảnh hộ tống mẹ con An chạy giặc đều để lại “cú chạm” từ đầu phim.

Võ Tòng của Mai Tài Phến dù không thoại câu nào nhưng mỗi lần xuất hiện đều gây tò mò vì tạo hình phảng phất chất “fantasy” hơi hư ảo. Ông Tiều của Tiến Luật cũng là một phát hiện thú vị khác, giúp nam diễn viên này thoát khỏi mác “diễn viên hài” để vào một vai diễn kiểu “chính kịch”, từ cảnh tâm lý đến hành động đều mang lại hiệu quả tốt cho cảm xúc và thị giác của khán giả.

Những sáng tạo về góc máy và di chuyển máy được DOP Diệp Thế Vinh phát huy hiệu quả trong một bộ phim đậm chất phiêu lưu hành động. Rõ ràng, cái đẹp mãn nhãn của thị giác trong Đất rừng phương Nam điện ảnh khác hẳn cái đẹp chân chất bình dị trong Đất phương Nam truyền hình. Và âm nhạc gợi cảm giác hùng tráng của Đức Trí khác hẳn âm nhạc bình dị thân thương của Lư Nhất Vũ.

Nhưng những sáng tạo này là cần thiết cho một phiên bản điện ảnh giải trí chiếu rạp và quan trọng là không làm mất đi những cảm xúc tốt đẹp về miền đất phương Nam.

Cuối cùng là vai trò quan trọng nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Tôi phải thừa nhận rằng, đây cũng là bộ phim tốt nhất của Dũng từ trước tới nay với vai trò đạo diễn điện ảnh.

Ngay từ đầu phim, đạo diễn đã mở ra cho khán giả một không gian phương Nam qua cánh cò bay lên trời cao rồi hạ xuống vùng rừng, sông nước mênh mông bát ngát. Nhịp phim lập tức “gấp gáp” sau đó qua cuộc chạy giặc của mẹ con bé An và chạm vào khán giả bằng nỗi đau của người mẹ phải đưa lưng mình gánh đạn thay con và những lời trăng trối nhòa lệ. Chỉ với một cảnh phim này, Hồng Ánh, nữ diễn viên thế hệ 7X đã ở lại trong lòng khán giả.

Cứ thế, chất phiêu lưu và hành động song hành, chất hài và bi hòa trộn và được tính toán rất “chuẩn” Hollywood để khán giả khó lòng “out” ra khỏi mạch phim.

Cuộc chạy giặc của mẹ con bé An chạm vào khán giả bằng nỗi đau của người mẹ phải đưa lưng mình gánh đạn thay con và những lời trăng trối nhòa lệ. Chỉ với một cảnh phim này, Hồng Ánh, nữ diễn viên thế hệ 7X đã ở lại trong lòng khán giả

Một điểm mạnh của Nguyễn Quang Dũng ở phim này là cách dàn dựng ở những đại cảnh hành động rất tốt, từ cảnh giải cứu Võ Tòng trong đại cảnh hành động đầu tiên đến cảnh đột nhập “dinh quan Pháp” trong đại cảnh lần hai và đại cảnh đêm Trung Thu cuối cùng.

Cả ba đại cảnh đều có rất đông diễn viên diễn xuất, từ diễn viên chính phụ đến quần chúng nhưng họ đều phối hợp nhịp nhàng, khó lòng bắt lỗi. Anh cũng chứng tỏ sự vững tay trong những dàn cảnh kiểu “ensemble staging” (dàn cảnh nhóm) qua những phân cảnh cần phải phối hợp diễn chung giữa nhiều diễn viên.

Chỉ đạo diễn xuất (có sự hỗ trợ của Trấn Thành) giúp dàn cast diễn mượt mà, tuy có vài cảnh hơi “over” theo kiểu Trấn Thành, ngay ở vai diễn của chính anh (Bác Ba Phi) nhưng về tổng thể là kích thích được cảm xúc của khán giả, khiến họ yêu ghét rõ ràng và không ngừng bàn tán về các vai diễn và nhân vật.

Riêng cảnh về các hội nhóm/tổ chức yêu nước ngồi trên thuyền bàn bạc cách giải cứu tù binh hay chống thực dân Pháp trong rừng tràm khiến tôi nhớ tới cảnh họp du kích tương tự trong bộ phim kinh điển Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến và do ba Dũng là nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản - khiến tôi thực sự cảm động.

Tôi cho rằng đây là một cách “tri ân” của Nguyễn Quang Dũng dành cho thế hệ đi trước, từ dòng phim cách mạng một thời lừng lẫy đến sự riêng tư cho người cha quá cố của mình. Chỉ riêng với cảnh đó, tôi dành một điểm cộng cho anh!

Những điểm hạn chế cần được khắc phục (cho phần tiếp theo)

Nói như vậy không có nghĩa là tôi không cho vài điểm trừ về cả ngôn ngữ điện ảnh lẫn kỹ thuật, kỹ xảo; về bối cảnh lẫn dàn cảnh của phiên bản điện ảnh 2023. Bối cảnh phục dựng các đại cảnh dù rất đầu tư về sản xuất, tạo được “visual” khá ấn tượng về mặt thị giác nhưng hơi thiếu “hồn” và vẫn “mới” quá, mang lại cảm giác không chân thật lắm.

Ngôn ngữ thoại dù sinh động và đỡ “giả” hơn rất nhiều so với nhiều phim Việt khác, nhưng lại lạm dụng “bắt trend” ngôn ngữ của gen Z khiến đang xem phim xưa mà tôi bị kéo giật về thời nay. Cảm giác đó như một hạt sạn mắc răng làm mất “bữa ngon” của khán giả vậy.

Dù hấp dẫn về mặt thị giác, ba màn đại cảnh hành động chưa có sự khác biệt rõ rệt. Đặc biệt trong đại cảnh cuối phim để tạo cảm xúc bùng nổ cao trào, khiến đoạn kết phim hơi chơi vơi cảm xúc và thực sự chưa chín tới.

Phim cũng chưa thực sự hoàn thiện về mặt sáng tạo CGI, tạo cảm giác “giả” và “sượng” ở một số cảnh: con cò chao liệng để “mời gọi” hành trình đầu phim, cảnh đàn đom đóm kết lại thành “vong hồn” của hai người mẹ An và bé Xinh trong đêm rằm… khiến tôi vẫn hơi ngần ngại cho điểm độ “bom tấn” của phim.

Bảo Ngọc vai bé Xinh (trái)

Cuối cùng, nhóm sáng tạo và cố vấn của bộ phim cũng cần nghiên cứu để khắc phục những điểm gây tranh cãi không đáng có về bối cảnh, trang phục và yếu tố lịch sử, cho dù là dòng phim xưa (period film) như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trả lời phỏng vấn đi nữa, cho các phần tiếp theo (nếu có).

Sau đại cảnh kết phần 1, đạo diễn tiếp tục “mời gọi” khán giả bước vào phần tiếp theo với hành trình của An về phía trước. Vẫn còn khá nhiều chất liệu hay từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi lẫn phim truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho các nhà sáng tạo điện ảnh nhào nặn theo tinh thần mới.

Tôi hy vọng (những) phần tiếp theo (nếu có) dù vẫn mang hơi hướng của dòng phim phiêu lưu hành động, nên bám sát một số sự kiện lịch sử có thật để kích thích lòng tự hào dân tộc, yêu thương con người lầm than phương Nam thời thực dân. Vụ án Đồng Nọc Nạn xảy ra năm 1928 là một ví dụ tuyệt vời để “ghi điểm” với khán giả.

Trong tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, ở chương cuối có tên là “Lên đường chiến đấu”, có đoạn: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy vẫn không bao giờ thay đổi.” Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố trước năm châu thế giới những lời đanh thép ấy. Mà đó cũng là tình cảm của đồng bào chúng ta.”

Đó là những lời của thầy giáo Bảy trước những người chiến sĩ vạm vỡ đang giương cao ngọn cờ tổ quốc và những người dân quân yêu nước vây quanh, trong đó có An và tía nuôi của cậu… Không khí trang nghiêm và thiêng liêng trong buổi lễ tuyên thệ của trung đội du kích địa phương… là một ví dụ khác về sáng tạo chất liệu gốc cho bản điện ảnh mới.

Tôi tin, nếu làm tốt các chất liệu này, (các) phần tiếp theo của Đất rừng phương Nam sẽ còn “bùng nổ” hơn nữa và tránh được những tranh cãi không đáng có như bản phim hiện tại.

Thời điểm vàng để điện ảnh Việt cất cánh và bay xa

Cuối cùng, với tôi, bộ phim giải trí có tầm vóc như Đất rừng phương Nam là tác phẩm vô cùng cần thiết trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam hiện tại.

Tôi mừng vì các nhà làm phim đã biết khai thác và tôn vinh những chất liệu văn hóa bản địa, chất liệu có sẵn từ văn chương, truyền hình của thế hệ đi trước theo góc nhìn và cảm quan mới mà vẫn chạm được vào người xem.

Cái đẹp mãn nhãn của thị giác trong Đất rừng phương Nam điện ảnh khác hẳn cái đẹp chân chất bình dị trong Đất phương Nam truyền hình

Tôi vui, vì trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, không chỉ phải cạnh tranh với phim chiếu rạp của Hollywood, Hàn Quốc, Nhật, Thái mà còn phải cạnh tranh với những bộ phim phát trên các nền tảng trực tuyến đang bùng nổ. Phim Việt gần như đang thất bại một loạt trên “sân nhà,” Đất rừng phương Nam vừa ra rạp đã thành sự kiện lớn của truyền thông chứ không chỉ dừng lại ở điện ảnh nữa.

Điện ảnh Việt cần phải có những bộ phim tầm vóc như Đất rừng phương Nam để dẫn đường, để lấy lại tình yêu và sự tin tưởng của khán giả nội địa với phim nội địa.

Tôi cũng tin rằng bộ phim này sẽ kích thích sáng tạo cho nhiều bộ phim giải trí thương mại ra đời với những tiêu chuẩn cao hơn. Cũng như bộ phim nghệ thuật Bên trong vỏ kén vàng thắng giải Máy quay vàng tại LHP Cannes 2023 của Phạm Thiên Ân đã kích thích sự sáng tạo và dấn bước cho nhiều đạo diễn thuộc dòng phim độc lập và nghệ thuật ra đời vậy.

Và không gì tuyệt vời hơn nếu điện ảnh Việt mạnh và đa dạng cả về dòng phim thương mại lẫn nghệ thuật, phim giải trí lẫn phim độc lập. Hơn 20 năm theo dõi điện ảnh Việt và lội ngược dòng thời gian để khảo cứu điện ảnh Việt từ buổi sơ khai, tôi thấy đây mới thực sự là thời điểm vàng để điện ảnh Việt cất cánh và bay xa.

Nguồn: Bài viết của Lâm Lê, Vietcetera