Đạo diễn Sài Gòn Yo là một cái tên tuy lạ mà quen của điện ảnh Việt Nam những năm gần đây - Stephane Gauger. Anh là tác giả của Cú và chim se sẻ
- bộ phim truyện độc lập đã được lòng công chúng và báo chí hai năm
trước với những cảnh quay sử dụng máy cầm tay ấn tượng. Lần này, Sài Gòn Yo
tuy là một dự án có tính thương mại nhưng đông đảo nhà sản xuất - đều
là bạn bè của Stephane vẫn tiếp tục ủng hộ lối kể chuyện giản dị, chân
thực của đạo diễn. Stephane cũng chính là tác giả kịch bản của bộ phim,
trong đó riêng phần thoại được những công dân Sài Gòn trẻ trực tiếp
"Việt hóa", thổi hồn. Dù có khá nhiều bộ phim trong nước và nước ngoài
trước đó làm về đề tài Hip Hop, Stephane vẫn tự hào vì Sài Gòn Yo
của anh chủ yếu tập trung vào những vũ công đường phố với rất nhiều mâu
thuẫn, đúng như thực tế phát triển của bộ môn nghệ thuật dành cho giới
trẻ này.
Phim bám sát chủ đề "Mỗi bước nhảy đều có một câu chuyện". Vì thế, qua
từng cảnh quay, khán giả xem phim có thể thấy được chuyện của Mai, cô
gái trẻ giỏi múa lụa đã truyền cảm hứng cho Do-Boy cao thủ hip-hop sáng
tạo ra những điệu nhảy độc đáo; rồi khao khát vượt khó vươn lên của
Do-Boy và Kim cũng như những đứa trẻ lớn lên từ đường phố; cuộc chiến
giữa nhóm và những đối thủ của họ, những kẻ coi hip-hop như một thứ thời
trang khoa trương… Không nhiều kịch tính, không có những đại cảnh dàn
dựng trên sân khấu hoành tránh, Sài Gòn Yo tập trung khắc họa
những khoảnh khắc đời thường nhưng xúc động của các vũ công đường phố.
Trong đó, họ bất ngờ tìm thấy tình yêu, bị phản bội và tìm lại niềm tin…
Trong
phim, Sài Gòn không đơn thuần sôi động, lung linh, xa xỉ, mà còn có cả
những nét bụi bặm của một đời sống đường phố không ít hiểm nguy. Một Sài
Gòn của những người trẻ, có cách thể hiện mình rất sống động trong một
xã hội hiện đại và đang phát triển nhanh.
Đây cũng là lần đầu tiên diễn viên trẻ Vân Trang tham gia một vai diễn trong phim điện ảnh, vì thời gian quay của Sài Gòn Yo đã diễn ra trước khi Cô dâu đại chiến
diễn ra. Cũng như những bạn diễn khác của mình, Vân Trang không trang
điểm cầu kỳ hay vận trang phục lộng lẫy. Cô diễn mộc mạc, cùng với những
vũ công như Anh Hiền, Quỳnh Hoa kể lại câu chuyện của thế hệ mình.
Sài Gòn Yo
là bộ phim về đề tài giải trí nhưng cách làm thì không dễ xem chút nào.
Bên cạnh đó, lối sử dụng quá nhiều cảnh quay động của máy cầm tay để
theo dõi những bước nhảy có tiết tấu thay đổi thường xuyên dễ khiến khán
giả chóng mặt. Đó vừa là thế mạnh vừa là nhược điểm ở cách kể chuyện
của Stephane. Chắc rằng khi ra mắt, phim sẽ nhận được sự tranh luận
nhiều chiều. Một sự tranh luận cần thiết đối với một tác phẩm điện ảnh
Việt Nam đáng chú ý trong mùa hè này như Sài Gòn Yo.
Nguồn: Hà Nội mới online