Có lẽ đến hơn nửa bộ phim, tôi vẫn chưa hiểu Cianfrance muốn chuyển tải
điều gì – là thế giới dơ bẩn của viên chức chính phủ, hay nỗi khổ của
những người nghèo muốn vượt lên trên số phận dường như đã định sẵn cho
họ từ lúc sinh ra đời. Có khi tôi lại nghĩ, à hay ông này bây giờ giở
chứng làm phim trả thù xuyên thế hệ kiểu Trung Quốc để đổi gió cho mảng
điện ảnh độc lập của Mỹ chăng? Đến khi cảnh phim cuối cùng dần nhòa đi
và tiếng nhạc vang lên, tôi mới nhận ra Cianfrance chẳng quan tâm lắm
đến bất kỳ yếu tố nào trong ba điều kể trên, mà anh chỉ đang vẽ lại gia
đình của chúng ta, gia đình rạn nứt của
Blue Valentine qua những nhân vật kỳ bí hơn, những câu chuyện ít mang tính hiện thực hơn.
Nhưng hơn cả những sứt mẻ trong một gia đình bất kỳ, anh
cố gắng đi tìm câu trả lời về ảnh hưởng của cha mẹ (hay của việc thiếu người cha) đến con cái, của thế hệ trước đến thế hệ sau. Bảo rằng
cố gắng,
vì phim còn nhiều khiếm khuyết, nhưng vẫn là nỗ lực thể hiện cùng một
chủ đề mà anh quan tâm – gia đình – theo một hướng làm phim mới. Và với
hai hoàn cảnh đối lập nhau, một bên là dân anh chị cả đời lầm lỗi, một
bên lại là gia đình danh giá có học, điều anh muốn phản ánh càng rõ rệt
hơn: dù giàu hay nghèo, dù lầm lỗi hay mẫu mực, cuộc đời vẫn là cái vòng
luẩn quẩn và con cái vẫn luôn cần cha mẹ, dù là sự hiện diện của một
người cha đi cướp nhà băng hay của người cha đi bắt kẻ cướp. Những cậu
bé trong phim lớn lên không có cha khao khát tình cảm đó và tìm cách
khỏa lấp lỗ hổng ấy bằng những cách lệch lạc khác nhau.
"Anh muốn được hiện diện khi con lớn lên"
Có thể nhiều người xem sẽ ầm ĩ phản đối, cho rằng Cianfrance đang đả
kích những người nuôi con đơn thân, nuôi con không phải là con ruột do
mình đẻ ra, nhưng tôi không hề cảm thấy đó là điều anh đang nhắn nhủ. Rõ
ràng những người cha ruột trong phim đều là những kẻ méo mó – kẻ đi
cướp nhà băng để nuôi con và người tình, kẻ cố ý lợi dụng lần vô tình
bắn chết tội phạm để trục lợi cho bản thân – và ai biết được nếu những
đứa trẻ này được (hay bị?) những người cha ruột ấy nuôi, chúng sẽ còn
lệch lạc hơn khi không có họ hiện diện?
Nhưng dù cho cha mẹ những
đứa trẻ đó, cha mẹ chúng ta, có là những cá thể không tròn trịa đến
đâu, ta cũng chẳng thể chối bỏ ta là con của họ. Chẳng ai bắt ta phải
giống họ, phải yêu thương họ tuyệt đối, nhưng đối diện với quá khứ, chấp
nhận quá khứ, để rồi vượt qua quá khứ đó hay lặp lại lịch sử – là quyết
định riêng của mỗi người.
Jason biết được cha mình từng là kẻ
cướp, cũng từng là một tay biểu diễn lượn xe tài ba, và cậu tự hào về
điều đó. Cậu rời thành phố đã mang nhiều đau thương ra đi đến một chân
trời mới, biết đâu cậu sẽ có một tương lai sáng sủa hơn cha mình, cũng
có thể cậu sẽ lại bước vào vết xe đổ ấy. Nhưng cậu đã
biết (bởi vì nhiều khi người lớn quên mất trẻ con có quyền được
biết), đã chấp nhận, và tiếp tục sống.
Hay
như AJ – người mang chính tên của cha mình – hiểu rõ bộ mặt thật đằng
sau hình ảnh cha trước công chúng, sẽ tiếp tục nghiện ngập rượu chè chơi
bời, rồi tiếp tục tươi cười xuất hiện với tư cách con trai của Bộ
trưởng Tư pháp tiểu bang mỗi ngày, là con đường mà cậu chọn.
Cảnh người mẹ khóc khi chụp hình, và Luke bịt mắt người tình để chỉ còn nụ cười ở lại trong ảnh
Dù rẽ theo hướng nào, chúng ta cũng chẳng thể thoát được quá khứ – là
cuộc đời và quá khứ của cha mẹ ta. Rồi như chiếc áo cũ kỹ đã phai màu,
ta có thể tiếp tục mặc áo ấy, cũng có thể cất nó đi vào một góc để rồi
quên lãng, nhưng chẳng bao giờ có thể đốt được. Vì dù muốn hay không, nó
cũng đã là một phần bất di bất dịch của ta.
Với không gian rộng hơn và cốt chuyện phức tạp của hai mảnh đời đối mặt nhau,
Pines đôi
khi gây cảm giác rời rạc, cố gắng chuyên chở những tình huống và chủ đề
quá sức gồng của kịch bản phim. Nhưng Derek Cianfrance vẫn giữ được
điểm mạnh nhất của mình – những chi tiết mấu chốt trong phim của anh
luôn hướng về đời thực, chẳng có ai là người tốt và cũng không ai hoàn
toàn xấu, một tên đua xe biểu diễn quèn tham vọng đi cướp nhà băng để
rồi chết trong tay tên cảnh sát cũng chẳng giàu kinh nghiệm ngành nghề
hơn là bao.
Có những điều trong đời thực không thể xảy ra – ví
như anh Luke là kẻ cướp tay ngang lại cướp hết nhà băng nọ đến nhà băng
kia và tẩu thoát được mọi cuộc rượt đuổi của cảnh sát, rồi nắm tay vợ
con mãi mãi hạnh phúc là điều không thể, và trong phim của Cianfrance
cũng là không thể. Điều gì phải xảy đến sẽ xảy đến, chính Luke điên rồ
bạt mạng hiểu rõ điều đó và chấp nhận số phận của mình. Và ta ngậm ngùi
ước gì anh ta làm được điều không thể, nhưng rốt cuộc thì, chính anh đã
chọn cho mình con đường đó, kết thúc đó.
Ryan Gosling (phải)
Tôi thích cái cách Cianfrance xây dựng nhân vật Luke bạt mạng nhưng lại
không hề lãng mạn hóa nhân vật của mình. Có thể khán giả hy vọng một kết
thúc tốt hơn cho Luke, nhưng có ai lại đồng ý việc đi cướp nhà băng để
nuôi con là đúng đắn? Và có ai muốn một người cha bạo lực, tính khí thất
thường như Luke nuôi dạy mình chăng?
Cũng thế, Avery không xấu –
anh ta chỉ lợi dụng tình thế và trí thông minh của mình để đẩy lùi
những chông gai trước mắt. Anh vốn tưởng mình không tham vọng như cha,
không có hứng thú với đấu đá chính trị, nhưng đến cuối anh vẫn đi theo
con đường đó – để trở thành Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang. Đâu phải vô
tình mà Cianfrance dựng nên vòng tuần hoàn ấy ngay từ đời ông sang đời
cha đến đời con?
Cũng nhờ tính thực tế trong từng chi tiết đó
nên dù có nhiều tình huống mà tôi hay gọi là “như xi-nê”, phim vẫn rất
cảm động với những cảnh quay về cha mẹ, con cái và mối tơ vò thương nhau
– ghét nhau đó ta từng gặp qua ở
Blue Valentine. Cảnh tôi nhớ
nhất – và cũng là cảnh mà Jason sẽ luôn ghi nhớ trong lòng – là khi Luke
bế con đứng cạnh người tình chụp hình “cả nhà” ba người, khi người mẹ
không thể kìm được nước mắt vì cô hiểu rõ hạnh phúc đó ngắn ngủi biết
bao, và Luke lấy tay che mắt cô lại, để trong ảnh trông cô chỉ như đang
cười rạng rỡ. Ryan Gosling vẫn mang vẻ tự nhiên diễn như không diễn
trong vai kẻ lưu manh bất cần đời của mình, và Bradley Cooper cũng hoàn
thành vai diễn rất tốt với vẻ ngông nghênh tự tin thái quá tôi đã gặp
trong
Silver Lining Playbook.
Diễn xuất của Bradley Cooper trong phim
Là ai cũng thế, gã lưu manh hay tên cảnh sát, đều có điểm chung là tình
thương dành cho con cái. Dù đôi khi – dù nhiều khi họ không hoàn thành
bổn phận làm cha làm mẹ, nhưng tình cảm đó vẫn luôn chảy trong họ, khiến
họ sống hay làm họ chết. Là Luke bất chấp hiểm nguy phạm tội để kiếm
tiền cho con, là Avery cả đời đeo mặt nạ giả dối nhưng đến lúc cận kề
cái chết chỉ còn nghĩ đến an nguy của con mình.
Những người cha,
người mẹ ta thương, ta giận, ta ghét, và đôi khi không nhìn. Nhưng họ là
một phần của ta, một phần của cái chữ “người” nặng trĩu.
Ta mang
gánh nặng ấy bước đi trên mặt đất này mệt nhọc, và đi đến khi đã thấm
mệt, dừng chân lại mới nhận ra, “Cha mẹ ta cũng từng đi qua chỗ này”...
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi