Một bộ phim mang ý tưởng lạ với cách thể hiện đơn giản của Nishikawa Miwa – đạo diễn từng thực hiện Dear Doctor, cũng lại là một phim có nội dung lạ về lằn ranh mập mờ giữa đúng và sai, thật và giả.
Phim để lại dư vị khó tả, có cảm động xen chút bối rối nhưng không hề
bất ngờ. Bối rối, bởi Nishikawa chưa bao giờ đưa ra lời giải đáp cho
những hành động có vẻ như vô cùng mâu thuẫn của Satoko, mà bắt người xem
phải tự đi tìm câu trả lời cho mình. Satoko muốn gì, cô ta đi tìm tiền,
hay tình, hay phải chăng cô ta cho rằng mình quá bản lĩnh để có thể
xoay chuyển tình thế, dùng tiền giữ tình và đưa mọi thứ trở về trạng
thái ban đầu?
Một người phụ nữ “bán” chồng, cho anh ta qua tay
với mọi loại đàn bà trên đời, xấu cũng thế mà đẹp cũng thế, chỉ cốt sao
lừa gạt được họ để họ tin anh ta yêu họ và cho anh mượn tiền. Satoko yêu
chồng, có lẽ là rất yêu, thế nên cô mới cố cầm nước mắt bảo cha mình
rằng mọi chuyện vẫn ổn và chồng mình đã biết chăm chỉ làm ăn hơn trước,
mới chạy điên loạn trong đêm cố gắng cứu vớt một mảnh ước mơ đã tan
thành mây khói giây phút nó bắt đầu nhen nhóm. Tôi thích hình ảnh ngọn
lửa thiêu rụi quán ăn của vợ chồng Satoko xuyên suốt phim, đồng tiền
suýt bị lửa đốt trở thành công cụ khơi dậy ước mơ làm lại từ đầu, và
đồng tiền lại là ngọn lửa bùng cháy nuốt trọn thân xác tâm hồn họ.
Nữ diễn viên Matsu Takako với vai diễn ám ảnh trong Yume uru futari
Thế nhưng mọi sự lại không đơn giản ở chữ tiền – Satoko muốn tiền để xây
lại quán ăn ngày xưa, nhưng hơn thế, cô muốn trả thù những người đàn bà
có tiền để phung phí nuôi chồng cô. Bắt nguồn từ nữ khách hàng vô tình
ngủ với chồng cô trong một đêm cả hai buồn đời say khướt rồi trao cho
anh ta khoản tiền lớn – không phải vì có cảm tình gì với anh, mà để trút
đi một gánh nặng tinh thần, Satoko đã hận và muốn tất cả những người
phụ nữ sung sướng hơn cô phải trải qua cảm giác đau khổ, có lẽ cũng cùng
cảm giác cô đã trải qua khi biết chồng phản bội mình. Nếu chỉ là ước mơ
thì Satoko sẽ không cam tâm bán chồng cho những người đàn bà khác; sở
dĩ hành động của cô vượt qua mọi luân lý đạo đức chẳng phải vì sự hận
thù đã thôi thúc sao? Khi nghe đoạn tin cha mẹ hành hạ con cái trên
tivi, cả hai vợ chồng Satoko đều nghĩ đó là điều quá ghê gớm đồi bại –
đó là khi họ làm người ngoài cuộc phán xét người trong cuộc, nhưng nào
có ai biết tự phán xét mình khi chính bản thân đang thực hiện những điều
cũng đồi bại không kém.
Hay nói khác đi, “đồi bại” là từ mà đa
phần các khán giả xem phim sẽ gán cho Satoko và một phần nào đó, người
chồng “xuôi theo dòng nước”, đã lỡ phạm tội đối với vợ thì lợi dụng cái
tội đó để chuộc lại… tội, nhưng bản thân Nishikawa không hề phán xét
những nhân vật của mình. Điểm sáng nhất của
Yume có lẽ là những
câu chuyện rời rạc của những người phụ nữ cô đơn trong phim, ai trong
chúng ta cũng có một phần của họ. Họ là một phần của Nishikawa, và của
mọi người phụ nữ khác trên đời. Có lúc ta cần người đầu ấp tay gối, cũng
có lúc biết rằng tình yêu sẽ chẳng bao giờ đến mà vẫn cố níu kéo tia hy
vọng. Có khi sẽ căm hận đến tận xương tủy để rồi tìm cách trả thù, cũng
có khi vì chút tình chẳng được đền đáp đó mà sẵn sàng cho đi tất cả
những gì mình có và không đòi hỏi một tình yêu đền đáp. Đã là phụ nữ,
mấy ai không quặn lòng khi nữ vận động viên đẩy tạ hỏi Kanya, “Anh nghĩ
tôi là một quái vật ư? Anh nghĩ tôi sẽ đánh anh ư?” Điều Nishikawa phản
ánh dường như rất bình thường – những người phụ nữ cô đơn giữa xã hội
ngày càng đè nặng áp lực vừa phải lấy chồng sinh con vừa phải đi làm phụ
chồng trang trải ở thời buổi đắt đỏ này. Lấy chỉ vì cần có "cái thằng"
gọi là “chồng” cho họ hàng cha mẹ bớt "đưa lên thớt" mỗi ngày, hay là
một mình đi đi về về nhưng được hưởng tự do mang tên cô đơn? Có người
chọn giải pháp một và có người giải pháp hai, nhưng ngẫm lại thì, đời có
bao giờ toàn vẹn.
Phim quay với những gam màu lạnh, và ám ảnh
nhất vẫn sẽ là Satoko của chị Matsu – người đàn bà của mọi mặt tốt lẫn
xấu của con người. Nishikawa đôi khi làm tôi nhớ đến Koreeda, người đã
từng sản xuất phim của cô trước đây, nhưng xét toàn diện, Nishikawa
dường như đã tìm ra phương hướng làm phim rất riêng cho chính mình –
điều duy nhất cả hai đều có chung là lối làm phim quan sát chứ không kể
lể, phán xét, và hết mực tôn trọng các nhân vật của mình. Tôi nghĩ,
những đạo diễn ấy thấy bản thân trong nhân vật, và vì thế luôn yêu mến
nhân vật của họ như yêu chính mình vậy.
Yume uru futari nghĩa là "Đi bán giấc mơ (của cả hai)".
Thông tin phim:
Đạo diễn: Nishikawa Miwa
Kịch bản: Nishikawa Miwa
Năm sản xuất: 2012
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi