Phim theo kiểu không cốt truyện, nên không cần (và không nên) thắc mắc
vì sao thế nớ, vì sao thế ni. Ngồi xem phim nghe tiếng mưa rơi trong
phim và ngoài trời mưa cũng rơi, nhấm nháp tách cà phê đã nguội cũng đủ
chạm được vào cảm xúc của những người đang yêu trong phim. Hai anh chị
cùng làm cho đài phát thanh và cùng đi thu âm những âm thanh của thiên
nhiên – tiếng suối chảy, tiếng mưa rơi, tiếng gió lùa trên cánh đồng bất
tận. Và vì thế nên khi hai anh chị gọi điện cho nhau khi trời mưa rơi,
vừa nghe người kia thì thầm vừa nghe tiếng mưa rơi ở đầu dây bên ấy,
khung cảnh đó không hiểu sao lại tạo nên cảm giác thật ấm áp, như thể
người ở kia nhưng vẫn như đang ở đây cùng ta đi thu thanh những thanh âm
vẩn vơ vậy.
Phim là những khung hình đẹp nhẹ nhàng, cũng như tình yêu từ từ len lỏi
vào tâm hồn của những kẻ đang yêu để rồi đến một ngày, ta chỉ ước được
nhìn thấy nụ cười nào đó, thanh âm thì thầm ấm áp nào đó mỗi buổi sáng
thức dậy. Gió xuân dịu dàng, hạ về ve kêu miên man, sang thu gió cuốn lá
bay xào xạc, và đông về hoa tuyết phủ đầy mái tóc đen nhánh của tuổi
xuân xanh. Mùa chuyển, tình yêu cũng chuyển mình, đi hết chặng đường
ngọt ngào rồi đến trạm kết thúc.
Hay như vừa nghe được một câu trong bài hát của Trương Thiều Hàm, là “yêu đâu cần lý do, mà biệt ly cũng cần chi lời giải đáp."
Những thước phim gợi tôi nhớ nhạc Trịnh, khúc nhạc nào cũng là những áng thơ, và một trong những câu hát tôi yêu thích nhất,
Tôi đã yêu em như trẻ thơ
Đâu biết đôi khi có lìa xa(
Trong nỗi đau tình cờ - Trịnh Công Sơn)
thật
hợp với anh chàng trong phim với ánh mắt ngu ngơ ngây ngô ngốc ngốc
(đáng mến). Mối tình say đắm đầu tiên anh trải nghiệm lại gặp phải người
phụ nữ từng trải đã qua nhiều cay đắng trong quá khứ – cũng tựa như cậu
bé 15 tuổi tin mình có thể thay đổi cả thế giới bày tỏ khát vọng đó với
cụ già đã từng đi qua chiến tranh vậy. Là khi tình yêu quá vội vàng
nồng nhiệt chạm phải một tâm hồn sợ yêu, và sợ lại phải buộc mình vào
một cuộc sống hôn nhân biết đâu không lối thoát.
Ấy nhưng, đấy
chỉ là suy diễn của người xem phim, còn thật ra người ta yêu nhau rồi
hết yêu nhau đâu cần lý do, mà cho dù có còn yêu nhau thì đời vẫn có
nhiều ngã rẽ, đôi khi mỗi người chọn rẽ hai ngả khác nhau – dù có khi
còn ngoái đầu nhìn lại – nhưng rồi vẫn sẽ tiếp tục quay đầu bước đi cơ
mà.
Tôi rất thích triết lý cuộc đời vô thường và khái niệm tương đối của
phim, qua hình ảnh người bà của Sang Woo. Biết rõ chồng ngoại tình nhưng
bà vẫn từ chối không muốn thừa nhận điều đó, và dường như bệnh mất trí
nhớ của bà cũng là để xóa đi một cách cố chấp những ký ức lấm lem, để
chỉ giữ lại những ký ức đẹp bà muốn giữ, đẹp và không phai màu cùng thời
gian như chiếc áo hồng năm nao chồng tặng. Ngày ngày chờ chồng ở sân
ga, nhất quyết không tin rằng ông đã mất và cũng không thừa nhận ông đã
từng phản bội mình, khiến ta không khỏi nghĩ rằng ngày xưa, ông ấy đã
hết mực yêu thương vợ mình.
Để rồi có những đoạn thoại khiến người ta phải trăn trở suy nghĩ về cái gọi là “tuyệt đối” khi Sang Woo hỏi bà,
- Ngày xưa ông có tốt với bà không ạ?
- Có, ông đã chăm sóc cho bà rất chu đáo.
- Thế thì tại sao ông lại ngoại tình?Có
những thứ – những tội lỗi – tưởng như là tuyệt đối, là hoàn toàn không
thể tha thứ và cũng không có cách chuộc tội đền bù, có khi lại thật
tương đối. Một lần yếu đuối có phải sẽ phủ định tất cả những tình cảm
trước đó chăng? Tình cảm con người ta, có lẽ chẳng thể làm bài tính cộng
trừ những lỗi lầm và việc tốt làm được để suy ra kết luận. Bởi vì,
người ta còn chẳng hiểu hết chính tình cảm của mình cơ mà.
Phim
đẹp và thơ, và gợi lại những cảm xúc của những ai đã từng trải qua đâu
đó một (hay nhiều hơn một) cuộc tình. Nếu tìm kiếm một câu chuyện có
tính logic cao và có nhiều sự kiện thì không cần tìm nữa, ở đây… không
có.
Thông tin phim:
Tựa phim:
One Fine Spring Day (Bomnaleun ganda)
Năm sản xuất: 2001
Đạo diễn: Hur Jin Ho
Diễn viên: Lee Young Ae, Yu Ji Tae
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi