Nhân vật & Sự kiện

Tại sao Hollywood không chọn diễn viên châu Á

23/05/2016

Nói nhẹ nhàng thì: là một diễn viên gốc Á ở Hollywood không dễ dàng gì. Bất chấp một số tiến bộ trên màn ảnh nhỏ - nhờ ơn Fresh Off the Boat – phần lớn các vai diễn dành cho diễn viên gốc Á bị giới hạn ở những khuôn mẫu không khác gì trong phim hài của John Hughes những năm 80.

Vấn đề này thậm chí còn tồi tệ hơn khi những vai diễn vốn là nhân vật gốc Á cuối cùng lại thuộc về các diễn viên da trắng. Không may thay, những quyết định chọn vai này chẳng phải điển tích gì trong lịch sử Hollywood, như Mickey Rooney đóng vai I. Y. Yunioshi trong Breakfast at Tiffany’s, mà vẫn tiếp tục tới hiện tại.

Tilda Swinton, trái, trong vai Người Cổ (Ancient One), phim Doctor Strange

Disney và Marvel đã tung ra đoạn giới thiệu trong Doctor Strange, chuyển thể từ truyện tranh của Marvel. Sau khi đã mệt mỏi với tất cả ẩn dụ “người đàn ông da trắng tìm sự khai sáng ở phương Đông” trong gần hai phút, đoạn phim giới thiệu Tilda Swinton trong vai Người Cổ (Ancient One), một người đàn ông Tây Tạng thần bí trong truyện. Mặc dù việc chọn cô chẳng phải bí mật, có gì đó đáng lo về tạo hình đầu cạo trắng trơn của Swinton và y phục Á châu “huyền bí”. Nó gợi lại những ký ức chối tai về David Carradine trong Kung Fu, bộ phim truyền hình những năm 1970 thật trùng hợp lại chính là phiên bản da trắng hóa hình tượng Lý Tiểu Long.

Tiếp sau đó, DreamWorks và Paramount tung ra hình ảnh Scarlett Johansson vào vai người máy Motoko Kusanagi trong bản chuyển thể bộ anime kinh điển Ghost in the Shell. Hình ảnh này trùng với tin đưa rằng các nhà sản xuất đã cân nhắc sử dụng công nghệ để làm cho Johansson giống người châu Á hơn – cơ bản là hóa trang da vàng trong thời đại số.

Những cú ra đòn liên tiếp cho việc để các diễn viên da trắng đảm nhiệm các nhân vật châu Á cho thấy người gốc Á tiếp tiếp tục vô hình đến thế nào ở Hollywood. (Không nằm ngoài guồng tin tức da trắng hóa, hãng Liongate cũng hé lộ những hình ảnh đầu tiên của Elizabeth Banks trong vai Rita Repulsa, một nhân vật gốc Á khác trong bản khởi động lại Power Rangers gai góc.

Vai người máy Motoko Kusanagi của Scarlett Johansson (phải) trên phim so với
nguyên mẫu của nhân vật trong truyện tranh kinh điển
Ghost in the Shell (trái)

Tại sao việc tẩy Á vẫn là một điều có thể chấp nhận ở Hollywood? Không phải là mọi người không để ý: Mới năm ngoái, Emma Stone vào vai một nhân vật người Hawaii gốc Trung Quốc tên Allison Ng trong bộ phim bị giới phê bình chế nhạo Aloha của Cameron Crowe. Trong khi bộ phim này cổ súy sự bất bình tương tự (và sự quan tâm hờ hững ngoài phòng vé), không có cuộc đối thoại quốc gia nào về chính sách chọn vai phân biệt chủng tộc.

Đương nhiên, người gốc Á không phải là nạn nhân duy nhất của thiên hướng da trắng hóa kéo dài của Hollywood. Những bộ phim như PanThe Lone Ranger có các diễn viên da trắng vào vai người da đỏ, trong khi Gods of EgyptExodus: Gods and Kings tiếp tục truyền thống lâu bền để người da trắng vào vai người Ai Cập.

Trong tất cả những trường hợp này, các nhà làm phim dựa vào lý lẽ muôn thủa. Thông thường, họ khăng khăng rằng phim với người thuộc tộc thiểu số trong vai chính khá hên xui. Khi họp báo cho Exodus, đạo diễn Ridley Scott cho biết: “Tôi không thể dựng một bộ phim với kinh phí thế này” rồi công bố “nam chính của tôi là Mohammad này nọ đến từ đâu đó.”

Nhân vật người Hawaii gốc Trung Quốc tên Allison Ng của Emma Stone trong phim Aloha

Khi biên kịch Max Landis lên YouTube giải thích việc chọn vai cho Ghost in the Shell, ông cũng sử dụng lý lẽ tương tự. “Không có nữ ngôi sao châu Á hạng A nào hiện ở tầm quốc tế,” ông nói và trách người xem vì “không hiểu ngành này hoạt động thế nào.”

Lý lẽ của biên kịch Landis gần như theo dấu phát biểu của biên kịch Aaron Sorking. Trong thư điện tử trao đổi với giám đốc các hãng phim, ông phàn nàn về những khó khăn chuyển thể Flash Boys, cuốn sách của Michael Lewis về chuyên gia phố Wall Bradley Katsuyama, bởi “không có ngôi sao điện ảnh châu Á nào.”

Hollywood có vẻ không mấy lo lắng về những lý lẽ trên. Họ nói rằng không phải về chuyện chủng tộc; màu duy nhất họ thấy là xanh lá cây (màu giấy bạc đôla): lý do diễn viên gốc Á không được chọn mặt gửi vàng trong những phim này bởi chẳng ai trong số họ có thành tích gì ngoài phòng vé.

Nam diễn viên da trắng Johnny Depp vào vai một người da đỏ trong phim The Lone Ranger

Nhưng người ta đã nhầm. Nếu những người thiểu số là nguy cơ phòng vé, điều gì đã làm nên thành công của loạt phim Fast and Furious, với đại diện là một lực lượng đa dạng, cả trước và sau máy quay? Hơn bảy bộ phim đã thu về gần 4 tỉ USD toàn cầu. Sự thật là, một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Ralph J. Bunche về người Mỹ gốc Phi tại Đại học California, Los Angeles, cho thấy phim với các vai chính đa dạng không chỉ đem lại kết quả khả quan về doanh thu mà còn thu hút đầu tư từ các hãng phim và nhà sản xuất nhiều hơn.

Còn lý lẽ của Hollywood thì vẫn luẩn quẩn: nếu người gốc Á – và các chủng tộc thiểu số khác nói chung – thậm chí không được có mặt trong một bộ phim, làm sao họ xây dựng được thành tích phòng vé cần thiết? Còn tệ hơn nữa, thay vì thử sử dụng vị trí sừng sững của mình trong ngành để thúc đẩy sự thay đổi, những người trong nghề ở Hollywood như Landis và Sorkin chọn con đường dễ dàng, yếm thế.

Kể cả một bộ phim khiêm nhường như bộ ba Harold and Kumar với John Cho và Kal Penn cũng có thể bỏ một vốn thu bốn lời từ doanh thu phòng vé và bán băng đĩa. Trong khi đó, những phim với toàn các ngôi sao da trắng thất bại thường xuyên. Chris Hemsworth, tham gia trong phần tiếp theo của Huntsman, đã có nhiều thất bại hơn là thành công tại phòng vé, nhưng anh vẫn được coi là ngôi sao làm ra tiền.

John Cho (trái) và Kal Penn trong phim A Very Harold & Kumar Christmas

Những sự thật này mở ra bí mật nhỏ nhoi xấu xí của Hollywood. Kinh tế chẳng liên quan gì tới cách thức chọn vai phân biệt chủng tộc cả. Những phim mà vai chính đã được da trắng hóa tất cả đều thất bại thảm hại tại phòng vé. Đưa các diễn viên chính da trắng vào không đem lại thành tích gì trên những con số. Vậy thì tại sao đó vẫn là lối nghĩ truyền thống ở Hollywood?

Bao năm, khán giả cơ bản đã tẩy chay thể loại phim này, thế mà các hãng phim vẫn tiếp tục làm ra chúng. Hãy cùng nhau hy vọng Hollywood cuối cùng cũng biết lắng nghe.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.