Tin tức

Vấn đề của Hollywood đang gây thịnh nộ: Diễn viên da trắng vào vai người châu Á

27/04/2016

Hai bức ảnh được tung ra tuần trước về các phim sắp ra mắt nêu rõ vấn đề nhức nhối của Hollywood.

Bức ảnh thứ nhất là Tilda Swinton trong trailer Doctor Strange đầu tiên của Marvel, trong đó nữ diễn viên – trọc đầu và mặc áo tăng Tây Tạng màu trắng – vào vai Ancient One. Trong truyện tranh Doctor Strange, Ancient One giống Dumbledore lai Yoda: Khi bác sĩ phẫu thuật bị chấn thương Stephen Strange lang thang tới dãy Himalayas tìm sự khai sáng và chuộc tội, anh trở thành đệ tử của Ancient One tài giỏi huyền bí, và hoàn toàn là người châu Á.

Tilda Swinton trong trailer Doctor Strange

Một vài ngày sau, Paramount hé lộ bức ảnh đầu tiên từ bộ phim chuyển thể sẽ ra rạp năm 2017 Ghost in the Shell, một phim hoạt hình kinh điển Nhật Bản chuyển thể từ truyện tranh. Scarlett Johansson vào vai thiếu tá, một sĩ quan thi hành luật chịu nhiều nâng cấp máy tính khiến cô nhiều phần máy hơn người. Trong truyện tranh và phim, tên cô là Motoko Kusanagi, và điều đó dứt khoát chỉ định nhân vật là người châu Á.

Với lịch sử thảm hại, quy củ và gần như bị nghiện việc cho các diễn viên da trắng vào vai nhân vật gốc Á, việc như thế này không có gì mới. Xưa từ 1915 – khi Mary Pickford vào vai chính trong Madame Butterfly – các nhà sản xuất và đạo diễn đã không ngần ngại cho diễn viên nam nữ da trắng vào vai những người khác màu da. John Wayne, Katharine Hepburn, Anthony Quinn, Boris Karloff, Fred Astaire, Marlon Brando, Alec Guinness, Mickey Rooney, Joel Grey, Linda Hunt, Max von Sydow, Peter Sellers, David Carradine, Mike Myers – và nhiều, nhiều người khác – đã vào vai nhân vật gốc Á. (Và dựa vào mấy trò đùa chẳng tốt đẹp gì trong lễ trao giải Oscar năm nay, việc hạ thấp hình ảnh người châu Á sẽ không giảm đi.)

Khi xã hội Mỹ “bừng tỉnh”, vài người nhận ra chuyện thế này không ổn lắm. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục. M. Night Shyamalan cho diễn viên da trắng vào vai anh hùng trong phiên bản chuyển thể của phim truyền hình giả tưởng cực châu Á Avatar: The Last Airbender của ông. Lionsgate lao đầu vào sự bất bình khi trailer đầu của Gods of Egypt cho thấy các diễn viên da trắng vào vai các vị thần Ai Cập. Hãng phim buộc phải xin lỗi bằng một thông cáo báo chí: “Chúng tôi nhận trách nhiệm để đảm bảo các quyết định trong việc lựa chọn diễn viên phản ánh sự đa dạng và văn hóa của thời kỳ được đề cập tới.”

All You Need is Kill và phiên bản phim Mỹ, Edge of Tomorrow

Nhưng còn đáng lo và tăm tối hơn là hiện tượng xóa bỏ sắc tộc mới nổi – trong quá trình chuyển thể, các nhà làm phim gỡ bỏ sắc tộc gốc của các nhân vật để thành… cái khác. Một thứ mà Hollywood cho là an toàn phòng vé (mà nhiều người có thể nói là sai lầm).

Cho Edge of Tomorrow có Tom Cruise – dựa trên tiểu thuyết Nhật Bản All You Need is Kill – nhân vật chính có tên William Cage, một sự khác biệt sơ với Keiji Kiriya của tiểu thuyết. Trong The Martian, Chewitel Ejiofor vào vai nhân viên NASA Vincent Kapoor – nhân vật này có tên Venkat Kapoor trong tiểu thuyết của Andy Weir.

Điều này đưa ta đến với Johansson. Hình ảnh đầu tiên của Ghost in the Shell chỉ cho thấy cô vào vai thiếu tá, cẩn thận không nói lên tên thật của nhân vật. Cô có vào vai một nhân vật với tên châu Á, hay nó đã được viết lại để xóa đi sắc tộc này? Và cuối cùng tệ hơn cả: Hollywood không cho người châu Á vào vai người châu Á hay Hollywood giả vờ là người châu Á không hiện hữu?

Cũng đáng chú ý là Johansson là một trong các nhân vật chính trong Thế giới Điện ảnh Marvel và bộ phim gần nhất cô đóng vai chính, Lucy năm 2014, mang về 463 triệu USD doanh thu toàn cầu. Không có diễn viên châu Á nào có được sức hút toàn cầu đó. Cuối cùng thì Hollywood chỉ quan tâm duy nhất tới tiền mà thôi.

Scarlett Johansson và Motoko Kusanagi của bản phim Ghost in the Shell gốc

Khi Ejiofor tham gia The Martian sau khi Irrfan Khan từ chối vai diễn, lý do được đưa ra là chọn đúng diễn viên cho vai, bất kể sắc tộc. Lý luận tương tự đang được sử dụng để bảo vệ việc chọn Swinton cho Doctor Strange. Và đúng, không ai trên Trái Đất này có “phép biến hóa khác người” như Swinton, như mang gene người ngoài hành tinh trong mình.

“Tuyển diễn viên bất kể màu da” là từ Hollywood dùng khi giải thích việc cố đa dạng hóa các gương mặt ta thấy trên màn ảnh. Ta nghe cụm từ này khi những người tuyển diễn viên sẵn sàng tìm bất cứ ai, bất kể sắc tộc, để vào vai một nhân vật được viết ban đầu là người da trắng – bởi Hollywood căn bản là da trắng.

Nhưng dù nghe có đạo đức giả thế nào đi nữa, tuyển diễn viên bất chấp màu da không hoạt động theo hướng ngược lại. Mục đích là để các gương mặt ta thấy trên màn ảnh đại diện chính xác hơn những gương mặt ta thấy trên thế giới – một thế giới đang dần chịu sức ảnh hưởng từ (và trong trường hợp của Hollywood, là bị áp đảo bởi) châu Á.

Nhìn như thế này: Có hai đứa trẻ. Một đứa có 1.000 đồ chơi siêu nhân, trong khi đứa kia có mỗi một cái. Nếu lấy một hình siêu nhân từ đứa thứ nhất, có thể, nếu không phải là chắc chắn, nó sẽ không hề biết mình bị mất. Và kể cả có kêu ca, bất cứ người tỉnh táo nào cũng sẽ giải thích cho đứa bé đạo đức của việc chia sẻ, của sự hào phóng.

Chewitel Ejiofor, phải, vào vai nhân viên NASA Vincent Kapoor trong phim The Martian

Giờ, nếu lấy đi của đứa bé có mỗi một đồ chơi kia, nó sẽ đau khổ tột cùng. Đồ chơi đó hoàn toàn có thể là phao trí tưởng tượng, hy vọng, việc chơi nó có thể mở ra điều gì bên trong mà đứa bé không hề biết mình có.

Nếu ta có thể đồng ý là việc có hình ảnh đại diện là quan trọng, thì người da trắng đã được đại diện rất tốt rồi – trong khi việc nhìn thấy các gương mặt châu Á trên phim vẫn trên bờ không tưởng. Và có vẻ càng ngày càng không tưởng.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times