Tin tức

Cuộc phiêu lưu của điện ảnh Hồng Kông

04/07/2012

Điện ảnh Hồng Kông đang sáp nhập vào nền điện ảnh Trung Quốc rộng lớn hơn, thu về sức mạnh song đồng thời cũng mất đi bản sắc riêng

Điện ảnh Hồng Kông từng là một trong ba nền điện ảnh lớn nhất toàn thế giới, chỉ xếp sau Hollywood và Bollywood về năng suất. Nói chính xác là vậy. Nếu tính theo đầu người, điện ảnh Hồng Kông có thể còn lớn hơn bất kỳ nền điện ảnh nào trên thế giới.

Trái: Bản sắc anh hùng; phải: Chuyện đồng thoại mùa thu - những phim Hồng Kông thập niên 1980
có tiếng vang trong cộng đồng người Hoa khắp thế giới

Như mọi ngành công nghiệp điện ảnh khác, Hồng Kông cũng trải qua nhiều chu kỳ kinh doanh. Khi người viết bị phim Hồng Kông mê hoặc hồi thập niên 1980 - ở khu phố người Hoa tại San Francisco không hơn, nền điện ảnh này đang vươn lên đỉnh cao. Bản sắc anh hùng (1986) của Ngô Vũ Sâm khuấy động cơn sốt giữa những người yêu phim, kể cả cộng đồng người Hoa nhỏ bé giữa lòng thành phố cảng. Chuyện đồng thoại mùa thu (1987), câu chuyện xúc động về cộng đồng ở khu phố người Hoa tại New York, khiến một hàng dài người chen chúc vào khu người Ý lân cận để xem buổi chiếu ra mắt phim lúc nửa đêm. “Phụ nữ là rắc rối” ("Women are trouble"), câu nói phê phán chủ nghĩa sô vanh của Châu Nhuận Phát che giấu sự quan tâm của anh đối với nữ diễn viên chính, biến thành câu nói thông dụng khi anh phát âm sai từ "trouble", khiến câu này thành “Phụ nữ là ấm trà” ("Women are teapots").

Lượng người hâm mộ kỳ cựu của điện ảnh Hồng Kông tại Đại lục không có được nền giáo dục không chính quy từ các buổi chiếu tại khu phố người Hoa như tác giả bài viết. Họ học hỏi từ những chương trình chiếu phim nguyên ngày ở các sảnh mục nát trong các thị trấn nhỏ trên khắp đất nước. Các buổi chiếu đó vừa bao quát lại vừa có chiều sâu, dồn hàng thập kỷ xem phim lại chỉ trong vài năm.

Vào những năm 1990, nhiều phim Hồng Kông được quay tại Đại lục, sử dụng nguồn nhân lực dồi dào hơn và rẻ hơn, cũng như nhiều lựa chọn địa điểm. Trên danh nghĩa là đồng sản xuất, nhưng các đối tác Đại lục chỉ bỏ tiền vào bản quyền, mà thời đó phần này chỉ do các hãng phim nhà nước nắm giữ. Những phim như Tân Tây Du Ký (1995) hoàn toàn là chất xám của Hồng Kông.

Tạo hình của Châu Tinh Trì trong Tân Tây Du ký

Nhưng bộ phim bắt chước về Tôn Ngộ Không của Châu Tinh Trì không thành công cho tới khi các sinh viên đại học bắt đầu xem qua đĩa lậu và tạo ra đủ loại phiên bản từ đó. Người ta xem phim với sự sùng bái nhiệt tình đến mức nhiều câu thoại biến thành mật ngữ của giới trẻ.

Song, suốt thập niên 90, công nghiệp điện ảnh Hồng Kông lại xuống dốc, chạm đáy vào năm 2003 khi dịch SARS tấn công đặc khu hành chính Hồng Kông. Một phần do hậu quả của đại dịch và những lời bào chữa của ngành này và chính phủ Hồng Kông, chính quyền trung ương gom cả công nghiệp điện ảnh Hồng Kông vào gói thúc đẩy kinh tế của mình, có tên chính thức là Hiệp định đối tác kinh tế thân cận.

Theo chính sách mới này, phim Hồng Kông không còn bị xếp vào diện nhập khẩu và do đó, không bị giới hạn bởi hạn ngạch (20 phim mỗi năm vào thời gian đó, giờ tăng lên 34 phim). Là sản phẩm nội địa, phim Hồng Kông chịu mức độ kiểm duyệt nội dung tương tự.

Ấy vậy mà kiểm duyệt chỉ cho thấy phân nửa vấn đề, nửa còn lại là do các nhà làm phim Hồng Kông đang nhắm tới khán giả Đại lục. Độ nhạy cảm đặc biệt ẩn chứa trong nhiều phim Hồng Kông được cho là một phần của văn hóa địa phương, chỉ có ai biết tiếng Quảng Đông địa phương mới hiểu và không thể vượt quá vùng đồng bằng Châu Giang. Điều này bị loại bỏ trong nỗ lực vươn tới thị trường lớn hơn.

Thiên hạ vô tặc với Lưu Đức Hoa diễn cùng các diễn viên Đại lục: Cát Ưu, Lý Băng Băng, Lý Nhược Anh

Các nhà làm phim Hồng Kông có giá hơn trong những năm đầu của hiệp định, nhưng một nền điện ảnh hợp nhất thực sự lại không phát triển trong một thời gian dài. Một phim Đại lục như Thiên hạ vô tặc có thể mời được một siêu sao Hồng Kông (trường hợp này là Lưu Đức Hoa), nhưng thực chất vẫn là sản phẩm của Đại lục. Mặt khác, phim Hồng Kông ngày càng giao cho các diễn viên Đại lục nhiều vai diễn tiêu biểu. Những vụ cãi cọ ầm ĩ trên phim trường giữa hai bên thỉnh thoảng tràn khắp mặt báo, hậu quả của phong cách làm việc và đạo đức nghề nghiệp trái ngược nhau.

Diễn viên Hồng Kông bắt đầu nhận thấy sự gượng gạo đi kèm với thị trường bành trướng. Phim về tội phạm và phim kinh dị, hai thể loại được biết đến là dễ thu lời từ đầu tư và phục vụ cho việc đào tạo tài năng mới, lại bị cấm cửa vì thường rơi vào dạng phim cấm phát hành. Khó khăn hơn nữa là có những chi tiết nhất định có thể xung đột với kiểm duyệt.

Đầu danh trạng

Là những doanh nhân khôn ngoan, các nhà làm phim Hồng Kông rất nhanh nhạy trong việc đánh giá môi trường thay đổi và ít khi than phiền dưới danh nghĩa cảm xúc nghệ thuật. Đầu danh trạng (2007) của Trần Khả Tân tưởng chừng là bản làm lại của Blood Brothers (1973), nhưng hai bộ phim chỉ liên hệ với nhau bởi một vụ ám sát quan chức nhà Thanh có thật và, vì nhiều lý do không thể lý giải, có thể khiến nhiều nhân vật quyền lực khó chịu. Do đó, câu chuyện được hư cấu thêm nhiều.

Năm 2008, khi Họa bì được phát hành, khó mà phân biệt nguồn gốc của một phim tiếng Hoa. Câu chuyện ma quái của đạo diễn Trần Gia Thượng dựa theo một tác phẩm văn học kinh điển, do đó tránh được những quy tắc phi dị đoan. Viễn cảnh hợp nhất đằng sau bộ phim lịch sử này vượt qua mọi rào cản địa phương, và việc đạo diễn là người Hồng Kông có vẻ không liên quan. Phần tiếp theo sắp ra mắt do Ô Nhĩ Thiện, một đạo diễn mới từ Đại lục chỉ đạo.

Song, vẫn còn đó những băn khoăn tại sao phim Hồng Kông bế tắc. Giữa cơn sốt giành lấy thị phần lớn, điện ảnh Hồng Kông đã mất đi sức hút của mình - cho tới khi ai đó lại kể những câu chuyện tinh túy của Hồng Kông lần nữa và vô tình đạt được sự tán thưởng rộng rãi hơn, The Way We Are (Ngày và đêm ở Thiên Thủy Vi) (2008) của Hứa An Hoa và Echoes of the Rainbow (2010) của La Khải Nhuệ không định xâm nhập thị trường Đại lục, nhưng cuộc sống thường nhật của người dân Hồng Kông, như ta thấy trong những phim nghệ thuật nhỏ, lại gây tiếng vang với một lượng lớn khán giả Đại lục.

Trái: Ngày và đêm ở Thiên Thủy, phải: Echoes of the Rainbow - hai phim nghệ thuật nhỏ của Hồng Kông
lại thu hút một lượng lớn khán giả Đại lục

Bên cạnh đó, một số nhà làm phim Hồng Kông lui về để bảo tồn nhãn quan nghệ thuật của họ - hay vì phải làm thế. Đạo diễn Đỗ Kỳ Phong, được biết đến nhờ những phim tội phạm đậm chất ngụ ý chính trị, đến nay vẫn phản đối việc giảm bớt tính bạo lực và bóng gió đã thành thương hiệu của ông để tiến vào thị trường phía bắc. Những người khác thì tìm được chỗ phù hợp trong những thể loại quá giật gân để khán giả Đại lục tiếp cận. Thể loại tình dục có lẽ sẽ hồi sinh đôi chút sau khi phim 3D Sex and Zen: Extreme Ecstasy (2011) thu hút hàng loạt du khách Đại lục, vốn bị quyến rũ bởi màn trình diễn sinh động như thật trong những cảnh nóng, một phần không thể thiếu trong chuyến du lịch Hồng Kông của họ.

Những thể loại nhạy cảm khác chỉ nở rộ ở Hồng Kông bao gồm các phim về tình dục đồng giới công khai và sinh động như Amphetamine (2010) và Permanent Residence (2009).

Với những ai hiểu được ngôn ngữ nói của tiếng Hoa, dấu hiệu để nhận biết đó là phim Hồng Kông hay Đại lục là lời thoại. Nếu một phim hay thất bại khi xem bằng tiếng phổ thông thì đó là phim Hồng Kông, cho dù có thể phim được quay hoàn toàn tại Bắc Kinh hay Thượng Hải. Love in a Puff (2010) và phần tiếp theo Love in the Buff (2012) của đạo diễn Bành Hạo Tường nói về một cặp đôi trẻ tuổi người Hồng Kông yêu nhau trong những giờ nghỉ hút thuốc và sau đó chuyển đến Bắc Kinh. Thay vì tìm sự tương đồng đóng vai trò nền tảng trong hầu hết các mối tình của người thành thị, Bành Hạo Tường lại dùng những khác biệt vùng miền làm bảng màu tô vẽ cho một chuyện tình nay hợp mai tan. Câu chuyện bên lề về cô nàng Jane chất phác người Hồng Kông cuối cùng lại yêu một anh chàng hoàn hảo người Đại lục rất đơn giản và hài hước đả kích. Câu chuyện còn có thể hiểu được với ngụ ý về mối quan hệ đang phát triển giữa Hồng Kông và Đại lục, như những phim Hồng Kông khác ngầm bộc lộ một cách tinh tế.

Trái: Love in a Puff (2010) với bối cảnh câu chuyện hoàn toàn ở Hồng Kông,
phải:
Love in a Buff (2012): bối cảnh chuyển đến Bắc Kinh

Khi mà ngày càng nhiều nhà làm phim Hồng Kông trụ lại ở Bắc Kinh, Hồng Kông với địa vị là kinh đô điện ảnh phương Đông đã không còn tồn tại. Chuyên môn và nguồn lực từ Hồng Kông đã ngấm vào điện ảnh Trung Quốc thành một khối với sự chuyên nghiệp và bền bỉ. Bắc Kinh hiện nay là trung tâm làm phim Hoa ngữ, nhưng có lẽ Hồng Kông vẫn duy trì được vị thế thành trì của sức sáng tạo và sự kiên trì, trong điện ảnh hoặc lĩnh vực khác.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.