Tin tức

Hợp tác sản xuất giúp phát triển điện ảnh Hồng Kông

21/04/2014

Hồng Kông được coi là căn cứ điện ảnh lớn thứ ba toàn cầu và cũng là nhà xuất khẩu phim lớn thứ hai thế giới. Những ngày vinh quang của phim ảnh Hồng Kông thuần chủng đã hết – nhưng sự bùng nổ của hàng loạt sản phẩm hợp tác sản xuất trong ngành điện ảnh Hồng Kông đã xuất hiện.*

Họa bì II

Trong năm 2013, 42 phim sản xuất ở Hồng Kông được trình chiếu tại các rạp Hồng Kông, thu về 350 triệu đôla Hồng Kông ở phòng vé. Trong tốp 10 phim Hồng Kông bán chạy nhất, chín phim là hợp tác sản xuất. Mỗi phim thu về trung bình 24 triệu đôla Hồng Kông, gấp ba lần các phim sản xuất tại địa phương.

Với thị trường Trung Quốc Đại lục, khoảng cách doanh thu còn rộng hơn. Bộ phim 12 con giáp (Chinese Zodiac) của Thành Long chẳng hạn, thu về 10 triệu đôla Hồng Kông tại thị trường Hồng Kông nhưng gom tới 1 tỉ đôla Hồng Kông tại Đại lục. Trung Quốc đang trở thành thị trường quan trọng nhất cho các phim Hồng Kông.

“Nếu chỉ dựa vào thị trường Hồng Kông, sẽ không ai có lợi nhuận hết. Trong năm 2013, chi phí sản xuất trung bình của 42 phim Hồng Kông là 30 triệu đôla Hồng Kông. Nhờ thị trường Đại lục, chúng tôi mới có thể thu về kinh phí. Nếu muốn thăm ngôi sao hay đạo diễn nào đó, chỉ có thể thấy họ ở Bắc Kinh hay Thượng Hải chứ không phải Hồng Kông. Nếu khăng khăng tách sản phẩm ra khỏi Trung Quốc, sẽ không ai đầu tư vào phim đâu.” Crucind Hung, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh nói.

Cho dù các sản phẩm hợp tác đang có kết quả khả quan ở phòng vé, có thể thấy những bộ phim này vẫn không cạnh tranh được với bom tấn Hollywood. Năm ngoái, tổng doanh thu phòng vé ở Hồng Kông là 1,6 tỉ đôla Hồng Kông, và hơn 75% con số đó đến từ phim Hollywood. Chuyện tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc.

Tây du ký: Mối tình ngoại truyện

Có ý kiến cho rằng điện ảnh Hồng Kông nên bỏ các dự án hợp tác và chuyên tâm vào địa phương hóa để trở về thời kỳ vàng của những năm 1980. Nhưng các chuyên gia trong ngành tin rằng thời kỳ vàng 1980 có những yếu tố lịch sử đóng góp và tuyệt đối không thể được lặp lại.

“Sao có thể so sánh phim Hồng Kông với bom tấn Hollywood? Tôi phải nói là từ thời kỳ đầu lịch sử điện ảnh Hồng Kông, ta chưa bao giờ thắng Hollywood. Ảo ảnh thời kỳ vàng là bởi lúc đó ta chưa biết gì về phim Hồng Kông thôi,” đạo diễn Trần Gia Thượng nói.

Đạo diễn Trần đồng ý rằng các phim Hồng Kông nên tôn trọng khán giả địa phương. Nhưng tôn trọng không đồng nghĩa với địa phương hóa đơn thuần. Cách tân vẫn là chìa khóa thành công cho tương lai điện ảnh Hồng Kông.

“Tôi rất sợ khi người ta dùng từ địa phương hóa. Hollywood không bao giờ nói tôi không sản xuất phim này vì nó quá ngoại lai. Khái niệm địa phương hóa trong đầu họ là học từ bên ngoài và biến những gì mình học thành sản phẩm Hollywood. Ta phải giữ lấy ý này mà phát triển phim ảnh của mình,” Trần Gia Thượng nói.

Tứ đại danh bộ

Khắp nơi ở Hồng Kông, đều có thể thấy người Đại lục, người Hồng Kông, nói tiếng Quảng Đông và Quan thoại. Mối liên kết giữa đặc khu này và Trung Quốc Đại lục có thể phản ảnh trên phim ảnh Hồng Kông. Nhiều sản phẩm hợp tác, nhiều phim với nội dung phức tạp giữa Đại lục, Hồng Kông và Macau. Đây là khi nghệ thuật phản ánh cuộc sống.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CCTV


* Các hình ảnh trong bài này đều là những dự án phim hợp tác sản xuất giữa Hồng Kông và Đại lục

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi