Nhân vật & Sự kiện

Điện ảnh Hồng Kông chật vật tìm lại hào quang

27/04/2016

Một đêm đông ở thủ đô nước Đức, đạo diễn Hồng Kông Đỗ Kỳ Phong dẫn đầu đoàn phim của ông, Sparrow, bộ phim về những người móc túi của thành phố, bước lên thảm đỏ của buổi công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Berlin.

Đoàn phim đầy hăng hái với trang phục lộng lẫy vẫy chào người hâm mộ và các tay nhiếp ảnh xếp hàng dọc thảm đỏ, trả lời của phỏng vấn của các phóng viên bay tới đây từ mọi nơi thế giới. Ở thời điểm đó, Hồng Kông là trung tâm của vũ trụ.

Cảnh phim Sparrow của đạo diễn Đỗ Kỳ Phong

Đó là năm 2008 – lần cuối một phim Hồng Kông được chọn tranh giải Gấu Vàng, giải cao quý của một liên hoan phim đã kỷ niệm năm thứ 66 vào ngày 11 tháng 2 qua.

Phân tích các phim tham dự từ ba liên hoan phim cao quý nhất thế giới – Liên hoan phim quốc tế Berlin, Liên hoan phim Cannes và Liên hoan phim Venice – cho thấy các phim Hồng Kông có ít, gần như không có mặt trong các năm gần đây. Cũng không có phim Hồng Kông nào trong các đề cử Phim hay nhất cho Lễ trao giải Điện ảnh châu Á (Asian Film Awards) năm nay.

So với hồi cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000 khi phim và nhà làm phim Hồng Kông là trung tâm của sự chú ý, chen vai với những bậc thầy trên khắp thế giới và thậm chí đánh bại họ ở những giải lớn công nhận tài năng nghệ thuật, thì điện ảnh Hồng Kông chắc chắn đã mất đi sức hút.

“Đúng là không nhiều phim của thế hệ làm phim sau có thể đến được các liên hoan phim tầm cỡ đó,” đạo diễn Hoàng Tu Bình, một ngôi sao đang lên sau khi nhận được nhiều lời khen cho phim kinh phí thấp The Way We Dance và phim ăn khách She Remembers, He Forgets.

Cảnh phim She Remembers, He Forgets của Hoàng Tu Bình

“Chúng ta cần đưa phim của mình trở lại vũ đài thế giới,” anh nói. “Phim kể những câu chuyện ở Hồng Kông và mang bản sắc văn hóa xứng đáng có được sự chú ý của oàn thế giới, như điện ảnh Hồng Kông trong quá khứ.”

Những người trong ngành và các nhà phê bình nhận thấy sự hiện diện giảm sút trên toàn cầu của điện ảnh Hồng Kông trong thập kỷ qua có nguyên nhân lớn từ thị trưởng phim Đại lục mới nổi và sự suy giảm của ngành điện ảnh và truyền hình đặc khu này. Sự yếu kém đó xảy ra mặc cho chính sách của chính phủ và hỗ trợ công chúng cứu vãn tình hình.

Có người nói rằng khi thị trường phim Đại lục rộng lớn mang về lợi nhuận, nguồn cung gồm tài năng và tiền bạc chảy qua Hồng Kông. Với ít phim làm ở địa phương này và ngành truyền hình ngày càng nhỏ lại, các nhà làm phim trẻ có ít cơ hội tu luyện hơn, khiến họ khó bắt kịp các tiền bối như Đỗ Kỳ Phong.

Phùng Vĩnh, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Điện ảnh Hồng Kông, kết luận rằng có “20 năm khoảng cách” và “các tài năng trẻ ở đây chưa đạt tới tầm đó.”

Khoảng cách bộc lộ rõ trong danh sách tranh giải các hạng mục chính tại các liên hoan phim lớn. Số lượng phim Hồng Kông ít ỏi, và cơ hội tranh giải chỉ được trao cho các đạo diễn có tên tuổi.

Đạo diễn Đỗ Kỳ Phong (giữa) và dàn diễn viên trên thảm đỏ buổi chiếu Life Without Principle
tại Liên hoan phim Venice lần thứ 68, năm 2011

Từ 2007, Sparrow của Đỗ Kỳ Phong là phim Hồng Kông duy nhất tranh giải lớn tại Berlinale. Từ 2006, phim hành động ly kỳ Vengeance (2009) của Đỗ Kỳ Phong và My Blueberry Nights (2007) của Vương Gia Vệ là hai phim Hồng Kông duy nhất tranh Cành cọ vàng, giải cao quý nhất của Liên hoan phim Cannes. Đáng chú ý, phim của Vương Gia Vệ có một dàn sao nổi tiếng phương Tây, gồm Norah Jones và Jude Law.

Các phim Hồng Kông có thành tích tốt hơn tại Liên hoan phim Venice. Phim ly kỳ tội phạm Life Without Principle (2011) của Đỗ Kỳ Phong và phim chính kịch A Simple Life (tựa Việt: Dì Đào) (2011) của Hứa An Hoa được chọn tranh giải Sư tử vàng trong cùng một năm, và Diệp Đức Nhàn thắng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn ngươi hầu trong bộ phim của Hứa An Hoa.

Phim chính kịch ly kỳ cổ trang Detective Dee and The Mystery of Phantom Flame của đạo diễn Từ Khắc của Hồng Kông tranh giải tại Venice năm 2010, nhưng được coi là một tác phẩm của Trung Quốc Đại lục.

Năm trước đó có Trịnh Bảo Thụy vào cuộc với phim ly kỳ hành động Accident (2009); đạo diễn này, ở tuổi 44, là đạo diễn duy nhất từ thế hệ trẻ hơn. Còn lại là các đạo diễn ở tuổi 60+.

Đạo diễn Từ Khắc

Ở các liên hoan phim này, một số phim Hồng Kông được trình chiếu ngoài hạng mục tranh giải, ra mắt tác phẩm mới của các đạo diễn nổi tiếng như Đỗ Kỳ Phong, Từ Khắc, Vương Gia Vệ và Ngô Vũ Sâm. Bộ phim mới nhất của Vương Gia Vệ, siêu phẩm võ thuật The Grandmasters (Nhất đại tông sư), là phim mở màn cho Berlinale năm 2013.

Trái ngược là, số lượng phim được sản xuất mỗi năm tăng từ 51 năm 2007 – năm Quỹ Phát triển Điện ảnh được thành lập – tới 59 năm ngoái, theo số liệu từ Hiệp hội Điện ảnh và Sân khấu Hồng Kông. Doanh thu phòng vé tăng gấp đôi từ 1,1 tỉ đôla Hồng Kông năm 2008 tới gần 2 tỉ đôla Hồng Kông năm ngoái.

Bất kể xu thế gia tăng này, điện ảnh Hồng Kông vẫn chưa thể đến gần ngày tháng huy hoàng ở thập kỷ 90 khi gần 300 phim được sản xuất hằng năm, mang về cho thành phố cảng biệt danh “Hollywood phương Đông”.

Shu Kei, nhà làm phim đoạt giải và chủ tịch khoa phim và truyền hình tại Học viện Sân khấu, nói rằng các phim địa phương có thành tích tồi tàn trong thập kỷ qua. “Tiêu chuẩn nghệ thuật đã tụt lùi,” ông nói, bình luận thêm rằng thị trường hiện tại không cho phép các nhà làm phim trẻ tỏa sáng.

Đạo diễn Hứa An Hoa phát biểu nhận giải Đạo diễn xuất sắc cho A Simple Life
tại giải Kim Tưỡng (Hong Kong Film Awards - HKFA) lần thứ 31, năm 2012

Sự phát triển của thị trường phim Đại lục – giờ là thị trường lớn thứ hai thế giới sau Bắc Mỹ – đã lôi kéo các nhà đầu tư nhìn lên phía bắc, Shu nói. Khu vực này không thể sản xuất thêm được những ngôi sao hạng A thành công như Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ hay Trương Mạn Ngọc.

“Khi ngành phim đạt đỉnh cao, nó mang về rất nhiều đầu tư bởi sẽ sinh lời nhanh chóng,” Shu noi. “Nhưng khi lợi nhuận không tốt, các nhà đầu tư hết hứng thú.”

Phùng Vĩnh, một người có thâm niên trong ngành, nhớ về những ngày đầu của ông khi tham gia các phim kinh phí thấp với mục đích thắng giải.

“Nếu một dự án không có giá trị kinh doanh cao, chúng tôi phải đảm bảo có thể quảng bá được các thành tích về nghệ thuật,” ông giải thích. “Bên cạnh thị trường đại chúng, có một thị trường ngách cho điện ảnh nghệ thuật, nhưng dự án của bạn phải đạt một số yêu cầu.”

Đạo diễn Trịnh Bảo Thụy, bìa phải, cùng dàn diễn viên phim Accident trên thảm đỏ Liên hoan Venice năm 2009

“Sau hiệp định CEPA năm 2003, ngành phim Hồng Kông bước vào thời đại hợp tác sản xuất với các hãng phim Đại lục, vì những phim đó có thể được miễn quota của Đại lục và được phát hành khắp đất nước như những phim Đại lục khác.

Còn những phim Hồng Kông không hợp tác sản xuất với Đại lục, chúng chỉ có thể được coi là phim nhập, nhà sản xuất Winnie Tsang nói.

Phùng Vĩnh nói thêm là thị trường Hồng Kông với 7 triệu người không thấm gì so với thị trường 1,3 tỉ người của Đại lục. “Dù thị trường Đại lục không hẳn thoáng đãng và vẫn có vấn đề kiểm duyệt, tại sao không khám phá thêm thị trường này?” ông hỏi.

Nhưng khi thị trường Đại lục trở thành một mỏ vàng, các nhà đầu tư mất hứng thú với các thị trường địa phương nhỏ lẻ.

Vương Anh Vĩ, Chủ tịch Viện giải thưởng điện ảnh châu Á và Cộng đồng Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông, nói rằng số lượng phim hợp tác sản xuất tăng lên, và ngành phim Hồng Kông giờ có một khoảng trống trước mặt.

Các bảng quảng cáo phim tại Hội chợ phim Hồng Kông tháng 3/2016

“Những người làm phim như Từ Khắc đã đi làm phim Đại lục, và các nhà đầu tư cũng đi luôn,” Vương Anh Vĩ nói.

Một số nhà làm phim đơn giản là hết hứng thú với thị trường này.

“Doanh thu phòng vé Hồng Kông chỉ bằng 1/25 phòng vé Đại lục,” đạo diễn Vương Tinh từng nói.

Vương Tinh gần đây bị cư dân mạng phê phán khi nói về sự thất bại của thế hệ trẻ Hồng Kông trong việc kiếm tiền mua tài sản. Vài người kêu gọi bỏ phim bom tấn Tết From Vegas to Macau III của ông, một tác phẩm hợp tác sản xuất giữa Hồng Kông và Đại lục. Phần tiếp theo thu về hơn 1 tỉ nhân dân tệ tại Đại lục năm ngoái.

“Tôi chẳng lo về việc [phim bị khán giả quay lưng] chút nào,” vị đạo diễn, người thẳng thắn phản đối các cuộc biểu tình "Cách mạng ô dù" nói lại. “Mọi người kêu gọi quay lưng với phim sau đợt biểu tình nhưng From Vegas to Macau II vẫn là phim Hoa ngữ mang về nhiều tiền nhất,” ông viết trên tài khoản Weibo của mình.

Trương Gia Huy và Châu Nhuận Phát trong The Man from Macau II

Quỹ phát triển Điện ảnh, thành lập năm 2007, dự định lấp đầy khoảng trống đó. Với khoản đầu tư 300 triệu đôla Hồng Kông từ cộng đồng, quỹ này đã chịu chi 91 triệu đôla Hồng Kông để đầu tư cho 33 dự án đem về 96 giải thưởng trong và ngoài nước, dù chỉ số ít là các giải chính ở các liên hoan phim lớn. Trong số này có 17 phim đạo diễn đầu tay.

Hội đồng Phát triển Điện ảnh cũng thành lập Sáng kiến hỗ trợ phim đầu tay để giúp các nhà làm phim mới lập nghiệp, và hội đồng đã bắt đầu giai đoạn ba vào tháng 3 năm nay tại Filmart. Năm ngoái một kế hoạch tài trợ mới được thực hiện để hỗ trợ các nhà làm phim trẻ làm các dự án kinh phí thấp.

Kết quả, số lượng sản xuất tăng lên. Phùng Vĩnh nói số lượng “phim Hồng Kông thuần túy” – các dự án không liên quan tới Đại lục – tăng từ 16 năm 2011 lên 28 năm ngoái.

“Chúng ta chỉ có thể trao cơ hội cho những tài năng trẻ,” Phùng Vĩnh nói. “Họ thành tài ra sao là ngoài tầm kiểm soát.”

Thời gian và luyện tập là cần thiết, nhưng ngành truyền hình đang thu nhỏ của Hồng Kông cũng làm cho tình hình phức tạp hơn. Biên kịch và sản xuất Trần Tâm Dao liên tục kêu gọi thành phố cảng quan tâm tới mảng truyền hình, từng là nơi rèn giũa nhiều tài năng.

Từ trái qua: Lương Triều Vỹ, Vương Gia Vệ và Chương Tử Di tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 63,
Vương Gia Vệ là chủ tịch hội đồng giám khảo, còn
Nhất đại tông sư mở màn kỳ liên hoan phim năm 2013 này

Một số nhà làm phim như Đỗ Kỳ Phong và Vương Gia Vệ thắng giải tại các liên hoan phim quốc tế là người cũ của TVB. Nhưng sự thống trị lâu năm của nhà đài có nghĩa các tài năng không có sự vận động đi lên, theo nhiều người trong ngành.

Shu Kei cho rằng dùng các liên hoan phim quốc tế làm cột mốc để đo tiêu chuẩn nghệ thuật cho phim Hồng Kông không hoàn toàn công bằng.

“Các liên hoan phim đã trở nên thương mại hơn và theo đuổi một dàn sao để lôi kéo truyền thông,” ông nói. “Một số phim lựa chọn tranh giải còn không đạt tiêu chuẩn nghệ thuật.”

Nhưng hy vọng chưa bị dập tắt. Thành công gần đây của phim độc lập kinh phí thấp Ten Years, miêu tả khung cảnh u ám của Hồng Kông năm 2025 dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, vượt hơn 5 triệu đôla Hồng Kông tại phòng vé. Ba đạo diễn của phim từng là học trò của Shu Kei.

Cảnh trong phim Ten Year

“Chứng tỏ là chừng nào phim có ý nghĩa với khán giả, họ sẽ tiếp tục mua vé,” ông nói. “Thế hệ trẻ có quy tắc và theo đuổi sự xuất sắc trong nghệ thuật. Ta không được mất hy vọng.”

5 phim Hồng Kông được khen ngợi ở các liên hoan phim lớn của thế giới

• Happy Together (Xuân quang xạ tiết) (1997) – Đạo diễn xuất sắc nhất cho Vương Gia Vệ, Liên hoan phim Cannes

Có Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ đóng vai một cặp tình nhân trong mối quan hệ tan vỡ, bộ phim theo chặng đường đến Argentina tìm cuộc sống tốt đẹp hơn của họ. Bộ phim được khen ngợi trên toàn thế giới và đạo diễn Vương Gia Vệ nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes. Ông là đạo diễn Hồng Kông đầu tiên nhận giải này tại liên hoan phim lớn nhất thế giới.

• In the Mood for Love (tựa Việt: Tâm trạng khi yêu) (2000) – Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Lương Triều Vỹ, Cannes; Phim ngoài châu Âu hay nhất, Liên hoan phim châu Âu; Phim nước ngoài hay nhất, giải thưởng của Hiệp hội phê bình phim New York

Cũng do Vương Gia Vệ đạo diễn, bộ phim có Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc trong vai hai người phát hiện vợ chồng họ ngoại tình với nhau. Vai diễn nhà văn đau khổ vì tình đơn phương của Lương Triều Vỹ mang về giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Cannes, khiến anh là nam diễn viên Hồng Kông đầu tiên được vinh danh này.

• Centre Stage (Nguyễn Linh Ngọc) (1992) – giải Gấu bạc Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Trương Mạn Ngọc, Liên hoan phim quốc tế Berlin

Do Quan Cẩm Bằng đạo diễn, bộ phim dựa trên câu chuyện thật về Nguyễn Linh Ngọc, một ngôi sao của thập kỷ 30 được mệnh danh là “Greta Garbo Trung Hoa” nổi tiếng ở tuổi 16 nhưng tự tử ở tuổi 24. Diễn xuất mạnh mẽ của Trương Mạn Ngọc trong vai Nguyễn Linh Ngọc đã mang về giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Berlin.

• Summer Snow (Nữ nhân tứ thập) (1995) – giải Gấu bạc Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Tiêu Phương Phương, Liên hoan phim quốc tế Berlin

Do Hứa An Hoa đạo diễn, bộ phim có diễn viên kỳ cựu Tiêu Phương Phương vào vai một người nội trợ gánh trách nhiệm chăm sóc bố chồng mắc bệnh Alzheimer. Diễn xuất được chăm chút tuyệt diệu của Tiêu Phương Phương mang về giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Berlin.

• A Simple Life (2011) – Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Diệp Đức Nhàn, Liên hoan phim Venice

Nữ diễn viên gạo cội Diệp Đức Nhàn vào vai dì Đào, người giúp việc dành cả đời phục vụ một gia đình. Bộ phim chính kịch cảm động kể chuyện những ngày cuối của dì Đào và mối quan hệ của bà và thiếu chủ trẻ của gia đình do Lưu Đức Hoa thủ vai. Diệp Đức Nhàn thắng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Venice. Bộ phim là một phim của Hứa An Hoa được giới phê bình khen ngợi.


Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post