Tin tức

Tại sao Hàn Quốc chưa có họa sĩ hoạt hình bậc thầy dù có nhiều nhân tài và khán giả

21/07/2024

Sự quan tâm đến hoạt hình của khán giả Hàn Quốc rất mãnh liệt.

Với vô số người hâm mộ phim hoạt hình Disney và Pixar, cùng các đạo diễn như Hayao Miyazaki và Makoto Shinkai, thật khó hiểu tại sao nội dung phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc được công nhận trên toàn cầu cũng như sự phổ biến của truyện tranh, nước này vẫn chưa tạo ra được một bậc thầy thực sự trong lĩnh vực hoạt hình.

Khu chụp ảnh tại một rạp chiếu phim ở Seoul cho Inside Out 2, bộ phim đã vượt qua 7 triệu người xem trong vòng 28 ngày sau khi phát hành

Disney và Pixar từ lâu đã xây dựng được một lượng lớn người hâm mộ ở Hàn Quốc. Inside Out 2 đã vượt mốc 7 triệu lượt người xem chỉ sau 28 ngày ra mắt.

Elemental đứng thứ ba về doanh thu phòng vé hàng năm hồi năm 2023, sau 12.12: The DayThe Roundup: No Way Out.

Những đạo diễn đáng kính như Hayao Miyazaki và Makoto Shinkai cũng có lượng người theo dõi đáng kể ở Hàn Quốc. The Boy and the Heron của Miyazaki đã thu hút hơn 2 triệu người xem mà không cần tổ chức buổi chiếu báo chí vào năm ngoái. Suzume của Shinkai đứng thứ tư về doanh thu phòng vé Hàn năm 2023.

Phim hoạt hình Nhật Bản Suzume được quảng cáo tại rạp chiếu phim Seoul, ảnh chụp ngày 9 tháng 4 năm 2023

Xét sự quan tâm cuồng nhiệt dành cho hoạt hình của khán giả Hàn Quốc, thật ngạc nhiên khi một nhạc trưởng thực sự vẫn chưa xuất hiện ở quốc gia này.

Không phải do thiếu khả năng kể chuyện. Các nhà sáng tạo Hàn Quốc đã nhiều lần chứng tỏ năng lực của mình.

Squid Game (2021) của đạo diễn Hwang Dong Hyuk đạt được sự nổi tiếng trên toàn thế giới và Parasite (2019) của Bong Joon Ho làm nên lịch sử với bốn giải Oscar. Đạo diễn Park Chan Wook, biệt danh “Đạo diễn Cannes”, được Liên hoan phim Cannes yêu mến.

Pororo Popstar Adventure (2023) đã phát hành ở Việt Nam với tựa Pororo hành trình siêu sao âm nhạc

Môi trường không thuận lợi

Với những thành công này, câu hỏi vẫn là: tại sao Hàn Quốc vẫn chưa sản sinh ra một họa sĩ hoạt hình bậc thầy mặc dù sự quan tâm ngày càng tăng và tài năng được thể hiện ở các loại hình nội dung khác?

Vấn đề chính nằm ở môi trường.

Hahn Chang Wan, giáo sư về truyện tranh và hoạt hình tại Đại học Sejong, cho biết: “Người lớn ở Hàn Quốc không có nhiều cơ hội xem nội dung hoạt hình.”

Ông giải thích rằng để xem hoạt hình, người ta phải tìm đến những kênh chuyên biệt như Tooniverse và Animax, nhưng ngay cả khi đó, rất khó tìm được những bộ phim hoạt hình hướng đến người lớn trong khung giờ vàng.

The King of Pigs (2011) nổi tiếng của đạo diễn Yeon Sang Ho, phim hoạt hình ly kỳ tàn bạo đầu tiên ở Hàn Quốc

“Ở Nhật Bản, phim hoạt hình được chiếu rộng rãi tại các rạp, tạo ra một thị trường lớn hơn. Lượng khán giả của họ lớn gấp ba lần so với chúng tôi. Bởi vì hoạt hình được xem nhiều hơn phim người thật đóng nên công nghệ luôn đổi mới liên tục và có sự tích lũy các nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp, cho phép các ngôi sao xuất hiện,” giáo sư Hahn nói.

Ông nói thêm, “Ngay cả những bộ phim hoạt hình chiếu rạp kinh phí thấp cũng tiêu tốn ít nhất 3 tỉ won (2,5 triệu USD). Nó đòi hỏi hàng trăm người vẽ và khi phim không thu lại được dù chỉ 1 tỉ won, các nhà đầu tư trở nên khan hiếm và các dự án mới biến mất. Hậu quả là các nhà làm phim hoạt hình trẻ ngại tham gia vào thị trường này.”

Ông lưu ý rằng mặc dù có nhiều công ty hoạt hình ở Hàn Quốc nhưng hầu hết chỉ tập trung vào giai đoạn tiền sản xuất.

My Beautiful Girl, Mari (2002) của đạo diễn Lee Seong Gang thắng giải phim hay nhất của Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy lần thứ 26

Tuy nhiên, tương lai của phim hoạt hình Hàn Quốc không phải toàn ảm đạm. Giáo sư Hahn gợi ý rằng việc nuôi dưỡng lực lượng lao động sản xuất chính và thiết lập một hệ thống ổn định để hỗ trợ những tài năng này trong suốt sự nghiệp của họ sẽ có ích.

Phim bộ hoạt hình ngắn và tác động của OTT

Sự lên ngôi của các nền tảng phát trực tuyến cũng làm dấy lên hy vọng cho hoạt hình Hàn Quốc phát triển.

“Người dùng (dịch vụ phát trực tuyến) vô tình tạo danh mục của họ khi xem nhiều nội dung khác nhau, bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim truyền hình và hoạt hình. Lượng người xem hoạt hình trong nhóm nhân khẩu học ở độ tuổi 20 và 30 đang tăng lên,” ông nói.

Gill của đạo diễn hoạt hình nổi tiếng của Hàn Quốc Ahn Jae Huun tranh giải hạng mục Contrechamp Annecy 2024

Giáo sư Hahn cũng nhấn mạnh sự xuất hiện của các đạo diễn trẻ đang đổi mới trong lĩnh vực hoạt hình video ca nhạc và quảng cáo.

“Tôi tự hỏi liệu hoạt hình Hàn Quốc có nhất thiết phải tập trung vào phim truyện hay không. Cạnh tranh với Hollywood và Nhật Bản trong lĩnh vực này là một thách thức,” ông nói. “Các đạo diễn trẻ có thể sản xuất nhiều phim bộ hoạt hình ngắn và sử dụng các nhân vật nổi tiếng từ những phim ngắn này để tạo ra phim dài hoặc phim truyện.”

Nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik chỉ ra rằng việc công chúng tập trung quá mức vào chủ nghĩa hiện thực trong các tác phẩm cũng có thể cản trở sự thay đổi.

Jadoo Under the Sea (2024) phát hành ở Việt Nam với tựa Xin chào Jadoo: Đại dương diệu kỳ

“Khán giả Hàn Quốc có xu hướng xem những nội dung nằm giữa chủ nghĩa giả tưởng và hiện thực với thái độ hoài nghi,” nhà phê bình Kim nói. “Tạo ra một tác phẩm như Suzume ở Hàn Quốc, dao động giữa hiện thực và giả tưởng, sẽ là thách thức. Việc theo đuổi chủ nghĩa hiện thực quá mức có thể cản trở sự phát triển nội dung của chúng ta.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.