Bình luận phim

Bruce Lee, My Brother

02/02/2011

Ngôi sao võ thuật vĩ đại này đã bị che khuất bởi bối cảnh trường quay trong Lý Tiểu Long: Người huynh đệ của tôi (Bruce Lee, My Brother), một bộ phim về cuộc đời của Lý Tiểu Long cho tới năm ông 18 tuổi, đồng đạo diễn bởi Văn Tuyển và Diệp Vĩ Dân.

Bất kỳ ai từng lớn lên hoặc quan tâm tới Hồng Kông sẽ không muốn rời mắt khỏi cách thiết kế tác phẩm, đã nắm bắt được hình ảnh của thành phố này từ thập kỷ 40 tới 60 với sự tinh tế trang nhã. Nhưng không khí thời đại và sự phô bày hoành tráng những nhân vật vai vế của điện ảnh Quan Thoại những năm 60 là những thay thế hời hợt cho cái nhìn thấu hiểu thực sự vào phương thức mà tuổi thơ Lý Tiểu Long đã ảnh hưởng lên sự hình thành tính cách và những cuộc truy lùng suốt cuộc đời võ thuật và làm phim của ông.

Được biết, người mua từ hơn mười lãnh thổ đã nhanh chân đoạt lấy bản quyền bộ phim tại Thị trường phim Mỹ (AFM) trước ngày khởi chiếu tại Trung Quốc và Hồng Kông – một dấu hiệu cho thấy sức hấp dẫn toàn cầu của ngôi sao này chưa hề giảm sút kể từ khi ông qua đời vào năm 1970. Do đó khả năng về một phần tiếp theo là rất cao, thậm chí ngay cả khi việc đạo diễn và viết kịch bản của bộ phim ít gây hứng thú nhất trong hàng loạt phim được thực hiện để bày tỏ sự kính trọng tưởng nhớ sinh nhật lần thứ 70 của Lý Tiểu Long. Ít nhất, khán giả có thể thưởng thức sự xuất hiện đầy sôi nổi của Lý Trị Đình (Echoes of the Rainbow), người có thể được cho rằng là diễn viên có sức hút nhất trong dàn diễn viên chính cho tới thời điểm hiện tại. Và những người còn lại trong dàn diễn viên cũng rất xuất sắc.

Poster bộ phim Bruce Lee, My Brother

Bộ phim được thuật lại bởi giọng kể của ông Lý Chấn Huy (Robert Lee), người em trai của Lý Tiểu Long đã viết cuốn sách mà bộ phim dựa phần lớn vào. Lý Chấn Huy cũng xuất hiện trong phần giới thiệu với chị gái Lý Thu Nguyên (Phoebe Lee). Cả hai người đều nhấn mạnh rằng, khác với những bộ phim tiểu sử trước kia thường khắc họa Lý Tiểu Long như một huyền thoại, bộ phim này là một câu chuyện mang tính chất cá nhân hơn và cũng giữ lại nhiều hơn yếu tố lịch sử gia đình. Có lẽ đó là lý do tại sao những sự kiện hồi tưởng này lại có rất ít giá trị giải trí, cho dù gia đình họ chắc chắn không phải là một gia đình bình thường.

Cha của Lý Tiểu Long, ông Lý Hải Tuyền (do nam diễn viên Lương Gia Huy đóng) là một ngôi sao kinh kịch danh giá, kế hôn với bà Hà Ái Dụ (Chung Lệ Đề), một cô gái lai Âu-Á từ một gia đình giàu có. Bà sinh Lý Tiểu Long ở San Francisco trong khi ông Lý Hải Tuyền đang đi lưu diễn năm 1940. Năm 1941, gia đình ông Lý quay trở về thái ấp của tổ tiên tại Hồng Kông ngay trước khi quân Nhật chiếm đóng.

Những nội thất được trang hoàng và thắp sáng lộng lẫy với đầy những đồ đạc thực sự mang màu sắc thời đại giúp người ta hình dung được tuổi thơ của Lý Tiểu Long trôi qua trong sự đồng hành của một gia đình Trung Quốc truyền thống với 30 thành viên. Tuy nhiên, cả những trò nghịch nghợm tinh quái khi còn là một cậu bé hay thiên hướng bạo lực đường phố khi là một thiếu niên nổi loạn của ông đều không được khắc họa với đầy đủ cảm hứng. Hai người bạn nối khố ngổ ngáo của ông giỏi lắm thì là không thể ưa được mà tệ nhất thì đơn giản là một sự phiền toái. Những rắc rối tình cảm của ông với con gái của hai diễn viên nổi tiếng còn mờ nhạt hơn.

Những trải nghiệm của việc từng là một ngôi sao nhí có thể đã cung cấp được điểm mấu chốt để hiểu khát vọng của ông trong ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng thay vì khai thác cách ông đối mặt với địa vị một ngôi sao từ thưở nhỏ, các đạo diễn lại chỉ bằng lòng với việc tái hiện một số cảnh từ các bộ phim kinh điển của ông như The KidThe Orphan (mặc dù được thực hiện bằng những hình ảnh đen trắng mang cái nhìn chân thực và đặc sắc).

Cách thể hiện mang tính thực tế cao hơn về điều kiện làm phim cẩu thả trong thập nhiên 50 và 60 ở Hồng Kông có lẽ sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc hơn về sự giáo dục của ông. Thực tế, các ngôi sao nhỏ tuổi đã từng có tiếng là bị lạm dụng, đáng chú ý là Bằng Bảo Bảo (được coi như một Shirley Temple của Hồng Kông), người xuất hiện thoáng qua trong phim. Sẽ thật thú vị nếu biết được ông có phải chịu đựng cảnh ngộ khó khăn tương tự hay không.

Cũng như vậy, thay vì khai thác những gì các diễn viên và đạo diễn hàng đầu của thời kỳ đó đã dạy ông về diễn xuất, làm phim hay về cuộc đời, đặc biệt là nền tảng điện ảnh và opera của cha ông đã ảnh hưởng tới ông như thế nào, tất cả những gì người ta được xem là một màn trình diễn hời hợt theo phong cách Altman* (mà thiếu đi nét hóm hỉnh của ông) những sự xuất hiện thoáng chốc các ngôi sao màn bạc do các diễn viên kỳ cựu thủ vai – giống như việc lướt qua Lễ đường danh vọng của nền điện ảnh Quan Thoại thời kỳ đầu và điều này có rất ít ý nghĩa đối với những người không am hiểu.

* Altmanesque: phong cách làm phim của Robert Altman: một đạo diễn nổi tiếng người Mỹ

Điều thực sự khiến người hâm mộ của Lý Tiểu Long vung nắm đấm giận dữ là phần khi ông trở thành môn đồ của bậc thầy Vịnh Xuân Diệp Vấn. Đây có thể đã là bước ngoặt đầy quan trọng khi ông phát hiện ra võ thuật. Người ta có thể thấy từ đó là Lý Tiểu Long rất lý thuyết, triết lý và nổi loạn trong cách tiếp cận võ thuật, nên liệu có phải ông đã thách thức những gì mình được dạy? Đáng thất vọng là khán giả không được chứng kiến giai đoạn đó; người ta còn không được thấy khuôn mặt của Diệp Vấn, chỉ có hình bóng của ông.

40 phút cuối phim là sự chuyển hướng đột ngột sang hành động, đầu tiên là việc Lý Tiểu Long đối đầu với con trai viên sĩ quan cảnh sát Charlie Owen trong một trận đấm bốc liên trường, và sau đó là cuộc đụng độ chống lại một băng đảng để giải cứu người bạn thân nhất Kong khỏi việc nghiện thuốc.

Nam diễn viên Lý Trị Đình thủ vai Lý Tiểu Long trong phim

Lý Trị Đình đã thể hiện hoàn toàn chính xác thói kiểu cách của Lý Tiểu Long, nhưng những cảnh quay, với chủ nghĩa dân tộc công khai, một điều gần như là điều kiện tiên quyết của các bộ phim hành động cổ trang nhằm tới thị trường Trung Quốc đại lục, lại trông như những đoạn trích từ loạt phim Diệp Vấn mà thiếu đi kịch bản chi tiết và những nhân vật được xây dựng lên tới cao trào của cảm xúc của những bộ phim này. Kết phim thể hiện một cảnh truy đuổi trên những mái gạch ngói nhưng lại một lần nữa, khung cảnh được bài trí một cách ngoạn mục hoàn toàn bao phủ bởi những giàn giáo đã làm lu mờ cảnh hành động thật sự.

Khởi chiếu: 25/11/2010 tại Hồng Kông, Singapore
Phát hành: Công ty điện ảnh Media Asia
Sản xuất: Công ty điện ảnh Media Asia, công ty điện ảnh Antaeus Bắc Kinh, công ty truyền thông Thượng Hải, công ty văn hóa truyền thông Meng Ze Bắc Kinh,
Dàn diễn viên: Lý Trị Đình, Lương Gia Huy, Tạ Đình Đình, Âu Dương Tĩnh
Đạo diễn: Văn Tuyển, Diệp Vĩ Dân
Biên kịch – nhà sản xuất: Văn Tuyển
Dựa trên cuốn sách của Lý Chấn Huy
Điều hành sản xuất: Trang Trừng, Trương Bảo Toàn, Lê Thụy Cương, Jia Bin, John Cheung
Đạo diễn hình ảnh: Quan Trí Diệu
Thiết kế sản xuất: Trương Thế Hoành
Thiết kế trang phục: Trương Thế Kiệt
Âm nhạc: Trần Quang Vinh
Biên tập: Chung Vĩ Chiêu, Diệp Uyển Đình
Không phân loại, 130 phút.

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter