Hướng đến việc ra mắt phim vào ngày 11/12/2010, Nhật Bản dường như chuẩn bị bùng nổ một cơn sốt Rừng Na Uy trên toàn quốc. Nhà bán lẻ Uniqlo vừa công bố một dòng áo phông mới Rừng Na Uy mang những cảnh chọn lọc từ phim. Chính quyền địa phương quận Kamikawa, Hyogo – nơi quay ngoại cảnh cho một số cảnh kịch tính nhất của phim – đang mở những tuyến xe buýt đường ngắn đến nơi quay phim với nỗ lực thu lợi nhuận tiềm năng từ sự bùng nổ du lịch liên quan đến Murakami.
Không mấy ai cảm thấy nhẹ nhõm với việc ra mắt bộ phim như Trần Anh Hùng, đạo diễn người Pháp gốc Việt được cho là xứng đáng đoạt giải Oscar chỉ riêng với sự kiên nhẫn.
Ngoài những thử thách thông thường đối với một nhà làm phim – từ tìm kiếm dàn diễn viên có sự ăn ý hoàn hảo đến việc đảm bảo nguồn tài chính thường hay gặp khó khăn – Trần Anh Hùng đã phải giải quyết nhiều hơn khối lượng khó khăn thông thường.
Đầu tiên, không chỉ vì người đạo diễn đã tốn mất bốn năm hết lòng thuyết phục và thảo luận kiên nhẫn với Murakami để được phép thực hiện bộ phim, mà còn vì sau đó Trần Anh Hùng chọn thực hiện tác phẩm với dàn diễn viên ưu tú của Nhật Bản bằng tiếng Nhật, một ngôn ngữ ông không biết.
Kenichi Matsuyama vai Toru trong phim Rừng Na Uy, được đạo diễn Trần Anh Hùng
chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Haruki Murakami
“Lần đầu tiên tôi đọc quyển sách này là năm 1984 và tôi đã xúc động sâu sắc,” đạo diễn Trần hồi tưởng. “Đó là câu chuyện về mối tình đầu – một tình yêu bạn đánh mất gần như ngay sau khi trải nghiệm nó.
“Khi tôi đọc tác phẩm, tôi đã có trực giác rằng có thể làm một bộ phim dựa trên nó. Điều đó trở thành một việc tôi thực sự muốn làm. Đó là một thử thách, nhưng một khi bạn bắt đầu một dự án, bạn phải thực hiện nó.”
May thay cho khán giả, đạo diễn vẫn kiên trì và vượt qua mọi trở ngại, và kết quả là một bộ phim, không giống với một phim tiếng Nhật thông thường, bây giờ đang chuẩn bị khởi chiếu tại 36 quốc gia trên thế giới. Phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Dubai với phụ đề tiếng Anh và tiếng Ả rập.
Một câu chuyện về tình yêu đầu, sự mất mát và tình dục, Rừng Na Uy lấy bối cảnh Tokyo cuối thập niên 1960 dựa trên nền tảng là sự băn khoăn của người sinh viên và xoay quanh cuộc sống của nhân vật chính, một sinh viên đại học tên là Toru Watanabe.
Naoko, tình yêu đầu của anh, tình cờ cũng là người yêu cũ yếu đuối của người bạn thân thời thơ ấu vừa tự tử của Toru.
Đấu tranh để chấp nhận cái chết của người yêu, Naoko nghỉ học ở trường cao đẳng và trốn đến một vùng núi hẻo lánh để hồi phục, và chính trong thời gian cô vắng mặt Toru đã gặp Midori hoạt bát – một cô gái đối lập với Naoko đang rối loạn.
Xem Rừng Na Uy, rõ ràng là hình ảnh đẹp và sự thân mật mãnh liệt trong những tác phẩm trước của Trần Anh Hùng – như The Scent of Green Papaya – một lần nữa hiện diện trong bộ phim mới và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi ra mắt tại Liên hoan phim Venice.
Poster phim Rừng Na Uy
Từ sự căng thẳng được tạo ra bằng âm thanh của gió thổi qua bãi cỏ trong một cuộc đối thoại bên sườn núi đến sự lúng túng và ánh sáng tự nhiên trong những cảnh thân mật, Rừng Na Uy gây ấn tượng về thị giác như thể nó thực sự tồn tại.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài Nhật Bản ở Tokyo trước khi công chiếu, Trần Anh Hùng – ăn mặc bình thường và nhìn trẻ hơn tuổi 47 của ông – đã mô tả những thử thách của việc chuyển thể một tác phẩm nội tâm như vậy thành một bộ phim sau bốn năm kiên trì trao đổi với tiểu thuyết gia.
“Khi bạn đọc một quyển sách của Murakami, ông có một phong cách viết đặc biệt, rất riêng biệt,” ông nói, và thêm: “Có một sự gần gũi thực sự với câu chuyện. Đó là điều tôi muốn truyền tải lên màn ảnh. Sự gần gũi này, cách cảm nhận bí ẩn này – là điều tôi muốn mang đến cho bộ phim chuyển thể từ tác phẩm.”
Trần Anh Hùng là người đầu tiên thừa nhận ban đầu đúng là nói thì dễ hơn làm. Kịch bản là khó khăn tiếp theo. “Tôi đã mất sáu tháng để viết 11 trang đầu tiên. Sau đó tôi phải ngừng hai tháng vì tôi không thể tiếp tục. Rồi tôi viết phần còn lại trong 21 ngày vì nhà sản xuất thúc giục tôi.”
Kịch bản đầu tiên do đạo diễn Trần viết bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch sang tiếng Anh và trở thành cơ sở cho những cuộc thảo luận với Murakami – người được ông liên lạc lần đầu với lời đề nghị làm phim vào năm 2004 – trước khi cuối cùng được dịch sang tiếng Nhật.
Bất chấp rào cản ngôn ngữ, Trần Anh Hùng cương quyết rằng việc làm phim bằng một ngôn ngữ ông không hiểu không giới hạn khả năng nhận định của ông với tư cách một đạo diễn.
Việc kết hợp sự linh hoạt sáng tạo không thể nghi ngờ (Trần Anh Hùng đã viết lại một số cảnh trong khi làm phim) và năng lực của nhà sản xuất người Nhật đáng tin cậy của ông, Shinji Ogawa, cũng đã chứng minh là vô giá.
“Khi bạn không hiểu một ngôn ngữ và bạn xem một bộ phim, bạn vẫn biết phim có hay hay không,” ông nói. “Tôi cũng vậy. Khi tôi không hiểu ngôn ngữ này, tôi vẫn có thể nhìn thấy tác phẩm có tốt hay không. Và nếu phim hay, tôi luôn đặt những câu hỏi để thấy được nó còn có thể tốt hơn không hoặc để nhìn thấy liệu tôi có thể thay đổi được gì không.”
Trong dàn ngôi sao nổi tiếng người Nhật có Kenichi Matsuyama, mang đến một sự thể hiện hoàn hảo nhân vật Toru, và Kiko Mizuhara, một người mẫu thời trang tuổi thiếu niên, khởi nghiệp diễn xuất với vai Midori.
Nhưng Rinko Kikuchi – nữ diễn viên Nhật đầu tiên trong 50 năm gần đây được đề cử giải Oscar cho vai diễn một cô gái câm điếc trong phim Babel – là một trong những diễn viên thực sự nổi bật với màn hóa thân đặc sắc vào cô gái mong manh Naoko.
Đạo diễn Trần Anh Hùng
Nói về quyết tâm giành được vai Naoko, Rinko Kikuchi kể lại cô đã gửi một cuộn băng về diễn xuất của cô đến một Trần Anh Hùng có vẻ lãnh đạm để thuyết phục ông rằng cô là sự lựa chọn đúng đắn cho nhân vật.
“Tôi thực sự muốn được tham gia tác phẩm này và một vài lần tôi đã cố gắng tham gia thử vai, nhưng có vẻ như ông ấy không hứng thú chút nào,” cô cho biết. “Vì vậy thay vào đó tôi đã hỏi liệu tôi có thể gửi một cuộn băng cho ông được không – và sau khi xem nó, ông đã đồng ý gặp tôi ngày hôm sau.”
“Trong cuộn băng có một cảnh từ tiểu thuyết có Naoko và một cái giếng. Tôi đã rất ấn tượng với cảnh này khi đọc tác phẩm lần đầu tiên năm 18 tuổi.”
“Lúc đó Naoko bằng tuổi tôi và tôi thực sự có những cảm xúc mãnh liệt khi đọc cuốn sách – và cũng chính những cảm xúc đó là điều tôi muốn đặt vào vai diễn này.”
Mặc dù một số nhà phê bình đã đặt vấn đề về quyết định của Trần Anh Hùng bỏ qua một vài tình tiết hài hước trong nguyên tác cũng như quyết định làm bộ phim dài hơn hai tiếng, nhưng không mấy ai có thể phủ nhận rằng bộ phim là một bữa tiệc hình ảnh được thực hiện một cách tuyệt vời.
Đáp lại điều này, Trần Anh Hùng giải thích: “Có rất nhiều hình ảnh đẹp, trên truyền hình và quảng cáo, nhưng với tôi, điều quan trọng là có được những hình ảnh chân thực. Nếu chỉ đẹp thì không đủ. Hình ảnh phải phù hợp với tình cảm hay câu chuyện đang diễn ra.”
“Chúng tôi đã quyết định quay phim với độ phân giải cao thay vì phim 35mm vì độ phân giải cao giúp các cảnh phim chân thực hơn so với việc bị hạt khi quay bằng phim.”
Vài giây sau khi phát biểu điều này, Trần Anh Hùng nhanh chóng ngắt lời người phiên dịch của ông để đính chính sự chuyển tải khó hiểu của cô liên quan đến “sự phân nhánh thi vị của vẻ đẹp”.
Hành động có vẻ vô thưởng vô phạt này – thậm chí, có lẽ còn hơn cả những lời bình luận của ông – cho ta một chút về chủ nghĩa cầu toàn đặc trưng, sự nguyên tắc và tìm kiếm sự thật của vị đạo diễn, như có thể thấy trong phim mới của ông.
Và nếu tác phẩm thuyết phục thành công khán giả trên thế giới như mong đợi, những người yêu phim nước ngoài có thể hy vọng cơn sốt Rừng Na Uy (vâng, bao gồm cả áo phông) sẽ trở nên cuồng nhiệt không chỉ ở Nhật Bản.
Dịch: © Trúc Linh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The National