Bà mẹ siêu bận rộn đối mặt với một trọng trách nặng nề hơn.
Hãy mang Carla Gugino trở lại. Tôi không ngừng nghĩ về điều này mỗi khi
thấy Jessica Alba - nhìn đáng yêu đấy, nhưng cũng bình thường - xuất
hiện trên màn ảnh Điệp viên nhí 4: Kẻ cắp thời gian 4D. Cặp ông bố bà mẹ do Alba và Joel McHale thể hiện xuống dốc cả về nét gợi cảm, cái hồn và sự dí dỏm so với cặp đôi của ba phần Điệp viên nhí đầu tiên của Gugino và Antonio Banderas.
Và
đó chỉ là một trong số những hụt hẫng của phần bốn của loạt phim này,
tuy vẫn do Robert Rodriguez viết kịch bản và đạo diễn. Hiệu quả thị giác
tồi tàn (đừng bận tâm đến chuyện trả thêm tiền cho 3-D nhé), cốt truyện
rối rắm uể oải, đặc những màn pha trò chán ngán và một đứa nhóc huênh
hoang, Kẻ cắp thời gian giống kiểu DVD xem lấp chỗ trống hơn là phần tiếp của một loạt phim giải trí gia đình thu hút nhất của thập kỷ trước.
Alba - rất khêu gợi trong bộ đồ siêu điệp viên bó sát mà trong một số
cảnh sinh hoạt gia đình trở nên khá bất tiện - vào vai Marissa, dì của
hai nhóc điệp viên trong phần trước, Carmen và Juni Cortez, bây giờ đã
lớn bổng. Tưởng như đã được giải nghệ khỏi trò gián điệp (khi phim bắt
đầu thì cô bụng bầu khá to), Marissa buộc phải tái xuất để ngăn chặn âm
mưu của tên tội phạm thông minh muốn thống lĩnh thời gian: từ tăng tốc
cho đến ngưng đọng thời gian (cũng không rõ ràng là loại nào nữa). Thế
hệ điệp viên nhí kế cận - hai đứa con riêng của chồng Marissa vốn hay
cãi vã ỏm tỏi và rốt cuộc là cả nhóc tì ẵm ngửa con của cô - luân phiên
giữa hỗ trợ và cản trở điệp vụ này.
Alexa Vega và Daryl Sabara
trở lại, vẫn là Carmen và Juni, giờ là hai vai phụ, trên thực tế là mối
liên hệ duy nhất với những phần phim trước đó. (Danny Trejo cũng xuất
hiện với vai trò khách mời, ông chú Machete hài hước, nhưng những nhân
vật chính như Alan Cumming, Tony Shalhoub và Steve Buscemi thì mất tăm).
Vega và Sabara cứng nhắc và nhạt nhòa ở tuổi trưởng thành; trong khi đó
những sao nhí mới, Rowan Blanchard và Mason Cook, tỏ ra khá cuốn hút và
có khí thế nhưng không có nhiều đất thể hiện.
Jeremy Piven (Kẻ nắm giữ thời gian) có cố gắng thể hiện sự dí dỏm, nhưng
phần lớn những câu thoại hài hước lại thuộc về Ricky Gervais, lồng
tiếng cho chú chó máy biết nói tiếng người.
McHale trong vai một
anh chồng khù khờ chẳng biết vợ mình là một điệp viên; anh ta dẫn chương
trình truyền hình thực tế mang tên Spy Hunter, hài hước ở chỗ đó, giống như Ghost Hunters, chẳng có gì để lùng sục - cho đến khi mọi thứ vỡ lở. Anh hài hước đấy nhưng mất hút trong phim.
Đoạn
giữa phim, sau khi cặp sinh đôi biết được bí mật của mẹ kế, Vega dẫn
chúng vào một căn phòng đầy những món "đồ chơi" hàng khủng của chương
trình điệp viên nhí, cô nói nơi này đã bị đóng cửa bảy năm nay vì thiếu
kinh phí. Trong phòng là những bộ thiết bị và trang phục lấy từ Điệp viên nhí 1-3, một cách Rodriguez tự tôn vinh và hoài cổ.
Trên thực tế, thông điệp cuối cùng của Kẻ cắp thời gian
- được đúc kết bởi tay phản diện thao túng thời gian hoàn lương chóng
vánh, "Hãy hướng về tương lai, thay vì quá khứ" - nên được dùng để
khuyên cho chính nỗ lực vớt vát lại phép màu của ba phần phim thành công
trước đó sau tám năm. Dĩ nhiên là trừ phi bạn muốn tận dụng cái tựa đề.
Điệp viên nhí 4: Kẻ cắp thời gian xếp loại PG (trẻ em cần có sự
hướng dẫn của cha mẹ). May mắn là tấm thẻ cào-và-ngửi cho những mùi
hương như một chiếc xe hơi cáu cạnh.
Phim khởi chiếu từ ngày 9/9. Thời lượng: 1 giờ 35 phút.
Kịch
bản và đạo diễn: Robert Rodriguez; giám đốc hình ảnh: Rodriguez và
Jimmy Lindsey; biên tập Dan Zimmerman; âm nhạc: Rodriguez và Carl Thiel;
phục trang: Nina Proctor; nhà sản xuất: Rodriguez và Elizabeth Avellán;
phát hành: Dimension Films.
Diễn viên: Jessica Alba (Marissa
Cortez Wilson), Joel McHale (Wilbur Wilson), Alexa Vega (Carmen Cortez),
Daryl Sabara (Juni Cortez), Rowan Blanchard (Rebecca Wilson), Mason
Cook (Cecil Wilson), Ricky Gervais (lồng tiếng chú chó máy), Jeremy
Piven (Kẻ nắm giữ thời gian), Danny Trejo (chú Machete), Belle và Genny
Solorzano (Điệp viên nhóc tì).
Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times