Giải thưởng - LHP

Hai giải thưởng phim Hoa ngữ đối đầu: 5 khác biệt giữa Kim Kê và Kim Mã

24/09/2019

Việc Trung Quốc Đại lục tẩy chay Giải Kim Mã năm nay, được tổ chức tại Đài Bắc vào ngày 23 tháng 11, đã khiến nhiều nhà làm phim và diễn viên Trung Quốc phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.

Họ có nên chọn tham gia sự kiện thường niên hào nhoáng ở Đài Loan và bỏ qua Giải Kim Kê, giải thưởng tương đương của Trung Quốc? (Một yếu tố khác: các phim tham gia giải Kim Mã sẽ bị từ chối chiếu ở Trung Quốc Đại lục và đạo diễn của chúng sẽ vào danh sách theo dõi).

Trái: logo của Giải Kim Kê, phải: logo của Giải Kim Mã

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, một tờ báo của Cục Điện ảnh Trung Quốc đã đưa tin trong tháng này rằng các đại diện của ngành công nghiệp điện ảnh Đại lục sẽ không tham dự Giải Kim Mã.

Tuy nhiên, các nhà làm phim và diễn viên đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên xuất hiện hay không. Ngoài chính trị, sau đây là năm điểm khác biệt chính giữa hai lễ trao giải cho các phim Hoa ngữ.

Lịch sử

Được thành lập vào năm 1962, Giải Kim Mã của Đài Loan nổi tiếng là “Giải Oscar phim Hoa ngữ”.

Vào cuối những năm 1990, ủy ban điều hành của sự kiện này đã gỡ bỏ các hạn chế tham gia đối với phim Trung Quốc Đại lục. Kể từ đó, các giải thưởng đã được mở cho tất cả các phim Hoa ngữ (theo bất kỳ phương ngữ nào) từ bất kỳ quốc gia nào.

In the Heat of the Sun của Khương Văn là phim đầu tiên của Trung Quốc Đại lục thắng giải Kim Mã Phim hay nhất

In the Heat of the Sun của Khương Văn là phim đầu tiên từ Trung Quốc Đại lục tham gia tranh giải và giành được sáu giải thưởng vào năm 1996. Kể từ đó, phim Trung Quốc Đại lục đã được đón nhận nồng nhiệt tại lễ trao giải Đài Loan.

Từ năm 2014 đến 2018, khoảng một nửa giải thưởng đã thuộc về các phim từ Trung Quốc Đại lục. Năm ngoái, phần lớn các phim được đề cử cho hạng mục phim hay nhất là từ Đại lục, trong khi đề cử đạo diễn xuất sắc nhất do năm đạo diễn Trung Quốc Đại lục thống trị, trong đó người chiến thắng cuối cùng là Trương Nghệ Mưu.

Giải Kim Kê bắt đầu vào năm 1981 và là giải thưởng điện ảnh được đánh giá cao nhất ở Trung Quốc. Các giải thưởng ban đầu chỉ dành riêng cho phim của Trung Quốc Đại lục. Kể từ năm 2005, các bộ phim tiếng Trung từ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và các nơi khác trên thế giới đã được phép tranh giải Kim Kê.

The Road Home, phim tâm lý lãng mạn của Trương Nghệ Mưu thắng bốn giải Kim Kê năm 2000

Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, chỉ có bảy phim từ Hồng Kông và Đài Loan đã thắng giải Kim Kê và hầu hết trong số đó là hợp tác với các công ty phim của Trung Quốc Đại lục.

Quy tắc tham gia

Tuy mở cho các phim Hoa ngữ từ khắp nơi trên thế giới, phim tham gia tranh giải Kim Kê phải có giấy phép phát hành của Cục Điện ảnh Trung Quốc trước khi đăng ký dự thi. Kiểm duyệt phim giới hạn số lượng phim quốc tế đủ điều kiện tranh giải.

Giải Kim Mã Đài Loan không đặt bất kỳ hạn chế nào đối với các bộ phim Hoa ngữ dự tranh giải. Điều này cũng có nghĩa là những bộ phim bị các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cấm có thể dự tranh Kim Mã. Những ví dụ trong quá khứ bao gồm Xiu Xiu: The Sent Down Girl (1998), Spring Fever (2010) và A Touch of Sin (2013).

Những bộ phim bị các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cấm có thể dự tranh Kim Mã: ảnh trên là cảnh trong phim A Touch of Sin của Giả Chương Kha năm 2013

Đạo diễn của Xiu Xiu: The Sent Down Girl, Trần Xung, bị cấm làm phim trong ba năm ở Trung Quốc Đại lục vì cô đã quay bộ phim này bất hợp pháp ở Tây Tạng và gửi nó đến Giải Kim Mã.

Định kỳ trao giải

Giống như hầu hết các giải thưởng điện ảnh quốc tế, Giải Kim Mã diễn ra hằng năm, trong khi Giải Kim Kê là hai năm một lần.

Giải Kim Kê xen kẽ với Giải Bách Hoa – những người chiến thắng được quyết định bởi phiếu bầu yêu thích. Năm nay, đến lượt giải Kim Kê và lễ trao giải rơi vào cùng ngày với lễ trao giải Kim Mã – ngày 23 tháng 11.

Hệ thống đánh giá

Giải Kim Mã được tuyển chọn bởi hàng chục chuyên gia và nhà phê bình phim. Các giám khảo không thể phục vụ hơn hai năm liên tiếp.

Thang Duy và Lương Triều Vỹ trong Lust, Caution, Lý An đạo diễn. Đây là một trong ba phim đưa Lương Triều Vỹ đoạt Ảnh đế Kim Mã

Giải Kim Kê cũng được tuyển chọn bởi các chuyên gia và nhà phê bình phim (trái ngược với Giải Bách Hoa được công chúng đề cử).

Giải nam/nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Kim Kê chưa bao giờ đến cùng một nghệ sĩ hai lần trong 20 năm qua, trong khi một số nam/nữ diễn viên đã thắng giải thưởng cao nhất này của Kim Mã nhiều lần. Ví dụ, Lương Triều Vỹ đã thắng giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Ành đế) ba lần, cho Lust, Caution (2007), Infernal Affairs (2003) và Chungking Express (1994).

Sức hút quốc tế

Giải Kim Mã đã phục vụ như một công cụ tuyên truyền chính trị khi lần đầu tiên được thiết lập, nhưng cuối cùng đã trở thành một sự kiện điện ảnh đáng tin cậy.

Trong 15 năm qua, bốn phim chiến thắng và được đề cử phim hay nhất tại Giải Kim Mã đã tiếp tục giành giải thưởng phim hay nhất tại một số liên hoan phim phương Tây danh tiếng nhất: Cannes, Berlin và Venice: Lust, Caution (2007), Black Coal, Thin Ice (2014) và The Assassin (2015).

The Assassin thắng giải Kim Mã Phim hay nhất năm 2015. Bộ phim cũng đưa đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đoạt giải đạo diễn xuất sắc của Liên hoan phim Cannes năm đó

Không có phim hay nhất nào từ 15 lần trao giải Kim Kê đã qua giành được bất kỳ giải thưởng lớn nào tại Cannes, Berlin hoặc Venice.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post