Giải thưởng - LHP

Hủy chiếu phút chót The Eight Hundred: LHP Thượng Hải 2019 khai mạc không có phim mở màn

19/06/2019

Hủy chiếu bộ phim sử thi Trung Quốc trị giá 80 triệu đôla The Eight Hundred vào thứ bảy 15/6, ngay khi lễ khai mạc liên hoan phim đang diễn ra — mà không có phim mở màn.

Việc đột ngột hủy chiếu bộ phim mở màn Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải (SIFF), sử thi chiến tranh được mong đợi rộng rãi của Quản Hổ, The Eight Hundred, đã gửi một cơn buốt lạnh khắp ngành điện ảnh Trung Quốc. Nhiều nhà làm phim và nhà sản xuất bày tỏ sự lo lắng trước việc quyết định này có ý nghĩa gì đối với tương lai ngành công nghiệp của họ.

Một đại cảnh trong phim The Eight Hundred, do Truyền thông Hoa Nghị Huynh Đệ sản xuất, được kỳ vọng là một trong những bộ phim hè lớn nhất ở Trung Quốc, tự hào với kinh phí hơn 80 triệu đôla

Tin The Eight Hundred gỡ khỏi SIFF như một quả bom trong cộng đồng điện ảnh Trung Quốc ở Thượng Hải vào thứ sáu 14/6, trước lịch ra mắt thế giới của bộ phim kinh phí lớn này tại lễ khai mạc sự kiện.

Một tuyên bố chính thức từ các nhà sản xuất và liên hoan đã được đưa ra trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội nói rằng việc trình chiếu bị hoãn vì “lý do kỹ thuật”.

Ở Trung Quốc việc viện ra vấn đề “kỹ thuật” không xác định như thế đã bắt đầu được hiểu là uyển ngữ cho kiểm duyệt nội dung bị coi là không phù hợp. Lý do tương tự đã được đưa ra vào tháng 2 khi nhà làm phim nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu buộc phải rút tác phẩm mới nhất rất được mong đợi của ông One Second khỏi Liên hoan phim quốc tế Berlin.

Dựa trên lịch sử đời thực, bộ phim tập trung vào trận đánh then chốt ở Thượng Hải năm 1937 trong chiến tranh Trung-Nhật

Quyết định gỡ The Eight Hundred, và lời giải thích mơ hồ theo sau, đem lại nỗi buồn và tức giận từ các chuyên gia điện ảnh Trung Quốc trên mạng xã hội. Liên hoan phim Thượng Hải xuống tinh thần thấy rõ vào thứ bảy 15/6, khi những người tham dự bàn luận về tin tức này và những ẩn ý của nó bên lề các cuộc họp báo và các cuộc họp mặt nghề nghiệp.

“Nếu Trung Quốc đang bắt kịp các nước đã phát triển, tại sao luôn có vấn đề công nghệ?” một nhân vật trong ngành điện ảnh Trung Quốc đã đăng bài viết để chế độ bán-riêng tư trên dịch vụ mạng xã hội WeChat.

Đạo diễn  Giả Chương Kha, được cho là đạo diễn phim nghệ thuật được quốc tế công nhận nhất của Trung Quốc, đã phóng bài đăng đơn giản nhưng mang tính tuyên bố trên Weibo, viết: “Quý vị không thể làm vậy với ngành công nghiệp điện ảnh.” Tuyên bố này đã được đăng lại rộng rãi, nhưng cơ quan quản lý internet của Trung Quốc đã sớm làm im lặng sự bùng nổ các bình luận cảm xúc xuất hiện trên trang cá nhân của đạo diễn Giả bằng cách vô hiệu hóa chức năng bình luận.

Chủ đề và câu chuyện yêu nước của The Eight Hundred được cho là đúng với thời điểm yêu nước

Cai Gongming, Giám đốc điều hành Road Pictures, nhà phân phối có ảnh hưởng trụ sở tại Bắc Kinh, đã tóm tắt cảm xúc của nhiều người trong cộng đồng nghề của ông bằng cách đăng bức ảnh poster chính thức của The Eight Hundred và viết: “Tôi cảm thấy đau khổ quá.”

Do Truyền thông Hoa Nghị Huynh Đệ sản xuất, một trong những hãng phim tư nhân lâu đời nhất và được kính trọng nhất của Trung Quốc, The Eight Hundred được kỳ vọng là một trong những bộ phim hè lớn nhất ở Trung Quốc, tự hào với kinh phí hơn 80 triệu đôla — một con số khổng lồ ở Trung Quốc, nơi chi phí sản xuất có xu hướng gấp đôi so với ở Hollywood đắt đỏ — và làm dậy sóng bàn luận trong ngành trước phát hành.

Từ đầu năm 2019 Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát các ngành công nghiệp nội dung giải trí để cộng hưởng với không khí kỷ niệm 70 năm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10. Tuy nhiên, chủ đề và câu chuyện yêu nước của The Eight Hundred được cho là đúng với thời điểm yêu nước.

The Eight Hundred bất ngờ trở thành tâm điểm của diễn đàn vì tính thực tế của các sự kiện lịch sử mà nó tái hiện trung thành

Dựa trên lịch sử đời thực, bộ phim tập trung vào trận đánh then chốt ở Thượng Hải năm 1937 trong chiến tranh Trung-Nhật. Trong một tình tiết quan trọng nay đã trở thành huyền thoại, khoảng 400 kháng chiến quân Trung Quốc — một tập hợp gồm binh lính, người đào ngũ và thường dân — đã dựng phòng tuyến hào hùng, cuối cùng thất bại, bảo vệ một nhà kho bị cô lập trước làn sóng lính Nhật, để lực lượng chính quy của Trung Quốc có thể thoát về phía tây, bảo vệ trung tâm đầu não cho giai đoạn phản công về sau. Được quay chủ yếu bằng máy quay Imax — lần đầu tiên trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc — bộ phim được cho là tái hiện lịch sử trong các cảnh hành động chân thực, với sự giúp đỡ của một nhóm các chuyên gia kỹ thuật nổi tiếng của Hollywood, bao gồm cả giám sát hiệu ứng hình ảnh được đề cử Oscar Tim Crosbie (X-Men: Days of Future Past) và điều phối viên hành động kỳ cựu Glenn Boswell (Ma trận, The Hobbit).

Đến thứ bảy, khi Liên hoan phim Thượng Hải trở nên sôi nổi, “các vấn đề kỹ thuật” thực sự của The Eight Hundred bắt đầu xuất hiện. Theo tin đưa của nhiều cơ quan báo chí trực thuộc nhà nước, bộ phim lần đầu bị chỉ trích vào ngày 9 tháng 6 trong một cuộc họp của Hiệp hội Nghiên cứu Văn hóa Đỏ Trung Quốc. Cuộc họp đã tập hợp một số nhà phê bình phim nổi tiếng, cũng như các cựu quan chức quân đội Trung Quốc, để thảo luận về “loại phim nào [đất nước] nên sản xuất dưới ánh sáng kỷ niệm 70 năm Trung Quốc mới.”

Vào thứ bảy, sau khi buổi chiếu ra mắt thế giới không bao giờ xảy ra, áp phích cho The Eight Hundred vẫn được trưng bày nổi bật ở Thượng Hải

The Eight Hundred bất ngờ trở thành tâm điểm của diễn đàn vì tính thực tế của các sự kiện lịch sử mà nó tái hiện trung thành. Vào thời điểm Trận chiến Thượng Hải, những người theo Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo kiểm soát thành phố và tổ chức phòng thủ chống Nhật. Thế nên, bộ phim của Quản Hổ hiển thị chính xác các lực lượng Trung Quốc chiến đấu dưới cờ Quốc Dân Đảng. Mặc dù thất trận, đồng thuận lịch sử mô tả trận đánh bảo vệ nhà kho này là một sự thúc đẩy tinh thần quan trọng đối với các lực lượng Trung Quốc trong kháng chiến chống Nhật.

Trong số những người tham gia cuộc họp ngày 9 tháng 6 đó có Wang Lihua, một cựu tướng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. “[Bộ phim này] tôn vinh cuộc chiến của Quốc Dân Đảng, vi phạm nghiêm trọng lịch sử,” ông nói. “Điều này đi lệch khỏi chủ nghĩa duy vật lịch sử và không nên được khuyến khích.”

Được quay chủ yếu bằng máy quay Imax — lần đầu tiên trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc — bộ phim được cho là tái hiện lịch sử trong các cảnh hành động chân thực

Guo Songmin, một cựu chỉ huy Không quân Trung Quốc trở thành nhà phê bình phim, nói thêm: “Họ không nên nhiệt tình quảng bá cờ Quốc Dân Đảng theo cách trang trọng và thiêng liêng như vậy. Nếu chúng ta làm thế, bất luận ý định gì, sẽ làm tổn thương những người lính đã chiến đấu để thành lập Trung Quốc mới, và cho thấy sự thiếu tôn trọng thực sự đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Diễn đàn đã kết luận The Eight Hundred là một bộ phim không phù hợp để phát hành trong năm kỷ niệm 70 năm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Như thường lệ, các cơ quan quản lý điện ảnh Trung Quốc không đưa ra lời giải thích trực tiếp nào cho sự vắng mặt của The Eight Hundred tại Liên hoan phim Thượng Hải (một tấm áp phích lớn cho bộ phim vẫn được treo ở địa điểm chính của liên hoan vào thứ bảy 15/6); và mối liên hệ giữa việc rút lại bộ phim và cuộc họp ngày 9 tháng 6 vẫn còn là vấn đề phỏng đoán. Nhưng đa phần người trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã coi sự xuất hiện của các báo cáo về cuộc họp đó là bằng chứng đủ.

Góc quay thể hiện Thượng Hải tuyệt đẹp trong thời kỳ lịch sử đó

“Tất cả đều rất buồn vì nhiều lý do,” một nhà sản xuất có ảnh hưởng ở Bắc Kinh nói với The Hollywood Reporter (yêu cầu giấu tên). “Nói một lý do thôi đó là, tôi đã xem [The Eight Hundred], và phim rất hay,” nhà sản xuất nói. “Chúng ta nên tự hào về loại tác phẩm này, đừng kìm nén nó.”

Lược dịch: Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter