Giải thưởng - LHP

Liệu điện ảnh Đại lục có thiệt hại do lệnh cấm tham gia giải Kim Mã 2019 của Đài Loan?

30/09/2019

Còn tám tuần nữa là đến Lễ trao giải Kim Mã thường niên tại Đài Bắc, liên hoan phim uy tín nhất châu Á đã trở thành nạn nhân của những căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan.

Được mệnh danh là “Giải Oscar châu Á”, Kim Mã là sự kiện thường niên dành giới thiệu những cái hay nhất của điện ảnh Hoa ngữ, và là nơi để các phim độc lập kinh phí thấp đột phá vào dòng chủ lưu.

Nhưng vào tháng 8 năm nay, Cục Điện ảnh Trung Quốc nói không nhà làm phim Đại lục nào hoặc phim của họ được phép tham gia liên hoan năm nay vào ngày 23 tháng 11.

Cơ quan quản lý này cho biết những ai vi phạm sẽ được đưa vào “danh sách theo dõi” và phim của họ sẽ bị cấm ở Đại lục, thị trường phim lớn thứ hai thế giới.

Chính quyền Đại lục không đưa ra lý do vào thời điểm ban hành lệnh cấm. Nhưng tại lễ trao giải năm ngoái, trong bài phát biểu nhận giải phim tài liệu hay nhất, đạo diễn Đài Loan Fu Yue nói rằng cô hy vọng hòn đảo tự trị này một ngày nào đó sẽ trở nên “thực sự độc lập”.

Phát biểu đó đã thu hút sự lên án lập tức từ Global Times, một tờ báo của nhà nước, và Văn phòng sự vụ Đài Loan của chính phủ Trung Quốc (State Council’s Taiwan Affairs Office - TAO), cơ quan hàng đầu của Bắc Kinh chịu trách nhiệm về chính sách Đài Loan.

Đạo diễn Đài Loan Fu Yue (trái) có bài phát biểu ủng hộ Đài Loan độc lập tại Lễ trao giải Kim Mã tháng 11/2018 tại Đài Bắc bên cạnh nhà sản xuất phim Hong Ting Yi

Sau khi lệnh cấm được công bố, số lượng phim gửi tham dự đã giảm từ 228 năm 2018 xuống còn 148 trong năm nay – mức thấp nhất trong bốn năm.

Các nhà sản xuất phim ở Hồng Kông, tuân thủ lệnh cấm của Bắc Kinh, đã tham gia tẩy chay, và tuần trước, nhà làm phim Đỗ Kỳ Phong đã từ chức chủ tịch ban giám khảo Giải thưởng Kim Mã năm nay, trích dẫn các cam kết hợp đồng.

Đại lục cũng đã lên lịch trao giải Kim Kê hai năm một lần cùng ngày với sự kiện Kim Mã của Đài Loan.

Trong khi lệnh cấm nhắm vào Đài Loan, các nhà làm phim Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông cũng chịu bất lợi, theo các nhà quan sát.

Nhà làm phim Đỗ Kỳ Phong, từng ba lần thắng Kim Mã đạo diễn xuất sắc nhất, đã từ chức chủ tịch ban giám khảo năm nay

Kristina Karvelyte, giáo sư tại Đại học Ming Chuan ở Đài Bắc, nói việc tẩy chay sẽ không ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp điện ảnh Đài Loan. “Mục đích của Trung Quốc, đằng sau điều này là để làm giảm danh tiếng của sự kiện và để 'trừng phạt' Đài Loan, trớ trêu thay, chủ yếu là các nhà làm phim Trung Quốc và Hồng Kông hiện đang phải trả giá cho quyết định này,” Karvelyte nói. “Đài Loan sẽ tiếp tục tổ chức giải thưởng có hoặc không có Trung Quốc, giống như họ đã tổ chức sự kiện này hàng thập kỷ trước năm 1996 [khi các nhà làm phim Đại lục lần đầu tiên được phép tham gia].”

Kevin Ma, một nhà phê bình phim có trụ sở ở Hồng Kông, nói lệnh cấm có thể có nghĩa là các xuất phẩm của Đại lục bị mất đi sự chú ý của quốc tế.

“Thắng một giải thưởng Kim Mã chắc chắn giúp ích cho danh tiếng của một bộ phim, vì vậy mất [sự tham gia] làm tổn thương ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc mặc dù không ai sẽ thừa nhận điều đó,” Kevin Ma nói. “Thiệt hại nhiều cho phim nghệ thuật [Đại lục] cần được sự khen ngợi của giới phê bình để gây chú ý cho các mục đích tiếp thị toàn cầu.”

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu với tượng vàng đạo diễn xuất sắc cho Shadow tại Kim Mã 2018

Lệnh cấm đặc biệt có ý nghĩa khi nhiều phim Đại lục đã giành được giải thưởng cao nhất trong những năm gần đây, bao gồm phim kỳ ảo võ thuật Shadow của Trương Nghệ Mưu năm 2017, và năm ngoái, là phim thành công đình đám Dying To Survive, một phê bình về hệ thống y tế của Đại lục.

Chris Berry, giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại King’s College London và là một thành viên giám khảo tại liên hoan năm 2017, nói sự kiện này được thành lập vào năm 1962 để quảng bá cho điện ảnh nói tiếng Quan thoại và được cho là không thể tách rời khỏi chính trị hai bên bờ eo biển.

Đến năm 1990, việc quản lý giải thưởng do một ủy ban độc lập nắm giữ “để giải thưởng có uy tín và tự chủ chính trị hơn, và đặt xa tầm tay của chính phủ,” Berry nói. “Dân chủ hóa và loại bỏ kiểm soát của chính phủ đối với giải thưởng đã khiến các nhà tổ chức khó kiểm soát những gì người chiến thắng phát biểu khi nhận được giải.”

Nhà sản xuất phim Đài Loan Gene Yao nói uy tín của liên hoan phim một phần là do những nỗ lực cách ly với chính quyền.

Từ Tranh và giải Kim Mã nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong phim Dying To Survive

“Giải Kim Mã hoàn toàn mở và độc lập trong thời gian dài nhất,” ông nói. “Tất cả người trong ngành chúng ta không dám chạm vào; từ lúc đệ trình đến chiến thắng giải thưởng, tất cả các bộ phim đều được đánh giá công bằng và được chiếu cho công chúng.”

“Bảo là tẩy chay, nhưng đối với tôi, chính quyền đang tìm cách tránh mọi nguy cơ một cuộc tranh cãi nhỏ làm leo thang tình hình hai bên bờ eo biển,” ông nói. “Họ đang nhắm mục tiêu Giải thưởng Kim Mã vì đây là một mục nhạy cảm trong chương trình nghị sự có chứa tất cả các khả năng [tranh cãi].”

Hao Jian, một giáo sư điện ảnh ở Bắc Kinh, nói lệnh cấm này không tốt cho ngành công nghiệp điện ảnh Đại lục vì nó có nghĩa là “bớt đi một cơ hội trao đổi văn hóa giữa các nhà làm phim nói tiếng Trung.”

“Thật kỳ lạ, không có đạo diễn Đại lục nào lên tiếng hay phàn nàn về lệnh cấm,” ông nói. “Hoàn toàn im lặng.”

Cảnh trong phim The White Storm 2: Drug Lords của Hồng Kông đã bị rút lại không tham gia Kim Mã 2019

Ông nghĩ việc tẩy chay là vì Bắc Kinh tin rằng lễ trao giải năm ngoái đã bị chính trị hóa. “Chính sách [cấm] là vì Trung Quốc không muốn các đạo diễn của mình bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do sáng tạo [ở Đài Loan], điều này có thể khiến cách suy nghĩ của họ trở nên đa dạng hơn,” ông nói. “Nhưng đây chỉ là phỏng đoán của tôi thôi.”

Lược dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post