Movie Blogs

Bleak Night - Đêm chơi vơi

18/03/2012

Lẽ ra trước khi bắt đầu viết về một bộ phim, tôi thường tóm tắt sơ qua nội dung phim và các nhân vật, nhưng với Bleak Night tôi không muốn tóm tắt phim, vì có lẽ sẽ rất khó miêu tả chính xác chủ đề của phim nếu không nói đến cách thể hiện trước.

Lâu rồi tôi mới được xem những thước phim đẹp như Bleak Night, đẹp mơ màng và chông chênh như tâm trạng của những người – bạn – trong phim. Tất cả những cảnh quay đường ray xe lửa đều thật đẹp, nhưng ở đường ray xe lửa đó đôi khi có ba người bạn, đôi khi chỉ có hai hoặc một, và có khi chỉ còn một người tưởng tượng ra người kia vẫn đang hiện diện bên mình, nơi đường ray xe lửa đó cả ba cùng chơi bóng chày những ngày tháng vui vẻ…

Bleak Night (tiếng Hàn: Pasuggun, nghĩa là “The Guard”, dịch sang tiếng Việt thành “Người bảo vệ” hay “Cận vệ”) kể về ba người bạn Ki Tae, Dong Yoon, và Hee Jun (còn gọi là “Becky”, tôi không rõ cách gọi thân mật trong tiếng Hàn nên không biết có phải vì nhân vật này họ Baek nên gọi thành Becky không?). Ban đầu tôi thích tựa dịch sang tiếng Anh hơn, nhưng tựa tiếng Hàn sát với ý nghĩa của phim hơn – khi chính kẻ đi bắt nạt người khác Ki Tae lại là người yếu đuối và cần được che chở bảo vệ nhất.

Phim đi ngược về quá khứ qua cái nhìn của cha Ki Tae đi tìm hiểu vì sao con mình tự sát và trong quá trình tìm hiểu ông trò chuyện với những người bạn của con trai mình; phim qua đó tái hiện lại tình bạn và mâu thuẫn giữa Ki Tae, Dong Yoon và Becky. Đây cũng chính là lý do tôi không muốn tóm tắt phim ngay lúc đầu, vì nếu bảo phim nói về người cha đi tìm hiểu lý do con mình tự sát, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đến kiểu phim “đi tìm công lý” với những màn kịch tính ầm ầm, rồi sẽ có người bị lên án và người được trả lại “công bằng”, nhưng Bleak Night lại hoàn toàn không có bất cứ yếu tố nào của loại phim điển hình kể trên; trong phim không ai là người hoàn toàn “có lỗi”, cũng không ai là nạn nhân. Bleak Night là câu chuyện của những khoảng lặng trong đời sống những thanh niên mới lớn và mối quan hệ của họ với nhau cũng như với thế giới xung quanh. Dù Ki Tae tự sát nhưng phim chưa bao giờ nhắc đến từ này, khán giả chỉ hiểu cậu đã kết thúc cuộc đời mình qua đoạn hội thoại của cha Ki Tae với những người bạn của cậu.

Ki Tae là một cậu học sinh có vẻ như bị cha mẹ bỏ bê không chăm sóc, cậu muốn mọi người đều biết đến mình, muốn được quan tâm, nên khi nhìn thấy bất cứ dấu hiệu nào rằng bạn cậu không xem cậu là trung tâm thế giới của họ, cậu sử dụng đến tất cả những gì một con thú nhỏ bị tổn thương như cậu có được – đầu tiên là bạo lực, và sau khi thấy bạo lực không có kết quả, cậu bắt đầu tung những tin đồn xấu xí – tất cả chỉ để bạn cậu rồi lại yêu mến cậu như ngày xưa. Từ hết hiểu lầm này sang hiểu lầm khác, Becky thôi không còn nói chuyện với Ki Tae, và sau những trò lố Ki Tae dựng lên để có lại được tình bạn của Becky một cách ngốc nghếch, Becky quyết định chuyển trường.

Phần đầu phim tái hiện lại những mâu thuẫn giữa Becky và Ki Tae cốt để dẫn đến cao trào của phim là tình bạn giữa Dong Yoon và Ki Tae. Khi được hỏi, Becky từng nói với cha của Ki Tae, “Cháu không bao giờ thân với Ki Tae được như Dong Yoon.” Dong-Yoon là bạn thân nhất của Ki Tae từ tiểu học, nhưng không như Ki Tae mong muốn được mọi người ngưỡng mộ, Dong Yoon là người bản lĩnh và chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó – cậu ta đi nơi cậu ta muốn, hẹn hò với cô gái cậu ta thích dù đó chẳng phải là cô bạn đẹp nhất lớp và chẳng bao giờ tham gia những trò lố sau giờ học của Ki Tae cùng đám lâu la. Một điểm đáng chú ý là Ki Tae chơi với hai nhóm bạn tách biệt. Khi đi với Dong Yoon và Becky, Ki Tae là cậu thanh niên yêu bóng chày đơn thuần, khi đi với đám lâu la trong lớp cậu chỉ giống một thanh niên hư hỏng, đua đòi tụ tập bè đảng. Với Dong Yoon và Becky, thế giới của Ki Tae là nơi đường ray yên bình chỉ có ba người bạn. Còn với những người “bạn” mà cậu có thể sai khiến, là bãi hoang và phòng tối sặc khói thuốc. Trong thâm tâm cậu dĩ nhiên hiểu rõ ai là bạn thực sự.

Và cũng vì thế, khi hai người bạn đó quay lưng, khi Dong Yoon quay lưng, thế giới của Ki Tae sụp đổ. Bởi khi Dong Yoon bảo Ki Tae đừng theo đuổi sự ngưỡng mộ mà một khi cậu tốt nghiệp trung học sẽ trở thành vô nghĩa nữa, Ki Tae đã nói lời thật lòng nhất cậu từng thổ lộ, “Nếu không còn gì cả, vẫn còn mày mà, Dong Yoon.”

Bleak Night không nói về cái chết hay nguyên do dẫn đến cái chết, mà nói về tuổi trẻ mỏng manh khi người ta phải đối diện với những tình cảm chông chênh, tổn thương nhau vì sợ mất nhau rồi cuôi cùng để mất nhau thật sự mà không cách nào níu giữ, cũng không thể bỏ qua cái “tôi” cao vời vợi của thời niên thiếu để nhận lỗi, chấp nhận để những tình cảm quý giá trôi qua tầm tay. Chỉ đến Bleak Night, tôi mới chú ý đến kiểu quay cận cảnh thật gợi tả với nền đằng sau có chiều sâu, ta chỉ nhìn thấy khuôn mặt người mà không thấy được thế giới mờ ảo đằng sau họ.

Tôi thích Bleak Night như vậy vì phim tả chứ không kể, để cho khán giả cùng theo dõi hành trình cảm xúc của các nhân vật nhưng không đưa ra bất cứ nhận xét, đánh giá hay “bài học” nào. Phim miêu tả tính cách và bầu không gian của thế giới tuổi mới lớn chân thành và không xét đoán, với những niềm vui và nỗi đau tưởng chừng nhỏ, nhưng ở tuổi đó lại là cả cuộc sống của họ. Có một cảnh tôi nhớ mãi khi cô bạn gái Se Jung của Dong Yoon đòi cậu đưa chiếc đồng hồ đeo tay, vì “Có thế này thì cậu mới chịu gặp tớ lần tới.” Se Jung lấy đồng hồ đeo vào tay, đi về phía nhà mình rồi quay lại và trả đồng hồ cho Dong Yoon. Se Jung muốn “gặp” lại Dong Yoon lần nữa ngay lúc ấy, hay vì cô biết rằng sau ngày hôm đó, có thể họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau?

Phim gợi cho tôi nhớ nhiều về Distance của Koreeda với máy quay tay dịch chuyển theo từng bước nhân vật và cũng làm cho tôi cảm thấy tâm trạng chấp chới, chênh vênh của các nhân vật. Ngay cả chủ đề đi tìm hiểu lý do đằng sau cái chết của người thân cũng tương tự, nhưng tôi thích Bleak Night hơn vì chủ đề phim và nhân vật phim gần gũi hơn, dễ liên hệ hơn. Màu sắc phim cùng những cảnh quay không gian rộng lớn và con người nhỏ bé lại gợi nhớ về Eureka Wandafuru Raifu, thật khó mà tin rằng đây là phim của sinh viên làm bởi những thước phim thật đẹp và trau chuốt từng chi tiết nhỏ khiến người ta nhớ đến phong cách của những đạo diễn nổi tiếng.

Diễn viên của phim trừ vai chính Lee Je Hoon (Ki Tae), những người còn lại chưa đóng phim nhiều, nhưng tôi đã rất ấn tượng với Dong Yoon của Seo Jun Young (có phải một phần vì cậu hao hao giống vẻ đáng mến và nam tính của Kam Woo Sung?). Cậu đã diễn thật hay vẻ bất cần và bản lĩnh của Dong Yoon, để rồi đằng sau vẻ bề ngoài đó cũng chỉ là một tâm hồn dễ tổn thương trong tình yêu, tình bạn như bao thanh niên khác ở tuổi ấy. Lee Je Hoon diễn rất tốt một Ki Tae lúc dịu dàng lúc tàn nhẫn ác độc, khi trong ánh mắt của cậu chỉ mong một điều duy nhất là thật sự được mọi người thương yêu để bù đắp cho tình cảm gia đình không tồn tại. Có lẽ bởi những diễn viên trẻ, chưa qua quá nhiều kinh nghiệm như thế, nên các nhân vật có cảm giác rất thật, như những học sinh trung học ngoài đời vậy.

Dù đã xem qua một số phim điện ảnh Hàn được đánh giá cao như phim của Kim Ki Duk, Lee Chang Dong (Poetry, đây cũng là một phim khá nhưng tôi không có cảm xúc nhiều về cách thể hiện), Park Chan Wook (Oldboy), nhưng cho đến giờ đối với tôi, Bleak Night là phim điện ảnh Hàn hay nhất. Bleak Night không khó xem, nhưng là một bộ phim đẹp và rất gợi tả về một vấn đề – mà tôi nghĩ là – bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể liên hệ được. Phim do Yoon Sung Hyun đạo diễn và là tác phẩm tốt nghiệp Học viện điện ảnh Hàn Quốc của anh.

© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi