Movie Blogs

Captain America: Civil War - Khi công lý không chọn team

06/05/2016

Tôi sẽ không tiếc lời và cũng không phải nói quá khi khẳng định ngay từ đầu: Captain America – Civil War là một siêu phẩm thực sự, theo tất cả các nghĩa! Thành công lớn nhất của Marvel, kể từ sau The Avengers cách đây tròn bốn năm.

Đã từ rất lâu rồi khán giả mới ra rạp, thưởng thức một bộ phim siêu anh hùng theo cách hào hứng, sôi nổi và cả nghiêm túc đến như thế.

Do có sự khác biệt khá lớn giữa phiên bản điện ảnh và Comic của sự kiện Civil War, bài viết này chỉ phân tích và nhận định dựa trên phiên bản điện ảnh và các thông tin mà Marvel đã đem đến cho khán giả thông qua các bộ phim của hãng này, như anime thì không phải lúc nào cũng giống manga vậy.

Đây là một bài viết có chứa nội dung 'spoiler', với tôi là điều khá tối kỵ trong một bài bình phim, tuy nhiên, đứng trên quan điểm cảm nhận theo một góc nhìn khác, nếu bạn thực sự yêu thích comic hay dòng phim siêu anh hùng, bài viết sẽ chia sẻ một cái nhìn thực tế, rõ ràng và có chiều sâu hơn, vượt qua những màn đánh đấm mãn nhãn về bộ phim bom tấn này.

Cái tên chưa nói lên tất cả

Hãy cùng bắt đầu bằng câu chuyện về một “Civil war” khác của một kiệt tác lừng danh mà chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng biết, Thủy Hử!

Cuộc “nội chiến” đó bắt đầu từ lý tưởng đối nghịch của Tống Giang và Tiều Cái, hai nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lương Sơn Bạc.

Trái với Tiều Cái, người đặt nền móng đầu tiên cho Lương Sơn Bạc, luôn hành động trượng nghĩa, với quan điểm thay trời hành đạo do mất lòng tin vào triều đình, thì Tống Giang, thủ lĩnh tinh thần thực sự, lại muốn đưa toàn thể anh em về dưới sự quản lý của hoàng đế. Chắc hẳn đến đây, chúng ta đã nhận ra sự tương đồng, Tiều Cái giống Captain America, người chiến binh luôn bảo vệ công lý, và Tống Giang lại giống Iron Man, chấp nhận sự kiểm soát của chính phủ.

Điều này dẫn đến một mâu thuẫn rất lớn, nhưng không phải đối với 107 vị anh hùng còn lại, mà là chính trong lòng mỗi độc giả; và sự thật là, chúng ta đã chọn “team” cho chính mình ngay từ khi biết đến Thủy Hử, chứ không phải đợi đến tận năm 2016 để xem Civil War!

Tôi sẽ không bàn đến lập trường của Tống Giang hay Tiều Cái (có thể sẽ là một lúc khác, trong một bài viết khác); mà đó là những điều siêu phẩm Captain America đã mang đến còn lớn hơn thế, khi công lý đã không chọn team cho mình!.

Bắt nguồn từ việc Liên hiệp quốc công bố Hiệp ước Sokovia, đạo luật công khai danh tính siêu anh hùng; trong đó mọi hoạt động của các nhóm như Avenger phải chịu sự điều phối của họ để giảm thiểu những tổn thất không đáng có cho dân thường cũng như cho các quốc gia nói chung. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn ban đầu trong nội bộ nhóm Avengers, mà cụ thể là hai nhân vật trụ cột: Tony Stark (Iron Man) và Steve Rogers (Captain America).

Mâu thuẫn này không đơn giản là việc chọn team: chấp nhận sự quản lý của chính phủ hay tự hành động theo tiếng gọi của chân lý một cách anh hùng; mà ở chỗ con đường đưa ra các quyết định này mới là điều đáng phải bàn.

Quan điểm của Iron Man

Iron Man (Tony Stark) luôn được biết đến là con người đầy kiêu ngạo, một tay chơi trác táng, một thiên tài đầy ngẫu hứng, nhưng khác với mọi ý kiến bình luận khác, tôi không cho rằng ông là một kẻ sẵn sàng phá luật để đạt được mục đích của mình.

Hãy cùng nhìn nhận lại nhân vật này từ thời kỳ Iron Man bắt đầu ra mắt công chúng cho đến hiện tại, đó là một quá trình thay đổi rõ rệt trong con người Tony. Từ một tỉ phú chỉ biết đến tiền thông qua công việc kinh doanh vũ khí, đến khi nhận ra điều quan trọng hơn đó là bảo vệ những con người yếu ớt, đấu tranh với những bất công diễn ra trên khắp đất nước, và trên cả thế giới nữa; Tony đã tìm được chân lý sống thực sự cho cuộc đời mình. Ông kết thúc những ngày tháng đặt đồng tiền lên trên hết, hủy bỏ việc kinh doanh vũ khí giết người hàng loạt, và tập trung vào phát triển công nghệ bộ giáp có thể giúp đỡ và bênh vực nhân loại.

Tony là một tỉ phú với tài sản hàng trăm tỉ đôla, một trong những bộ óc thông minh nhất vũ trụ Marvel, người đứng đầu ngành sản xuất và kinh doanh vũ khí đa quốc gia, chúng ta có thể quá dễ dàng nhận thấy rằng quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông trong các vấn đề kinh tế, xã hội hay thậm chí là chính trị khắp thế giới là cực kỳ lớn; vậy mà con người đó lại là một trong những thành viên đầu tiên của Avenger, đặt bản thân dưới sự điều hành và chi phối của S.H.I.E.L.D.

Trong các sự kiện chúng ta đã từng biết, ít nhất là qua màn ảnh rộng, cho đến thời điểm hiện tại, hơn ai khác, Tony luôn tuân thủ mệnh lệnh từ lãnh đạo Avenger, Nick Fury; từ việc luôn đảm nhận vai trò tiên phong trong mọi trận đánh, cho đến việc tài trợ hầu hết ngân sách để tổ chức hoạt động và phát triển.

Không thể phủ nhận rằng những quyết định của Iron Man, được cấu thành từ những trải nghiệm sống của một doanh nhân/siêu anh hùng lão luyện, cả về tuổi đời lẫn trí tuệ; luôn rất sâu sắc, đầy tinh thần trách nhiệm và đặt nhân loại lên trên tất cả. Trước tình thế các cuộc chiến của cá nhân các thành viên hay cả nhóm Avenger, dù với mục đích bảo vệ nhân loại thoát khỏi kẻ thù hủy diệt, vẫn để lại những hậu quả đáng tiếc, những tổn thất cực lớn về kinh tế và nhân mạng, Iron Man đã chọn giải pháp chấp nhận đạo luật Sokovia, đồng ý chịu sự quản thúc và điều phối của Liên hiệp quốc.

Tony đã không đưa ra quyết định này một sớm một chiều, mà trải qua hàng loạt suy nghĩ, nhận định và cả bài học từ sự thất bại trong dự án Ultron mà chúng ta đã biết. Ông biết, dù muốn hay không, những rủi ro, mất mát của dân thường trong chiến tranh là không thể tránh khỏi; tuy nhiên, với thực tế là các Avenger đang đi quá xa so với những luật lệ chung, tự do can thiệp vào các sự kiện vượt qua ranh giới các quốc gia, để lại những tổn thất rất lớn sau mỗi trận đánh, là điều không chấp nhận được nữa.

Xin hãy đánh giá một cách chín chắn rằng, khi nhóm siêu anh hùng với sức mạnh vô địch thế giới này vô tình gây nên cái chết của những người vô tội trong lúc bảo vệ những người khác, rồi sau đó thản nhiên ra đi mà không có chút trách nhiệm nào, đó là sự thiếu công bằng! Dẫu công lao của họ là không thể bàn cãi, dẫu phần lợi từ những việc họ làm lớn hớn rất nhiều so với phần hại, nhưng với việc nhân danh công lý để hành động tự do, bất chấp ranh giới chủ quyền, can thiệp vào chuyện của mọi đất nước thì điều đó đã khiến họ vượt trên luật pháp, hay nói cách khác, vượt trên những giá trị cốt lõi đã tạo nên xã hội loài người.

Bạn có sức mạnh, bạn bảo vệ loài người, nhưng khi bạn tự cho mình cái quyền đứng trên mọi quy định của xã hội, thì một ngày nào đó bạn sẽ đánh mất bản ngã của mình, và rằng, bạn đang giúp đỡ con người hay thực ra đang ban ơn để họ được sống? Đó chính là quan điểm xuyên suốt của Iron Man, một người đàn ông quá đủ thông minh và trải nghiệm cuộc đời. Đây không phải là một quyết định vô lý, quan liêu hay thậm chí mang tính bảo thủ cá nhân, mà hơn hết, đó là điều tốt nhất cho Avenger thời điểm này.

Vision, người thông thái nhất, mang trong mình Mind Stone, một trong sáu viên ngọc vô cực của toàn cõi vũ trụ Marvel, cũng đồng tình với quan điểm của Iron Man. Vision là một cỗ máy có suy nghĩ, nhận định dựa trên đánh giá tuyệt đối các khả năng có thể xảy ra trong tương lai đối với một quyết định, và qua đó phán xét là đúng hay sai. Dù tâm địa con người có là thứ không bao giờ phán đoán được, nhưng xét trên một khía cạnh nào đó, Iron Man không sai trong trường hợp này.

Quan điểm của Captain America

Captain America (Steve Rogers) là một anh hùng thực thụ, hình tượng của nước Mỹ về lòng trung thành và tình yêu tổ quốc. Tất cả những gì Steve theo đuổi từ trước đến nay luôn là bảo vệ công lý và chống lại cái ác. Nếu Iron Man là tiên phong, là chỗ dựa về trí tuệ và tài chính cho nhóm Avenger, thì Captain lại là chỗ dựa vững chắc nhất về tinh thần và sự cổ vũ, nhà lãnh đạo thực sự với mọi thành viên trong đội.

Có một câu trích dẫn rất nổi tiếng thế này: “Không ai yêu nước hơn Captain America.” Điều này là đúng, nhưng phải xét đến khía cạnh cụ thể, thế nào là “đất nước” đối với Steve Rogers.

Luôn đặt chính nghĩa làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình, Steve dấn thân vào quân đội từ thủa thiếu niên, dâng hiến toàn bộ cuộc đời mình cho tổ quốc, phụng sự bằng cả con tim cho lý tưởng của mình. Trải qua vô vàn những năm tháng đó, Steve là một người lính thực sự theo đúng nghĩa đen, cương trực, ngay thẳng, mạnh mẽ và đầy lý trí.

Sau sự kiện S.H.I.E.L.D sụp đổ, cùng với việc phát hiện, đập tan tổ chức Hydra, vốn toàn những thành viên cấp cao trong chính phủ các nước, hoạt động vì mưu đồ đen tối của mình, Steve dần thất vọng về bộ máy chính quyền. Anh mất niềm tin về sự lãnh đạo của những nhà cầm quyền, luôn đặt nghi ngờ với tất cả những điều mình biết. Steve vẫn luôn là người yêu nước, nhưng “đất nước” thực sự đối với anh chính là đảm bảo thực thi Công lý và Chính nghĩa cho tất cả mọi người.

- If we can't accept limitations, we're no better than the bad guys.
- That is not the way I see it!


Steve đã trả lời Iron Man như thế, rằng trải qua bao nhiêu năm tháng trong quân ngũ, cùng với hàng loạt sự kiện đã xảy ra, người lính trong anh không còn nhìn bộ máy lãnh đạo vận hành xã hội như cách mà anh vẫn mơ tưởng, trái lại, nó đã biến chất, và việc của Captain bây giờ là không nương theo nó, mà tự hành động theo niềm tin tối hậu của bản thân mình: Công lý cần phải thực thi, theo cách này hay cách khác.

Các nhà làm phim của Marvel đã rất tài tình khi mô tả quá trình chuyển biến tâm lý của Steve không phải ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình, xâu chuỗi trong rất nhiều sự kiện đã xảy ra, từ Hydra cho đến S.H.I.E.L.D, người lính ái quốc nhất cuối cùng cũng mất lòng tin vào sự lãnh đạo của con người.

Đó là quan điểm của Captain America khi từ chối ký đạo luật Sokovia, “If we sign these accords, it takes away our right to choose.”

Quyết định của Steve thiên về “tình”, còn của Tony thiên về “lý”, ai cũng có lý do đúng đắn, và đều dựa trên quan điểm bảo vệ con người trước cái ác; đó là lý do khiến Captain America: Civil War thực sự trở nên hấp dẫn.

Khi công lý không chọn team cho mình

Đây là điểm khiến tôi thích nhất trong bộ phim, và cũng là điểm khiến nhiều người hiểu lầm vấn đề nhất!

Trong tất cả các mối quan hệ, thì tình chiến hữu, nhất là được hình thành trong chiến trận, khi đồng sinh cộng tử, kề vai sát cánh bên nhau vì lý tưởng chung, là bền vững nhất. Và điều này có thể bị phá vỡ dễ dàng chỉ vì những quyết định với lập trường khác nhau của bản đạo luật trên ư? Câu trả lời là không thể, hay chí ít là với phiên bản nhân bản và thực tế hơn, phiên bản điện ảnh mà chúng ta đang thưởng thức.

Đây là cái rất đặc sắc và đậm chất con người của các nhà làm phim Marvel trong quả bom tấn này, khi cố tình không bám sát cốt truyện trong comic, một trong muôn vàn những sự kiện của MCU vốn chỉ viết ra để phục vụ nhóm khán giả tại thời điểm đó; còn khi bước lên màn ảnh rông, nó cần phải nhân văn và thực tế hơn nhiều khi đối tượng tiếp cận là cả thế giới hiện nay!

Tất cả các trailer trước khi bộ phim chính thức được công bố đã khiến chúng ta nhầm tưởng và hướng suy nghĩ của mình theo một hướng hoàn toàn khác: các Avenger lao vào tàn sát lẫn nhau vì mâu thuẫn trong quyết định về đạo luật Sokovia. Điều này thật trớ trêu, khi thực tế không phải như vậy, mà xung đột bắt nguồn từ một lý do khác.

Steve Rogers đã từng bị thuyết phục và suýt đặt bút ký đạo luật, cho đến khi bất ngờ biết được việc Iron Man đang giam giữ Scarlet Witch. Captain thay đổi quyết định ngay tại thời điểm đó do bất đồng trong cách xử lý vấn đề mang hơi hướm độc đoán của Iron Man với đồng đội. Điều này cho thấy việc ký hay không ký đạo luật không phải là nguyên nhân chính gây ra mối bất hòa nội bộ.

Lý do lớn nhất dẫn đến việc các Avenger lao vào nhau trên một sân bay tại Đức bắt nguồn từ một âm mưu cực kỳ tinh vi của Baron Zemo, cựu quân nhân mang lòng thù hận do cả gia đình hắn là nạn nhân vô tình trong một trận đánh của Captain America.

Ngay khi phát hiện ra mục đích của Zemo, chiếm quyền điều khiển tâm trí năm siêu chiến binh, một việc sẽ đe dọa trực tiếp đến an toàn của hàng vạn con người vô tội, Steve lập tức tìm cách lên đường ngăn chặn. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, anh lại phải đối đầu bởi đội Iron Man, người chịu trách nhiệm bắt Winter Soldier do tình nghi đến việc đánh bom trụ sở Liên hiệp quốc.

Lúc này cả hai bên buộc phải chọn lựa. Giữa an nguy của những con người vô tội, không đủ thời gian để giải thích cho Iron Man, Steve đã chọn phương án tình thế sáng suốt nhất nhưng lại khó khăn nhất: chiến đấu với chính những đồng đội của mình. Hay nói cách khác, với Steve lúc này, chính nghĩa đang ở trên tất cả, hơn cả tình chiến hữu thiêng liêng nhất trong anh. Còn với Tony, đó là trách nhiệm với quốc gia, anh phải hoàn thành nhiệm vụ, và trên hết, do không biết mục đích của Steve, anh muốn cản những hành động quá khích có thể dẫn đến kết cục xấu nhất cho nhóm Avenger. Đó mới thật sự đúng là cách mà trận đánh đã xảy ra.

Tuy nhiên, khi biết được nguyên nhân thật sự, Iron Man đã không hề do dự gạt bỏ nhiệm vụ của mình, gạt bỏ quan điểm của mình, bỏ qua mọi hiềm khích cá nhân để đến hỗ trợ Steve. Hay nói cách khác, bản chất thật sự trong lý tưởng của Iron Man cũng giống như Captain America, đó là công lý và bảo vệ nhân loại.

Trận đánh diễn ra tưởng có mà không, nó chỉ mang tính thời điểm nhất thời, khi chưa biết được mục đích và động cơ của nhau, chứ không phải trên cơ sở giọt nước tràn ly bởi các mâu thuẫn do đạo luật Sokovia gây ra. Các Avenger vẫn thống nhất là một khối, vẫn là liên minh vì công lý vĩ đại nhất của loài người.

Civil War lần này có hai trận đánh giữa nội bộ các Avenger (trận đánh tại sân bay Đức, và trận Tony vs Steve, Bucky; riêng những cảnh đánh nhau giữa Bucky và Black Panther không tính, do Bucky không phải thành viên nhóm Avenger), thì cả hai lần đó lý do chiến đầu đều không phải do đạo luật công khai danh tính Sokovia. Lý do đó chỉ trong comic, còn chúng ta đang thưởng thức trên màn ảnh rộng, xin đừng đánh đồng hai thứ đó vào nhau.

Xét cho cùng, công lý đã không chọn team nào cho mình cả, vì vượt lên trên hết, công lý chỉ có một, và luôn là điều mà cả Steve và Tony, cũng như toàn thể các Avenger coi là tôn chỉ mục đích cho cuộc đời mình.

Bố cục và nhân vật tuyệt vời

Phải nói một điều rằng, việc xây dựng tốt và đảm bảo đất diễn để mô tả được dàn nhân vật đông đảo với 12 siêu anh hùng chia đều cho mỗi phe như bộ phim bom tấn này là quá sức tuyệt vời. Bỏ qua những nhận định tiêu cực, những e dè của cộng đồng hâm mộ trước khi bộ phim được bấm máy, anh em nhà Russo đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đạo diễn.

Bố cục trơn tru nhưng lại giải thích rõ ràng những lý do khiến các xung đột xảy ra, người xem có thể nhẹ nhàng tiếp cận mà không đau đầu vì những câu hỏi xung quanh. Thêm vào đó, những pha hành động mãn nhãn, những trận đánh nảy lửa và kỹ xảo ngoài sức tưởng tượng có thể làm hài lòng những khán giả khó tính nhất, cho dù có là fan của Marvel hay không.

Về diễn xuất, ngoài sự nhập vai rất ổn định và trơn tru của dàn diễn viên chính như Chirs Evan (Captain America) hay Robert Downey Jr., các vai diễn khác cũng được đánh giá khá tốt. Elizabeth Olsen và Scarlett Johansson càng ngày càng quyến rũ hơn, hứa hẹn thu hút lượng fan nam rất lớn sau bộ phim này.

Việc đưa vào hai nhân vật mới trong Avenger lần này, đi kèm với diễn xuất hoàn hảo của Chadwick Boseman (Black Panther) và Tom Holland (Spider-Man) đã khiến khán giả có một tiếp cận ban đầu rất thiện cảm. Khi Chadwick Boseman đã thể hiện rất tốt thần thái của vị vua T’Challa, vừa nguy hiểm, vừa lạnh lùng tàn bạo, mà cũng rất lý trí; thì Tom Holland lại vô cùng hóm hỉnh, tinh nghịch và đầy năng lượng với vai diễn Spider-Man phiên bản 16 tuổi. Điều này chắc chắn sẽ hứa hẹn thành công khi các phim riêng của hai nhân vật này ra rạp vào thời gian sắp tới đây.

Một lời khen mang tính cá nhân của người viết dành cho Falcon, khi những màn đánh đấm của anh được “nâng cấp” triệt để; không còn hình ảnh một chàng trai chỉ biết bay lượn trong bộ “Bird Costume” với hai khẩu Uzi; đôi cánh của Falcon nay linh hoạt hơn, có thể biến thành khiên hoặc vũ khí trong nhiều trường hợp; cộng với chiếc Redwing Drones khá đáng yêu nhưng không kém phần nguy hiểm; Falcon phiên bản nâng cấp này thực sự đã trở thành một đối thủ đáng gờm cho bất cứ kẻ địch nào.

Điểm cộng khác dành cho diễn xuất nhân vật phản diện của bộ phim Baron Zemo do diễn viên người Đức Daniel Brühl thủ vai (ảnh trên). Daniel với tạo hình vừa hiền lành, vừa đáng sợ lại đầy toan tính đã diễn tả hết sức thành công nhân vật Zemo, lãnh đạo nhóm Thunderbolt, kẻ sẽ gây ra không ít khó khăn cho nhóm Avenger trong tương lai.

Một số điểm thú vị

1. Việc “tinh tế” cho hai nhân vật Thor và Hulk (Bruce Banners) rời khỏi đội trước khi xảy ra sự kiện này là rất cần thiết vì không giống như comic, nếu hai nhân vật này có mặt trong Civil War, với sức mạnh ngoài tầm kiểm soát của mình thì việc mất cân bằng hay có thể gây ra cái chết của các thành viên khác là rất khó tránh khỏi.

2. Thor đã về lại Asgard, có thể lý do chúng ta sẽ biết khi Thor 3: Ragnarok ra rạp; còn Hulk đang bỏ đi “biệt xứ”, chúng ta sẽ không gặp lại nhân vật này cho đến khi Marvel Studios khởi động Phase 3 với Avengers 3: Infinity War.

3. Sự quan tâm “thái quá” của Vision với Wanda (Scarlet Witch) một phần là do “trọng trách” Tony yêu cầu, và phần lớn đến từ tình cảm của Vision với Wanda; trong comic, về sau hai nhân vật này sẽ cưới nhau.

4. Falcon đã nói với nhân viên cảnh sát khi thu giữ trang phục bay của mình “Don’t let me look out the window and see someone fly with this” – như một cách nói mỉa mai Iron Man, khi cho Rhodes bộ giáp War Machine tương đồng với mình.

© Du Ca @Quaivatdienanh.com