Nhân vật & Sự kiện

PIXAR 25 tuổi

16/03/2011

Năm 2011 đánh dấu chặng đường 25 năm từ khi Xưởng phim Hoạt hình PIXAR ra đời. Trong những tháng tới đây sẽ có nhiều bài viết dành riêng cho phim ảnh, trò chơi và giải thưởng; nhưng gạt tất cả sang một bên, chúng tôi có một câu chuyện hậu trường về những bộ phim của Pixar.


Phim ngắn của Pixar

Năm 1986, phim ngắn đầu tiên của Pixar, Luxo Jr., mở đầu cho một phương hướng làm phim hoạt hình mới, sử dụng công nghệ đồ họa 3-D trên máy tính. Từ đó, gần như mọi phim truyện của Pixar đều được công chiếu cùng với một phim ngắn với vai trò mở màn, khôi phục một truyền thống đã từng là niềm vui mong đợi của khán giả. Phim ngắn của Pixar khuyến khích và phát triển công nghệ cũng như những tài năng của hãng, nhưng trên hết vì một lý do đơn giản: tình yêu nghệ thuật. Từ cậu bé con chuyên phá hoại đồ chơi trong Tin Toy (1989) cho tới những chú cò đáng yêu của Partly Cloudy (2009), phim ngắn của Pixar đã làm hài lòng biết bao khán giả và được giới phê bình hết lời khen ngợi, với 10 đề cử của Viện hàn lâm và ba lần bước lên bục cao nhất ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn. Và mới đây nhất là Day & Night (Ngày và đêm), lần đầu ra mắt khán giả cùng Toy Story 3, cũng nhận được một đề cử Oscar.


Phim truyện của Pixar

Ngày 22/11/1995, Xưởng phim Hoạt hình Pixar gây tác động mạnh mẽ đến tương lai của công nghệ làm phim, cả về xây dựng kịch bản và công nghệ hoạt hình với sự ra mắt phim truyện đầu tay của hãng, Toy Story (Câu chuyện đồ chơi). Ra đời sau chín năm thành lập Pixar, Toy Story hội tụ tất cả sáng tạo và thành tựu công nghệ hun đúc trong nhiều năm của một đội ngũ các kỹ sư máy tính và họa sĩ làm việc với đam mê, được dẫn dắt bởi Ed Catmull và John Lasseter, hai người hiện thời là Chủ tịch và Giám đốc sáng tạo của hãng. Bộ phim đánh dấu sự ra đời của thời đại phim hoạt hình đồ họa máy tính, trở thành phim có tổng doanh thu cao nhất năm 1995 với việc thu về 362 tỉ đô la từ các phòng vé toàn cầu. Đạo diễn Lasseter nhận giải Cống hiến đặc biệt của Viện hàn lâm nhằm vinh danh người thủ lĩnh đã "truyền cảm hứng cho đội ngũ làm phim Toy Story làm nên phim truyện hoạt hình đầu tiên thực hiện trên máy tính".

Nối tiếp Toy Story (1995), Pixar tiếp tục sáng tạo và sản xuất A Bug's Life (Đời sống côn trùng - 1998), Toy Story 2 (1999), Monsters, Inc. (Công ty quái vật - 2001), Finding Nemo (Đi tìm Nemo - 2003), The Incredibles (Gia đình siêu nhân - 2004), Car (Vương quốc xe hơi - 2006), Ratatouille (Chú chuột đầu bếp - 2007), WALL-E (Rô-bô biết yêu - 2008), Up (Vút bay - 2009) và gần đây nhất là Toy Story 3 (2010). Những phim này đều gặt hái thành công chưa từng thấy cả ở khía cạnh phê bình lẫn doanh thu phòng vé. Tính cả thành công của Toy Story 3, phim truyện hoạt hình của Pixar đã nhận được 40 đề cử của Viện hàn lâm, chín tượng vàng Oscar, bảy lần thắng ở Quả cầu vàng và nhiều giải thưởng khác. Và Cars 2 sẽ tăng tốc tiến vào các phòng chiếu mùa hè này.


Xe tải Pizza Planet

Chiếc xe tải giao pizza của nhà hàng Pizza Planet, lần đầu tiên xuất hiện trong Toy Story, đã trở thành "xế mời đặc biệt" xuất hiện hầu hết trong các phim của Pixar cho đến tận bây giờ.

1/ Pizza Planet bắt nguồn từ Toy Story, đây là tiệm bánh pizza mà Andy và em gái Molly được mẹ dẫn tới ăn tối. Khi Buzz và Woody vô tình bị Andy bỏ quên ở cây xăng Dinoco trên đường tới Pizza Planet, cả hai đã quá giang trên chiếc xe tải giao pizza của tiệm để gặp lại Andy.

2/ Trong A Bug's Life chiếc xe tải Pizza Planet đậu bên ngoài ngôi nhà lưu động trước khi Flick vào thành phố Côn trùng.

3/ Trong Toy Story 2, Buzz và nhóm bạn dùng chiếc xe tải Pizza Planet bỏ không bên ngoài khu nhà của Al McWhiggin để phi ngay tới sân bay cứu Woody trước khi cậu bị đưa lên máy bay tới Tokyo.

4/ Trong Monsters, Inc. chiếc xe lại đậu trước ngôi nhà lưu động, y như cảnh đã thấy ở A Bug's Life, khi Sulley, Mike và Boo vọt qua cánh cửa nhà máy. Randall sơ suất xông vào và bị những người trong đó tấn công.

5/ Với Finding Nemo, chiếc xe đang chạy trên đường phố khi nhóm bạn đào thoát khỏi phòng khám nha khoa trong những bịch nilon.

6/ Chiếc xe không xuất hiện trong The Incredibles.

7/ Chiếc xe hai lần xuất hiện trong Cars. Bạn có thể bắt gặp chiếc xe trên đường cao tốc đoạn phim "Life is a Highway" và một lần nữa ở vòng đua chung kết cúp Piston.

8/ Trong Ratatouille, bạn sẽ thấy chiếc xe đang chạy trên một cây cầu bắc qua sông Seine, cảnh Skinner đuổi bắt Remy.

9/ Trong WALL-E khi Eve lần đầu đặt chân tới Trái đất để tìm kiếm mầm sống, Eva rà quét chiếc xe Pizza Planet và đóng sầm nắp ca-pô.

10/ Chiếc xe xuất hiện trên đường phố khi ngôi nhà bong bóng của ông già Carl bay ngang qua, và tiếp tục xuất hiện ở cuối phim trong bãi đậu xe gần tiệm kem Fentons.

11/ Trong Toy Story 3, Lotso, Big Baby và Chuckles quá giang trên chiếc xe này tới nhà trẻ Sunnyside trong câu chuyện được kể lại về Lotso.


John Ratzenberger

Được biết đến như một sức hút may mắn cho Pixar, John Ratzenberger là nam diễn viên duy nhất lồng tiếng cho mỗi nhân vật trong suốt 12 phim của Disney/Pixar. Ratzenberger lồng tiếng cho Hamm, ống heo biết tuốt trong cả ba phần Toy Story. Ông cũng góp giọng trong A Bug's Life vai P.T. Flea; Yeti người tuyết trong Monsters Inc.; Fish School trong Finding Nemo; Underminer - The Incredibles; xe tải Mack - Cars; bồi bàn Mustafa - Ratatouille; John - một cư dân trên phi thuyền không gian Axiom trong WALL-E; và nhân vật Tom - quản đốc công trường trong Up. Ratzenberger sẽ tiếp tục lồng tiếng cho Mack trong Cars 2 sắp ra mắt khán giả.


A113

Con số A113, vốn là tên lớp học trước đây của John Lasseter, Brad Bird, Pete Docter và Andrew Stanton tại Học viện Nghệ thuật California, xuất hiện ở mọi phim của Pixar.

1/ Trong Toy Story, biển số chiếc xe bán tải của mẹ Andy là A113.

2/ A113 là mã số in trên chiếc hộp ngũ cốc khi Flick vào thành phố Côn trùng trong A Bug's Life.

3/ Trong Toy Story 2, A113 tiếp tục xuất hiện cùng chiến xe của mẹ Andy và còn được phát ra từ loa thông báo ở sân bay về chuyến bay "LassetAir Flight A113" - đồng thời nhắc tới đạo diễn John Lasseter.

4/ Trong Monsters, Inc. A113 xuất hiện ở cảnh Sulley nhìn thấy Smitty và Needleman vận hành máy ép rác.

5/ Trong Finding Nemo, A113 là ký hiệu đời máy của chiếc camera chụp dưới nước nha sĩ đã sử dụng để chụp hình, cảnh Nemo bị bắt đi.

6/ Trong The Incredibles, căn phòng hội nghị nơi Bob dự định gặp Mirage là phòng A113. Bên cạnh đó, địa điểm giam giữ Mr. Incredible là ô #13, tầng A1: A1+13.

7/ Trong Ratatouille, A113 được in trên chiếc xe lửa, đoạn phim trắng đen chiếu trên TV vào buổi tối đầu tiên Linguini mang Remy về căn gác nhỏ của mình. Nó cũng xuất hiện một lần khác khi đám chuột đến nhà hàng Remy làm việc để xin ăn (vị trí sau tai con chuột cơ bắp).

8/ A113 là chỉ thị nổi loạn trên chiếc bánh lái đang cài chế độ tự động nhằm chống lại thuyền trưởng trong WALL-E.

9/ Trong Up, A113 là con số in trên tấm bảng phòng xử án khi ông già Carl đang ngồi đợi với trát hầu tòa.

10/ Mặc dù nhiều năm đã trôi qua, mẹ của Andy vẫn không thay số xe mới, lại là chiếc xe biển kiểm soát A113 trong Toy Story 3. Tuy nhiên, ở phần ba mẹ Andy có khung biển mới với hàng chữ "Tiger Pride", có liên quan tới quê hương của đạo diễn Lee Unkrich - Chagrin Falls, Ohio - và linh vật của trường trung học ông đã theo học, loài hổ.


Dấu ấn của hoạt hình ngắn Luxo Jr.

Sản phẩm đột phá của Xưởng phim Hoạt hình Pixar, Luxo Jr., là phim hoạt hình ngắn đầu tiên dựng trên máy vi tính được Pixar cho ra mắt khi hãng vừa ra đời năm 1986. Thể hiện sức mạnh biểu cảm của một cây đèn bàn được nhân cách hóa, Luxo Jr. ứng dụng một công nghệ trước đây chưa từng có, do hai nhà sáng lập Pixar là Ed Catmull và John Lasseter sáng tạo, đó là truyền dẫn sự sống và cá tính vào những đồ vật vô tri. Nhân vật chính của phim là hai chiếc đèn bàn và một trái banh vàng sọc xanh với ngôi sao màu đỏ. Từ năm 1986, Pixar đã chọn chiếc đèn biết nhún nhảy làm logo biểu tượng, và nhiều phim của Disney - Pixar đã tái hiện hình ảnh bộ phim mẫu mực này.

1/ Trong Toy Story, Buzz Lightyear nhảy bổ vào trái banh Luxo ngay lần đầu tiên anh chàng vào phòng của Andy để khoe với các đồ chơi khác rằng mình biết bay.

2/ Cảnh mở màn Toy Story 2, khi Buzz Lightyear bay vào không gian, có một chòm sao mang hình chiếc đèn Luxo. Ngoài ra còn có cả một thùng banh Luxo trong cửa hàng đồ chơi Al's Toy Barn.

3/ Đoạn cuối Monsters, Inc., có một trái banh Luxo trong phòng ngủ của Boo.

4/ Trong Cars, chiếc TV mà Sally đang xem vòng đua cuối mang hiệu "Luxotone".

5/ Cảnh ngôi nhà của ông già Carl cất cánh trong Up và bay qua cửa sổ căn phòng của một cô bé, có thể thấy trái banh Luxo đang nằm lăn lóc trên sàn. Cậu bé Russell cũng có một chiếc huy hiệu hướng đạo sinh in hình trái banh Luxo Jr.


Các nhân vật quen thuộc "chạy sô"

1/ Trong Toy Story 2, tay chủ tiệm chuyên ăn cắp đồ chơi Al McWhiggin cho gọi ông thợ có tay nghề đến để tân trang Woody nhằm bán lại cho viện bảo tàng ở Nhật Bản. Ông này chính là Geri, cờ thủ trong phim hoạt hình ngắn đoạt giải Oscar năm 1997 của Pixar - Geri's Game.

2/ Cuối phim Monsters, Inc. khi Sully đưa Boo về lại phòng ngủ của cô bé, giữa đám đồ chơi vương vãi trên sàn có sự góp mặt của búp bê vải Jessie (Toy Story) và chú cá Nemo (Finding Nemo).

3/ Ở phòng khám nha khoa trong Finding Nemo, chiếc điện thoại di động để trên ghế lấy từ Monsters Inc. và cuốn sách ở phòng đợi có tựa "M is for Monsters".

4/ Cuối phim The Incredibles cảnh Mr. Incredible chiến đấu với móng vuốt của Omnidroid, thấy thấp thoáng chiếc xe Doc Hudson sẽ xuất hiện sau này trong Cars.

5/ Nhân vật Bomb Voyage có từ The Incredibles hai lần xuất hiện trong Ratatouille. Anh ta diễn kịch câm trên hè phố gần Nhà thờ Đức Bà lúc Linguini và Colette trượt patin qua. Lần thứ hai, Bomb Voyage hiện lên trang bìa tờ báo lúc Colette đang đọc bài bình của Solene Le Claire.

6/ Cars cũng có một vài liên hệ với Toy Story. Dinoco là nhà tài trợ chính hằng mơ ước của tay đua Lightning McQueen. Buzz và Woody bị lạc tại cây xăng Dinoco trong Toy Story. Cặp lốp "Lightyear" của Lightning McQueen gợi nhớ đến Buzz Lightyear. Con số 95 trên tem xe Lightning McQueen cũng là năm sản xuất Toy Story.

7/ Trong WALL-E, một số nhân vật ẩn trong đoạn phim quảng cáo và những đống rác trên Trái đất, cụ thể như: khủng long Rex (Toy Story), xe hơi của Barbie (Toy Story 2), hộp thức ăn của Buzz Lightyear (Toy Story, Toy Story 2), Lightning McQueen (Cars), quả cầu tuyết trong phim ngắn Knick Knack, dụng cụ giết côn trùng trong A Bug's Life, banh gắn ăng-ten của Mike Wazowski (Monsters Inc.).

8/ Gấu Lotso đã xuất hiện trong Up trước khi góp mặt trong Toy Story 3, Lotso ngồi trên sàn phòng ngủ của cô bé, cảnh ngôi nhà bong bóng bay qua cửa sổ.

9/ Trong Toy Story 3, có thể thấy hình ảnh của nhiều phim Pixar xuất xưởng trước đó. Con số 95 trên thành xe lửa ở cảnh mở màn, ám chỉ năm 1995, năm sản xuất Toy Story. Trong đám đồ chơi ở nhà trẻ Sunnyside thấp thoáng có các nhân vật đã quen thuộc của Pixar, bao gồm Lightning McQueen (Cars) và Mr. Ray (Finding Nemo).

Nhóm đồ chơi trốn dưới kệ khi lũ trẻ ùa vào lớp sâu được sao từ Tin Toy sang, những món đồ nhỏ bị cậu bé mới biết bò làm cho kinh hãi.

Khi băng nhóm của Lotso chơi trò cờ bạc trong chiếc máy bán hàng tự động ở nhà trẻ Sunnyside, chúng đem những cục pin Re-Volting ra cá độ, đây là nhà tài trợ của tay đua số 84 trong Cars.

Những cục pin cung cấp năng lượng cho Buzz Lightyear mang nhãn hiệu BnL, tức Buy n Large, tập đoàn siêu hùng mạnh trong WALL-E.


Mối liên hệ Pixar và trụ sở hãng - khu vịnh San Francisco

1/ Cafe Hidden City, Monstropolis trong Monsters Inc. là quán cafe có thật ở Richmond, California, gần trụ sở đầu tiên của Pixar. Cafe Hidden City từng là địa điểm ăn trưa của những nhân vật tiên phong của Pixar như John Lasseter, Pete Docter, Andrew Stanton và bậc thầy ý tưởng Joe Ranft quá cố, nơi mà các ý tưởng khởi nguồn cho A Bug's Life, Monsters, Inc., và Finding Nemo được bàn luận.

2/ Phòng khám nha khoa trong Finding Nemo có dán một tấm bưu thiếp ở bức tường phía sau đề dòng chữ "Những lời chúc từ Emeryville", là thành phố đặt trụ sở của Pixar.

3/ Trong The Incredibles, Mr. Incredible đã tham khảo tấm bản đồ thành phố Emeryville, California. Cảnh rượt đuổi mở màn phim, Mr. Incredible rượt theo những tên cướp trên đại lộ San Pablo, con phố chính ở Emeryville tiếp giáp rìa phía đông của đại bản doanh Pixar.

4/ Về gần cuối phim Cars, trước đoạn Lightning McQueen tham gia vòng đua giành cúp Piston, xuất hiện khung cảnh của Emeryville và thậm chí bạn có thể thấy đại bản doanh Pixar. Cũng trong phim này, bạn thấy hình ảnh nhân vật Jackelope của phim ngắn Boundin được in trên đuôi một ngôi nhà lưu động, vòng đua mở màn, và những chú chim trong For the Birds đậu trên dây điện cảnh "Life is a Highway".

5/ Bộ phim Up sản xuất năm 2009 tham khảo rất nhiều địa danh ở khu vực vịnh San Francisco.

Khi ngôi nhà của Carl Fredricksen lần đầu tiên cất cánh, bên dưới lại là đại lộ San Pablo.

Một trong những huy hiệu hướng đạo sinh của Russell in hình chiếc bánh hamburger được cắm một cây nến, khiến ta liên tưởng đến chiếc bánh hamburger của nhà hàng Merritt ở Oakland, California.

Quán kem yêu thích của Russell trong Up, Fentons Creamery, phác họa dựa trên quán kem có thật cùng tên ở Oakland, California, nơi đạo diễn Pete Docter và nhà sản xuất Jonas Rivera cùng gia đình thường xuyên lui tới.

6/ Trong Toy Story 3, Andy có treo một tấm băng-rôn trong phòng đề chữ "P.U" - viết tắt từ Pixar University, ngôi trường chuyên phát triển các kỹ năng làm phim hoạt hình cho các nhân viên của hãng. Cũng trong phòng của Andy, phía trên cánh cửa phòng gắn tấm biển W. Cutting Blvd., trụ sở đầu tiên của Pixar nằm trên con phố này.


Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: movies.ie


Tin tức liên quan:

Pixar và DreamWorks - Cuộc đối đầu hoạt hình của Hollywood
Pixar: 25 điều bạn (chắc) chưa biết về hãng phim hoạt hình này
22 mẹo kể chuyện dành cho biên kịch từ một họa sĩ Pixar
Disney và Pixar hoán đổi bản sắc?
Năm điều từ chuyến tham quan đại bản doanh Pixar
Phải chăng Pixar có vấn đề về rập khuôn?
10 khoảnh khắc ly kỳ nhất trong các bộ phim của Pixar
Những khoảnh khắc phim thiếu nhi hãi hùng nhất gọi tên Pixar
PIXAR 25 tuổi
Hết lòng với hoạt hình theo phong cách Pixar
Pixar đang hướng đến đâu?