Movie Blogs

Hậu duệ mặt trời: Giấc mơ đi cứu thế giới

11/05/2016

Thế giới có cần được cứu? – Có.

Ai đi cứu thế giới? – Không. Và có. Rất nhiều!

Không – Vì dường như thế giới thực hàng ngày vẫn có hàng triệu con người đơn độc và phải chết trong thảm họa thiên tai, khủng bố, chiến tranh, bệnh tật, đói rét, cùng quẫn, dốt nát…

Có – Vì thế giới thực bàng hoàng trước bức ảnh cậu bé người Syria nằm úp trên bãi biển, mất mạng trên đường đào thoát chiến tranh ở quê nhà. Để một châu Âu ngồi lại với nhau – sau tất cả những ván cờ chính trị, có vị nữ thủ tướng lý trí Angela Merkel mở cửa biên giới Đức cho dòng người tị nạn, và hứng chịu búa rìu dư luận cùng gánh nặng trách nhiệm, những hệ lụy tài chính, an sinh xã hội… cho quyết định tình người của bà. Thế giới thực có Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, tổ chức Bác sĩ không biên giới. Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Hướng đạo sinh phụng vụ cộng đồng…

Có – Vì truyện tranh DC và Marvel cho Batman, Iron Man, Captain America… đưa hết thế hệ bạn đọc này nối tiếp thế hệ bạn đọc khác đến với giấc mơ khoác tấm áo choàng dơi, mặc vào bộ siêu áo giáp Người Sắt, cầm lấy tấm khiên chắn được mọi vũ khí ghê gớm nhất trên đời của Capt… đi cứu thế giới!

Có – Vì điện ảnh cho James Bond, Jason Bourne, Ethan Hunt… đi cứu thế giới. Mỗi chuyến đi là chấp nhận bản án ‘sẽ bị chối bỏ nếu sứ mạng không thành hoặc thân phận bại lộ’!

Có – Vì nước Nhật cho Doraemon đưa Nobita và các bạn nhỏ đi cứu thế giới theo cách của đứa trẻ 7 tuổi sở hữu túi bảo bối phép thuật – túi thần kỳ thực sự của Doraemon là trí tưởng tượng không giới hạn của tuổi thơ! Để biết bao đứa trẻ trên đời đọc truyện và xem phim Doraemon rồi lang thang đi tìm chú mèo máy ú của riêng mình và giữ mãi giấc mơ cùng Doraemon làm cho thế giới này thành một nơi đẹp đẽ hơn với cánh cửa thần kỳ, vòng xuyên thấu, máy ngược thời gian…

Ai đi cứu thế giới? Trả lời câu hỏi này là một giấc mơ lớn lao tuyệt vời!

Tôi đã làm rất nhiều tin bài nhưng không định xem Hậu duệ mặt trời.

Như một lời thú nhận – một sự làm trái nguyên tắc nghề nghiệp mà tôi được học từ những ngày đầu vào nghề và giữ cho đến bây giờ: không làm tin bài, biên tập tin bài về những thứ mình không biết – nhưng quả tình tôi ngắt kết nối với phim Hàn khá lâu rồi! Từ khi tôi không còn phân biệt nổi ‘vẻ đẹp dao kéo’ của các ‘flower boy next door’ [tôi toàn tìm nhầm hình mỹ nam Hàn này với mỹ nam Hàn kia!]. Từ khi tôi ngán những cái chết ung thư, tiếp sau đó là những vai nữ phản diện ác độc đanh đá cứ thét lên cùng một kiểu, giở cùng một thủ đoạn, thể hiện cùng một vẻ diễn cảm… từ phim này qua phim khác! Thành thật xin lỗi ‘fan’ phim Hàn nào đọc phải tâm trạng ngán ngẩm này của tôi! Trong thời gian tôi ngắt kết nối, phim Hàn đã tiến hóa – chắc chắn.

Rồi tôi xem lõm bõm vài cảnh phim Hậu duệ mặt trời trên HTV2 – nghĩ bụng: cũng biết với người ta để còn làm tin bài cho em quái vật! Cảnh phim đẹp, tiết tấu khá nhanh (đối với phim truyền hình)… Nhưng bấy nhiêu chưa đủ sức níu tôi bám sofa xem hàng đêm vào khung giờ phát sóng phim.

Tôi sẽ thú nhận là với tôi, không phải ‘soái ca quân nhân’ Song Joong Ki làm nên chuyện! Mà vai nam thứ thượng sĩ Seo Dae Young qua vẻ đẹp rất đàn ông của diễn viên Jin Goo mới thành chất xúc tác đầu tiên: níu tôi ngồi xuống sofa trước tivi.

Như bất cứ thương phẩm nào trên đời, phim ảnh phải chào bán được điều gì đó mà người ta cần. Và cũng như bất cứ thương phẩm nào trên đời, để chiếm lấy trái tim của khách hàng thì phải chào bán được hơn cả điều người ta cần!

Chính lúc tôi nhận ra, Hậu duệ mặt trời chào bán được một thứ khác hơn ‘giá trị sử dụng cơ bản’ của phim ảnh là giải trí, mới khiến tôi phải ‘cày’ 16 tập phim! [À, Hậu duệ mặt trời trở thành một kiểu virus lây lan khắp châu Á vài tháng nay chắc phải có lý do!]

Và câu hỏi đầu tiên trong tôi khi nhận ra điều đó, là: sao họ dám?

Họ ở đây, trước tiên là biên kịch và nhà sản xuất bộ phim. Vâng, sao họ dám làm chuyện này: chào một giấc mơ của Đại Hàn Dân Quốc.

Ngay từ cái tựa, đã thấy họ thật ‘táo tợn’! Ai chẳng biết nước Nhật từ lâu đã xưng mình là con cháu của Thái Dương Thần Nữ (nữ thần mặt trời) với cả châu Á và thế giới này! Và để có thể tự hào nhận là con cháu của Thái Dương Thần Nữ thì, từ xa xưa khi thực dân “Tây dương”* bắt đầu đổ xô đi chiếm thuộc địa, Nhật hoàng Minh Trị đã lãnh đạo cả dân tộc canh tân để nước Nhật hùng mạnh, người Nhật kiên cường mang tinh thần võ sĩ đạo. Không chỉ đứng lên từ đống tro tàn hạt nhân kết thúc Thế chiến II trở thành cường quốc kinh tế, Nhật Bản là một tượng đài bản sắc văn hóa, cốt cách hoa anh đào “cuộc sống hết sức phù du ngắn ngủi, phải sống tuyệt đẹp như hoa anh đào”… buộc cả thế giới kính nể trước tinh thần làm giàu bằng sự tử tế của người Nhật!

Vậy đấy, sao họ dám? Là ai mà nhận là hậu duệ mặt trời?

Khi Hậu duệ mặt trời bắt đầu gây sốt hừng hực, thân làm cái việc dạo chợ tìm tin nuôi em quái vật, hẳn nhiên tôi không thể không thấy và không đem tin về. Ngay Global Times của Trung Quốc [có lẽ] không kiềm được sửng sốt [tôi trộm nghĩ, chắc cùng một câu hỏi như tôi ‘sao họ dám?’] phải giật tít “Descendants of the Sun phô diễn sức mạnh văn hóa Hàn”. Và chỉ ra: “Y như các phim gián điệp của Hollywood đã khiến CIA và FBI của Mỹ nổi tiếng khắp thế giới, bộ phim truyền hình Hàn này cũng đang bán phiên bản người hùng riêng của đất nước mình.”

Mà nè, phải đâu tình cờ Hollywood bán được giấc mơ Mỹ! Phải đâu Hollywood không bột gột nên hồ vị thế cứu thế giới của nước Mỹ trên phim. James Bond chắc sẽ không hào hoa đến thế nếu không có đồ nghề ‘khủng’, từ siêu xe Aston Martin đến chiếc đồng hồ đeo tay! Ethan Hunt [qua hiện thân của Tom Cruise] cứu được ai nếu không có cả một êkíp vận hành đủ loại thiết bị công nghệ cao, IT siêu việt?

Phù, sẽ có người bĩu môi bảo: toàn những phim bắp rang, kỹ xảo và… suy cho cùng là những câu chuyện tưởng tượng hoàn toàn không tưởng – nghệ thuật nỗi gì, nói chi ý nghĩa nhân văn.

Muốn nói sao thì tùy, nhưng không thể phủ định hai điều. 1. Ừ đấy, những câu chuyện tưởng tượng không tưởng đi kèm những thứ vũ khí ‘xinê hoang đường’ đó sẽ không làm ai tin nếu đằng sau những người hùng cứu thế giới ấy không phải là những cường quốc! Mà đã không tin thì ai người ta mua vé xem cho! 2. Một khi bán được [rất nhiều] vé, hết phim này đến phim khác, thập niên này qua thập niên khác, có phải họ đã bán được giấc mơ làm người đi cứu thế giới không?

Sẽ có người đáp là không. Thậm chí là không hề. Sẽ có người bảo vớ vẩn! Tôi biết.

Nhưng đọc cái tin của Global Times, thốt nhiên tôi chợt nhớ đã đọc trong Hard Choices, cuốn hồi ký bốn năm làm Ngoại trưởng Mỹ của bà Hillary Clinton. Khi kể về chiến dịch giải cứu căn cứ ngoại giao ở Benghazi, người chỉ huy xử lý biến cố đó cũng là cố vấn ngoại giao của mình, Pat Kennedy, Hillary Clinton nhắc lại ‘credit’ của ông trong lần giải thoát sáu nhà ngoại giao ở Iran và không quên viết hẳn hoi: “được tái hiện đầy kịch tính trong phim Argo.” Trong cuốn hồi ký ấy, về kỳ vọng của những nước khác, người dân nước khác xem nước Mỹ như thể làm được tất cả mọi điều, tuy phải nói “tôi ước giá mà chúng tôi có thể như thế”, cựu ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đã trang trọng viết câu kết thúc của một chương: “Và nước Mỹ đẹp nhất trong vị thế đó.” [Khi viết xong Hard Choices, bà không biết Hollywood sẽ làm phim 13 giờ: Lính ngầm ở Benghazi, với Michael Bay ‘cháy nổ’ bay bổng một khúc tráng ca của những người lính lao vào lửa đạn cứu thế giới. Thế giới ở đây rất cụ thể: là đồng đội!]

Khắp các ngóc ngách mạng xã hội lúc này, tôi biết không ít người nhắc đến Hậu duệ mặt trời để cười cợt! Là phim bộ truyền hình hẳn ‘thấp cấp’ so với thứ-mà-những-người-cười-cợt-đó bảo ‘mới-là-điện-ảnh-và-đáng-xem’, huống hồ chẳng qua tung một đám trai Hàn khoe mình trần trong những cảnh chạy bộ mỗi buổi sáng để các bà các cô dán mắt vào tivi và xuýt xoa ngưỡng mộ! Y như trong chính bộ phim, cảnh [lặp đi lặp lại] các nữ nhân viên đội y tế tình nguyện sáng sáng đang còn bàn chải đánh răng trong miệng mà lo bám lấy hàng rào để xem lính Hàn mình trần chạy bộ khoe thể hình, đến nỗi nhân vật bác sĩ U40 Song Sang Hyun phải nổi đóa lên với thượng sĩ Seo: “Này, tôi nhịn lâu lắm rồi mới nói! Sáng sớm nào cũng phải giở cái trò… đồi trụy này ra là sao?”

Đằng sau Yoo Si Jin là gì, mà anh chàng đại úy lục quân tốt nghiệp Học viện quân sự West Point Hoa Kỳ, làm ‘partner’ phối hợp với đặc nhiệm Mỹ? – Đó là, như anh luôn nói trong phim: Tổ quốc Đại Hàn Dân Quốc.

Và nước Đại Hàn Dân Quốc đã là gì? Con hổ châu Á, nền kinh tế với sức tăng trưởng thần kỳ. Vậy thì sao? Chắc chắn có người nhắc nhớ nhà đầu tư Hàn bạo hành công nhân ở đây ở kia. Chắc chắn có người nhắc nhớ đàn ông Hàn bạo hành phụ nữ! Và xa hơn nữa, xa hơn nữa trong những giai đoạn lịch sử đau đớn, nhiều khu vực ở Đông Nam Á chưa quên lính Hàn đánh thuê gieo rắc kinh hoàng, tàn ác!

Không nhẫn nhịn như Seo Dae Young, không lãng mạn như Yoo Si Jin (“khẩu hiệu của tôi là bảo vệ người đẹp, người già và trẻ em”) chút nào đâu!

Vậy đó, sao mà họ dám?

Mà họ dám thật còn gì! Xem phim tôi cứ nghĩ mãi về tư duy sáng tạo của hai biên kịch thế hệ 7x: Kim Eun Sook sinh năm 1973, Kim Won Suk 1977. Tôi tự hỏi, họ biết hay không biết về những ấn tượng có thật của Đại Hàn Dân Quốc với thế giới. Rồi tôi tự trả lời mình rằng: biết hay không biết đi chăng nữa, họ vẫn là những con người dám biết sáng tạo một giấc mơ táo bạo tuyệt vời!

Giấc mơ của họ táo bạo vì dám đưa Đại Hàn Dân Quốc lên vị thế đi cứu thế giới. Và tuyệt vời vì thể hiện Đại Hàn Dân Quốc vào được vị thế đó nhờ thế hệ công dân ngày nay: sẵn sàng đi gìn giữ hòa bình, giúp đỡ nhân loại và chinh phục thế giới bằng trí tuệ ưu tú, tâm hồn nhân bản, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc trong những con người xinh đẹp, trẻ trung!

Tràn ngập lý tưởng – tất nhiên rồi!

Tỉ phú Tony Stark phong sương tuổi tác của Robert Downey mặc lên người bộ giáp Iron Man trầm ngâm nói “Làm những việc phải làm để sự thể không tệ hơn nữa” trong Captain America: Civil War nghe rất là chiêm nghiệm cuộc đời. Còn 'lính đặc nhiệm đẹp trai' Yoo Si Jin của Song Joong Ki nói “quân nhân là mặc áo quan mà sống” vì “phải có ai đó làm việc này” thì lý tưởng quá, đúng không?

Đại úy Yoo Si Jin và bác sĩ Kang Mo Yeon

16 tập phim, xây dựng theo cấu trúc tăng dần đến ‘climax’ cuối cùng, lèn chặt đủ loại thiên tai địch họa: từ nhẹ nhàng như gỡ mìn, chữa bệnh cho VIP Ảrập, đến virus hư cấu M3 nguy hiểm cỡ virus Ebola, rồi động đất, rồi bắt cóc và giải cứu con tin, căng thẳng hai miền Triều Tiên, và những người lính ra đi làm nhiệm vụ không trở về… Không có gì khác thường về motif. Yếu tố lãng mạn giữa lính đặc nhiệm và bác sĩ tình nguyện cũng không mới mẻ. Phảng phất chút Top Gun, chút Mission Impossible… Chưa hết, lèn chặt sự kiện như thế đấy mà vẫn còn chỗ cho rất nhiều pha quay chậm – đi đi chạy chạy bay bay bổng bổng trong tiếng nhạc da diết “anh là tất cả với em” – thực sự làm tôi mệt bã cả người chờ cho hết những 'pha đi/chạy/ôm/hôn bay bay chậm chậm' đó!

Và cả những hơi lố quá tay: gái già gái trẻ gì cũng ‘đứng hình’ vì mê mẩn một vị bác sĩ-kỹ sư đẹp trai gốc Hàn! (Nhân vật Daniel Spencer của Cho Tae Kwan).

Đâu có xuất phẩm nào là hoàn hảo!

Không ai xem Hậu duệ mặt trời để mơ mình gặp thiên tai động đất, bọn buôn lậu vũ khí rồi lính đặc nhiệm [nào đó, và đẹp trai nữa nhé!] đến cứu! Không có gì mới, không có gì lạ… Nhưng phải chăng thế giới ngày nay không ai mà không có những nỗi sợ hãi trước lẽ vô thường: thiên nhiên thình lình nổi giận hay khủng bố cực đoan! Paris: đi xem ca nhạc – dính phải khủng bố xả súng! Bỉ: một phi trường đầy ắp dân thường bị khủng bố đánh bom! Các Avenger không đến thì người ta phải hy vọng lính đặc nhiệm sẽ đến chứ sao!

Xem những khói lửa tan hoang hư cấu [được xây dựng còn khiên cưỡng, ngô nghê và nhiều lỗ hổng] của Hậu duệ mặt trời, chứng kiến những hiểm nguy mất mát [có phần ‘ngôn tình’!] của các cặp đôi trên phim… vậy nhưng thốt nhiên lại làm tôi nhớ đến hai câu trong bài thơ Thử nói về hạnh phúc của nhà thơ Thanh Thảo:

Góc duy nhất trong đời anh yên tĩnh
Là em.


Lại nhớ đến một câu hát: Tưởng người chết đi, nhưng không, anh lại về, anh trở về, từ ngục tối hay mộ sâu?**

Hậu duệ mặt trời – họ là ai mà dám đi chăng nữa thì giấc mơ của họ đã cộng hưởng được với rất nhiều người xem – soi bới giễu cợt không phủ nhận được điều đó đâu! Họ đã bắt đầu chào hàng giấc mơ đi cứu thế giới của họ rồi! Và sản phẩm [có thể là] đầu tiên của họ – dù muốn nói thế nào, dù khiếm khuyết ra sao – đã bán được!

Ahl-ah yo,***

Làm tốt lắm, đại úy Yoo Si Jin, thượng sĩ Seo Dae Young! Đoàn kết!****

Những suy nghĩ tản mạn trong khi xem

Phải tách ra, đưa vào ‘box’ để giữ liền lạc mạch bài viết.

1. Các diễn viên nước ngoài tham gia trong phim này cũng trai xinh gái đẹp ác liệt! David Lee McInnis làm tốt vai phản diện chính của bộ phim, Agus, với khuôn mặt trùm râu quai nón “manly” dã man! Elena Zhernovaia trong vai Valentine (cô gái bán quán rượu trong thị trấn ở đất nước Uruk) – thân hình gợi cảm và cái cười nhếch một bên miệng thật quyến rũ!

2. Khám phá ra Seo Dae Young không phải tôi, mà là Big Boss tàu QVĐA! Và khi chúng tôi tự hỏi, không biết phim sẽ như thế nào nếu Goo Jin đảm nhận vai Yoo Si Jin, Big Boss của tôi bảo: “Song Joong Ki là để cho mấy cái đứa oppa oppa, còn Goo Jin là dành cho các bà U40, cậu còn muốn gì nữa!” [À, “người đẹp, người già, và trẻ em”, tôi thuộc ưu tiên thứ hai!] 

Mà nói đến sự hợp vai. Sau khi Hậu duệ mặt trời làm mưa làm gió, truyền thông Hàn hé lộ bốn nam diễn viên từng từ chối vai Yoo Si Jin, cuối cùng Song Jong Ki được chọn. Lúc xem tập phim Yoo Si Jin đơn độc đi cứu bác sĩ Kang, Big Boss QVĐA của tôi lắc đầu bảo “lính đặc nhiệm gì mà mảnh khảnh, vai xuôi thế kia!” – công bằng mà nói, ngoại hình của Song Joong Ki không lý tưởng để diễn vai đại úy đội trưởng đội đặc nhiệm Alpha! [Ngoài lề một chút nữa, Big Boss của tôi bảo Song Joong Ki vừa giải ngũ xong có được phim này thật quá may mắn, làm tôi tiếc cho anh Hyun Bin! Giải ngũ xong, phim đầu tiên anh chọn đóng là The King's Wrath, đã phát hành ở Việt Nam với tựa Cuồng nộ bá vương. Thất bại đến nỗi JoongAng Daily phải bình: "Có lẽ Hyun Bin nên dành ít thời gian luyện tập cơ lưng mà hãy tập trung nghiên cứu hoặc xem các phim truyền hình và điện ảnh cổ trang. Cách nói chuyện cũng như cảm xúc của anh cứng đơ." – Thiệt tình!]

Theo tôi thì, kịch bản cho đại úy Yoo Si Jin nói hơi bị nhiều… và cũng ‘ngôn tình’ vãi chưởng! Làm tin nuôi em quái vật nên tôi có biết Song Joong Ki nói anh đã cố gắng cân bằng cho vai diễn này theo phong cách của anh là kiệm lời. Tôi tin Song Joong Ki nhận biết nhược điểm trong lời thoại kịch bản dành cho Yoo Si Jin của anh, và đã cố hết sức có thể rồi! Cố gắng [trong diễn thoại] của anh được tôi đánh giá cao nhất ở hai cảnh: 1. Khi anh đáp trả vị quan chức Nhà Xanh: “Tôi không biết tổ quốc của ngài là đâu, nhưng tôi sẽ đi bảo vệ tổ quốc của tôi!”; 2. Sáng hôm sau đêm giải cứu con tin thành công, bác sĩ Kang và Yoo Si Jin gặp nhau, sau khi nghe cả tràng thoại đầy nghi ngại của cô, thoại của Yoo Si Jin được Song Joong Ki ngập ngừng đưa ra một cách có chủ ý trong diễn xuất: “Em muốn chia tay với tôi sao?”).

Yoo Si Jin đã làm tôn lên một Seo Dae Young hết sức ít nói, và hễ nói thì vụng về ngay thật, ngắn gọn (“Tôi và trung úy Yoon đang hẹn hò. Chúng tôi hẹn hò được một năm. Chúng tôi gặp nhau cách đây một tháng!” – cô trung úy Yoon Myeong Joo bảo anh nói sao thì anh cứ lặp đi lặp lại y như vậy!). Lời thoại của Seo Dae Young dành cho Yoon Myeong Joo cũng đàn ông hơn, mang chất ‘lính tráng’ hơn!

Bộ đôi chiến hữu Yoo Si Jin (Song Jong Ki, trái) và Seo Dae Young (Goo Jin)

Mà nè, sau bao nhiêu chuyện, cuối phim thượng sĩ Seo Dae Young vẫn chưa được thăng cấp là sao vậy chứ?

Nói đến ‘lính tráng’. Không biết có phải đời thật quá thừa ‘ham muốn phàm trần’ khiến người ta khát khao cái gì lãng mạn thuần khiết hay không. Hậu duệ mặt trời không chỉ làm tôi mệt với lắm cảnh bay bay quay chậm, mà còn làm tôi tự hỏi, phải chăng cố ý để sự lãng mạn lơ lửng kéo dài một cách ‘thoát tục’ nên khán giả nữ châu Á mới cuồng? Lính tráng đối mặt sống chết, có mấy ngày phép ngắn ngủi, bạn gái thì ngay bên cạnh, nhưng cứ phải ba ngày ba đêm uống rượu cùng nhau không phải không say không về nữa, mà là có say cũng không về! Chờ mãi, chờ mãi mới được một cái ôm hôn – nhưng hai tay hễ không vướng hai ca cà phê lính thì cũng vướng chai rượu, thậm chí ống bơm xăng! “Phát điên lên mất” – như chính thoại trong phim hay nói! Thậm chí đến lúc người chết trở về cũng thế…

Thực không anh hay là giữa cơn mộng trôi
Bừng dậy mất nhau thôi
Vòng tay ôm, xin thật ấm, xin thật đầy
Để còn trong bao lâu?
**

Chẳng biết có phải để cho cảnh quay đẹp, cho bay bổng hay không… mà cứ thấy chưa đủ thực cho một cuộc trùng phùng sau sinh ly tử biệt! Nhiều cái hôn trong phim đẹp góc quay ‘ảo tung chảo' chết đi được, chả trách có đôi nào đó bên Trung Quốc bắt chước cảnh hôn trong ô tô cho giống Hậu duệ mặt trời mà thành tai nạn!

3. Muốn nói một vài [rất nhiều] lổ hổng. Thế này nhé, bác sĩ Kang bị bắt cóc, bộ đàm nằm trong túi áo khoác. Nhưng, cái bộ đàm đó sẽ không hoạt động khi bất cứ ai trong tổ y tế tình nguyện hay trung đội lính tìm cách liên lạc. Ngay cả Yoo Si Jin cũng sẽ không gọi được vào cái bộ đàm đó trước thời điểm cần thiết tạo cảm xúc! Cái bộ đàm đó bíp lên và chuyển xong hết đoạn thoại “Big Boss gọi. Tôi sẽ tìm ra em, sẽ sớm thôi. Thế nên em đừng sợ, đừng khóc. Em biết tôi là người đàn ông tài giỏi thế nào rồi đó!” mới bị Agus vất xuống đường trong lúc bác sĩ Kang nước mắt tuôn tràn – phải vậy chứ!

Đại úy Yoo Si Jin gọi vào bộ đàm của bác sĩ Kang

4. Cuối cùng: về giấc mơ. Giấc mơ là một thứ nhiên liệu sống mãnh liệt và kỳ diệu! Có thể làm bạn bay lên trên cuộc sống thường ngày [vượt thoát mọi bon chen nghiệt ngã]. Bạn sẽ bay bay được nhiều ngày, rồi bạn đáp xuống trở lại hiện thực. Giấc mơ tưởng đã thôi đi. Nhưng, mai sau rồi có bao giờ, trong một hoàn cảnh nào của đời thực đòi hỏi tinh thần cao thượng, thái độ nhân văn – thì đó là lúc từ thẳm sâu tiềm thức, giấc mơ ắt sẽ quay về, và chi phối những quyết định của bạn!

Hậu duệ mặt trời có bán được giấc mơ đi cứu thế giới cho ai khác không, không quan trọng. Trước hết, nó bán được giấc mơ đó cho những người trẻ Đại Hàn Dân Quốc. Và nương theo cách nói của Yoo Si Jin trong phim thì: thứ trừu tượng như vậy phim này còn bán được, nói gì những thứ rất cụ thể như mỹ phẩm và du lịch thăm địa điểm làm phim, đúng không?


© Yên Khuê @Quaivatdienanh.com


* "Tây dương" là từ chỉ chung thực dân phương Tây đổ xô đến châu Á tìm thuộc địa.
** Người chết trở về của Trần Thiện Thanh
*** Câu tiếng Hàn rất hay nghe trong phim Hàn, nghĩa là "hiểu rồi".
**** Câu chào của quân đội Hàn trong phim