Movie Blogs

John Carter: bom tấn hoành tráng, hài hước, cảm động… nhiều vậy để làm gì nhỉ?

29/03/2012

Nếu bạn thuộc thế hệ trước 9X, chắn chắn bạn sẽ biết đến cái tên John Carter, người hùng vượt không gian của Edgar Rice Burrough. Và có lẽ bạn cũng biết những đạo diễn tên tuổi từng nỗ lực muốn đưa John Carter lên màn ảnh rộng nhưng không thành gồm Robert Rodriguez, Jon Favreau, và Kerry Conran. Nay thì, một tên tuổi của Pixar, Andrew Stanton, đã làm được điều này.

Những tên tuổi nói trên đủ bảo đảm cho một bộ phim siêu hoành tráng về kỹ xảo cũng như nội dung, cốt truyện, và dường như không có lý do nào để phim không đứng vào hàng ngũ “bom tấn”.

Nhưng đã là bom tấn thì không tránh khỏi chịu nhiều xét nét. Trước hết, một tiêu chuẩn cơ bản là phim bom tấn thì không nhảm cũng không nhạt nhẽo về nội dung, không phi lý về cốt truyện. John Carter thế nào?

Nội dung phim bắt đầu hơi khó hiểu, một người đàn ông dạo phố rồi bỗng dưng biến mất để trốn kẻ đang theo dõi mình. Trước khi chuyển cảnh anh còn kịp trao cho một phụ nữ lạ hoắc nụ hôn nồng cháy – đúng kiểu trốn tránh trên…phim (may là anh ta khá đẹp trai!).

Tiếp theo mạch truyện hơi vô lý khi anh này lại lăn đùng ra chết, cháu trai anh ấy đọc được quyển nhật ký của cậu, và khi đó… bộ phim bắt đầu.

Những gì vô lý và vội vàng kia phải mất đến hơn 1 tiếng 30 phút để có câu trả lời, mặc dù hơi lâu nhưng phải công nhận, đạo diễn quá xuất sắc khi xắp xếp câu trả lời như vậy.

Kỹ xảo là một yếu tố không thể thiếu cho các siêu phẩm viễn tưởng, đặc biệt là được hỗ trợ mạnh mẽ bởi công nghệ 3D. Tuy nhiên, khi xem xong phim này ở rạp, tôi hơi tiếc cái vé 3D đó, vì không rõ phim dùng đến công nghệ 3D để làm gì nữa. Hình ảnh trong phim cực kỳ sáng và sống động, các sinh vật không ghê gớm, cục súc mà lại có biểu cảm riêng như một con người thực sự. Nhưng bạn sẽ chỉ cảm nhận được một phần những điều đó khi đeo kính vào, vì hình ảnh tối và mờ đi, cực kỳ nhức mắt, vậy nên tôi toàn bỏ kính ra để xem! Thật lạ là hình ảnh lại đẹp hơn, có lẽ kính 3D chỉ tốt cho việc… đọc hiển thị phụ đề.

Sao Hỏa trong John Carter hiện ra không khác gì trái đất, toàn sa mạc, các thành trì thì giống The Lord of The Rings, những con thuyền bay trên bầu trời bằng năng lượng mặt trời có vẻ sao chép Star Wars, và những máy bay cá nhân làm ta liên tưởng đến loài thú có cánh trong Avatar.

Các cảnh chiến đấu, như cảnh John Carter trong đấu trường với hai con tinh tinh trắng (không hiểu mấy con thú này sống thế nào trong sa mạc?); cảnh đại chiến với tộc người sao Hỏa trong hành trình đến sông Issis; rồi hàng loạt các cảnh chiến đấu có thể gặp ở bất cứ bộ phim nào khác, công thức là vậy, hoành tráng và hoành tráng… hết, chẳng có sáng tạo khác biệt gì.

Nhưng điều làm bộ phim thú vị nhất là cảnh anh chàng lì lợm John Carter tập bay trên sao Hỏa, những bước chân mạnh mẽ đều biến thành lực đẩy anh văng xa lên trời, lúc đầu làm ta thích thú vì sự ngộ nghĩnh, nhưng càng sử dụng nhiều ta lại thích được bay như anh ấy. Có lẽ đây là điều kỹ xảo thực hiện tốt nhất trong phim (mặc dù na ná Neo trong Matrix 1).

Bộ phim khá là hài hước. Trường đoạn John Carter bị bắt tham gia quân đội làm cả rạp phì cười, các câu thoại, hình ảnh đứt rời liên tục không làm ta cảm thấy khó chịu mà nếu có, chắc vì bạn cười hơi nhiều. Lời thoại thông minh và cách các nhân vật trao đổi thông tin khi bất đồng ngôn ngữ làm ta không khỏi ngạc nhiên với đầu óc của biên kịch: quá thú vị!

Nhưng, ngoài hài hước, bộ phim còn có bạo lực và rất bạo lực, âm mưu và thủ đoạn, làm cho phim giống… món lẩu hơn. Đạo diễn nhồi nhét quá nhiều làm cho ta thấy đây là một món lẩu điện ảnh hơn là một bộ phim, dễ nuốt nhưng chẳng ngon chút xíu nào!

Các nhân vật không xuất hiện bình thường mà toàn là... trên trời rơi xuống, các nhân vật điều khiển lịch sử của Barsoom tự dưng xuất hiện và cũng len lỏi đủ trong các khung hình của phim mà chẳng nói rõ họ là ai hay là cái gì, cứ nhận rằng mình không tồn tại, rồi di chuyển giữa trái đất và sao Hỏa như đi chợ mà chẳng hiểu đi nhiều vậy làm gì. Bản thân họ bất tử nhưng lại không tránh được súng đạn... phi lý đến ngớ ngẩn!

Tình cha con của các nhân vật người Thark như Tars Tarkas và con gái Sola cũng chẳng biết được đưa vào làm gì. Thương con nhưng Thark sẵn sàng hắt hủi và để cho những người trong bộ lạc tra tấn cô đủ đường, vậy mà sau vài câu của John Carter lại nhanh chóng thức tỉnh… ngớ ngẩn!

Nếu bạn đang nghi ngờ được cho ăn lẩu thì kết phim sẽ hoàn chỉnh suy nghĩ đó cho bạn, một cái kết quá xuất sắc cho dòng phim trinh thám hay kinh dị không hiểu được cho vào phim viễn tưởng làm gì. Bối cảnh thay đổi, câu chuyện thay đổi, nhân vật thô lỗ ban đầu trở nên trí tuệ (sau 10 năm anh ta mới khôn lên chăng?).

Rõ ràng cái kết như vậy không cần thiết, có lẽ đạo diễn ham hố quá nên kéo dài phim ra, bởi vì phim có thể kết viên mãn sau trận chiến rồi.

Câu chuyện trong John Carter không mới, chẳng có gì rắc rối hay phức tạp, nên không lạ khi phim chẳng đứng nổi vào hàng ngũ với Avatar hay Inception, mặc dù cũng được đầu tư khổng lồ như vậy. Có lẽ đây là canh bạc thua toàn diện của Walt Disney.

© Nam Nguyễn

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi