Movie Blogs

Kim Lăng Thập tam thoa: Hoa trong bão

09/11/2013

Kim Lăng Thập tam thoa đẹp, đẹp đến nao lòng. Tưởng chừng như nhìn từng bối cảnh xuất hiện trong phim thì mình có thể nhận ra trong đó thậm chí cả những số phận con người đã từng sống và gắn bó, sinh ra và chết đi với nó.

Mình sẽ không nói gì về nghệ thuật làm phim hay bất kỳ cái gì liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, mình sẽ chỉ nói về những cảm xúc của mình khi xem phim.

Những cô gái với những thân phận nhỏ nhoi...

Lịch sử của Trung Quốc được tái hiện trong phim với khung cảnh thành phố hoang tàn đổ nát, bầu trời bị khuất lấp bởi khói đạn chiến tranh, âm thanh duy nhất lọt vào tai người là tiếng đạn bom và la hét. Tất cả chìm trong sắc màu xanh xám. Ấy nhưng mình đã gần như phát khóc khi nhìn thấy những vụn vải đủ màu sắc bị xé vụn vì đạn bom, bay tung lên lẫn giữa khói bụi như những cánh hoa rơi rụng, thấy ô cửa kính màu rực rỡ nhuộm không gian bên trong tu viện thành sắc màu ấm áp,... Nó tạo cho mình một cảm giác gì đó gần như sự an ủi. Thực sự đó là một sự an ủi, một tín hiệu để mình tin rằng, tương lai phía trước sẽ là một điều gì thực sự tươi sáng.

Mình thường bị ấn tượng mạnh bởi những nhân vật có một nội tâm phong phú nhưng bị người đời - những kẻ không hiểu gì về họ rẻ rúng và coi khinh. Hiểu và cảm thông với họ là một điều thực sự đáng giá. Có lẽ vì lý do này mà mình dành nhiều thiện cảm cho 14 cô gái (mình muốn gọi họ là những cô gái hơn là những kỹ nữ. Mình trân trọng khoảnh khắc khi họ trở về với một mảnh quá khứ trong veo đã đánh mất của chính mình, và muốn họ sống mãi trong cái thời khắc ấy), trân trọng từng khoảnh khắc khi họ cất lên tiếng nói về thân phận mình. Người đời gọi họ là gái điếm, khinh rẻ, miệt thị họ,... nhưng họ cũng là những con người, những cô gái với những thân phận nhỏ nhoi, cũng có những ước mơ và cũng sống với trái tim một con người. Và trong Kim Lăng thập tam thoa, họ là con người, với trọn vẹn ý nghĩa hơn bao giờ hết.

...cũng có những ước mơ và cũng sống với trái tim một con người

Mình xem phim, và luôn tự nhủ với bản thân rằng, hãy "chia" bộ phim này ở thì "quá khứ". Đó là một quá khứ chưa xa, cũng không phải quá khứ bắt buộc phải quên đi hay phủ nhận, có chăng là nó quá khắc nghiệt để người ta có thể chấp nhận và tha thứ. Khi xem phim, mình đã có một suy nghĩ khá nực cười rằng: những gì quân xâm lược các triều đại phong kiến Trung Quốc đã làm với người dân các nước bị đô hộ, trong oó có cả Việt Nam, phải chăng đang được phát xít Nhật lặp lại với chính những người phụ nữ Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh Trung - Nhật? Một câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng cũng không hẳn là vô nghĩa nếu xem xét nó trên khía cạnh "nhân - quả".

Christian Bale cũng làm mình vô cùng bất ngờ với bộ phim này. Anh đã mang đến cho mình một cảm giác gì đó thật khác lạ. Có lẽ chính bởi những cảnh phim anh sử dụng triệt để đôi mắt của mình để "đối thoại" với khán giả, dùng đôi mắt để kể nên câu chuyện của chính mình.

Cái nhìn biết kể chuyện của Christian Bale trong phim

Mình thích cảnh quay cuối phim, khi nhân vật của Bale lái xe trên con đường gập ghềnh với hậu cảnh là mặt trời đằng xa - vầng mặt trời hiếm hoi xuất hiện, bỏ lại sau lưng bầu trời Nam Kinh mịt mờ khói lửa. Đó là một cảnh quay khá dài, qua lớp của kính xe cáu bẩn. Đôi mắt của Bale đã được đặc tả suốt cảnh quay ấy, nước mắt từ từ chảy ra, rất thật. Mình dám chắc rằng, nếu không phải là tình cảm của chính Bale, thì anh sẽ không bao giờ diễn được cảnh phim ấy. Một cảnh quay tuyệt vời khép lại một oộ phim xuất sắc.

© Anh Phan @Quaivatdienanh


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi