Movie Blogs

Tiếng Anh là chuyện nhỏ: thay đổi để là chính mình

18/09/2013

Tiếng Anh là chuyện nhỏ (phim Boolywood, tựa gốc: English Vinglish) là câu chuyện thật đơn giản xoay quanh một người phụ nữ không thể nói được tiếng Anh ở Ấn Độ – nơi mà tiếng Anh được coi như ngôn ngữ chính thứ hai sau quốc ngữ Hindu.

Rào cản ngôn ngữ khiến cô bị tách biệt so với phần còn lại của gia đình mình: Chồng – người luôn có những cuộc họp quan trọng bằng tiếng Anh mà cô không thể hiểu được và cô con gái lớn đầy kiêu hãnh luôn cảm thấy xấu hổ vì có một người mẹ không biết tiếng Anh.

Cuộc sống hằng ngày của Shashi chỉ gói gọn xung quanh việc chăm sóc các con và thú vui nấu ăn. Khung cảnh phim mở ra bình yên nổi bật lên một Shashi lặng lẽ hoàn thành vai trò của mình trong gia đình và kềm hãm mọi mong muốn được công nhận và trở nên khác biệt.

Cuộc sống hằng ngày của Shashi

Mọi chuyện thay đổi đột ngột khi cô phải đến New York để tham dự đám cưới của người cháu họ. New York – thành phố mơ ước của mọi ước mơ. “Ở New York, người ta không sợ hết tiền, điều duy nhất mọi người sợ chính là không có đủ thời gian” – Một cư dân của New York. Chính là New York đã làm nên những con người trẻ trung, nồng nhiệt hay những con người trẻ trung, nồng nhiệt đã làm nên một New York?

Để rồi một Shashi chưa bao giờ đi nước ngoài, cố vừa vặn trong cái vòng tròn an toàn của gia đình và không thể nói tròn câu “Tôi đến Mỹ để dự đám cưới của cháu họ” lại tìm thấy chính bản thân mình ở một nơi tưởng chừng như không hề dành cho cô.

Bằng cách đặt nữ nhân vật chính vào một bối cảnh xa lạ dưới sức ép của một môi trường tiếng Anh cùng không khí cởi mở đặc trưng của nước Mỹ, đạo diễn đã soi vào những thay đổi nội tâm vi tế nhất của cô: Từ nỗi sợ hãi, những giọt nước mắt khi phải làm những việc đơn giản nhất như mua café cho đến cái tâm trạng háo hức và phấn khích của Shashi lần đầu tiên đăng ký một lớp học tiếng Anh bằng số tiền mà cô tự kiếm được từ việc bán bánh Ladoo tại nhà.

Shashi chấp nhận thay đổi nhưng cô lại không có đủ can đảm để bộc lộ sự thay đổi của chính mình đối với những người thân yêu nhất của cô. Tất cả mọi việc cô làm, cô hy sinh, ngay cả sở thích của cô đều bị chồng và con đóng khung thành một thứ nghĩa vụ. “Đàn ông, nấu ăn, nghệ thuật. Nhưng phụ nữ, nấu ăn, chuyện hằng ngày .” – Thứ tiếng Anh lạ lùng mà cô dùng để diễn đạt với anh chàng học chung lớp người Pháp tốt bụng.

Những giọt nước mắt của Shashi giữa một thành phố xa lạ

Sự thay đổi ở Shashi lớn dần lên mỗi ngày trong cái lớp học ngộ nghĩnh gồm đủ thành phần quốc tịch và nghề nghiệp ấy: Ấn Độ, Pakistan, Pháp, Trung Quốc, châu Phi, dị tính và đồng tính, tài xế taxi, thợ cắt tóc, cô trông trẻ… Mỗi người trong họ đều có một hoàn cảnh khác nhau và một lý do khác nhau để học tiếng Anh: Anh chàng Pakistan muốn là người nước ngoài để cưới vợ, cô gái Trung Quốc muốn học lên đại học, anh chàng Ấn Độ không muốn bị đồng nghiệp coi thường… “Con người có thể khác nhau. Bạn khác tôi, tôi khác bạn. Nhưng khi chúng ta đau đớn, chúng ta đều giống nhau.” – Shashi.

Tại lớp học đó, lần đầu tiên ShaShi biết rằng cô có thể làm được nhiều việc hơn chỉ là “Shashi sinh ra là để làm bánh Ladoo” – chồng Shashi. Cô hiểu được rằng thì ra cuộc đời này tuyệt vời đến thế, có rất nhiều việc cô không biết: Cô không biết “đánh giá (judgement)” là gì, cô không biết cách đi tàu điện, nhưng cũng có rất nhiều việc cô có thể làm. “Mọi thứ đều có lần đầu tiên của nó” - Một người xa lạ trên máy bay đã nói với Shashi.

Và thì ra, đôi khi con người ta không cần phải hiểu nhau đang nói gì, họ chỉ cần một ai đó lắng nghe, ngồi bên cạnh và im lặng. Thế thôi, tất cả là cũng đủ rồi. Một trong những phân cảnh tôi thích nhất chính là cuộc trò chuyện giữa Shashi và anh chàng người Pháp yêu thầm cô. Hai con người, hai ngôn ngữ khác nhau, họ nói cho nhau nghe bằng chính thứ ngôn ngữ của mình: Pháp ngữ và Hindu. Họ cùng bật cười, cùng gật đầu dù họ không hề hiểu đối phương. Khi chúng ta nói chuyện bằng trái tim, ngôn ngữ không tồn tại ở nơi ấy.

Lớp học của Shashi

Nhưng khi chồng và các con của Shashi đến nơi cũng là lúc cô phải đối diện với thực tại của mình. Lần đầu tiên trong đời, Shashi để bản thân quên đi nghĩa vụ của một người làm mẹ. Lần đầu tiên trong đời, cô đã ước ao nhiều hơn cái giới hạn mà mình vạch ra. Và rồi, Shashi - người mẹ đầy thực tế và trách nhiệm lại quay trở lại với đời sống hằng ngày của mình: chuẩn bị cho lễ cưới, làm bánh Ladoo, chăm sóc các con…

Nếu đạo diễn chỉ dừng câu chuyện ở đây hoặc để cho Shashi ở lại New York cùng tình yêu của anh chàng người Pháp, đó sẽ là một trong những kết thúc không có tính nhân văn nhất mà tôi từng biết. Con người thay đổi không phải để phá bỏ tất cả, làm lại từ đầu. Họ thay đổi để có thể sữa chữa những lỗi lầm trong quá khứ và hiện tại.

Shashi đã không chấp nhận im lặng tại lễ cưới của cháu gái mình, cô đã đứng lên thay vì để người chồng của mình nói “Xin lỗi, tiếng Anh của vợ tôi không tốt lắm” như mọi khi. Cô đã nói với đứa cháu của mình bằng những lời lẽ yêu thương nhất về tình bạn, tình vợ chồng, sự tôn trọng và bình đẳng kết nối hai cuộc đời lại với nhau. Bài phát biểu của cô có thể không tròn trĩnh, nó có thể 0 điểm tại Stanford, nó cũng chẳng làm cho cô trở thành một diễn giả nổi tiếng. Nó đầy những lỗi ngữ pháp, thiếu giới từ, chia động từ sai cách. Nhưng đừng lắng nghe bằng tai, hãy nghe bằng trái tim nguyên sơ của bạn.

Bài phát biểu của cô tại lễ cưới cháu gái

Nếu chỉ nói về Shashi, mà không nói về những nhân vật quanh cô thì đấy sẽ là một sự thiếu sót cực kỳ lớn. Cô cháu gái họ xinh đẹp, người xa lạ trên máy bay, anh chàng đầu bếp người Pháp, các thành viên của lớp học tiếng Anh… Họ đều là những đòn bẩy tác động đến sự thay đổi bên trong Sashii. Tình yêu của anh chàng người Pháp dành cho Shashi đã không bị làm quá đi như tôi mong đợi. Nó thầm lặng, có chút bối rối, e ngại trước một nền văn hóa khác biệt, nhưng đôi khi lại rất liều lĩnh và bất ngờ.

"Khi bạn đã không còn yêu thích bản thân mình... thì bạn sẽ tìm cách cắt đứt mọi thứ xung quanh và hứng thú với những cái mới... Nhưng khi bạn đã yêu bản thân mình... cuộc sống cũ... sẽ mới trở lại và tốt đẹp hơn... gia đình là nơi mà ở đó ta có thể tìm thấy sự tôn trọng và yêu thương” – câu nói của Sashii ở cuối phim là cái kết tốt đẹp nhất mà đạo diễn dành cho khán giả và tất cả những ai trên thế giới này đang đi tìm câu trả lời cho “ý nghĩa của sự thay đổi”.

© Tống Trần @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi