Movie Blogs

The Expendables: Những người hùng vang bóng

07/09/2013

Phải nói rằng, từ lần đầu tiên nghe về dự án này, cho tới khi được xem phim - cả phần 1 và 2, cảm giác của tôi giống như là ước mơ thành hiện thực.

Nếu Avengers là ước mơ của bao người hâm mộ siêu anh hùng được thấy một loạt những người hùng mình yêu thích sát cánh bên nhau, thì với tôi, The Expendables cũng mang lại cảm giác tương tự.

Vì tôi là một đứa mê đắm Arnold Schwarzenegger từ cái ngày xửa ngày xưa truyền hình chiếu Terminator 2, sớm coi bác là một siêu anh hùng bất bại; được Jason Statham "an ủi" khi bác Arnold bỏ phim trường đi làm thống đốc, lại không biết bao nhiêu lần nước mắt vòng quanh khi xem phim có Lý Liên Kiệt; rồi lên cấp 3 lại chơi thân với một đứa thần tượng Sylvester Stallone, nên xem như các chú các bác đã gắn bó với tôi từ rất lâu rồi.

Tôi thích cái không khí của những bộ phim hành động của những năm 90 ấy, khi mà kỹ xảo vi tính hay những đại cảnh cháy nổ ầm ầm không xuất hiện trong phim quá thường xuyên như bây giờ - cơ bản là bây giờ cũng chẳng ai mặn mòi với thể loại hành động kiểu ngày xưa nữa! Nói một cách nào đó, thể loại hành động kiểu ngày xưa bảo toàn được những cảm xúc chân thật nhất.

Quay lại chuyện The Expendables. Sau màn diễn giải loằng ngoằng bên trên của tôi hẳn mọi người phần nào tưởng tượng ra thái độ của tôi với phim. Mình đã khóc thật sự luôn. Một lần nữa được thấy lại những siêu anh hùng của một thời thơ dại. Những người tưởng như sức vóc và tuổi tác đã vĩnh viễn tước mất của họ cơ hội được "tắm mình trong khói lửa" (theo đúng nghĩa đen) một lần nữa quay trở lại, sắm vai tuổi trẻ của chính mình, một lần nữa làm sống dậy những gì tưởng như cổ lỗ, đã thành quá khứ! Và điều tuyệt vời nhất đó là họ không làm những việc ấy đơn độc, mà sát cánh bên nhau, thành một đội. Biệt đội ấy, không đơn thuần chỉ là những nhân vật trong một bộ phim, mà còn là biệt đội của những con người của một thời đại, những người hùng một thời vang bóng.

Thế nên bạn cũng đừng thấy bất ngờ khi biết tôi xem The Expendables mà lại khóc sụt sịt.

Một bộ phim dường như là sự an ủi cho một quãng thời gian đã mất nào đó của riêng tôi.

Sau khi xem từ đầu đến cuối, xong ngay lập tức lại tua về từ đầu để xem lại phim, thì tôi không thút thít nữa, mà cười sằng sặc.

Lý do ư?

Thoại của phim quá đỉnh.

The Expendables, bản thân bộ phim có lẽ đã là sự tri ân với dòng phim hành động của thập niên trước, cộng với đó là việc bác Arnold có tham gia viết kịch bản nên phần 2 thấm đẫm không khí của những anh hùng cơ bắp lẫy lừng một thuở. Không khí mà tôi nhắc đến ở đây - không còn là đánh ầm ầm, đấm bụp bụp, với một người hùng sống sót giữa hàng chục kẻ địch - mà mang màu sắc chiêm nghiệm hơn, có chiều sâu hơn, và cũng hài hước hơn. Tất nhiên không phải cái hài hước tinh tế kiểu Anh, mà là sự bông đùa tếu táo của "những kẻ sẵn sàng chết" (nhái theo tên Star Movie dịch). Đó là câu chuyện "nâng tầm công thức Newton", chuyện bữa cuối muốn ăn gì,'blah... blah...' Và xen lẫn trong đó là sự bông đùa mà chỉ khi bạn có một vốn hiểu biết (thực ra là xem nhiều) cũng như tình yêu nhất định với thể loại phim hành động này mới hiểu. Ví như nhân vật Trench của Arnold, cứ lần nào xuất hiện cũng nói một câu thoại kinh điển: "I'll be back" để rồi bị Bruce Willis "vặc" lại: "You be back enough, I'll be back" - những câu thoại gợi nhớ tới những bộ phim của từng cá nhân họ.

Trong Expendables còn có vô số những đoạn ẩn dụ mang đậm quan điểm cá nhân của người làm phim, và có lẽ là của cả những diễn viên chính. Điển hình như khi Stallone nói với Statham rằng không dùng súng, Statham lập tức hỏi "Classic?" và hào hứng muốn lâm trận. Đến cuối phim, thì chính Statham lại thốt lên: "I love classic." Cách Stallone hạ kẻ xấu cũng là cách truyền thống, không dùng súng - giống mô-típ của các bộ phim hành động cũ, khi cao trào luôn được giải quyết bằng một trận đấu tay đôi không vũ khí. Đây chính là thứ gọi là "classic" - phong cách "đàn ông" chứ không phải con cừu. Kẻ chiến thắng sau cùng chính là kẻ mạnh nhất - thứ sức mạnh không dùng tới súng đạn.

Đoạn cuối phim, khi Bruce tặng lại cho Stallone một cái máy bay mới, thì họ đã có một cuộc hội thoại, mà tôi xếp nó hay chỉ sau đoạn của Bruce và Arnold. Đại loại như sau:

Stallone nhìn cái máy bay cổ lỗ sĩ sứt sẹo Bruce chuyển cho mình:

"Thứ này đáng để cho vào viện bảo tàng rồi."

"Cũng giống như chúng ta thôi."

Và ta thấy Stallone vẫy tay chào khán giả.

The Expendables quả là loạt phim thử thách và phá tan những giới hạn. Không đơn thuần là những giới hạn trong bộ phim, mà còn là thử thách dành cho chính những diễn viên đã ở ngoài tuổi 30 (không kể Liam Hemsworth chết yểu và chị quên-mất-tên-rồi): người trẻ nhất là Jason Statham 39 tuổi, già nhất là Chuck Norris huyền thoại đã ngoài 70. Một lần nữa, The Expendables đã mang họ trở lại màn ảnh, để họ được sống lại những vai diễn một thời. Và họ đã không làm người hâm mộ thất vọng, khi mà tuổi tác và thời gian không thể lấy mất của họ phong thái lẫm liệt từ những năm tháng xưa cũ - mỗi tội tại vì các bác già xừ mất rồi, nhất là Chuck Norris, nên các bác toàn xài vũ khí nóng, đạn bắn ầm ầm! Nói đến đây lại nhớ cảnh Arnold và Bruce chen chúc nhau trong một cái minicooper (trực thăng nhỏ). Lý Liên Kiệt tuy không xuất hiện tới phút cuối (tự dưng nhớ đến đoạn thoại của chú ở phần 1: "I need more money to raise my family" / "Whose family?" / "My family") nhưng đã có màn đánh nhau bằng chảo để đời. Jason dùng dao quá "chất", và nhạc chuông "quàng quạc" của chú vô cùng sành điệu! Jean-Claude Van Damme tuy không thể giấu được tuổi tác qua đôi mắt, nhưng vẫn còn rất dẻo dai và uyển chuyển, như cái cách mà bác ấy đã diễn trong những bộ phim trước đây.

Tóm lại, đạo diễn đã làm ra được một bộ phim tuyệt vời, không chỉ đã mắt, mà còn như một sự tri ân đầy kính trọng gửi đến những người anh hùng trên màn bạc một thuở.

© Anh Phan @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi