Movie Blogs

War Horse: phần 'chiến tranh' hay hơn phần 'ngựa'

01/11/2013

War Horse là bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg, kể về cậu thanh niên người Anh Albert và chú ngựa của cậu.

Albert là một cậu bé nông dân, từng chứng kiến con ngựa non – sau này đặt tên là Joey – ra đời, và luôn thích thú với chú ngựa tuấn tú ấy. Khi cha cậu mua Joey về (một cách khó hiểu, nhưng ta sẽ bàn việc này sau), Albert đã chăm chỉ nuôi dạy, thuần hóa nó. Nhưng rồi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, cha Albert bán Joey cho một sĩ quan quân đội, Joey được đưa ra trận, và Albert, dù chưa đủ tuổi nhập ngũ, nguyện sẽ tìm lại Joey bằng bất cứ cách nào.

Bộ phim có tất cả các yếu tố để làm nên một câu chuyện cảm động. Nhưng kết quả lại… không hẳn vậy. Không phải là phim không thể khiến người xem động lòng, mà vấn đề là phim không khiến người xem động lòng với đúng chủ đề.

Xem xong phim, tôi cảm thấy thực sự không hiểu, cuối cùng mình vừa xem phim về ngựa à? Ừ, ngựa có ở khắp nơi, vậy sao từ đầu tới cuối, tôi không hề có cảm giác gì với chú ngựa đó?

Cả bộ phim, Joey luôn hiện diện. Cả bộ phim, ta xem những con đường Joey đi qua để về với chủ. Vậy sao những câu chuyện về tình cảm giữa người với người lại trở nên nổi bật hơn cái lẽ ra nên là chủ đề chính là tình người với ngựa? Có phải vì cách bộ phim được xây dựng đã nói rõ với khán giả là chỉ có thể có hai cái kết: một là kết có hậu, Joey trở về bên Albert, hai là một trong hai sẽ chết trên chiến trường, có khi là chỉ cách nhau trong gang tấc. Và dù là cái kết nào thì cũng đều dễ đoán, cũ rích như nhau, nên hành trình tìm nhau của Joey và Albert trở nên không hấp dẫn lắm?

Tôi cũng không hiểu nữa. Không hẳn là tôi không thích phim này. Vấn đề là tôi cảm thấy mình thích phim một cách… hình như không đúng cách chút nào.

Nhưng khoan nói những chi tiết đó. Ta hãy bắt đầu với việc tại sao cha Albert lại mua Joey về và những điều xảy ra sau đó. Vì tất cả những gì diễn ra trước khi Joey bị bán và ra trận đều khó có thể cắt nghĩa được.

Cha Albert, Ted, vào chợ với mục đích mua một con ngựa để về kéo cày (dù sao lại phải mua ngựa trong khi la, lừa đều sẽ rẻ hơn rất nhiều thì tôi cũng không rõ). Vấn đề là, khi đến chỗ đấu giá ngựa, Ted bỗng thấy ông địa chủ của mình, Lyons, đứng đối diện mình. Khi Joey được đưa ra đấu giá, vì một lý do ngớ ngẩn nào đó, Ted bắt đầu trả giá cho một con ngựa rõ ràng là ngựa để cưỡi, không đủ khỏe để làm việc đồng áng. Dù là ông Lyons đấu giá trước và Ted muốn đọ lại thì cũng là một quyết định ngu xuẩn, nhưng Lyons chưa kịp lên tiếng, Ted đã trả giá, và khi Lyons đáp trả lại thì ông lại trả giá mỗi lúc một cao, bất chấp lời khuyên của bạn bè xung quanh. Để làm gì? Để thể hiện thôi sao? Ông bỏ ra cả gia tài, một số tiền khổng lồ, để mua một con ngựa cảnh, mua về chẳng giải quyết được việc gì, trong khi có thể dùng một phần ba số tiền đó mua một con ngựa kéo cày. Và Lyons, ngoài việc đến nhà ông ta đòi nợ ra, thì cũng không có vẻ gì là một địa chủ độc ác. Ông kiêu hãnh đến việc đổ hết tiền đáng phải trả cho địa chủ để mua con ngựa có vẻ cả Lyons và ông đều không muốn có…và tôi không hiểu để làm gì?!?

Tôi cứ ngỡ, sau đó kịch bản sẽ phải giải thích tại sao Ted lại có quyết định…dở hơi đến thế. Nhưng không. Điều duy nhất kịch bản phát triển về nhân vật Ted này là, ông ta cũng từng ra trận, và cảm thấy xấu hổ với những giết chóc trên chiến trường, và giờ ông hay uống rượu để giải sầu. Chi tiết chẳng liên quan gì tới con ngựa cả, ngoài việc qua câu chuyện đó, mẹ Albert đưa cho Albert một dải huân chương cha cậu từng được nhận và sau này cậu sẽ thắt huân chương đó vào dây kéo của Joey và nó theo Joey khắp nơi, sau này trở thành thứ để nhận dạng.

Jeremy Irvine trong vai Albert

Người duy nhất cảm thấy vui mừng với Joey là Albert (Jeremy Irvine đóng). Nhưng tất nhiên, giờ gia đình Albert không còn tiền trả cho ông Lyons nữa. Cha Albert quyết định trồng thêm su hào ở một mảnh đất cằn cỗi sau nhà để có tiền trả nợ. Nhưng trước khi trồng cây, mảnh đất phải được xới lên, và ông quyết định lấy con ngựa non một tuổi mới được một đứa con trai 14 tuổi huấn luyện qua mấy ngày và dùng nó kéo cày (!!!).

Phải nói là, xem đến đây, tôi đã suýt không tiếp tục xem nữa. Hình như các nhà làm phim không hiểu chút gì về việc cày bừa. Cả tôi cũng có thể thấy là mảnh đất đó có quá nhiều sỏi đá khổng lồ, vậy tại sao gia đình Albert không vứt bỏ số sỏi đá đó trước khi cày, mà cứ để đấy chỉ để thêm viêc cho con ngựa? Và tại sao phải cày hết cả thửa ruộng trong vòng một ngày mưa tầm tã mà không… nói thế nào nhỉ, chia nó ra, làm mỗi ngày một ít một? Họ muốn giết con ngựa à? (Trong một bộ phim có vẻ chẳng ai có ý làm hại con ngựa này thì con ngựa lại chịu khổ không cần thiết nhiều một cách khó hiểu.) Và tại sao hàng xóm láng giềng của họ rỗi việc tới nỗi đứng đội mưa nhìn một thằng bé 14 tuổi kéo một con ngựa non đi cày rồi reo hò?

Tóm lại là, cuối cùng, qua một phép màu nào đó, mà một con ngựa rõ ràng không sinh ra để làm việc nặng nhọc, đã hoàn thành được nhiệm vụ vốn không phải của nó. Tuy nhiên, một trận mưa lớn đã lấy đi hết ruộng rau của gia đình Albert. (Tôi không biết có ai có thể cảm thấy ngạc nhiên với diễn biến này.) Và để có tiền trả nợ cho Lyons, Ted lén bán Joey cho Đại úy Nicholls (Tom Hiddleston đóng), và Nicholls hứa với Albert rằng anh sẽ chăm sóc Joey thật tốt và cố gắng đưa chú trả lại cho cậu bé khi chiến tranh kết thúc.

Benedict Cumberbatch (trái) và Tom Hiddleston (phải) trong cảnh phim

Phần còn lại của bộ phim theo Joey qua tay nhiều người chủ. Trước khi ra trận, Joey được “giới thiệu” với Topthorn, ngựa của một sĩ quan quan khác, Thiếu tá Stewart (Benedict Cumberbatch đóng). Phải nói là với tôi, có vẻ tình bạn cảm động nhất trong cả bộ phim là giữa Joey và Topthorn chứ không phải với Albert!!

Khi “gặp” nhau, Joey và Topthorn nhanh chóng chạm mũi làm quen nhau. Sau khi Nicholls và Stewart bỏ mạng trên chiến trường, những con ngựa còn sống của quân đội Anh, trong đó có Joey và Topthorn, bị quân Đức thu thập về để kéo xe cứu thương. Hai con ngựa cứ thế ở bên nhau, qua mọi khó khăn. Mỗi lúc vất vả, quyết định nhất, lại có cảnh hai con ngựa chạm mũi nhau, như an ủi nhau; cảnh tượng đó thực sự cảm động và dễ thương. Gần như suốt cả bốn năm chiến tranh, chúng cùng nhau làm ngựa của người Anh, rồi người Đức, người Pháp, rồi lại trở lại tay người Đức, tới khi Topthorn gục ngã vì kiệt sức. Và điều đáng nói là… chỉ lúc Topthorn không còn, Joey mới có vẻ có “ý tưởng” đi tìm Albert.

Khi Nicholls và Stewart vừa chết và được quân Đức thu về, Joey và Topthorn được hai anh em lính trẻ, Michael và Gunther, chăm sóc. Cuối cùng Michael và Gunther dùng hai con ngựa để đào ngũ, trốn trong một cối xay gió ở Pháp. Chúng nhanh chóng bị phát hiện và hai kẻ đào ngũ bị bắn chết. Sau đó hai chú ngựa được Emilie, một cô bé người Pháp sống cùng ông nội, tìm thấy và nhận nuôi. Sau một thời gian, lính Đức đến cướp bóc ngôi làng và cũng cướp đi hai chú ngựa của Emilie. Joey và Topthorn lại được sử dụng để kéo súng máy cho quân Đức.

Emilie cùng Topthorn (đen) và Joey

Trong suốt hành trình này của Joey, như đã nói, tôi luôn cảm thấy câu chuyện của những con người thoáng qua trong cuộc đời chú ngựa lại hấp dẫn hơn chính chú ngựa. Hai anh em Michael và Gunther sao lại nhập ngũ sớm thế (Michael mới 14 tuổi) dù đây là những ngày đầu của cuộc chiến khi trai tráng trưởng thành vẫn còn và các nước chưa tuyệt vọng tới nỗi phải kêu gọi những đứa trẻ mới lớn? Tình cảm giữa Emilie và người ông xúc động biết bao. Họ sống đơn giản, cô bé bị bệnh hiểm nghèo, và người ông dù yếu đuối nhưng khi quân Đức đến cướp bóc đã không ngại nói thẳng vào mặt chúng là nếu chúng động vào Emilie, ông sẽ liều mạng với chúng.

Hai phe chiến đấu giờ đã chuyển qua chiến hào và sau khi Topthorn đã chết, Joey chạy từ bên hào của quân Đức về phía quân Anh, bất chấp vấp phải dây thép gai quấn vài vòng quanh thân, khiến binh lính hai bên nhìn thấy mà kinh ngạc. Khi chú ngựa cuối cùng cũng gục ngã với vết thương từ thép gai, từ hai bên hào, một người lính Anh (Colin) và một người lính Đức (Peter) đã trèo lên để cắt dây thép, giải cứu chú ngựa.

Giữa trận Sông Somme, có lẽ là trận chiến khốc liệt và nhiều thương vong nhất của chiến tranh, ta có hai người lính tâm sự, chia sẻ với nhau trong khi giải cứu một chú ngựa không biết là thuộc về phe nào. Họ nói chuyện với nhau một cách thân mật, cười đùa, trêu chọc nhau trong khi bàn cách cắt dây thép thế nào để không làm đau chú ngựa nhất. Trong màn đêm và trong bùn lầy của chiến tranh, một tình bạn đã hiện ra giữa hai con người có lẽ chỉ nửa tiếng sau đó sẽ lại phải giết nhau. Tôi tự hỏi, sau đó, hai người liệu có sống qua cuộc chiến này không? Và nếu qua được, có khi nào họ lại có duyên gặp lại nhau?

Cuối cùng, họ cũng có chút tranh cãi về việc ai được giữ chú ngựa, nhưng giải tỏa một cách rất công bằng bằng cách hất đồng xu và Joey được trả về phía quân Anh.

Phim kết thúc một cách khá nhanh sau đó. Trở về với bên hào của người Anh, Joey bị quân y cho là vết thương quá nặng và suýt bị bắn chết, nhưng Albert, giờ đây đã nhập ngũ, đã đến kịp thời để cứu chú. Chiến tranh kết thúc, Joey lại được mang đi bán, và dù Albert cố gắng mua lại chú, vẫn không đấu giá nổi với ông nội Emilie, người nguyện bán hết gia tài để mua lại Joey, để tưởng nhớ Emilie giờ đã mất. Nhưng rồi trong giờ phút quyết định, thấy Joey quyến luyến Albert, ông lại trả lại con ngựa cho Albert. Albert và Joey trở về nhà trong cái nắng hoàng hôn.

Điều nổi bật của bộ phim, vì lý do nào đó, lại không phải quan hệ giữa người và ngựa, mà là tình đồng đội của những người lính. Ngoài Colin và Peter ở trên, ta còn có mối quan hệ giữa Nicholls và Stewart. Họ xuất hiện trong một khoảng thời lượng phim rất ngắn nhưng cũng đủ để ta thấy tình bạn giữa họ. Họ là đồng đội, sát cánh bên nhau khi ra trận, những lúc gặp nguy chỉ biết nhìn nhau tuyệt vọng, nhưng trước đó cũng không tránh được sự cạnh tranh vốn có của hai “thằng bạn”, trêu chọc và khoác lác, khoe khoang với nhau về chiến mã của mình.

Ngoài ra, đầu phim, ta còn thấy Albert cạnh tranh với con trai ông Lyons, David, trong việc tán tỉnh một cô gái, và đến khi họ cùng nhau ra trận, David có vẻ gây khó dễ với Albert. Nhưng đến cuối phim, khi chiến tranh kết thúc, chính David lại là người kêu gọi anh em gom tiền giúp Albert mua lại Joey.

Tom Hiddleston trong vai Nicholls, cảnh trước khi chết

Về mặt diễn xuất, diễn viên mới Jeremy Irvine có thể cho là đóng đạt vai Albert. Nhưng tôi ấn tượng nhất với vẻ mặt sợ hãi, yếu đuối, mắt long lanh lệ của Tom Hiddleston trong vai Nicholls trong những khoảnh khắc trước khi chết. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã thay đổi cách chiến đấu một cách chóng mặt. Đội quân người ngựa không còn thể trụ được nữa khi đối mặt với súng máy. Nicholls bỏ mạng trong cuộc tấn công người ngựa đầu tiên đó, và chắc hẳn khi thấy đạn bắn như mưa từ súng máy của quân Đức, anh đã quá rõ là không thể sống qua trận này. Anh ra trận tự tin trên chiến mã xuất sắc của mình biết bao, thì trong khoảnh khắc cuối cùng đó, sợ hãi tuyệt vọng của anh cũng lớn như thế. Sự tuyệt vọng đó cũng thể hiện rõ trong vẻ mặt biết mình đã bại, nhưng vẫn còn kiêu ngạo của Jamie Stewart, khi anh cắm kiếm xuống đất nhận thua với quân Đức. Điều này còn mang lại ấn tượng mạnh mẽ hơn khi khán giả phải tự hiểu là Stewart đã bị giết chết ngay sau đó.

War Horse là một bộ phim đẹp. Những cảnh bãi cỏ bạt ngàn khi Albert ban đầu huấn luyện và cưỡi Joey xanh mướt và tạo cảm giác tự do, bất tận, nhất là khi kết hợp với âm nhạc tuyệt vời của John Williams. Trận chiến đầu tiên kết thúc với góc quay từ trên cao, cho ta thấy một bãi cỏ đầy xác người và ngựa; thế mới thấy chiến tranh này mang lại bao nhiêu đau thương. Cảnh đoàn quân Anh cưỡi ngựa dọc đường đồng quê Pháp giữa các rừng nho trông mờ ảo, có chút đượm buồn trong ánh nắng buổi xế chiều, như chuẩn bị người xem cho những mất mát phía trước.

Nhìn chung, War Horse, nếu chỉ là một bộ phim về chiến tranh, thì thật ra lại hay. Chỉ trong những cảnh phim khá ngắn, bộ phim vẫn chuyển tải được hết sự khốc liệt của cuộc chiến vĩ đại này, và thể hiện được sự vô nghĩa của nó. Là một bộ phim về chú ngựa và cậu chủ, hay chỉ đơn thuần là chú ngựa và mối quan hệ với những con người đi qua cuộc đời chú, thì có vẻ như các mối quan hệ giữa người và ngựa được phác thảo một cách quá hời hợt và tôi chỉ có thể cảm thấy cuốn hút bởi một trong hai, chứ không phải cả hai với nhau.

© Xuân Hiền @ Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi