Movie Blogs

The Boy in the Striped Pyjamas: Bi kịch trong tình bạn của trẻ thơ

28/01/2011

Lâu rồi mới có một bộ phim cho tôi nhiều cảm xúc như The Boy in the Striped Pyjamas. Ngay cả khi mới đọc tóm tắt nội dung, cả người tôi đã run lên. Thật lạ là sau bao phim tài liệu, bao sách vở miểu tả sự tàn bạo và những điều kinh khủng diễn ra trong trại tập trung của Phát xít Đức, ít khi tôi cảm thấy ghê sợ cuộc chiến đó như lúc xem bộ phim này. Bộ phim dựa trên câu chuyện cho trẻ em, kể về những đứa trẻ, nhưng đây có lẽ không phải là phim dành cho trẻ em. Nó bắt người xem phải đối mặt với tội lỗi của chiến tranh và những nỗi đau chiến tranh đặt lên những linh hồn vô tội nhất.

Bộ phim diễn ra vào thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai và kể về một cậu bé người Đức, Bruno, làm bạn với một cậu bé Do thái đang bị giam giữ trong một trại tập trung. Sĩ quan quản lý trại tập trung đó lại chính là bố của Bruno. Chỉ chi tiết này thôi đã đủ để tôi đoán rằng bộ phim sẽ không có cái kết tốt đẹp. Lấy đâu ra cái kết đẹp cho những người Do thái vào thời kỳ đó? Có lẽ một phần trong tôi cũng đoán được cái kết sẽ là cái chết.

Nhưng không có gì có thể giúp tôi chuẩn bị tinh thần để xem em lẻn vào trại tập trung để giúp bạn em đi tìm bố. Không có sự chuẩn bị nào là đủ để giúp tôi giữ bình tĩnh khi nghe tên sĩ quan Phát xít Đức kia ra lệnh cho đám tù nhân – trong đó có hai em – cởi quần áo để đi tắm.

Tôi biết đủ về trại tập trung Phát xít Đức để lập tức hiểu hai từ 'đi tắm' đó thật sự có nghĩa là gì.

Nhưng em...đến lúc cái chết cận kề, em vẫn chưa thực sự hiểu, phải không? Cả đến giây phút cuối, chắc em vẫn chưa thật sự hiểu. Em chỉ mới biết rằng, "trang trại" nơi bạn em sống không tươi đẹp như em tưởng tượng. Còn đâu, em đâu có hiểu...

Từ đầu tới cuối em đâu hiểu gì, phải không em?

Từ đầu tới cuối, em chỉ muốn có một người bạn.


The Boy in the Striped Pyjamas kể về tình bạn giữa con trai của một sĩ quan Đức chỉ huy một trại tập trung và một cậu bé Do thái bị giam giữ trong ở đó


Bi kịch của bộ phim nằm ở việc em đã tìm thấy người bạn đó. Bi kịch là chính bố em đã đưa em đến chỗ người bạn đó. Bi kịch là chính bố em đã dẫn đường cho em đến với cái chết.

Bi kịch không bắt đầu với cái chết của em, không kết thúc với cái chết của em. Bi kịch bắt đầu khi bố em là người. Một con người rất thật, với tình thương của con người, với sự mù quáng của con người, với cái tội của con người.

Đối với em, bố em là một ông bố tốt, người bảo vệ gia đình em, một anh hùng. Em không biết được rằng mỗi sáng thức dậy, ông phải giết rất nhiều người. Em không hiểu gì cả.

Những điều em không hiểu, những điều em không thể hỏi được, em tự giải thích. Những lời giải thích ngây thơ, trong sáng của tâm hồn em.

Lòng tôi thắt lại khi em vì sợ hãi đã phản bội bạn mình, để rồi những giọt nước mắt tự trách làm ướt má em. Nhưng kỳ lạ thay...có lẽ một câu phản bội đó của em lại mang hai em gần nhau hơn. Có lẽ cậu ấy cũng hiểu nỗi sợ của em lúc đó. Và vì thế mà cậu ấy sẵn sàng tha thứ cho em. Sự tha thứ đó...không có một lời nói, chỉ một bàn tay nhỏ bé chìa ra. Để lần đầu hai em chạm được vào nhau. Để lần đầu em được nghe thấy bạn em cười.

Em lớn lên trong sung sướng, nhưng em đâu muốn gì cao sang, phải không em? Em chỉ ao ước có một người bạn. Để chia sẻ. Để nói chuyện. Để cùng cười.

Người bạn đó ngay trước mặt em nhưng cũng xa vời như tận chân trời.

Vì em chưa bao giờ hiểu được thế giới của cậu ấy. Em chưa bao giờ thật sự hiểu được những gì ẩn sau từng câu nói. Em chưa bao giờ hiểu được nỗi đau trong đôi mắt đó.

Và cậu ấy chắc cũng không bao giờ hiểu được thế giới của em. Cậu ấy cũng không hiểu được rằng người mang đến những nỗi đau cho cậu ấy lại là người bố em kính yêu.

Có lẽ, suốt khoảng thời gian đó, thế giới của hai em, dù gần nhau như thế, vẫn sẽ mãi mãi xa vời. Chỉ có trái tim của hai em chạm được vào nhau.

Và có lẽ, cuối cùng, đó cũng là điều duy nhất có ý nghĩa trong cuộc chiến đang diễn ra, cuộc chiến mà em không hề hay biết, không thể hiểu được. Cuộc chiến mà rồi, khi mất em, bố em sẽ không còn hiểu được tại sao nó lại tồn tại.

Bi kịch đâu chỉ là trong cái chết của hai em. Bi kịch là kia, từng hạt mưa đang trút xuống vai mẹ em, chị em, là từng tiếng khóc nấc không át lại được tiếng sấm của mẹ em. Bi kịch là kia, trong ánh mắt bất lực của bố em, gọi tên em.

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com