Movie Blogs

Vincent thương mến: Van Gogh chịu đựng biết bao cho sự sáng suốt của mình

15/10/2017

Trích từ một câu trong ca khúc Starry Starry Night* cuối phim:

Now I understand what you tried to say to me
how you suffered for your sanity
how you tried to set them free.


Quái vật Điện ảnh xin lấy làm tựa cho bài viết này. Cuối cùng chúng ta mới nhận ra cuộc chiến đấu không ngừng của Van Gogh trong suốt cuộc đời ông bằng cả hội họa và những bức thư viết cho em trai Theo Van Gogh.

Nếu chết là đi tới thế giới của những vì sao, thì đợi tới già mới đi tới thế giới đó thì quá lâu, phải không Vincent Van Gogh? Cuối cùng thì, ông đã tới được đó sớm rồi, như ông mong muốn, không hối hận và nuối tiếc đúng không?

Hôm bạn mình share tin phim này trình chiếu, mình quyết định phải xem ngay. Không rành về mỹ thuật nhưng Van Gogh là họa sĩ duy nhất mình luôn nhớ và có thể viết đúng tên, rất thích những nét tô màu xoắn mạnh mẽ và sự kết hợp màu trong tranh tuyệt đẹp.

Đây là một phim hoạt hình theo kiểu stop motion, 65.000 khung hình là mỗi bức tranh được hoàn thành bởi hơn 125 họa sĩ vẽ theo phong cách của Van Gogh. Bộ phim hoạt hình đầu tiên được thực hiện hoàn toàn trên chất liệu sơn dầu, có lẽ cũng sẽ là bộ phim cuối cùng vì công sức bỏ ra quá lớn (mất bảy năm để thực hiện, các diễn viên đóng đều là người thật diễn trên phông xanh hoặc thiết kế giống tranh, rồi làm mẫu để họa sĩ vẽ. Thật không thể tưởng tượng nổi tâm sức của đội ngũ thực hiện!!!

Các họa sĩ sáng tác những bức tranh sơn dầu cho bộ phim

Mạch phim theo kiểu trinh thám rất hấp dẫn tìm hiểu về cái chết của Van Gogh: Bắn vào bụng tự sát năm 37 tuổi. Mỗi lần chuyển cảnh, lại là một lần mình choáng ngợp trước khung hình, rất đẹp, rất ám ảnh và mạnh mẽ. Những cảnh mưa, nắng, hoa, sự chuyển động mềm mại, ánh nhìn, nước mắt, cảnh sex, khói thuốc, màu tranh chuyển sang trắng đen khi đến mạch hồi tưởng… tất cả đều là những bức tranh và sự chuyển động của nét màu, mình đã không ít lần mải ngắm đến quên đọc phụ đề. Những đoạn trắng đen hồi tưởng về tuổi thơ, quá khứ nét vẽ hơi khác, mình tìm hiểu là một phần do các nhà làm phim không muốn vẽ những bức tranh khác những bức tranh thật của ông, lý do thứ hai là để thị giác của khán giả nghỉ ngơi giữa những khung tranh màu.

Tóm lại, nội dung, hình ảnh, lồng tiếng, âm nhạc, rất hay và thực sự độc đáo. Phim đang được CGV trình chiếu và, những phim kiểu này được cho là ít hút khách nên suất chiếu hạn chế. Mình xem giờ trưa tưởng vắng mà chỉ còn đúng hai chỗ.

Khi mình đọc xong cuốn Suối nguồn – cuốn tiểu thuyết dài nhất và hay nhất mình đọc được trong năm nay, mình hiểu thêm về vai trò của người sáng tạo. Họ không cần phải làm từ thiện. Trước nhất họ chỉ cần làm thật tốt, thật tốt công việc của mình, không sao chép, và thành phẩm của họ thật sự có nhiều tác động đến tâm hồn của cộng đồng, sâu và rộng hơn rất nhiều hoạt động xoa dịu nỗi đau khổ bằng tiền bạc trong chốc lát. Và người hạnh phúc đôi khi là người cho chứ không phải người nhận.

Những bức tranh mà Vincent Van Gogh đã đắm mình sáng tác trong cuộc đời ngắn ngủi sống nghèo túng và điên loạn trong mắt người đời, không được thời đại ông sống đón nhận, trở thành di sản ông tặng cho nhân loại. Những bức thư ông miệt mài viết cho em trai để lại cho đời sau trọn vẹn tâm hồn ông. Còn người-cho-Van-Gogh hạnh phúc tìm đến những vì sao!

© Phương Anh Anh @Quaivatdienanh.com

* Do Don McLean sáng tác để tưởng niệm Vincent Van Gogh với tựa là Vincent. Bài hát trở nên nổi tiếng hơn với tựa Starry Starry Night, câu đầu tiên trong ca khúc, nhắc đến bức tranh The Starry Night của Van Gogh. Ca khúc còn miêu tả nhiều tác phẩm khác của nhà danh họa.

Năm 1971, McLean viết lời cho ca khúc sau khi đọc cuốn sách viết về cuộc đời của Van Gogh. năm 1972, ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng UK Singles Chart và đứng thứ 12 ở Mỹ. Và liên tục 12 tuần có mặt trong danh sách Hot 100.

The Stary Night (Đêm đầy sao) được Van Gogh vẽ trong thời gian điều trị bệnh tại một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence (Pháp). Bức tranh được vẽ vào ban ngày, giữa những cơn bệnh qua sự tưởng tượng về khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông.