Movie Blogs

Haru to no tabi - Ta gần nhau hơn, cho đến bao giờ...

26/02/2013

Hành trình cùng Haru... có những khi dàn trải không cần thiết, có những khi dịu dàng đẹp đẽ lạ thường.

Haru - mẹ mất, cha bỏ đi, sống cùng ông ngoại Tadao ở một làng đánh cá - trong một cơn giận dữ với người ông kỳ quặc khó tính ích kỷ của mình đã bảo ông hãy đi tìm những người anh em còn sống của ông và xin ở nhờ chỗ họ,vì Haru đã quá chán ngán cuộc sống ở cái làng nhỏ không tương lai. Nói xong hối hận, Haru cùng ông đi đến những người anh em đó, từng người từng người một, để chứng kiến họ cãi nhau, la mắng nhau, nhưng dù có giận Tadao đến đâu, khi Tadao và Haru ra đi họ cũng đều ngậm ngùi, cho dù có người rơi nước mắt, có kẻ ra vẻ dửng dưng quay đi.

Ở một khía cạnh nào đó, đạo diễn Kobayashi Masahiro đã thể hiện rất chân thực những mối quan hệ trong gia đình - chẳng bao giờ hoàn hảo và luôn có những mối bất hòa ngấm ngầm chỉ chờ thời cơ bộc phát, nhưng đằng sau những dỗi hờn, ghen tị, hả hê đó vẫn là tình cảm của những người máu mủ dành cho nhau.

Thế nhưng xét cho cùng, ai cũng có cuộc đời của họ, chẳng thể bảo bọc cho nhau mãi mãi được. Và bảo bọc cho một ông già vừa khó chịu kỳ quái hay cáu kỉnh lại không chịu làm việc như Tadao là chuyện không tưởng. Phải chăng vì thế mà Haru muốn được ở với ông suốt đời, vì ông cũng như cháu, cả hai chỉ có nhau để nương tựa. Bởi vì ngay cả khi được cô "con dâu" tự nhận mời ông ở lại, Tadao đã nhận ra rằng cuộc đời của mỗi người là cuộc đời riêng, cho dù có cố gắng gán ghép thì cũng chẳng ai có thể che chở cứu vớt ai. Và như thế, giây phút ấy là giây phút Tadao thoát ra được con người ích kỷ, độc tài trước kia của mình. Đến lúc đó, Tadao nhận ra rằng đã có biết bao nhiêu yêu thương ông đã để lỡ, để rồi đến cuối đời sau khi bị tất cả mọi người trong gia đình từ chối, ông đã được một người xa lạ mở rộng vòng tay chấp nhận, mà cho đến khi đó thì, "Riêng cử chỉ đó của cháu thôi cũng đủ rồi."

Ở một khía cạnh nào đó, Haru to no tabi khiến tôi nhớ đến Tokyo monogatari (Tokyo story), khi đôi vợ chồng già bị các con ruột thịt hắt hủi nhưng người con dâu thì lại tận tình chăm sóc thảo hiếu. Tôi cũng không nghĩ Ozu hay Kobayashi có ý phê phán gì những người ruột thịt đó. Chẳng qua là người trong nhà quan hệ với nhau sâu xa nên những hờn giận cũng khó xóa nhòa, khó bỏ qua cho nhau hơn. Đã là người ngoài đôi khi lại có thể mở rộng lòng để đón nhận một người xa lạ, bởi vì họ chẳng có quan hệ máu mủ gì cả, nên ta cũng không cần xét đoán họ gì cho nhiều. Chỉ cần tìm được một chút đồng cảm, tìm được một hình bóng nào đó đã đánh mất trong quá khứ, có khi người ta lại dễ chấp nhận nhau hơn, bởi vì "Ai cũng là người mà."

Haru có những lúc khiến tôi mệt mỏi vì người ông cáu bẳn ích kỷ cứ khiến cô cháu phải quay mòng mòng trong những yêu sách vô lý mà một cô bé người thường hơn đã bỏ chạy mất từ lâu. Thế nhưng Haru thì lại khác. Cả cuộc đời, có lẽ Haru gắn bó với ông nhiều nhất, và cho dù đã gặp được cha mình sau bao nhiêu năm, thì như cha Haru nói,

Có những khi con người ta xa nhau mà thôi.

Dù có là cha con, đôi khi đã xa rồi chẳng thể gần lại được. Không phải là đã quên nhau, không phải vẫn còn hận nhau, nhưng vì cuộc đời là như thế... Đẩy con người ta xa nhau ra, để rồi họ dù có cố gắng đến đâu cũng không thể xích gần lại được, tựa như đã có bức tường quá lớn chẳng thể đập tan... bức tường mang tên thời gian, thời gian trôi đi, mỗi người tập sống cuộc sống mà đời đặt họ vào đó, và dần dần họ quen theo từng ngày, từng ngày...

Tôi thích cách quay của phim, bởi nó gợi lên bầu không khí lãng đãng mơ màng thật đẹp. Cảnh Haru và Tadao ngồi nhìn ra cửa sổ ở hai tầng, hay cảnh Haru đứng nhìn chiều tà sau khi hội ngộ vơi cha của mình. Những cảnh quay cận mặt cũng là một đặc trưng của phim, có khi khán giả thấy mình đang là người nói ra những câu thoại, hay có khi lại là người đang nghe những câu thoại, dù là nghe hay nói, cảm xúc của nhân vật cũng được truyền tải một cách khéo léo. Nhưng riêng mình thì không thích kiểu quay cận cảnh, bởi vì... không thích thôi.

Có lẽ nhớ nhất về Haru sẽ là những đoạn thoại rất chân thật giữa các nhân vật. Khi Haru và cha cùng khơi lại những ký ức về người mẹ, Haru đã khóc hết mình trước mặt người cha gặp lại lần đầu sau bao nhiêu năm, và người cha ấy chỉ biết ôm con vỗ về dù không thể an ủi bằng lời. Thích Haru, vì cô bé nghĩ gì nói đó, biết rằng cha mình và mẹ mình chẳng ai có lỗi hơn ai... bởi vì trong cuộc sống, đôi khi chúng ta, cả đôi bên, đều có lỗi với nhau. Chẳng thể trách cha nhưng cũng chẳng thể quên đi ký ức đau buồn về mẹ, tôi nghĩ Haru đến gặp cha là để đối diện với điều ấy - rằng cô có một người cha đã từng thương yêu vợ mình, và cô không hận người cha đó.

Haru là một cuộc hành trình đi tìm sự thương yêu, nhưng hơn đó, là sự chấp nhận. Màu phim dịu dàng, khi hoang mang, tiếng guitar buồn phất phơ đâu đây vẳng bên tai, cũng đã làm tôi nhớ... đến vài khoảnh khắc nào đó, trong cuộc đời rất-bình-thường của mình.

© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi