Movie Blogs

Tây Du Ký: Trong thế giới hỗn loạn ấy, có một mối tình ngoại truyện

02/03/2013

Ta không thể mong sự phá cách này dẫn đến kết thúc có hậu...

Tôi nghe đến dự án Tây Du Ký của Châu Tinh Trì vào đầu những năm 2008, lúc đấy chỉ là những thông tin khá mơ hồ về nội dung, bối cảnh của bộ phim.

Châu Tinh Trì không đưa ra nhiều thông tin ngoài việc sẽ có mối tình của Đường Tăng và Tôn Ngộ Không (cái gì??), và rằng Đường Tăng sẽ là nhân vật nữ (ô ồ!). Những thông tin mang tính lá cải kia được xác thực bằng phong cách làm phim vốn rất quái đản của ông, nên sao ta không thể mơ về một sự phá cách về giới tính trong bộ tiểu thuyết này nhỉ.

Châu Tinh Trì (trái) chỉ đạo trên trường quay Journey to the West,
phim này phát hành ở Việt Nam với tựa Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện

Sau những biến cố về sự nghiệp cũng như những scandal dồn dập về những bóng hồng đi qua cuộc đời mình, tưởng như dự án không tưởng ấy sẽ đi vào bế tắc. Đặc biệt là khi bị người tình lâu năm Vu Văn Phụng phụ bạc, những tưởng đó sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của Châu Tinh Trì, nhưng vượt qua tất cả, có lẽ những điều đó không đánh gục được con người này, và cái chúng ta được thưởng thức hôm nay là Tây Du Ký theo một cách nhìn khác.

Nói về chuyện yêu đương của sư phụ nhà ta thì ngay cả bộ phim Tây Du Ký (1986) cũng đã thể hiện khá đầy đủ. Sở hữu một ngoại hình nho nhã, một tâm hồn thanh cao cùng lòng yêu thương chúng sinh, chả trách Nữ vương của Nữ quốc đem lòng cảm mến. Nhưng Ngô Thừa Ân đã chấm dứt mối tình đơn phương oan nghiệt này bằng lòng hướng Phật và tấm hồn từ bi của Đường Tăng. Vậy là một kết thúc có hậu trong phiên bản này đã không xảy ra như là thường thấy.

Một mối tình khác cũng được phá cách trong phiên bản của Tạ Đình Phong. Cái “ngu” của Đường Tăng vẫn được thể hiện qua sự khù khờ và ngu ngốc nhưng vô cùng chân thật. Khác với phiên bản trước, lần này thì Đường Tăng đã thực sự rung động và làm cái chuyện mà trái với mọi điều ta có thể hình dung: Đại náo Thiên cung.

Tuy kết thúc cũng không có hậu, nhưng phần phim này thể hiện khá tốt tâm trạng của Đường Tăng khi “phải lòng”, cũng rung động, cũng xót xa như bao mối tình khác, vâng, yêu thì lúc nào chẳng vậy.

Bởi vậy nên khi Mối tình ngoại truyện đề cập đến mối tình của Đường Tăng, ta không thể mong sự phá cách này dẫn đến một kết thúc có hậu được, như vậy sẽ phá hoại hoàn toàn nguyên tác và sẽ chẳng có nổi các phần tiếp theo.

Thư Kỳ (trái) trong vai Bạch Cốt Tinh và Văn Chương trong vai Đường Tăng

Mối tình ngoại truyện mở đầu với một khung cảnh đẹp như mơ, một xóm nhỏ bên bờ sông. Những người nông dân tảo tần sớm tối, những cái chết bất chợt do yêu quái gây ra, sự hỗn loạn, sự thức tỉnh trước sự ngu muôi, tinh thần đoàn kết và lòng hy sinh cao thượng... Vâng, khá nhiều thứ được nhồi nhét trong trường đoạn mở đầu. Điều này không khó chịu lắm nhưng làm tôi hơi bị bỡ ngỡ đôi chút. Bởi, thông thưởng một bộ phim sẽ có những đoạn mở đầu nhẹ nhàng, diễn tiến lôi cuốn và kết thúc hoành tráng. Nhưng ngay từ những phân cảnh đầu là diễn tiến hoành tránh rồi mới tiếp tục bằng mở đầu nhẹ nhàng, hơi khác so với phim Việt.

Tạo hình của bộ phim có thể nói là xuất sắc. Một Văn Chương khù khờ nhưng đáng yêu, như chính người sư phụ của mình đánh giá “ta ăn nhưng không cảm giác còn con không dám ăn nhưng trong lòng lại muốn”. Điều này cũng phản ánh tâm trạng của nhân vật này khi bắt đầu rung động. Sa Tăng xuất hiện cũng khá ấn tượng, nhân vật khá đẹp trai và có sự xuất hiện khá là “khó đỡ”, một sự tuyên dương cho tinh thần hy sinh vì nghệ thuật của anh. Khác với trong nguyên tác, Trư Bát Giới trong phiên bản này lại khá thư sinh và nho nhã, và cũng rất đẹp trai. Tuy nhiên khuôn mặt cũng “khó đỡ” y chang người đồng nghiệp của mình. Một tạo hình được mong đợi nhất chính là Đại Thánh, khó ai nghĩ ra là bị giam 500 năm lại khiến Tề Thiên trở thành một ông già đầu hói nặng, tính cách thì quái gở, bệnh hoạn.
Thư Kỳ và La Chí Tường cũng có những nét cá tính riêng biệt. Một cô gái dám yêu và dám đấu tranh cho tình yêu, nhưng cũng vô cùng ngây ngô khi rơi vào mối tình đầu. La Chí Tường cũng có tạo hình khá đặc biệt, nhưng so với anh chàng đầu nấm trong Hải phái điền tâm thì cũng không có nhiều khác biệt.

Đó là tất cả những gì về những nhân vật chính, chỉ có thể kết luận một điều, bộ phim được chuẩn bị và chăm chút cực kỳ kỹ lưỡng về mọi góc cạnh, kỹ xảo cũng như kịch bản, diễn xuất. Ta dường như thấy đâu đó sự sáng tạo của ba bộ phim trước của Châu Tinh Trì được thể hiện qua sự tưởng tượng tinh tế và phong phú của ông. Một sản phẩm không thể là hài nhảm, có chăng là một bộ phim mang tính cách mạng của một dòng phim hài nhảm.

La Chí Tường trong vai Hư Không công tử trong phim

Thoại của phim cũng mang đậm dấu của Châu Tình Trì. Những đoạn hội thoại hài hước, hại não và triết lý Phật pháp thâm sâu được lồng ghép một cách hài hòa, làm tổng thể bộ phim không trở thành đống hổ lốn như những phim mì ống khác.

Có thể nói sau gần hai tiếng đồng hồ theo dõi, tôi thực sự thả hồn vào cảm xúc của bộ phim. Những tràng cười bất tận trong rạp, những cái xuýt xoa của mấy cô gái nhạy cảm khi nhìn Đường Tăng bị tước đi tất cả hạnh phúc.

Nếu đánh giá từng phần thì phần hài trong phim đủ để ta cười sảng khoái, phần hành động đủ để ta phải hồi hộp đến nghẹt thở, phần lãng mạn cho ta cảm giác thư thái và thả hồn vào điệu múa dưới trăng, phần kết mang lại một cảm xúc khó tả và nghẹn ngào khi tình yêu bị tước đoạt.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói sau khi bộ phim kết thúc. Một sản phẩm hoàn hảo của Châu Tình Trì, nếu là 'fan' của anh ấy, hy vọng bạn cũng sẽ thấy như vậy.

© Nam Nguyễn @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi