Nhân vật & Sự kiện

10 phim xuất sắc nhất của Làn Sóng Mới Đài Loan

15/11/2021

Điện ảnh lần đầu tiên du nhập vào Đài Loan vào năm 1901 dưới sự cai trị của Nhật Bản và chắc chắn đã phát triển qua nhiều năm, từ phim tuyên truyền thuộc địa mà đế quốc Nhật sử dụng vào đầu thế kỷ 20 đến những phim tình cảm tâm lý lãng mạn hoặc phim hành động kung-fu của những năm 1960.

Tuy nhiên, thời kỳ tươi sáng nhất trong lịch sử điện ảnh Đài Loan vẫn là thập niên 80 và 90 khi các nhà làm phim tiên phong cố gắng nói lên sự thật bằng cách tạo ra những kiệt tác mang tính hiện thực xã hội thông qua vẻ đẹp và sự sâu lắng của phương tiện điện ảnh.

Đạo diễn Dương Đức Xương trên trường quay The Terrorizers năm 1986

Những tác phẩm này được gọi chung là Điện Ảnh Đài Loan Mới và được chia thành hai thời kỳ rõ rệt, Làn sóng thứ nhất (1982-1990) và Làn sóng mới thứ hai, bắt đầu từ năm 1990 và tiếp tục cho đến năm 2010. Điện ảnh Đài Loan Mới là một biên niên sử những biến đổi xã hội-chính trị, kinh tế và thậm chí cả về mặt tinh thần hòn đảo đang thay đổi nhanh chóng này đang trải qua, nhờ những tác động chóng mặt của hiện đại hóa.

Một trong những người tiên phong của Làn sóng mới Đài Loan, Dương Đức Xương, đã đến Mỹ để học kỹ thuật điện tại Đại học Florida nhưng niềm đam mê điện ảnh đã thúc đẩy ông theo học ngành điện ảnh tại Đại học Nam California. Ông nhớ lại, “Tôi đã từ bỏ và nói, ‘Tôi không sinh ra để trở thành một nhà làm phim,’ cho đến một đêm tôi đang lái xe vào trung tâm thành phố Seattle và nhìn thấy tấm biển bên ngoài một rạp chiếu phim nói rằng ‘Làn sóng mới Đức: Aguirre, the Wrath of God’ (Werner Herzog — 1972). Tôi đã đi vào rạp và việc đó đã khiến tôi thay đổi.”

Khi nói về phong trào này trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2001, ông nói thêm: “Ban đầu, đó là một nỗ lực tập thể. Thế hệ của chúng tôi tiếp quản và có một kiểu làm phim mới năng động hơn. Nhưng sau khi tạo dựng được tên tuổi, chúng tôi đã có những hướng đi khác nhau, và trong 10 năm qua, đó là những nỗ lực của mỗi cá nhân.”

Hợp tuyển thử nghiệm In Our Time gồm bốn tác phẩm ngắn, lấy bối cảnh trong bốn thập kỷ khác nhau (từ những năm 50 đến những năm 80), với các nhân vật ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời họ

Hãy cùng Far Out Magazine điểm một số tác phẩm hay nhất từ phong trào mang tính biểu tượng này trong lịch sử điện ảnh như một cách vinh danh những thành tựu của Làn sóng mới Đài Loan. Để toàn diện hơn và tránh làm lộn xộn danh sách với nhiều tác phẩm của Dương Đức Xương hoặc Hầu Hiếu Hiền, tạp chí đã quyết định chọn cho mỗi nhà làm phim một phim tiêu biểu.

10 phim hay nhất của Làn sóng mới Đài Loan:

10. In Our Time (Dương Đức Xương, Chương Dực, Kha Nhất Chính, Đào Đức Thần — 1982)

Thường được coi là phim đánh dấu sự khởi đầu của Làn Sóng Mới Đài Loan, hợp tuyển thử nghiệm này gồm bốn tác phẩm ngắn, lấy bối cảnh trong bốn thập kỷ khác nhau (từ những năm 50 đến những năm 80), với các nhân vật ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời họ. Mặc dù hai phần đầu tiên của dự án đầy tham vọng này tương đối ấn tượng hơn, In Our Time có giá trị biểu tượng to lớn vì phim đã chứng minh rằng việc trẻ hóa nền điện ảnh Đài Loan đang trì trệ là hoàn toàn có thể.

Được thực hiện bởi những người mới trẻ tuổi và tài năng, tiếp cận điện ảnh từ nhiều khía cạnh khác nhau khi họ du học, In Our Time đã thoát khỏi những quy ước ngột ngạt của các nhà làm phim lâu đời vào thời điểm đó. Phim cũng gây chú ý khi công bố những phát minh nghệ thuật của một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất Đài Loan cũng như điện ảnh thế giới: Dương Đức Xương.

Phim tâm lý hài đẹp đẽ Tropical Fish là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Đài Loan Mới

9. Tropical Fish (Trần Ngọc Huân — 1995)

Là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Đài Loan Mới, phim tâm lý hài đẹp đẽ này kể về những tai nạn bất ngờ của một thiếu niên mơ mộng/thất bại tại trường học để mình bị bắt cóc vì tò mò. Phim dí dỏm một cách đáng kinh ngạc và thậm chí còn đưa ra bình luận tổng hợp về những ưu tiên không thực tế của xã hội, bao gồm các bản tin không bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của đứa trẻ bị bắt cóc mà lại quan tâm đến liệu cậu bé có thể trở về kịp kỳ thi quốc gia của mình không.

Đạo diễn Trần Ngọc Huân cho biết, “Không giống như kiểu sống lầm lì thể hiện đặc trưng trong Điện ảnh Đài Loan Mới, tôi thấy bản chất cuồng nhiệt, đầy cảm xúc ở người Đài Loan; vì vậy tôi tự nhủ phải quay một phim đầy ắp lời thoại và những nhân vật đam mê.”

Strawman là phần đầu tiên trong bộ ba Nativist của Vương Tùng (bao gồm Banana ParadiseThe Hill of No Return) và ghi lại những ngày cai trị cuối cùng của Nhật Bản tại một ngôi làng Đài Loan theo phong cách bán hài, thể hiện một sự thay đổi nghĩa đen lẫn mang tính biểu tượng trong lịch sử

8. Strawman (Vương Tùng — 1987)

Vương Tùng thường bị loại ra khỏi phong trào điện ảnh Đài Loan Mới vì ông đã làm việc trong ngành điện ảnh từ thời kỳ “chủ nghĩa hiện thực lành mạnh” những năm 60, sử dụng các kỹ thuật làm phim tương đối thông thường trong các tác phẩm của mình. Mặc dù ông bị giới phê bình loại bỏ vì không đủ tính cách mạng, nhưng các phim của ông đều thành công về mặt thương mại và được khán giả Đài Loan đón nhận nồng nhiệt.

Bất chấp tất cả những chỉ trích nhắm vào mình, bộ ba phim Nativist của ông nổi bật thành tác phẩm quan trọng từ thời kỳ đó và đóng góp vào phong trào điện ảnh Đài Loan Mới theo những cách riêng của nó, đặt các yếu tố hài thời tiền hiện đại đối lập với nỗi u sầu sâu sắc. Strawman là phần đầu tiên trong bộ ba Nativist của ông (bao gồm Banana ParadiseThe Hill of No Return) và ghi lại những ngày cai trị cuối cùng của Nhật Bản tại một ngôi làng Đài Loan theo phong cách bán hài, thể hiện một sự thay đổi nghĩa đen lẫn mang tính biểu tượng trong lịch sử.

The Peach Blossom Land dựa theo một vở kịch của chính Lại Thanh Xuyên và là nỗ lực tuyệt vời trong việc cố gắng kết nối điện ảnh với sân khấu. Phim có hai nhóm diễn xuất được đặt vào cùng một không gian diễn tập, ban đầu xem thường các sản phẩm của nhau nhưng cuối cùng nhận ra rằng cả hai tác phẩm đều có nhiều điểm chung

7. The Peach Blossom Land (Lại Thanh Xuyên — 1992)

Lấy bối cảnh năm 1949, phim dựa theo một vở kịch của chính Lại Thanh Xuyên và là nỗ lực tuyệt vời trong việc cố gắng kết nối điện ảnh với sân khấu. Phim có hai nhóm diễn xuất được đặt vào cùng một không gian diễn tập, ban đầu xem thường các sản phẩm của nhau nhưng cuối cùng nhận ra rằng cả hai tác phẩm đều có nhiều điểm chung. Để làm nổi bật câu chuyện bằng hình ảnh, đạo diễn thậm chí đã thuê đội ngũ sáng tạo từ phim Days of Being Wild năm 1990 của Vương Gia Vệ: nhà quay phim Christopher Doyle và nhà thiết kế Trương Thúc Bình.

Trong một phỏng vấn vào năm ngoái, Lại Thanh Xuyên cho biết: “Tôi đã ở Michigan năm nay và chúng tôi đã chiếu phiên bản điện ảnh của [The Peach Blossom Land]. Nó có từ năm 1992 và là một phiên bản cũ thực sự, nhưng nó mang lại cảm giác rất mới. Chúng tôi đã có được một thứ gì đó tồn tại lâu dài và độc đáo. Nếu bạn muốn trở nên độc đáo hơn hoặc cố gắng độc đáo hơn nó, bằng cách giải cấu trúc nó, tôi đoán bạn sẽ đi được ít dặm hơn so với tiếp cận nó bằng ý thức phù hợp.”

Kuei-Mei, A Woman, bộ phim năm 1985 này là bức chân dung nổi bật về cuộc đời của một người phụ nữ Đài Loan từ năm 28 tuổi cho đến khi qua đời ở tuổi 54

6. Kuei-Mei, A Woman (Chương Dực — 1985)

Là một phim tâm lý tình cảm đầy sức mạnh của một đạo diễn tài năng và độc đáo, bộ phim năm 1985 này là bức chân dung nổi bật về cuộc đời của một người phụ nữ Đài Loan từ năm 28 tuổi cho đến khi qua đời ở tuổi 54. Đó là câu chuyện về cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của cô khi làm tất cả những gì có thể để giữ cho bản thân và gia đình có cái ăn cái mặc.

Chuyện kể về Quế Mỹ, một cô gái nghèo từ Đại lục chuyển đến Đài Loan sau cuộc cách mạng và kết hôn giả với một người đàn ông góa vợ nghiện rượu. Các con của ông từ chối cô nhưng cô vẫn kiên trì vượt qua khó khăn và đưa gia đình đi đến ổn định. Phim đã thắng giải Kim Mã phim xuất sắc nhất năm 1985.

Growing Up là phim đầu tiên thu hút sự chú ý của giới phê bình và công chúng đối với phong trào điện ảnh Đài Loan Mới

5. Growing Up (Trần Khôn Hậu — 1983)

Dựa trên một kịch bản là sự hợp tác đầu tiên giữa Hầu Hiếu Hiền và Chu Thiên Văn, bộ phim năm 1983 này lấy bối cảnh thị trấn ven biển phía bắc Đạm Thủy và kể về một cậu bé lớn sớm trải qua những nguy hiểm của cuộc sống thiếu niên. Câu chuyện do bà hàng xóm của cậu bé thuật lại và miêu tả cách cậu đối mặt với cuộc hôn nhân mới của mẹ mình và cố gắng theo đuổi mối tình tuổi mới lớn.

Growing Up là phim đầu tiên thu hút sự chú ý của giới phê bình và công chúng đối với phong trào điện ảnh Đài Loan Mới, hơn nhiều so với In Our Time. Nó cho thấy cách các nhà làm phim mới diễn giải điện ảnh bằng kỹ thuật kể chuyện và hình ảnh khác và bản thân Đài Loan đã thay đổi nhiều như thế nào.

A Borrowed Life là một phim gia đình sử thi lấy bối cảnh ở thị trấn khai thác mỏ vào những năm 1950. Phim khám phá sự chuyển tiếp giữa các thế hệ và tính linh hoạt của bản sắc dân tộc thông qua mối quan hệ cha con trung tâm trong phim

4. A Borrowed Life (Ngô Niệm Chân — 1994)

Tác phẩm đạo diễn đầu tay của Ngô Niệm Chân, A Borrowed Life là một phim gia đình sử thi lấy bối cảnh ở thị trấn khai thác mỏ vào những năm 1950. Phim khám phá sự chuyển tiếp giữa các thế hệ (như Yi Yi của Dương Đức Xương) và tính linh hoạt của bản sắc dân tộc thông qua mối quan hệ cha con trung tâm trong phim. Martin Scorsese đã liệt kê A Borrowed Life trong số 10 bộ phim yêu thích của ông từ những năm 90.

“Khi tôi viết kịch bản, tôi tập trung rất nhiều vào việc thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, vì vậy nó giống như một tập hợp các ghi chú hơn là kịch bản phim,” nhà làm phim này nói. “Tôi đã hỏi Hầu Hiếu Hiền liệu anh ấy có quan tâm đến việc đạo diễn không. Tôi biết Hiếu Hiền có lẽ sẽ không muốn làm điều đó, vì anh ấy đã tham gia vào các dự án khác.”

Ông nói thêm, “Thay vào đó, anh đề nghị tôi tự làm. Vì vậy, tôi chợt nghĩ đến việc trở thành đạo diễn. Nếu không vì vậy, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc trở thành đạo diễn - tất cả những gì tôi muốn là trở thành một biên kịch giỏi.”

Bộ phim Rebels of the Neon God năm 1992 của Thái Minh Lượng là bài luận đẹp đẽ về sự cô đơn và chia cắt mà hiện đại mang lại

3. Rebels of the Neon God (Thái Minh Lượng — 1992)

Một trong những phiên bản điện ảnh tuyệt vời nhất về tình trạng bất ổn của tuổi trẻ và chủ nghĩa hư vô, Rebels of the Neon God là một kiệt tác bất kính, xóa bỏ sự mong manh của các tôn giáo cũ trong khu đô thị tồi tệ vốn là thành phố hiện đại. Phim kể về con trai của một người lái taxi, thoát khỏi sự đơn điệu giản đơn của trường dự bị để theo dõi những tên tội phạm phá hoại chiếc xe của cha mình. Phim năm 1992 này của Thái Minh Lượng là bài luận đẹp đẽ về sự cô đơn và chia cắt mà hiện đại mang lại.

Thái Minh Lượng suy ngẫm, “Năm 1991, tôi quay một phim truyền hình ngắn tập về tội phạm trẻ. Đó là khi tôi tìm thấy Lee Kang-sheng trên đường phố. Gia đình của anh, với cấu trúc rất cổ điển của Đài Loan — một người cha đến từ Đại lục, kết hôn với một phụ nữ địa phương — và ngôi nhà Đài Loan tinh túy của họ đều rất hấp dẫn tôi.

“Thêm vào đó, sự phạm pháp, bầu không khí bí ẩn, chán nản, im lặng bao trùm và chậm chạp của anh… cách anh ấy hút thuốc, tất cả khiến tôi liên tưởng đến người cha nghiêm khắc của mình, người hầu như không nói bất kỳ lời nào với tôi trong suốt quá trình nuôi dạy tôi. Sau khi tôi quay xong Rebels of the Neon God, cha tôi đã qua đời. Tôi ước gì ông có thể xem một phim do tôi đạo diễn. Tôi đã ước mình có thể hiểu ông, gần gũi ông và thậm chí ôm ông.”

Những gì bộ phim A Time to Live and A Time to Die ghi lại là thế giới của con người, thân phận con người và ghi lại những thay đổi trong cảm xúc của họ, những xung đột của họ và những trở ngại mà họ phải đối mặt

2. A Time to Live and A Time to Die (Hầu Hiếu Hiền — 1985)

Lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của đạo diễn, A Time to Live and A Time to Die là phần thứ hai trong bộ ba phim về tuổi mới lớn của Hầu Hiếu Hiền, trước là A Summer at Grandpa’s (1984) và tiếp theo là Dust in the Wind (1986). Phim theo chân gia đình một cậu bé từ Đại lục đến Đài Loan, khởi động cuộc điều tra liên thế hệ khác về danh tính cá nhân và tập thể. Cậu bé nhanh chóng thích nghi với ngôi nhà mới của mình và xa cách với gia đình, những người giữ vững truyền thống của họ.

Phim dành cho tuổi mới lớn năm 1985 này là thành công quốc tế lớn đầu tiên của Hầu Hiếu Hiền và cũng là lần hợp tác đầu tiên của ông với nhà quay phim Lý Bình Tân, người tiếp tục làm việc với ông trong nhiều kiệt tác khác. Phim nhận giải Kim Mã Kịch bản nguyên tác xuất sắc nhất.

Nhà làm phim nổi tiếng giải thích, “Những gì phim ghi lại là thế giới của con người, thân phận con người và ghi lại những thay đổi trong cảm xúc của họ, những xung đột của họ và những trở ngại mà họ phải đối mặt. Bạn hiểu như thế nào là tùy thuộc vào góc nhìn của riêng bạn. Động lực thúc đẩy tôi làm phim là cách tôi nhìn những trở ngại này.”

Ông nói thêm, “Bạn có thể bắt đầu bằng cách quan sát những người khác và sau đó suy ngẫm những điểm tương đồng của bạn và cuối cùng bạn có thể thực sự thấy mình như một người ngoài cuộc. Thể hiện của bạn lúc đó sẽ độc đáo. Bạn có thể quan sát những điều xảy ra xung quanh mình bằng góc nhìn của riêng mình không giống bất kỳ ai.”

Kiệt tác A Brighter Summer Day của Dương Đức Xương tập trung vào cậu bé 14 tuổi Tiểu Tứ và gia đình cậu di cư từ Đại lục để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, các chính sách của nhà cầm quyền Đài Loan không tạo điều kiện cho bất kỳ sự phát triển nào và đẩy cậu bé vào cuộc sống tội phạm vị thành niên và cuối cùng là giết người

1. A Brighter Summer Day (Dương Đức Xương — 1991)

Dựa trên một sự việc có thật xảy ra vào năm 1961 khi Dương vẫn còn đi học, A Brighter Summer Day là sự tán dương mù quáng phong trào điện ảnh Đài Loan Mới. Sử thi dài bốn giờ này đồng thời cô đọng và mở rộng chủ nghĩa lịch sử mới với việc xem xét quá khứ bạo lực của hòn đảo này, thời kỳ mà thanh thiếu niên tìm kiếm chủ quan cá nhân trong các băng nhóm đường phố và tội phạm.

Kiệt tác này của Dương Đức Xương tập trung vào cậu bé 14 tuổi Tiểu Tứ và gia đình cậu di cư từ Đại lục để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, các chính sách của nhà cầm quyền Đài Loan không tạo điều kiện cho bất kỳ sự phát triển nào và đẩy cậu bé vào cuộc sống tội phạm vị thành niên và cuối cùng là giết người.

Nhà biên kịch Hùng Hùng nhớ lại, “Ngay cả trước The Terrorizers, Dương Đức Xương cũng đã quan tâm đến việc làm A Brighter Summer Day, và theo nhiều cách, hai phim có những điểm tương đồng chủ đề đáng kể — đặc biệt là ý tưởng về một xã hội giết người trong phim.

Dương Đức Xương (phải) và hai diễn viên chính Dương Tĩnh Di (trái) và Trương Chấn trên trường quay A Brighter Summer Day

The Terrorizers nói về một sự kiện đương đại vào những năm 1980 và bạn có thể nói A Brighter Summer Day quay trở lại và cho thấy những ‘kẻ khủng bố’ này lớn lên như thế nào. Dương Đức Xương muốn hiểu bất ổn xã hội và nỗi sợ hãi đã diễn ra như thế nào, và làm sao những con người này trở thành như vậy.”

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Far Out Magazine