Nhân vật & Sự kiện

Ông Lớn Công Nghệ đang giết chết điện ảnh

02/09/2021

Trong suốt đại dịch, đã có suy đoán về việc các công ty như Netflix và Amazon thừa lúc ngành điện ảnh trong cơn bĩ cực để mở rộng việc làm ăn của họ.

Phần lớn những bàn tán đó tập trung vào rạp chiếu phim và việc liệu họ có mua lại một trong những chuỗi rạp đang ốm đau dặt dẹo hay không, nhưng thực tế, thương vụ thâu tóm lớn đầu tiên xuất hiện trong thời kỳ này lại là một hãng phim danh tiếng.

Ngày 26/5, Amazon thông báo mua lại MGM Studios với giá 8,45 tỉ USD. Thâu tóm xưởng phim huyền thoại Hollywood là nhằm nâng cao vị thế của Prime Video khi các đối thủ cạnh tranh mở rộng hạ tầng phát trực tuyến, nhưng thương vụ này cũng báo hiệu xu hướng hợp nhất đáng lo ngại trong ngành giải trí.

Phần lớn việc đưa tin tập trung vào ý nghĩa của việc thâu tóm đó đối với hoạt động kinh doanh phát trực tuyến của Amazon: danh mục phim xưa của MGM sẽ hỗ trợ chào hàng của dịch vụ phát trực tuyến Prime Video như thế nào và cung cấp vô số tài sản trí tuệ để khai thác làm phim chuỗi trong tương lai. Cựu Giám đốc điều hành Jeff Bezos thậm chí còn bảo thương vụ này rất hấp dẫn vì “MGM có danh mục tài sản trí tuệ phong phú, sâu sắc được nhiều người yêu thích” mà Amazon có thể “sáng tạo lại và phát triển... cho thế kỷ 21.”

Mua xưởng phim huyền thoại 97 tuổi của Hollywood sẽ nâng cao vị thế của Amazon Prime Video trong cuộc chiến phát trực tuyến

Ai cũng nhìn ra tuyên bố đó phản ánh tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ đối với ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình hiện đại, nhưng nó không cho chúng ta biết người lao động và công chúng có thể mong chờ lợi ích gì từ những vụ hợp nhất này. Sự thật là diễn ngôn về các ngành công nghiệp văn hóa đã gần như hoàn toàn chuyển sang phản ánh lợi ích của các tập đoàn truyền thông độc quyền, và về căn bản việc hợp nhất các ngành đó đang làm xói mòn chất lượng sản phẩm và đầu ra văn hóa khi các tập đoàn phát huy quyền lực của mình hơn nữa.

Áp lực hợp nhất

Ở Mỹ, sự hợp nhất các tập đoàn truyền thông đã leo thang suốt phần lớn thập niên vừa qua. Năm 2009, Comcast mua NBCUniversal và Disney bắt đầu chuyển mình thành thế lực khổng lồ như ngày nay từ việc mua lại Marvel với giá 4 tỉ USD. Năm 2012, hãng lại mua Lucasfilm với số tiền tương đương, thâu tóm loạt sản phẩm trí tuệ lừng danh khác dẫn tới sự thống trị phòng vé hiện nay của họ: Star Wars.

Disney thâu tóm 20th Century Fox với giá 71 tỉ USD, khéo léo loại bỏ một trong những đối thủ cạnh tranh chính ra khỏi cuộc chơi

Nhưng trong thời gian đó, có một thay đổi quan trọng khác chỉ càng thúc đẩy xu hướng hợp nhất. Việc Netflix chuyển từ một doanh nghiệp cho thuê DVD thành hạ tầng phát trực tuyến và đặc biệt là tham gia sản xuất phim điện ảnh và truyền hình vào năm 2013, cho thấy vốn công nghệ bắt đầu rót vào kinh doanh truyền thông. Các công ty công nghệ có khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhiều so với các công ty truyền thông đương thời vì các nhà đầu tư tin rằng công ty công nghệ sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn, tạo ra áp lực buộc họ phải ra sức củng cố khi Amazon, Apple và những công ty khác tham gia vào cuộc cạnh tranh.

Cuộc cạnh tranh giữa các đấu thủ công nghệ cũng bắt đầu làm biến đổi mô hình kinh doanh phim ảnh. Khi các công ty phát trực tuyến tìm kiếm nội dung cho hạ tầng của họ, đẩy giá mua tăng lên vì họ rủng rỉnh tiền bạc, buộc các công ty phim ảnh hiện tại phải đua theo cho bằng. Đồng thời, mô hình phát trực tuyến bắt đầu rút ruột doanh thu theo chiến lược đuôi dài. Thay vì đưa một bộ phim vào các rạp chiếu hay một chương trình lên truyền hình, sau đó bán băng đĩa và nhiều bản quyền phát sóng và phát hành nước ngoài khác trong những năm tiếp theo, xuất phẩm phim ảnh đó gia nhập danh mục phát trực tuyến vĩnh viễn.

Jungle Cruise với Dwayne “The Rock” Johnson và Emily Blunt đóng chính được phát hành song song tại rạp lẫn trực tuyến trên Disney+

Những xu hướng này góp phần đẩy nhanh tốc độ hợp nhất. Năm 2016, AT&T đã thực hiện một thương vụ lớn thâu tóm Time Warner với giá 85 tỉ USD, đưa Warner Bros. và HBO vào vòng kiểm soát của mình, đồng thời CBS và Viacom cũng hợp nhất. Sau đó, năm 2018, Disney thâu tóm 20th Century Fox với giá 71 tỉ USD, khéo léo loại bỏ một trong những đối thủ cạnh tranh chính ra khỏi cuộc chơi. Thật khó mà nói giảm mức độ quan trọng của nước đi này và ảnh hưởng của nó đến ngành điện ảnh.

Tác giả dưới bút danh Film Crit Hulk so sánh việc Disney mua Fox giống như sẽ ra sao nếu Coca-Cola mua Pepsi. Nhà phê bình này viết: “Công ty đã thâu tóm đối thủ của mình, thâu tóm những phần cần thiết, giữ lại một vài thương hiệu có giá trị, lấy đi thư viện và loại bỏ mọi thứ khác. Và cứ như vậy, đột nhiên ngành điện ảnh mất đi 1/6.” Bất chấp tăng trưởng, trước khi thâu tóm Fox thì thực ra Disney đã sản xuất phim mỗi năm giảm đi so với thập niên 1990, và hãng sẽ không duy trì sản lượng phim mà Fox từng làm. Khi số lượng dự án giảm và sức mạnh của các công ty tăng lên, người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Luôn khó mà nhận ra đời đã mất đi cái gì — những loại phim điện ảnh và truyền hình nào không còn được làm bởi vì thị trường được cấu trúc để khuyến khích thứ gì khác

Phế bỏ quyền lực của các công đoàn lao động

Trong những năm đầu của cuộc chiến phát trực tuyến, các dịch vụ phát trực tuyến được đối đãi như thể họ đang mở ra một kỷ nguyên sáng tạo mới khi nỗ lực trình làng xuất phẩm lớn với những tài năng nổi tiếng cả trước và sau máy quay để thu hút thuê bao mới. Họ cũng chi tiền cho những người thường gặp khó khăn trong việc tìm vốn cho dự án của mình, tạo ra mức độ thử nghiệm hấp dẫn những ai muốn làm khác biệt. Nhưng ngày vui qua mau.

Năm 2019, chuyên viên phân tích phát trực tuyến Eric Schiffer cho biết chúng ta đã và đang thoát khỏi “thời hoàng kim của phát trực tuyến”, vì những loạt phim kén người xem đó bắt đầu khó tồn tại hơn nhiều. Netflix quyết định gia hạn những chương trình nào bằng một thuật toán không rõ ràng, cuối cùng dẫn đến việc hủy bỏ thiên về các loạt phim do phụ nữ thực hiện. Đồng thời, phim trên Netflix khó có thể vượt quá mùa thứ hai hoặc thứ ba, thường là khi các khoản thưởng và tăng lương đã được trao. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến người lao động.

Công ty của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg cũng đã ký hợp đồng sản xuất phim với Netflix

Các diễn viên và đạo diễn danh tiếng nhất sẽ ổn, vì tên tuổi của họ đang được săn đón trong nền văn hóa tiêu dùng do người nổi tiếng và người có ảnh hưởng dẫn dắt, nhưng những người làm việc trên phim trường và các công việc mà tên chỉ hiển thị ở phần danh đề chữ bé xíu cuối phim thì không dễ dàng. Ngành công nghiệp điện ảnh là lĩnh vực hiếm hoi mà các công đoàn vẫn mạnh mẽ, nhưng giống như cách các công ty công nghệ đã lấn át quyền lực của người lao động trong các lĩnh vực khác, xu hướng họ đang thúc đẩy trong ngành điện ảnh gồm cả xử lý công đoàn.

Film Crit Hulk viết: “Các công đoàn đã đấu tranh đòi ‘những biện pháp bảo vệ và bảo hiểm cơ bản nhất’ trong một ngành công nghiệp được định hình rõ nét bằng hợp đồng lao động thời vụ.” Nhưng tay bút này giải thích rằng, tương tự các công ty hợp đồng ngắn hạn sử dụng Dự luật 22 ở California để từ chối quyền của lao động thời vụ, các khổng lồ công nghệ và các công ty truyền thông hợp nhất đang tranh giành quyền thống trị phát trực tuyến cũng lảng tránh việc bảo vệ người lao động. Các công ty công nghệ như Netflix nói riêng không sử dụng công đoàn, và quyền lợi lâu dài của người lao động bị cắt vì trong thời đại phát trực tuyến sản phẩm truyền thông được phát sóng lại và nhiều loại quyền để bán lại đều trở nên vô giá trị.

Thay đổi trong cách sản xuất sản phẩm truyền thông đâu chỉ gây hậu quả cho người lao động mà còn làm thay đổi loại phim điện ảnh và truyền hình chúng ta xem

Khi nói đến bộ phận hậu cần, biên kịch trẻ và những công việc khác trên phim trường mà bạn có thể chưa biết, Film Crit Hulk viết rằng “mức lương cho những công việc này khi nhìn trên diện rộng... thấp hơn rất nhiều và chỉ cần có việc làm là đã mừng rồi,” khiến người ta trở nên khó ổn định tài chính hơn khi chuyển từ công việc này sang công việc khác — nếu có thể chắc chắn tìm được việc. Người lao động và công đoàn của họ vẫn đang chiến đấu, và các nhà sản xuất gần đây đã thành lập công đoàn riêng để thúc đẩy các điều khoản hợp đồng tốt hơn. Nhưng thay đổi trong cách sản xuất sản phẩm truyền thông đâu chỉ gây hậu quả cho người lao động mà còn làm thay đổi loại phim điện ảnh và truyền hình chúng ta xem.

Thay đổi xuất phẩm văn hóa

Cấu tạo của ngành điện ảnh luôn giữ vai trò định hình những gì được sản xuất. Vào thập niên 1940, Bộ Tư pháp Mỹ đã thực thi luật chống độc quyền đối với các hãng phim lớn, dẫn đến Phán quyết Paramount hạn chế các hãng phim kiểm soát việc phân phối, và dẫn đến sự bùng nổ sản xuất độc lập trong những thập kỷ sau đó.

Một chuyến du thuyền mang chủ đề Star Wars của Disney

Tương tự, vào những năm 1970, chính phủ Mỹ đã triển khai các quy tắc hợp vốn tài chính và lãi suất, quy định chặt chẽ những gì ABC, CBS và NBC — ba đài truyền hình lớn vào thời điểm đó — có thể phát sóng vào khung giờ vàng. Những hạn chế đó cho phép sản xuất độc lập phát triển mạnh mẽ trong khi kìm hãm thế lực của giới độc quyền.

Một lần nữa, chúng ta thấy mình đang ở trong thời kỳ mà một tổ chức độc quyền phô trương quyền lực đối với ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình. Disney kiểm soát chặt chẽ cả danh mục phim của họ lẫn của 21st Century Fox trước đây, hạn chế khả năng chiếu những phim kinh điển của các rạp chiếu phim. Tập đoàn này sử dụng sự thống trị phòng vé của mình thông qua các loạt phim Marvel và Star Wars để áp các điều khoản khống chế rạp chiếu ngày một tăng. Họ còn chi phối thay đổi trong xuất phẩm được sản xuất.

Amazon đã chi gần nửa tỉ đôla cho loạt phim gốc The Lord of the Rings mùa đầu tiên

Disney đã tiên phong chuyển sang mô hình tập trung vào phim bom tấn sử dụng tài sản trí tuệ có sẵn được thiết kế để thu hút lượng khán giả toàn cầu lớn nhất có thể, là Marvel, Star Wars, các loạt phim kinh điển của hãng và một số phim khác mà họ thâu tóm được trong nhiều năm qua. Kế đến họ dùng chính những bộ phim hấp dẫn đó để hướng người xem vào các chương trình phái sinh và phim ngắn tập đã từng có trên các mạng truyền hình — chưa kể các công viên giải trí và du thuyền — nhưng tăng cường phát sóng độc quyền thông qua hạ tầng phát trực tuyến riêng của hãng.

Netflix, Amazon và các tay chơi lớn khác đang cố gắng mô phỏng chiến lược đó, mà nhận xét của Bezos về tài sản trí tuệ của MGM chính là bằng chứng. Amazon đã đầu tư gần nửa tỉ đôla chỉ cho mùa đầu tiên của loạt phim truyền hình lấy bối cảnh thế giới The Lord of the Rings của JRR Tolkien trong nỗ lực sản xuất Game of Thrones của riêng mình và họ tìm cách sử dụng nguồn phim của MGM để phát triển các xuất phẩm đáng chú ý tương tự khác để thu hút người xem. Phim nguyên tác khó bán hơn và do đó càng khó mà khiến một trong những công ty lớn này chấp nhận rủi ro.

Cuộc chiến phát trực tuyến và công cuộc hợp nhất mà cuộc chiến này thúc đẩy đã biến điện ảnh và truyền hình thành “hàng hóa được mua bán và tích trữ để thu hút số lượng thuê bao”, dẫn đến “suy giảm cả chất lượng và sức sống cho loại hình điện ảnh”

Bình luận về việc sáp nhập, Nicholas Russell giải thích rằng cuộc chiến phát trực tuyến và công cuộc hợp nhất mà cuộc chiến này thúc đẩy đã biến điện ảnh và truyền hình thành “hàng hóa được mua bán và tích trữ để thu hút số lượng thuê bao”, dẫn đến “suy giảm cả chất lượng và sức sống cho loại hình điện ảnh.” Mặc dù các công ty như Disney đang sản xuất ít phim chiếu rạp hơn vì họ chỉ tập trung vào phim bom tấn, nhưng ai nấy đều đang phát triển một lượng lớn nội dung cho các hạ tầng phát trực tuyến của mình nhằm giữ chân khán giả — nhưng chất lượng của những chương trình đó đã giảm đáng kể.

Một tiền lệ đáng lo ngại

Luôn khó mà nhận ra đời đã mất đi cái gì — những loại phim điện ảnh và truyền hình nào không còn được làm bởi vì thị trường được cấu trúc để khuyến khích thứ gì khác. Phim điện ảnh và truyền hình độc lập vẫn tồn tại, nhưng thị trường xuất phẩm truyền thông dựa vào tài sản trí tuệ không có chỗ cho những câu chuyện không phù hợp với các thương hiệu hiện có. Chỉ trích các bộ phim bom tấn siêu anh hùng, khoa học giả tưởng và cổ tích lại chọc giận những ai được xoa dịu bằng hoài niệm từ việc đơn giản hóa mọi bộ phim xuống mức dành cho trẻ em và cho chúng khúc xạ qua lăng kính tài sản trí tuệ dễ nhận biết.

Thị trường xuất phẩm truyền thông dựa vào tài sản trí tuệ không có chỗ cho những câu chuyện không phù hợp với các thương hiệu hiện có

Vẫn còn phải đợi xem điều gì sẽ xảy ra từ cuộc sáp nhập Amazon-MGM, nhưng nó đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại từ cấp độ của vụ sáp nhập Disney-Fox. Một trong những công ty công nghệ thống trị đã nuốt chửng một hãng phim ở Hollywood để phục vụ mục tiêu độc quyền rộng lớn hơn của mình, và hay nhất thì các nhà bình luận chỉ có thể tự hỏi liệu họ có nhận được chương trình nào mới trên Prime Video không.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý cạnh tranh mở rộng sự chú ý đến các tập đoàn truyền thông độc quyền và mau chóng hành động để đưa ra quy định mới nhằm đạt được kết quả tương tự như Phán quyết Paramount hoặc các quy tắc hợp vốn tài chính. Giá trị của sở hữu trí tuệ đối với những gã khổng lồ truyền thông này cũng cho thấy sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ tác quyền quá mức đối với các tài sản này nhằm buộc các công ty đầu tư vào cái gì mới mẻ.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý cạnh tranh mở rộng sự chú ý đến các tập đoàn truyền thông độc quyền

Nhưng không nên giao điện ảnh và truyền hình cho tư nhân, và sự thất bại của họ cho thấy cần thiết phải có một nền tảng công đầu tư vào loại sản phẩm miêu tả cuộc sống của những người không giàu có và khiến mọi người phải nghiêm túc nhìn nhận thế giới mà chúng ta đang sống. Tất nhiên, Amazon không có động cơ để làm chuyện đó đâu.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Jacobin Magazine