Nhân vật & Sự kiện

Five Came Back: Khi Hollywood nhập ngũ Thế chiến II

10/04/2017

Hollywood không yêu gì hơn chính bản thân, và bộ phim tài liệu ba phần Five Came Back mới phát trên Netflix là một màn tự tôn vinh đình đám đúng nghĩa. Điều đáng nói, tất cả sự tự yêu mình đó rất xứng đáng.

Với kịch bản của Mark Harris, dựa theo cuốn sách tyệt vời cùng tên của ông, Five Came Back truy lại những công sức của năm đạo diễn vĩ đại người Mỹ đã gác sự nghiệp qua một bên để vào làm việc cho Lầu Năm Góc trong Thế chiến II.

Từ trái qua: John Ford, George Stevens, John Huston, William Wyler, Frank Capra

John Ford, George Stevens, Frank Capra, William Wyler, và John Huston tất cả đều trở thành sĩ quan cao cấp trong chiến tranh, và tất cả đã quay những đoạn phim hoặc các bộ phim tài liệu hoàn chỉnh ủng hộ cho nỗ lực quân sự. Các phim họ đã làm không phải chỉ là những phim mà chúng ta gọi là phim tài liệu, nghĩa là, họ đã hết sức cố gắng để không thiên vị. Những bộ phim đó thậm chí còn không phải “chỉ là tuyên truyền cho phe bên này”. Chúng đúng là phim tuyên truyền (trừ khi bạn tin phim tuyên truyền là thứ mà chỉ có phe bên kia mới làm). Nhưng không có ai tranh cãi việc năm nhà làm phim đó đã đóng góp rất nhiều cho nỗ lực quân sự và trong một vài trường hợp họ đã làm được những bộ phim sinh động mà đến tận bây giờ vẫn khiến chúng ta cảm động. Vì tài khéo, thành tâm của họ, Harris và cả nhóm xứng đáng được hoan hô cuồng nhiệt (bóc trần toàn bộ nhé: một trong số nhà sản xuất bộ phim tài liệu này là Barry Diller, sở hữu IAC là công ty mẹ của The Daily Beast).

Không gì, đúng vậy, có thể làm giảm đi những thành tựu hay sự hy sinh mà các nhà nghệ thuật này đã làm nhân danh đất nước họ (Ford bị thương trong lúc quay trận Midway, và Wyler vĩnh viễn mất đi thính giác sau khi trải qua một trận đánh bom ở châu Âu). Cũng không gì làm lu mờ được những xung đột thực tế, tuy không đe dọa tính mạng, mà những con người này phải chịu đựng trong cuộc chiến của họ với giới chức quyền quân đội.

Frank Capra năm 1944

Nếu tất cả những chuyện này đưa lên cấp tướng, thì tất cả những bộ phim đều là tuyên truyền mà còn chẳng phải là phim tuyên truyền hay nữa là. Quân đội lúc nào cũng sẵn sàng nói dối khi liên quan đến việc nói thẳng thắn với người dân Mỹ về những gì mà người lính đã chịu đựng nơi tiền tuyến. Ngược lại, các nhà làm phim này rất muốn thể hiện lòng can đảm và sự chịu đựng họ tận mắt chứng kiến ở châu Âu và Thái Bình Dương. Và dựa trên bằng chứng họ đưa lên phim, họ tuyệt đối đúng.

Một trong những điều cao quý nhất về Five Came Back là cách bộ phim nhẹ nhàng dạy chúng ta về cuộc sống ở nước Mỹ thời chiến tranh như thế nào. Ví dụ hay nhất đến ngay từ phần đầu của bộ phim tài liệu này, khi khán giả được nhắc để nhớ rằng vào thập niên 1940, người Mỹ xem tin tức bằng phim từ một nguồn duy nhất: chương trình phim thời sự chiếu trước phim hoạt hình hoặc phim truyện ở rạp. Trong kỷ nguyên truyền thông bão hòa của chúng ta, thật khó hình dung một thế giới như thế, huống gì tìm hiểu quyền lực ‘khủng’ mà những nhà làm phim hồi đó có để thao túng công luận. Five Came Back soi sáng thực tế xa xưa đó một cách tuyệt vời.

John Ford quay một trong những phim tài liệu của ông

Khán giả nào xem Battle of Midway của Ford hiếm có khi nào được xem đoạn phim những người bị thương nặng hoặc bị chết. Họ cũng chưa bao giờ xem phim chiến tranh màu, hay thước phim cho thấy người cầm máy quay bị pháo nổ hất tung qua một bên và phim trong máy quay xổ tung ra. Ford, để tâm đến những gì ông đang cho khán giả Mỹ ngây thơ đến mức cả tin thấy, đưa một dòng kịch bản vào khoảnh khắc lá cờ Mỹ được giương lên giữa trận chiến: “Chuyện này đã thực sự xảy ra.”

Phim của Ford, chỉ chịu tì vết bởi cách kể chuyện quá nhiệt huyết, sống sót trở thành một trong những phim xuất sắc nhất của năm nhà đạo diễn này làm ra, không ai trong số họ có kinh nghiệm quay phim tài liệu, nói gì đến quay phim dưới làn đạn — Capra thú nhận chưa từng xem phim tài liệu nào trước khi bắt tay sáng tạo bảy phim hợp thành Why We Fight. Nhưng sự thiếu kinh nghiệm của họ thực ra lại là một tài sản: Trong Midway, ví dụ, không cố nắm bắt sự hỗn loạn và rối bời của trận chiến đang được quay phim — thực tế, sự hỗn loạn và rối ren trở thành đối tượng, vốn là cách trung thực duy nhất để quay một trận chiến.

Đạo diễn George Stevens ở châu Âu trong Thế chiến II

Máy quay rung lắc và tất cả những hỗn độn nhớp nhúa mà cuộc chiến để lại cũng được giới thiệu trong The Battle of San Pietro của Huston, nhưng chỉ có một vấn đề: Huston đã giả mạo tất cả. Ông đến một ngôi làng ở Italia sau khi cuộc chiến đã kết thúc, và rồi tiến hành việc tái hiện, đủ chính xác đến mức bao năm người ta đã nhầm lẫn phim của ông là chuyện thật. Đáng ngưỡng mộ, những người làm Five Came Back thẳng thắn đề cập chuyện này và những nhà bình luận dẫn dắt xuyên suốt câu chuyện (đạo diễn Steven Spielberg, Paul Greengrass, Lawrence Kasdan, Guillermo del Toro, và Francis Ford Coppola) cũng thẳng thắn không kém về sự ngờ vực của họ. Cuối cùng, phim để cho khán giả quyết định liệu Huston có lý do chính đáng không.

Một vấn đề được xác định rõ ràng hơn xuất phát từ sự quan ngại đối với một phim khác của Huston, Let There Be Light, chắc chắn là phim đầu tiên từng được làm về điều mà bây giờ chúng ta gọi là rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD). Chưa ai từng có bao giờ kết tội ông làm giả bất cứ gì trong đoạn phim thương tâm đó, nhưng một lần nữa, suốt 30 năm không ai xem được đoạn phim này vì quân đội đã tịch thu của Huston và cất giữ. Trong con mắt của Lầu Năm Góc, các cảnh phim chiến tranh được cho là không phù hợp với công chúng.

Cảnh trong phim

Five Came Back không đao to búa lớn về tầm ảnh hưởng do công sức của năm nhà làm phim này, với một ngoại lệ: George Stevens đã quay cuộc giải phóng Dachau và ở lại đó nhiều tuần lễ để quay những người sống sót và lấy lời khai của họ, và khi đoạn phim đó được chiếu tại các phiên tòa ở Nuremberg, người ta nói nó là bằng chứng quan trọng thuyết phục các thẩm phán kết án.

Có lẽ tác động lớn nhất của thế chiến đó là chính bản thân năm đạo diễn này. Cuộc chiến đã làm họ thay đổi hoàn toàn, khiến cái nhìn của họ ảm đạm đi và hun đúc quyết tâm làm những bộ phim nói lên sự thật. Stevens không bao giờ còn làm phim hài nữa. Ford lập tức làm They Were Expendable, một kiệt tác về thất bại của Philippines đã bị đánh giá thấp. Và Wyler làm The Best Years of Their Lives, một bộ phim phi thường không có tuổi đến mức Spielberg nói ông xem trọng việc mỗi năm xem lại phim này ít nhất một lần. Thế nên, theo nghĩa nào đó, phục vụ thời chiến của năm con người rất mực tài hoa này liên quan trực tiếp đến sự trưởng thành của điện ảnh Mỹ, nhiều đến mức mà cho dù bạn chưa bao giờ xem phim nào trong số những phim họ đã quay trong thế chiến, bạn vẫn cảm thấy ảnh hưởng của sự phục vụ của họ qua những bộ phim phi thời gian họ tiếp tục làm trong thời bình.


Giải thích toàn bộ những chuyện đó đã xảy ra như thế nào, Five Came Back cung cấp một chương vô giá vào lịch sử làm phim của nước Mỹ — và vào đời sống của nước Mỹ.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast