Nhân vật & Sự kiện

Với The Red Turtle, Studio Ghibli mang nét Tây trong cách tiếp cận phương Đông

03/04/2017

Bạn sẽ không thấy một lâu đài di động, những linh hồn rừng xanh hay phi công lợn trong tác phẩm mới nhất của Studio Ghibli. Bạn cũng sẽ không thấy lời thoại. The Red Turtle là một hành trình khác biệt của hãng phim hoạt hình Nhật Bản này: lần đầu tiên những nhà sản xuất của họ làm việc cùng với một đạo diễn châu Âu trong một tác phẩm dài.

Một cảnh trong The Red Turtle, một phim của Studio Ghibli do đạo diễn người Hà Lan Michael Dudok de Wit thực hiện

The Red Turtle là câu chuyện sinh tồn trên hoang đảo thể hiện rõ nét qua hiệu ứng thị giác thay vì qua tính cách nhân vật. Và đây chính xác là kiểu phim các nhà sản xuất của Studio Ghibli mong đợi khi họ đặt đạo diễn người Hà Lan Michael Dudok de Wit thực hiện. Ông đã thu hút được sự chú ý của Ghibli với những phim ngắn như tác phẩm được giải Oscar Father and Daughter năm 2000. Phim ngắn này chứa đựng “một cái nhìn cuộc sống thông qua cái chết,” Toshio Suzuki, một nhà sản xuất của Studio Ghibli, viết trong một thư điện tử. “Với tôi đó có vẻ là cách nghĩ của phương Đông.”

Dưới đây là một cái nhìn về sự khác biệt và tương đồng giữa The Red Turtle và truyền thống Studio Ghibli.

Một cảnh trong tác phẩm My Neighbor Totoro (1988) của Hayao Miyazaki

Studio Ghibli nổi tiếng về điều gì

Hình ảnh trên là từ phim dài năm 1988 của Hayao Miyazaki, My Neighbor Totoro, khắc họa nhiều đặc tính mà người hâm mộ hãng phim này yêu thích: những sinh vật tưởng tượng, một bảng màu phong phú và cảm giác phiêu lưu. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ London, nơi Michael Dudok de Wit làm việc, ông giải thích vì sao ông là người hâm mộ các tác phẩm của Ghibli.

“Họ có một niềm tôn kính sâu thẳm đối với nhân loại và thiên nhiên và họ muốn các tác phẩm của họ chuyển tải điều đó,” ông nói. “Và họ tôn trọng những chủ đề to lớn chứ không đơn thuần giải trí,” nắm bắt trí tưởng tượng của trẻ con nhưng cũng xử lý những đề tài nghiêm túc gắn với người lớn.

Các nhà sản xuất của Ghibli ấn tượng trước khả năng tạo cảm giác dày đặc của Michael Dudok de Wit trong cảnh nhân vật trong một khu rừng, bằng rất ít nét vẽ

Những nhân vật trong các phim dài của Studio Ghibli có một cách chuyển động đặc biệt đồng điệu với ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản, và về tổng thể, các họa sĩ hoạt hình đã sử dụng ít khung hình mỗi giây hơn phim hoạt hình phương Tây. “Nhưng điều này được bù đắp bởi kỹ năng hoạt hình cao hơn,” Micheal Dudok de Wit nói. Phông nền của Studio Ghibli thường mang vẻ đẹp tranh màu nước.

Nhưng các nhà sản xuất không hy vọng, hay yêu cầu, Michael Dudok de Wit phải có chút phong cách hoạt hình Nhật Bản nào. “Tôi bị ấn tượng bởi cách Michael thực hiện The Red Turtle mà không chịu chút ảnh hưởng nào từ hoạt hình Nhật Bản,” Suzuki nói. Phim được thực hiện bởi một nhóm tại hãng phim Prima Linea của Pháp.

The Red Turtle đã thay đổi điều đó như thế nào

Phong cách khắc họa cái bóng của Michael Dudok de Wit

Hình trên từ The Red Turtle, về một người bị đắm tàu trôi giạt vào bờ có cuộc sống thay đổi khi gặp loài bò sát có tên trên tựa, thể hiện một số biểu hiện mà tác phẩm của Michael Dudok de Wit đưa Studio Ghibli đi theo một hướng mới.

Phong cách của ông thay đổi qua từng dự án phim, từ kiểu vui tươi sống động trong phim ngắn năm 1992 Tom Sweep đến một Father and Daughter trang trọng và khiêm nhường hơn, nhưng có thể tìm thấy dấu ấn riêng trong tác phẩm của ông. “Tôi có xu hướng khắc họa cái bóng rất nhiều,” ông nói. “Vì vậy chúng trở nên mạnh mẽ về đồ họa và tạo ra một môi trường đặc thù.”

Nhân vật nhỏ bé trong môi trường

Ông cũng có xu hướng khắc họa nhân vật của mình nhỏ bé so với môi trường xung quanh. The Red Turtle là như vậy, theo phong cách tỷ lệ nhỏ bé, trong đó nhân vật chính gần như bị thiên nhiên làm cho trở thành tí hon.

“Phong cách theo kiểu giảm bớt thay vì nhồi nhét” của Michael Dudok de Wit, nhà sản xuất nghệ thuật của phim, Isao Takahata của Studio Ghibli, viết trong email. “Đó là phương pháp có thể thấy trong những tác phẩm hội họa với đường nét đơn giản mà mạnh mẽ của Thiền Nhật Bản.” Các nhà sản xuất của Ghibli ấn tượng trước khả năng tạo cảm giác dày đặc của Michael Dudok de Wit trong cảnh nhân vật trong một khu rừng, bằng rất ít nét vẽ.

Bảng màu tối thiểu cũng là một điểm khác biệt hoàn toàn cho The Red Turtle

Và một bảng màu tối thiểu cũng là điểm khác biệt hoàn toàn. “Tôi thích những phim đơn sắc,” Michael Dudok de Wit nói. “Nó mang đến cảm giác đơn giản và thuần khiết cho hình ảnh mà tôi thấy rất thu hút.” Khi ông biết tác phẩm này cần những cảnh tượng sôi nổi và nhiều màu hơn những tác phẩm ngắn của mình, ông vẫn muốn giữ số màu sử dụng ở mức tối thiểu. Ông yêu cầu họa sĩ vẽ hậu cảnh sử dụng từ một đến hai màu chính và tạo biến thể trong một cảnh. “Giống như trong đời thực có những ngày mà mọi màu đều là xám khi trời nhiều mây,” Michael Dudok de Wit nói. “Thật đẹp.”



Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times