Nhân vật & Sự kiện

Indonesia nổi lên thành thị trường mới nhất cho phim Hàn

26/02/2018

CJ Entertainment đã ở vị trí tiên phong, hợp tác sản xuất một số bộ phim với các công ty Indonesia.

Một cảnh trong phim Satan's Slaves, xuất phẩm hợp tác giữa CJ E&M và Indonesia

Phụ lục A: 4,1 triệu người – thành tích tốt nhất tại phòng vé của Indonesia trong năm 2017 và là thành tích đứng thứ tư của một phim địa phương. Đó là thành công đáng chú ý của Satan’s Slaves, bộ phim kinh dị do CJ Entertainment và hãng Rapi Films của Indonesia sản xuất. Phim đứng đầu phòng vé Indonesia ba tuần liền sau khi phát hành vào tháng 9/2017, áp đảo các đối thủ cạnh tranh nội địa lẫn phim nước ngoài hàng đầu như Kingsman: The Golden Circle. Satan’s Slaves đã được đề cử 13 hạng mục tại một liên hoan phim Indonesia và lấy bảy trong số đó, bao gồm quay phim và chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất.

Phụ lục B: Ngày 11 tháng 1 năm 2018. “Đây sẽ là một ngày đầy ý nghĩa trong việc mở rộng ngành công nghiệp giải trí ở nước ngoài,” ông Yu Jeong Hun, chủ tịch Showbox, nhà phát hành phim Hàn Quốc, nói. Đó là ngày ra mắt Forever Holiday in Bali, bộ phim do Showbox và một đối tác Indonesia sản xuất. Forever là phim hài lãng mạn về một ca sĩ thần tượng Kpop làm quen với một nữ sinh viên Indonesia và nhờ cô giúp đưa đi du lịch đảo Bali. Với Ody Harahap (đạo diễn Miss Granny phiên bản Indonesia) chỉ đạo và Thunder, cựu thành viên của nhóm nhạc Kpop MBLAQ, trong vai chính, bộ phim đã tạo được bàn luận xôn xao.

Thunder, cựu thành viên của nhóm nhạc Kpop MBLAQ trong vai chính bên cạnh nữ diễn viên Caitlin Halderman (phải) của Indonesia trên phim Forever Holiday in Bali

Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đang để mắt tới Indonesia cho việc mở rộng ra nước ngoài. Quan hệ Hàn-Trung, căng thẳng từ sau việc triển khai THAAD, được cho là bắt đầu tan băng, nhưng ngành công nghiệp giải trí Hàn đã học được một bài học đau đớn từ sự đóng cửa “con đường văn hóa” do các vấn đề chính trị. Nói tóm lại, bài học đó là mở rộng ở nước ngoài cần thay đổi mô hình phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Trong lúc lệnh cấm nhập khẩu văn hóa Hàn Quốc ở Trung Quốc có hiệu lực, một đất nước khác nổi lên thành vùng đất cơ hội mới – và đất nước đó là Indonesia.

Lịch sử mở rộng vào thị trường Indonesia, và các kết quả đến nay

CJ Entertainment đã nhanh chóng chuyển sang thị trường Indonesia và tận hưởng thành công. Công ty nhảy vào phân phối trực tiếp bộ phim A Werewolf Boy năm 2013, và trong năm năm kể từ đó đã giới thiệu tổng cộng 35 bộ phim Hàn Quốc vào đất nước này, bao gồm Flu, Snowpiercer, Admiral: Roaring CurrentsOde to My Father. The Battleship Island, ra mắt mùa hè năm ngoái, đã bán được 200.000 vé cho đến nay, trở thành phim Hàn thành công nhất ở Indonesia.

Khán giả Indonesia chụp ảnh trước áp phích phim The Battleship Island tại CGV Grand Indonesia

Sau khi khởi động với thị trường Indonesia bằng việc phát hành trực tiếp, CJ Entertainment đã chọn chiến lược địa phương hóa trên cơ sở sản xuất phim liên doanh với các công ty Indonesia. “Hai năm qua chúng tôi đã cho ra một loạt các bộ phim, bắt đầu với A Copy of My Mind, sản phẩm chung đầu tiên của chúng tôi, vào tháng 2/2016, rồi tiếp tục với câu chuyện tình nghề y Catatan Dodol Calon Dokter vào tháng 10/2016 và Sweet 20 (tức Miss Granny đã đề cập ở trên) và Satan’s Slaves năm 2017. Sweet 20 đã thu hút hơn một triệu người xem rạp, đứng thứ 7 trong danh sách những bộ phim thành công nhất được phát hành tại Indonesia năm 2017,” Lim Myeong Gyun, nhà điều hành các hoạt động ở nước ngoài của CJ Entertainment, giải thích.

Ngành công nghiệp rạp chiếu cũng nhanh chóng chuyển sang Indonesia. CJ CGV đã mở cửa kinh doanh ở Indonesia vào tháng 1 năm 2013 bằng cách tiếp quản quyền quản lý chuỗi rạp địa phương BlitzMegaplex, và tháng 1 năm 2017, đã đổi tên theo thương hiệu “CGV”. Trong chín tháng đầu năm 2017, chuỗi này đã đứng đầu với 10 triệu vé bán ra. CGV hăng hái bước vào thị trường; tại thời điểm mua lại, công ty chỉ có chín rạp chiếu và 76 khán phòng, nhưng trong năm năm qua đã mở rộng sự hiện diện của mình ra 35 rạp và 233 phòng chiếu đồng thời củng cố vị trí là chuỗi rạp lớn thứ hai ở Indonesia. Thậm chí công ty còn đưa thị phần của Cinema 21, đơn vị vẫn duy trì sự kiểm soát ngành này ở Indonesia từ những năm 1980, xuống còn 70%.

“Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2020 sẽ vận hành ít nhất 100 rạp,” ông Kim Gyeong tae, chủ tịch CGV Indonesia, cho hay.

Phiên bản Indonesia của bộ phim Hàn Miss Granny có tựa Sweet 20

Năm 2017 Lotte Cinema cũng thông báo sẽ mở rộng kinh doanh rạp chiếu phim ở Indonesia. “Chúng tôi dự định mở thêm 15 rạp nữa ở Đông Nam Á vào năm tới, với trọng tâm là Indonesia,” người phát ngôn của Lotte Entertainment cho biết.

Tại sao lại là Indonesia?

Lý do nền công nghiệp điện ảnh Hàn quan tâm đến Indonesia là quy mô thị trường rất lớn và tiềm năng tăng trưởng. Indonesia có dân số 260 triệu người, gấp năm lần dân số Hàn Quốc và đứng thứ tư thế giới. Năm ngoái, ngành công nghiệp điện ảnh của đất nước này trị giá 280 triệu USD, với hơn 100 triệu người đi xem phim mỗi năm. Những con số này là rất lớn, xếp thứ nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh Đông Nam Á và thứ 15 trên toàn thế giới.

Tính đến năm 2016, người Indonesia đi xem phim trung bình chỉ 0,4 lần một năm. Ngoài ra còn có sự thiếu hụt rạp chiếu, chỉ với 1.461 phòng chiếu trên toàn quốc (tính đến tháng 8 năm 2017). Căn cứ dân số, các chuyên gia tin rằng trong tương lai số rạp chiếu ở Indonesia sẽ tăng lên đến 15.000. Số lượng phòng chiếu ở Indonesia đã tăng hơn gấp đôi trong năm năm qua. Nói tóm lại, vẫn còn rất nhiều chỗ cho tăng trưởng.

CJ CGV thâu tóm chuỗi rạp BlitzMegaplex của Indonesia và đổi tên thành CGV Blitz

Sự phát triển của điện ảnh địa phương đang dần dần tăng lên, đây là một yếu tố khác làm lợi cho các công ty Hàn Quốc đang theo đuổi việc bản địa hóa thông qua liên doanh. Năm ngoái, các phim nội địa đã giành được 32% thị phần doanh thu phòng vé, tăng khá nhiều so với mức 20% trong nhiều năm trước đó. Số lượng phim được phát hành mỗi năm cũng lần đầu đạt 100 phim năm 2014 rồi tăng lên 111 vào năm 2015 và 121 vào năm 2016. Cho đến năm 2015, chỉ có vài bộ phim địa phương thu hút hơn 1 triệu khán giả trong một năm, nhưng năm 2017 có 10 phim làm được điều này.

Một lý do khác khiến ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc tăng cường dịch chuyển sang Indonesia là sự tự do hóa hoàn chỉnh ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia vào tháng 5 năm 2016. “Bằng việc gỡ bỏ ngành công nghiệp điện ảnh khỏi Danh sách Phủ định để đầu tư thông qua một quy định của tổng thống, Indonesia đã mở cửa thị trường và cho phép đầu tư nước ngoài 100%. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường đầu tư,” ông Lim nói.

Bộ phim Forever của Showbox cũng được quảng bá thông qua một diễn đàn về liên doanh với ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia do Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc tổ chức sau khi thị trường Indonesia được tự do hóa.

Thunder tại sự kiện ra mắt Forever của Showbox ở Jakarta, Indonesia. Tên tuổi cựu thành viên một nhóm nhạc thần tượng Kpop của anh làm cho việc quảng bá và tiếp thị sự hợp tác của bộ phim trở nên dễ dàng hơn

Một lợi ích lớn khác cho ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc ở Indonesia là Làn sóng Hàn, còn được gọi là Hallyu, có sự hiện diện mạnh mẽ ở quốc gia này. “Sự thật là cơn cuồng Hallyu, bao gồm cả sự nổi tiếng của Kpop và phim bộ truyền hình Hàn Quốc, khiến việc quảng bá và tiếp thị cho sự hợp tác của bộ phim trở nên dễ dàng hơn. Vai nam chính trong Forever của Thunder, cựu thành viên một nhóm nhạc thần tượng, là một chiến lược được thúc đẩy nhờ Hallyu,” người phát ngôn của Showbox cho biết.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hankyoreh