Ngày xưa (cách đây một thập niên), có một sự đồng thuận bất thành văn
trong giới điện ảnh là người châu Á không thể làm những câu chuyện tình
yêu, chứ đừng nói câu chuyện tình yêu nhạc kịch. Thể loại phim bom tấn,
hạnh phúc, thăng hoa đưa khán giả ra về với những nụ cười ngẩn ngơ và
ngâm nga giai điệu nhạc phim ư? Không có đâu.
“Tôi cũng từng nghĩ như vậy,” Ngụy Đức Thánh, đạo diễn người Đài Loan và
là đồng biên kịch của câu chuyện tình yêu nhạc kịch khiến người ta lên
tinh thần
52Hz, I Love You, nói. “Thực ra, tôi nghĩ, bởi vì
người châu Á còn mới lạ với thể loại này, có rất nhiều tiềm năng để phát
triển. Cá nhân mà nói, tôi đã phải vượt qua rào cản của chính mình về
thể loại này, và về những câu chuyện tình nói chung.”
Thật vậy, phim về niềm vui lãng mạn không phải là điều bạn thường liên
hệ tới đạo diễn họ Ngụy, đã thu thập kinh nghiệm trong vai trò trợ
lý đạo diễn cho Dương Đức Xương, vị đạo diễn dẫn đầu làn sóng mới của
Đài Loan và đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes với bộ phim
Yi Yi năm 2000.
Năm nay 48 tuổi, Ngụy Đức Thánh đã làm rung chuyển ngành công nghiệp điện ảnh Đài Loan với bộ phim đầu tay
Cape No. 7
năm 2008, phá kỷ lục phòng vé ở đó và đưa nữ diễn viên người Nhật Chie
Tanaka sống ở Đài Loan vào vai chính. Với hầu hết là câu chuyện người
Nhật trong hai dòng thời gian — Thế chiến II và hiện tại — Ngụy Đức Thánh nói
anh đã được bảo rằng anh “quá thân thiện với Nhật Bản. Nhưng phần
lớn lịch sử Đài Loan đã đan xen với Nhật Bản, thật sự không thể phớt lờ
ảnh hưởng của Nhật Bản.”
Năm 2014, Ngụy Đức Thánh viết và làm bộ phim
Kano, câu chuyện có thật về bóng chày và tình bạn ở một
Đài Loan dưới chế độ thực dân Nhật vào những năm 1930.
Kano có
các diễn viên tên tuổi của Nhật Bản Masatoshi Nagase và Takao Osawa đóng
chính, và trở thành phim có doanh thu phòng vé lớn thứ sáu tại Đài
Loan.
Câu chuyện cá voi: Tiểu Ngọc (phải) và Trang Quyên Anh trong phim nhạc kịch lãng mạn 52Hz, I Love You. Tựa phim liên hệ chuyện một con cá voi hát ở tần số 52 hertz, cao hơn mọi cá voi khác có thể hát
|
“Tuy nhiên, sau
Kano, tôi muốn thoát khỏi lịch sử và làm cái gì
khác,” Ngụy Đức Thánh nói khi được hỏi lý do tại sao anh lại chuyển
sang phim lãng mạn. “Tôi đã xem phim của Hollywood và hiểu rõ sức mạnh
kể chuyện của họ, và tôi bắt đầu nghĩ, ‘Mình có thể làm chuyện này,’
nhưng theo phong cách riêng của tôi.”
Đạo diễn Ngụy cũng đồ rằng
52Hz, I Love You được hưởng lợi do đúng thời điểm.
“Ngành
công nghiệp điện ảnh Đài Loan và khán giả đã sẵn sàng cho nó vì một
thập kỷ trước, phim Đài Loan thực sự mất hút,” anh nói. “Không ai kiếm
ra tiền, và khán giả chỉ trả tiền để xem phim Hollywood. Cả đám đạo diễn
chúng tôi tụ họp và nói với nhau rằng vì chúng tôi đang đi xuống, có lẽ
chúng tôi nên làm cái gì mà mình thích, hơn là may đo câu chuyện của
chúng tôi cho phù hợp với nhu cầu của khán giả. Dù sao ý đồ đó cũng
không thành. Nhưng bây giờ, tình hình đã khác. Tôi nghĩ tốt hơn nên khởi
động lại tư duy, vì một lần nữa thế hệ nhà làm phim mới đang bứt
phá.”
52Hz, I Love You là câu chuyện Ngày Valentine xoay quanh cô
hàng hoa Tiểu Tâm (Trang Quyên Anh) và thợ làm bánh Tiểu An (Tiểu Ngọc).
Tiểu Tâm còn độc thân và khao khát tình yêu, Tiểu An nghĩ anh phải lòng
một khách hàng tên là Lôi Lôi (Mễ Phi). Lôi Lôi đã ủng hộ người bạn
trai suốt 10 năm khi anh theo đuổi giấc mơ trở thành nhà soạn nhạc,
và cô sắp sửa hết chịu nổi việc thanh toán các hóa đơn của anh. Không
hề hay biết Lôi Lôi đã chán ngấy mình, Đại Hà (Thư Mễ Ân Lỗ Bích), anh
chàng muốn thành nhà soạn nhạc, đặt bàn tại một nhà hàng phô trương và
định cầu hôn. Khi Tiểu Tâm đưa hoa và Tiểu An cũng làm công việc tương
tự với sôcôla giao đến cùng nhà hàng đó, câu chuyện ráp lại thành một
màn trình diễn âm nhạc hoành tráng.
“Tôi đã nghĩ đến câu chuyện
này từ 20 năm trước,” đạo diễn Ngụy nói. “Hồi đó, tôi không có bạn gái
và không có ai đi chơi cùng ngày Valentine. Tôi ở một mình, ngồi trong
phòng và xem tivi. Tất cả quảng cáo đều nhằm mục đích thôi thúc người ta
tiêu tiền vào ngày Valentine và tôi đầy oán hận về quan hệ yêu đương và
chủ nghĩa thương mại. Buồn quá, phải không? Nhưng 20 năm sau, tôi đã sẵn
sàng để chấp nhận sự cô đơn đó và biến nó thành một cái gì tích cực.”
Đại Hà, anh chàng muốn thành nhà soạn nhạc (Thư Mễ Ân Lỗ Bích, thứ hai từ trái qua)
|
Tựa đề của bộ phim được lấy cảm hứng từ cá voi 52Hz, được gọi là cá voi
cô đơn trên hành tinh vì không có con cá voi nào khác có thể nghe được
tiếng gọi tần số cao của nó.
“Tôi muốn có một cái tựa phổ quát,
không phải châu Á,” đạo diễn Ngụy nói. “Tôi cũng muốn biết mình có thể
thoát ra khỏi giới hạn của một phim nhạc kịch phong cách Hollywood đến
mức nào.”
Để có kết quả này, Ngụy Đức Thánh đã đặt viết 17 ca khúc và dành tám tháng để giám sát khâu âm nhạc.
“Nhà
soạn nhạc đã nửa nghỉ hưu và sống trên đỉnh núi,” Ngụy Đức Thánh kể.
“Mỗi sáng tôi trèo lên ngọn núi đó để gặp anh ấy và giải thích chính xác
tôi làm gì với mỗi bài hát. Tại thời điểm đó, chưa có diễn viên và
chưa quay gì cả. Tôi chỉ có sườn câu chuyện. Trong tám tháng trời chúng
tôi đã tranh cãi, làm hòa rồi tranh cãi nhiều hơn. Anh ấy đưa cho tôi ba
đến bốn phiên bản cho mỗi bài hát và tôi chọn những bản mà anh
ấy đã viết khi thực sự nổi điên lên với tôi!”
Không hay biết Lôi Lôi đã chán mình, Đại Hà sắp đặt màn cầu hôn
|
Ngụy Đức Thánh cũng đề cập đến việc quản lý hậu cần của các cảnh hát-và-múa là khá khó khăn.
“Phần
khó khăn nhất chính là dựng cảnh sao cho câu chuyện không dừng lại khi
tới lúc các diễn viên hát và nhảy,” anh nói. “Ở phim nhạc kịch châu Á,
thì hoặc cái này hoặc cái kia — khi nhạc lên thì câu chuyện dừng. Nhưng
tôi không muốn làm vậy, tôi đã phải xử lý âm nhạc để kể câu chuyện cùng
một lúc. Công tác hậu cần gian khổ, nhưng rồi cũng mau chóng trở nên thú vị.”
Về phim nhạc kịch yêu thích, Ngụy Đức Thánh cho biết
Fiddler on the Roof và
Moulin Rouge! của Baz Luhrmann nằm trong số những phim anh thích nhất.
Đạo diễn Ngụy Đức Thánh, giữa, trên trường quay 52Hz, I Love You
|
“Lần đầu xem
Fiddler on the Roof tôi đã chết lặng,” anh nhớ lại. “Tôi chưa bao giờ xem cái gì giống như vậy và bị mê hoặc bởi câu chuyện kể.
Moulin Rouge! là một kỳ quan chuyên môn. Tôi không nghĩ mình đến gần được hai tác phẩm này, nhưng tôi cho rằng
52Hz, I Love You là một bước đi đúng hướng. Điện ảnh châu Á đang bên rìa của sự thay đổi thực sự, và tôi dự định sẽ ở đây khi điều đó xảy ra.”
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Japan Times