Nhân vật & Sự kiện

The Three-Book Problem: Tại sao phim khoa học giả tưởng Trung Quốc vẫn còn loay hoay

27/08/2018

Trong một giảng đường nhỏ chật ních hàng trăm người, một tiếng nói đơn độc hét lên: “Bây giờ chúng ta là đồng chí!” Những người khác tham gia, đồng thanh tụng câu khẩu hiệu đó vang dội bốn bức tường.

Đây là sự kiện dành cho các thành viên của Tổ chức Trisolaris-Trái đất (Earth-Trisolaris Organization - ETO), kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt phần đầu của bộ tiểu thuyết The Three-Body Problem của nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân. Trong loạt truyện nổi tiếng của Lưu, ETO đã giúp giao tiếp với nền văn minh cực kỳ tiến bộ của người ngoài hành tinh xâm lược. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, đó chỉ là một câu lạc bộ của người hâm mộ với cái tên gây hiểu lầm.

Bộ tiểu thuyết ba cuốn The Three-Body Problem của Lưu Từ Hân bản tiếng Anh

Ở hàng đầu của đám đông đang tụng câu khẩu hiệu tại Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đó, người đàn ông 52 tuổi cao và mảnh khảnh tên Diêu Hải Quân, cười mãi không thôi. Đó là khoảng thời gian vui vẻ với Diêu: khoảng một thập kỷ trước, ông giúp xây dựng nền tảng cho vũ trụ Three-Body cừ khôi này, đã trở thành loạt truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng nhất của Trung Quốc và là tác phẩm đầu tiên giành được giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, đối với nhiều người khác, chương trình kỷ niệm này cho thấy phim khoa học giả tưởng của Trung Quốc còn phải đi bao xa nữa: bất chấp sự thành công của bộ tiểu thuyết Three-Body, bộ phim khoa học giả tưởng do Trung Quốc sản xuất dựa theo đó vẫn chưa lên được màn bạc.

Vậy đã sai chuyện gì?

The Three-Body Problem bắt đầu hồi năm 2006, khi Diêu — lúc đó là biên tập viên của tạp chí Science Fiction World ra hàng tháng — nhận được bản thảo câu chuyện về sau trở thành phần đầu tiên trong bộ ba sử thi của Lưu Từ Hân. Ông đã đọc những chuyện trước đó của Lưu, nhưng lần này Diêu biết ông có một thứ phi thường trong tay. Cuốn tiểu thuyết có quy mô sử thi — trải dài về thời gian, không gian, và nhiều nền văn minh, và mô tả cách Trái đất đối phó với kết thúc có thể xảy ra cho nhân loại. “Đây chính là thứ mà khoa học giả tưởng Trung Quốc thiếu: một câu chuyện lớn,” Diêu Hải Quân nói với Sixth Tone trong một phỏng vấn qua điện thoại.

Áp phích thể hiện năm phát hành 2016, nhưng đến nay phim vẫn chưa ra rạp

Trong “Kỷ nguyên vàng” từ năm 1979 đến 1983, sự nới lỏng quản lý văn hóa sau Cách mạng Văn hóa đã chứng kiến một số tạp chí và nhà văn khoa học giả tưởng xuất sắc nở rộ. Nhưng mùa xuân đầy hứa hẹn của khoa học giả tưởng Trung Quốc qua nhanh. Năm 1983, một cuộc tranh luận diễn ra giữa các nhà phê bình sách về bản chất của khoa học giả tưởng: Liệu nó cố gắng phổ biến kiến thức khoa học hay tập trung vào sáng tạo? Cuối cùng, một bài xã luận trên tờ People’s Daily vào cuối năm đó đã đưa ra phán quyết cuối cùng: Khoa học giả tưởng là sự ô nhiễm tinh thần. Từng hưng thịnh trở thành ngủ yên, và gần như tất cả việc xuất bản các tạp chí và sách đều bị dừng lại.

Đến năm 1997, thể loại này lại bắt đầu hấp hơi. Năm đó, Bắc Kinh tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học giả tưởng, báo hiệu sự phấn khích quay lại với khoa học giả tưởng Trung Quốc. Năm 1998, Diêu Hải Quân bắt đầu làm việc tại tạp chí Science Fiction World ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Năm sau, Lưu Từ Hân — lúc đó là kỹ sư tại một nhà máy điện ở phía bắc tỉnh Sơn Tây — có bốn truyện được xuất bản trên Science Fiction World. Năm 2002, Diêu Hải Quân chịu trách nhiệm biên tập những truyện Lưu Từ Hân gửi.

Các biên tập viên và Lưu Từ Hân đã chọn đăng The Three-Body Problem thành truyện nhiều kỳ trên Science Fiction World, mà thời điểm đó có số lượng phát hành 200.000 bản trên toàn quốc. Họ đã lo rằng độc giả Trung Quốc sẽ không đặc biệt quan tâm đến khoa học giả tưởng so với các thể loại văn học khác, nhưng hy vọng The Three-Body Problem có thể mở ra một chương mới cho khoa học giả tưởng Trung Quốc.

Một hình ảnh quảng cáo cho bộ phim The Three-Body Problem: I

Và quả có vậy — trong một thời gian.

Năm 2015, cuốn đầu trong bộ ba The Three-Body Problem đoạt giải Hugo danh giá dành cho tiểu thuyết giả tưởng hay nhất, kích hoạt giới truyền thông đưa tin và sự chú ý của công chúng trên quy mô lớn — trong đó, nổi tiếng là có được chứng thực của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Giải thưởng làm tăng sự đình đám cho khoa học giả tưởng Trung Quốc cả trong nước và quốc tế, và nâng cao khả năng có thể mở ra ngoài các trang tiểu thuyết. Năm 2014, sau khi bản dịch tiếng Anh được xuất bản, nhà sản xuất phim Trung Quốc Yoozoo Pictures đã thông báo rằng chuyển thể bộ truyện thành loạt phim điện ảnh sáu phần.

Nhưng bộ phim được thổi phồng quá nhiều này chưa bao giờ lên tới màn ảnh rộng. Quá trình quay phim diễn ra trong nửa đầu năm 2015, và bộ phim đầu tiên được lên kế hoạch ra mắt vào tháng 7 năm 2016. Trong ba năm qua, lịch phát hành liên tục bị đẩy lùi, một phần do kỳ vọng cao ngút trời về hiệu ứng thị giác và việc tái cấu trúc công ty bất ngờ.

Lu Han trong phim Shanghai Fortress

Gần đây không có tin tức về bộ phim The Three-Body Problem, nhưng sau một bản tin hồi tháng 3 rằng dịch vụ theo yêu cầu của Amazon đã lên kế hoạch để làm phim truyền hình cho bộ truyện, Yoozoo lặp lại rằng họ là chủ sở hữu quyền hợp pháp tất cả các thể loại chuyển thể. Tại một cuộc phỏng vấn nhóm với Sixth Tone và các phương tiện truyền thông khác trong buổi họp mặt kỷ niệm, Lưu Từ Hân — đang làm tư vấn chính của dự án phim — chuyển tất cả các câu hỏi về bộ phim cho Yoozoo. Hiện tại, The Three-Body Problem vẫn dặt dẹo do chưa có được những miêu tả thị giác; nó khó có thể kiếm tiền từ những khía cạnh nhất định của câu chuyện nếu không được thể hiện trên phim hoặc trò chơi, điều mà chuỗi phim quốc tế Star Wars đã làm được với thanh kiếm ánh sáng.

Thị trường cho phim khoa học giả tưởng do Trung Quốc sản xuất vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng sự thành công của các phim bom tấn ở Trung Quốc đặt ra giả thuyết có thể Yoozoo đang ngồi trên một mỏ vàng chưa được khai thác. Năm 2010, sử thi khoa học viễn tưởng Avatar của James Cameron đã trở thành phim đầu tiên lấy hơn 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 150 triệu USD) ở phòng vé của Trung Quốc. Một số phim khoa học giả tưởng Trung Quốc đang được thực hiện, bao gồm cả chuyển thể tiểu thuyết The Wandering Earth của Lưu Từ Hân và Shanghai Fortress, với sự tham gia của Lu Han, mệnh danh là Justin Bieber của Trung Quốc.

Hoạt hình The Three-body Problem theo phong cách Minecraft của Li Zhenyi

Tuy nhiên, một phim chuyển thể Three-Body danh giá chắc chắn vẫn đang diễn ra. Youzu Interactive, khổng lồ chơi trò chơi điện tử có chung một nhà sáng lập với Yoozoo, gần đây đã tiết lộ rằng trong năm 2016, họ đã ký hợp đồng mua miêu tả hoạt hình cho bộ truyện do một người hâm mộ nhiệt tình sáng tác. Li Zhenyi, 29 tuổi, bắt đầu làm phim hoạt hình The Three-Body Problem hồi năm 2014 lúc anh còn là sinh viên đại học ở Pháp. Khi đó, đây là một dự án đam mê sử dụng Minecraft — một game thế giới mở (sandbox game) cho phép người chơi tạo ra bất kỳ thứ gì bằng cách sử dụng các khối số (digital block). Dự án của anh chưa bao giờ có ý định trở thành những gì bây giờ: một loạt phim hai mùa với hơn mười triệu lượt xem, chủ yếu là trên dịch vụ trực tuyến Bilibili.

“Tôi thích Three-Body vì đẹp,” Li nói, anh đã bị khoa học giả tưởng lôi cuốn từ thời trung học sau khi tình cờ đọc một kỳ tạp chí Science Fiction World trên bàn làm việc của người gác cổng trường. Hồi đó, anh đã cố gắng thuyết phục các bạn mình đọc, nhưng họ bị những cuốn sách minh họa đầy màu sắc và cốt truyện đơn giản thu hút hơn. Được thôi thúc bởi việc giới thiệu loạt truyện này với nhiều người hơn, anh bắt đầu làm hoạt hình cho câu chuyện, tin rằng các miêu tả khoa học và công nghệ phức tạp của loạt truyện này có thể khó hiểu với người đọc bình thường. “Sau khi chúng tôi làm hoạt hình [cho loạt truyện], nó sẽ trở nên phổ biến hơn — suy cho cùng, con người là động vật có thị giác,” anh nói. “Nếu chúng ta cứ nhất mực bám lấy sách, chúng sẽ chỉ đến được với một vài người.”

Quảng cáo cho loạt phim hoạt hình The Three-Body Problem

Công trình đầu tiên của Li khá nghèo nàn — chẳng gây ngạc nhiên, với những kỹ năng nghiệp dư của anh. Mãi đến tập phim thứ tư, anh mới có một nhóm giúp anh làm hoạt hình và sản xuất các tập phim, và đến tận tập thứ chín, họ mới bắt đầu sử dụng một công cụ vẽ chuyên nghiệp hơn. Năm 2016, dự án tự bỏ tiền túi này suýt nữa đã kết thúc, khi khối lượng công việc khổng lồ và thời gian sản xuất kéo dài đẩy Li và nhóm của anh đến bờ vực. Nhưng khi Li tìm được cho mình một người ủng hộ ở Youzu, anh bèn bỏ học đại học và chuyển đến Thượng Hải. Anh không có ý định tốt nghiệp — anh đã làm được công việc mơ ước của mình rồi.

Là một người có sẵn kinh nghiệm trong việc lập nên các dự án Three-Body, Li đồng ý với quan điểm của Lưu Từ Hân rằng mọi người nên kiên nhẫn hơn về sự chờ đợi lâu dài của bộ phim. “Phim khoa học giả tưởng mới bắt đầu được làm ở Trung Quốc, vì vậy chúng đang đi những bước chập chững,” Li nói, “Bạn không thể mong đợi [phim khoa học giả tưởng] một bước tới trời.”

Cơ quan quản lý vấn đề tương lai (FAA) có trụ sở tại Bắc Kinh là một nhóm đang tìm cách thúc đẩy khoa học giả tưởng của Trung Quốc — cơ quan này muốn nuôi dưỡng thêm nhiều nhà văn hơn và kết nối họ với các định chế thương mại. Được thành lập năm 2016, FAA đã tổ chức sự kiện đưa Lưu Từ Hân và các thành viên ETO gặp nhau vào tháng 5. “Trước năm 2015, khoa học giả tưởng Trung Quốc không có mô hình kinh doanh hay tiềm năng thương mại,” Li Zhaoxin, đồng sáng lập FAA, nói với Sixth Tone. “Công bằng mà nói thì bốn năm năm trước đây Trung Quốc cơ bản không có người làm khoa học giả tưởng toàn thời gian.”

Trung Quốc có tối đa chừng 100 nhà văn khoa học giả tưởng có thể viết mỗi năm một cuốn sách, trong khi Hoa Kỳ có hơn 1.000 người đăng ký với Hiệp hội các nhà văn khoa học giả tưởng và kỳ ảo, Li Zhaoxin nói. “Không có số lượng, thì không thực tế để theo đuổi chất lượng,” ông nói thêm. Đối với một vài nhà văn còn đang sáng tác, ngành công nghiệp xuất bản đang ngày càng suy yếu khiến họ khó mà sinh tồn chỉ bằng viết lách. Theo quan điểm của Li Zhaoxin, quan trọng là mang đến cho những người sáng tạo đầy tham vọng niềm hy vọng rằng họ có thể kiếm tiền từ tài năng của mình, thay vì viết vào thời gian rảnh rỗi của họ từ các công việc toàn thời gian khác.

Một trong những cách chính để gặt hái phần thưởng từ sách là bán tài sản trí tuệ. Hiện tại, FAA có sáu dự án đang đàm phán — họ cũng bắt đầu làm tác phẩm ăn theo Three-Body Cosmos, thể hiện qua một số dự án trong đó có truyện tranh. “Vấn đề chúng ta đang phải đối mặt bây giờ là làm sao để có được phim điện ảnh và truyền hình để bắt kịp tốc độ của khoa học giả tưởng,” Li Zhaoxin nói. “Đây không chỉ là vấn đề với khoa học giả tưởng — toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh có khi cũng cần phải như vậy.”

Cả người mới với khoa học giả tưởng Trung Quốc Li Zhaoxin lẫn biên tập viên kỳ cựu Diêu Hải Quân đều đồng ý rằng xuất bản truyền thống sẽ không còn là trung tâm của truyện khoa học giả tưởng trong tương lai. Diêu biết rằng cuốn sách mà ông từng dành vô số giờ cân nhắc đã làm thay đổi đáng kể khoa học giả tưởng Trung Quốc. “Khoa học giả tưởng không còn thuộc thể loại văn học,” ông nói.

Các nhân vật từ truyện tranh ăn theo Three-Body

Chỉ còn tám năm nữa là nghỉ hưu, đôi khi Diêu tự hỏi ông có thể đóng góp bao nhiêu cho khoa học giả tưởng Trung Quốc — một thể loại ông yêu thích. Khi nói đến The Three-Body Problem, ông có cảm xúc phức tạp. “Một mặt, tôi muốn nó trở thành một tác phẩm kinh điển mà mọi thế hệ độc giả đều có thể yêu thích,” Diêu Hải Quân nói. “Mặt khác, sẽ không là chuyện tốt nếu sau 10 năm nó vẫn là cuốn truyện khoa học giả tưởng duy nhất chúng ta bàn luận.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone