Nhân vật & Sự kiện

Phim của Michael Bay phơi bày cả xấu lẫn tốt của nước Mỹ

19/03/2022

Xét nhiều phương diện, Michael Bay là định nghĩa một nhà làm phim người Mỹ.

Khi xem lại Armageddon của Michael Bay năm 2021, sẽ không thiếu những khoảnh khắc đáng nhớ chợt bật ra. Giới thiệu người hùng lao động tay chân Harry Stamper của Bruce Willis, trong phim Harry cùng đám bạn thợ khoan bất trị chế nhạo những người biểu tình của Tổ chức Hòa bình xanh bằng cách ném những quả bóng golf vào họ từ một giàn khoan dầu.

Armageddon: Có gì đó rõ chất Mỹ, dù tốt hay xấu, trong việc Harry Stamper (Bruce Willis) cố chấp từ chối chuyên gia của NASA: anh ấy và nhóm các chàng trai thợ khoan vạm vỡ sẽ hoàn thành công việc theo cách cũ, bất kể lên núi đao hay vào biển lửa

Ngoài ra còn có cảnh bánh quy hình thú khét tiếng, khi Ben Affleck và Liv Tyler tham gia cuộc trò chuyện yêu đương kỳ quặc trong lúc ca khúc Don’t Wanna Miss A Thing của Aerosmith bùng nổ trên nhạc nền.

Người xem có thể nhớ giọng Nga khó quên của Peter Stormare, phát biểu từ biệt đẫm nước mắt của Willis hoặc cao trào khoa trương của phim, khi một tiểu hành tinh có kích thước bằng bang Texas chệch đi trong gang tấc nếu không thì đã hủy diệt trái đất nhờ sự kiên cường dũng cảm của mấy chàng trai tốt chân quê.

Cái bạn có thể không nhớ là hình ảnh thanh bình, những quãng xen vào gần giống kiểu Malick mà Bay rải khắp chiều dài phi thường của bộ phim sử thi 150 phút này. Thường xuyên, Bay sẽ cắt cảnh kỳ công nhóm người hùng của Harry và chuyển sự chú ý sang những công dân có liên quan trên trái đất: gia đình, công nhân, những người bình thường sống cuộc sống bình thường, hy vọng họ không bị xóa sổ bởi một tác lực không thể ngăn cản bao la hơn và đáng sợ hơn bất cứ ai trong số họ có thể tưởng tượng.

Cảnh bánh quy hình thú khét tiếng, khi Ben Affleck và Liv Tyler tham gia cuộc trò chuyện yêu đương kỳ quặc

Trong khi Bay dàn dựng những khoảnh khắc này ở nhiều điểm khác nhau trên toàn cầu (thường được đặt trong tiếng đọc tin tức bị cấm phát sóng), ông phóng tay những cảnh quay vẻ đẹp đặc biệt của trung tâm nước Mỹ: Armageddon có ngớ ngẩn đến thế nào đi nữa, Bay cũng không bao giờ quên có những cuộc sống thực đang bị đe dọa trong khuôn khổ hư cấu của câu chuyện này. Có gì đó rõ chất Mỹ, dù tốt hay xấu, trong việc Harry Stamper cố chấp từ chối chuyên gia của NASA: anh ấy và nhóm các chàng trai thợ khoan vạm vỡ sẽ hoàn thành công việc theo cách cũ, bất kể lên núi đao hay vào biển lửa. Làm đúng hay làm sai không quan trọng: Quyết định của Harry là về việc người Mỹ phải làm.

Xét nhiều phương diện, Michael Bay là định nghĩa về một nhà làm phim người Mỹ. Thậm chí ông còn được chính thức ghi danh, theo bài viết xuất sắc “Lịch sử truyền miệng về Michael Bay” trên GQ, khi nói, “Tôi là, nói sao nhỉ, một người Mỹ đích thực.” Thế nhưng, có cần ông phải nói vậy không? Chỉ cần nhìn danh mục phim của ông. Bad Boys. The Rock. Trân Châu Cảng. Chuỗi phim Transformers. 13 Hours: The Secret Soldiers of Benghazi (đã phát hành rạp ở Việt Nam với tựa 13 giờ: Lính ngầm Bengahazi). Danh mục phim đấy không chỉ áp đảo toàn phim Mỹ: chúng còn là những bộ phim phản ánh thế giới quan và những mối bận tâm, về bản chất, chỉ có ở nước Mỹ và lịch sử đã được kiểm chứng của nước Mỹ.

Michale Bay (áo trắng) và các diễn viên trên trường quay 13 Hours

Bây giờ, hãy làm sáng tỏ một quan niệm sai lầm ngay từ đầu: bất chấp những lời buộc tội quan điểm văn hóa thụt lùi đôi khi nhắm vào phim của Bay là đúng (bao gồm, vâng, các phần tiếp theo của Transformers), nói Michael Bay là một Nhà làm phim người Mỹ thì không có nghĩa ông là một nhà làm phim bảo thủ. Không có nghĩa cái gã làm 6 Underground là quá tự do mềm lòng trong tư tưởng chính trị — không hề vậy chút nào. Mặc dù không thể phủ nhận Bay say mê sức mạnh quân sự của Mỹ, nhưng tựu trung ông ý thức quá rõ bản thân là một người kể chuyện để tiết chế thành cái người kể chuyện như thế này đây.

Lấy ví dụ phim 13 giờ. Bộ phim hành động về sự kiện có thật năm 2016 đó là câu chuyện có sức công phá kể về sáu cựu lính Mỹ nỗ lực hết sức để bảo vệ khu nhà ngoại giao đoàn của Mỹ ở Benghazi trước các tay súng có vũ trang. Với thành tích có phần thờ ơ với chính trị của Bay và việc ông công khai sùng bái chủ nghĩa quân phiệt Mỹ, một số người cho rằng 13 giờ sẽ là một bộ phim thiên tả và thậm chí có thể là đòn đánh lén Hillary Clinton. Than ôi, bà Clinton đâu có được đề cập đến trong 13 giờ, bởi vì giống như mọi phim của Bay, trải nghiệm phe phái chính trị thì ít mà thuần túy, choáng ngợp giật gân mới là nhiều. Như với tất cả các phim của mình, Bay tập trung vào một câu chuyện đơn giản, kể thuyết phục về những anh hùng Mỹ cứu sống người Mỹ, (một lần nữa, dù tốt hay xấu), cho dẫu có những sinh mạng không phải người Mỹ bị lạc trong cuộc hỗn chiến bạo lực đi nữa.

Cảnh phim 13 giờ. Như với tất cả các phim của mình, Bay tập trung vào một câu chuyện đơn giản, kể thuyết phục về những anh hùng Mỹ cứu sống người Mỹ

Bay nổi lên từ một trường đào tạo các đạo diễn video ca nhạc những năm 80 và 90, gồm những ngôi sao như David Fincher và Spike Jonze. Bản thân Fincher và Jonze thường làm phim lấy bối cảnh ở Mỹ như một kiểu mặc định nghệ thuật, tuy nhiên, bạn sẽ không nghĩ phải nhấn mạnh cái ý họ là đạo diễn “người Mỹ” (ví dụ, phong cách hình ảnh đầy tâm trạng của Fincher mắc nợ chủ nghĩa biểu hiện Đức, trong khi khả năng tinh quái của Jonze vượt ra khỏi biên giới quốc gia). Với Bay, bạn thực sự không thể tưởng tượng phim của ông diễn ra ở bất kỳ nơi nào khác. Kể cả phim của ông có mở ra ở bờ biển nước ngoài (6 Underground) hay thậm chí là trên bề mặt Mặt Trăng (Transformers: Dark of the Moon), chúng vẫn có cảm giác Mỹ ở mức độ gần như phân tử.

Trong hầu hết phim của Michael Bay, số phận của một quốc gia, hoặc đôi khi là cả thế giới, luôn lâm cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Đây không phải là một nhà làm phim quan tâm đến những câu chuyện mà trong đó nhân vật nhìn là biết con người ngồi trong căn hộ hoặc quán cà phê và nói về các vấn đề của họ. Phạm vi của Bay toàn cầu hơn vậy nhiều.

Ryan Reynolds và Michael Bay trên trường quay 6 Underground ở Abu Dhabi

Ngoại lệ đối với quy tắc này có lẽ là cái gì đó như thể phân thân của đạo diễn tác gia này trong bộ phim hài đen tối Pain & Gain năm 2013. Kiểu châm biếm hoàn toàn điên rồ đó, phần nào dựa trên một câu chuyện có thật đặc Mỹ, bẩn thỉu kể về bộ ba vận động viên thể hình biến chất ở Florida gọi là băng Sun Gym, do một kẻ bắt nạt hay dao động tên là Daniel Lugo (Mark Wahlberg, người đã tiếp tục thực hiện một vài phim Transformers nữa với Bay sau phim này) cầm đầu. Từ giữa đến cuối thập niên 90, những kẻ ngu hám lợi này đã bị kết án vì một loạt tội ác, bao gồm tống tiền, tra tấn, và tệ hơn nữa. Đó là nguồn cảm hứng cho bộ phim nhỏ nhất và Mỹ nhất của Bay cho đến nay.

Nhìn bề ngoài, Pain & Gain là một sự chuyển hướng triệt để đối với Bay. Đó là một bộ phim không có cháy nổ, robot và cảnh thành phố bị san bằng thành bình địa. Khi làm Pain & Gain, rõ ràng Bay đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của Joel và Ethan Coen (điều đáng nói là ông đã nhiều lần chọn Coen đóng trong các bộ phim của mình, nổi bật nhất là Steve Buscemi và John Turturro). Giống như các tác phẩm nổi tiếng của anh em nhà Coen là Blood SimpleBurn After Reading, Pain & Gain là câu chuyện về lòng tham, bạo lực, bị sập bẫy không lối thoát trong cái trò hai mặt nguy hiểm rối rắm.

Pain & Gain là câu chuyện về lòng tham, bạo lực, bị sập bẫy không lối thoát trong cái trò hai mặt nguy hiểm rối rắm

Trong Pain & Gain, Bay cho rằng lý do ba gã phản anh hùng đần độn bắt cóc và tra tấn một doanh nhân giàu có lòe loẹt (Tony Shaloub) là do họ nhầm tưởng sẽ được hưởng một phần tài sản của ông ta. Họ đã chuốc lấy quan niệm sai lầm tinh túy chất Mỹ rằng thể nào họ cũng xứng đáng được hưởng nhiều hơn những gì họ có, dù chẳng có công cán gì. Sống ở một đất nước từ lâu đã tuân theo đặc tính tự lập, Lugo và những người bạn của anh ta tin rằng, nếu họ “làm việc” đủ chăm chỉ, thì cuối cùng họ cũng có thu hoạch. Toàn bộ vụ việc này dẫn đến sự sụp đổ của cả đám có nghĩa là Bay ý thức rõ mặt nguy hiểm của giáo điều quốc gia “có thể làm được” hơn nhiều người trong chúng ta có thể đã nhận ra.

Vậy không có nghĩa là đạo diễn này không có hứng thú, không yêu cuồng lý tưởng Mỹ. Bạn thấy điều đó ở Trân Châu Cảng: một kiểu tầm nhìn hão huyền, không phức tạp về mặt đạo đức về một nước Mỹ đặc trưng từng có. Bạn thậm chí còn thấy nó trong bài tập ly kỳ tương đối đơn giản như The Rock: đây là những bộ phim mà việc trở thành một người yêu nước là rất ngầu, giờ được coi là không hợp thời hoặc thậm chí có vấn đề trong môi trường chính trị ngày nay (thậm chí một thứ tưởng chừng như đơn giản như từ “yêu nước” đã trở nên có nghĩa khác cái nghĩa nó đã có gần ba mươi năm trước). Nhược điểm của việc mê muội nước Mỹ là có thể khiến người ta phủ nhận những chuyện hết sức ghê tởm: xem ra nhân vật trong các phim như Bad Boys II6 Underground nghĩ rằng tấn công nước ngoài và thực hiện các cuộc đảo chính vũ trang là rất cừ, có điều người chết la liệt thôi.

Michael Bay trên trường quay Trân Châu Cảng: bộ phim là một kiểu tầm nhìn hão huyền, không phức tạp về mặt đạo đức về một nước Mỹ đặc trưng từng có

Ai chọn bảo vệ Michael Bay đều phải đi dây lắt léo. Rốt cuộc, nước Mỹ đâu phải là vô danh tiểu tốt. Nó không tốt, không tồi, không hay, cũng không dễ sợ. Chắc chắn không phải lúc nào cũng là vùng đất của tự do và xứ sở của lòng dũng cảm. Đó là một mớ hỗn độn mâu thuẫn, với một lịch sử gai góc, thường xuyên xáo trộn mà nhiều người trong chúng ta đang bắt đầu tháo gỡ một cách có ý nghĩa. Nói ngắn gọn, nước Mỹ không thể được miêu tả đơn giản, sơ lược. Vậy thì, phim của Michael Bay cũng thế.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Collider