Nhân vật & Sự kiện

Phùng Tiểu Cương - Người tạo nên những làn sóng chấn động

22/01/2011

Lúc 3 giờ 42 phút sáng ngày 28/7/1976, một cơn động đất 7,8 độ Richter tấn công thành phố công nghiệp Đường Sơn phía bắc Trung Quốc. Chính phủ công bố số thương vong là 240.000 người, dù nhiều người tin rằng con số thật sự còn cao gấp ba lần như thế.

Trong bộ phim mới Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn), đạo diễn Trung Quốc Phùng Tiểu Cương đã tái tạo nỗi kinh hoàng của những phút giây thảm họa đó: những tòa nhà thấp tầng vỡ vụn, những khu căn hộ sụp đổ hất văng thi thể vào không trung, một nhà máy quốc doanh trở thành gạch vụn, những đứa trẻ mắc kẹt dưới từng tảng bê tông. Phùng Tiểu Cương đã mời nhóm làm hiệu ứng đặc biệt từ Hàn Quốc và Pháp, cũng như công ty Weta Workshop của New Zealand – nổi danh từ Lord of the Rings – đến để mang nỗi kinh hoàng thật chi tiết lên màn bạc.

Aftershock báo hiệu cho một kỷ nguyên phim bom tấn mới ở Trung Quốc

Đã khiến khán giả rơi nước mắt trong buổi chiếu ra mắt, bộ phim được công chiếu vào ngày 22/7 tại hơn 4.000 rạp ở Trung Quốc – một con số không thể ngờ đến. Phim tạo nên kỷ lục doanh thu ngày chiếu khai mạc với 5,3 triệu USD, suýt soát giành ngôi của Avatar, bộ phim có doanh thu thành công nhất mọi thời đại ở Trung Quốc. Các chuyên gia dự đoán Aftershock sẽ trở thành bộ phim Trung Quốc đầu tiên đạt doanh thu hơn 74 triệu USD trong nước. Thật sự, Aftershock có thể báo hiệu cho một kỷ nguyên phim bom tấn mới ở Trung Quốc, thị trường có doanh thu phòng vé tăng gấp đôi trong năm vừa qua và hàng trăm rạp chiếu bóng mới ra đời. Bộ phim cũng đưa tên tuổi Phùng Tiểu Cương đi qua một chặng đường dài, trở thành nhà làm phim quan trọng nhất của đất nước.

Là một đạo diễn, Phùng Tiểu Cương đã trở nên một sức quyến rũ mạnh mẽ - một hiện tượng dị thường trong ngành giải trí Trung Quốc, nơi các ngôi sao điện ảnh thường là người làm nên hoặc phá hỏng một bộ phim. Từ sau bộ phim đầu tiên ra mắt năm 1994, Gone Forever With My Love (Vĩnh thất ngã ái), ông đã thực hiện hàng tá phim điện ảnh, mỗi phim đều phá kỷ lục ở Trung Quốc. Hai năm trước, bộ phim tình cảm hài If You Are the One (Phi thành vật nhiễu – tạm dịch: Nếu em là duy nhất) đã phá vỡ kỷ lục trước đó khi thu về hơn 51,7 triệu USD, biến Phùng Tiểu Cương thành nhà làm phim Trung Quốc đầu tiên có tổng doanh thu trong sự nghiệp lên đến một tỉ nhân dân tệ (147,6 triệu USD). “Người sống ở Trung Quốc sẽ đến xem phim của Phùng Tiểu Cương vì đó là phim do Phùng Tiểu Cương làm,” trích lời chuyên gia điện ảnh Trung Quốc của trường đại học Bắc California, Stanley Rosen. “Ông là một thương hiệu và có tên tuổi được công nhận. Người ta biết một bộ phim do Phùng Tiểu Cương làm sẽ được mô tả tốt và gây xúc động.”

Điều đó giúp Phùng Tiểu Cương, 52 tuổi, được so sánh với Steven Spielberg, một trong những đạo diễn ông yêu thích nhất. Đề cập đến cái tên Speilberg khiến vị đạo diễn nghiện thuốc lá này cười thích thú, để lộ cả bộ răng lổm chổm ố màu khói thuốc. Từ bên dưới chiếc mũ bóng chày đặc trưng của mình, Phùng Tiểu Cương ngẩng đầu lên, khiến ánh sáng rọi lên những mảng sắc tố không đồng đều trên khuôn mặt ông – kết quả của căn bệnh bạch bì. “Phim của Spielberg có trái tim,” ông nói. “Người ta đến xem phim của ông vì các câu chuyện của ông khiến họ cảm thấy một điều gì đó.”

Phim của Phùng Tiểu Cương cũng tương tự như vậy. Ông Albert Lee, CEO của hãng Motion Pictrues Hồng Kông đồng thời là nhà sản xuất của Aftershock, tin rằng “Phùng Tiểu Cương có khả năng độc nhất vô nhị có thể đồng cảm với khán giả Trung Quốc dòng phim trào lưu.” Từ rất sớm trong sự nghiệp đạo diễn của mình, ông đã lấy được lòng khán giả với các phim hài như Party A, Party BBe There or Be Square, đây là những dự án nhỏ khám phá cuộc sống của những người dân bình thường trong đất nước Trung Quốc đô thị thay đổi nhanh chóng. Trong vài năm trước, ông tạo nên tên tuổi với những phim bom tấn quy mô lớn như bộ phim cổ trang Trung Quốc lấy cảm hứng từ Hamlet, Dạ yến (The Banquet), phim chiến tranh The Assembly (Hiệu lệnh tập kết) và If You Are the One – bộ phim về một anh chàng Bắc Kinh mới giàu lên đi tìm kiếm tình yêu.

Đạo diễn Phùng Tiểu Cương dự buổi chiếu ra mắt phim Aftershock bản IMAX [Ảnh: Newsweek]

Chủ đề về chính cuộc đời của Phùng Tiểu Cương đã phá vỡ sự định kiến, là câu chuyện rất được yêu thích ở Trung Hoa đương đại. Được mẹ ông – một y tá đã ly hôn – nuôi lớn ở Bắc Kinh, Phùng Tiểu Cương tốt nghiệp trung học cùng năm trận động đất Đường Sơn xảy ra, và sau đó ông nhập ngũ, nơi đó ông dựng cảnh cho các vở kịch quân đội. Trong những năm 1980 tự do hơn, ông bước chân vào lĩnh vực viết kịch bản, làm nên tên tuổi cho mình trong ngành truyền hình những năm đầu thập niên 1990. Dự án lớn đầu tiên của ông là bộ phim truyền hình dài tập quay ở Mỹ Beijingers in New York (tạm dịch: Người Bắc Kinh ở New York), phim giành được tình cảm của khán giả Trung Quốc bằng những hình ảnh của cuộc sống ở nước ngoài và thông điệp đạo đức mạnh mẽ: đừng mong chờ gì khác ngoài sự bất hạnh nếu bạn rời Trung Quốc để đến với phương Tây suy đồi.

Ban đầu Phùng Tiểu Cương lên kế hoạch cho Aftershock dựa trên một hồi ký về trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, lấy đi 87.000 mạng người. Ông đã nghĩ là thật khinh suất khi nhắc nhớ người ta về tấn bi kịch này. Nhưng vì những nỗ lực giảm nhẹ nỗi đau đã trở thành điểm tập hợp đất nước Trung Quốc thống nhất cũng như chủ nghĩa yêu nước, ông thay đổi quan điểm của mình. Nhà tài trợ bộ phim là John Chong, CEO của Media Asia Group, cho biết: “Đó là lý do ông ấy là một huyền thoại. Ông nói với tôi rằng ông có thể kể lại câu chuyện về chiến thắng của chủ nghĩa nhân đạo và gia đình.” Bộ phim kể về cuộc sống của gia đình nhà họ Phương – một người mẹ góa chồng, cậu con trai sau này trở thành một doanh nhân giàu có, và cô con gái họ tin rằng đã chết ở Đường Sơn. Cả hai anh em cuối cùng trở thành những người tình nguyện cứu người trong trận động đất Tứ Xuyên và tình cờ nhận lại nhau.

Trong khi bộ phim rất có tác động và được chế tác tốt, các nhà sản xuất cũng không trông mong tìm kiếm lượng khán giả không phải người Hoa. Thật sự, phần lớn cái hay của bộ phim đến từ sự miêu tả lịch sử tinh tế. Trong một cảnh động đất, một bức tường đang rung lắc làm rớt theo khung hình Mao Trạch Đông – loại mà mỗi gia đình và mỗi văn phòng đều đã từng trưng như hình thờ - khi nó sụp đổ, và biến mất trong đống đổ nát.


Dạ yến phá kỷ lục doanh thu phòng vé nội địa năm 2006 nhưng gần như bị phớt lờ ở nước ngoài

Trước đây, Phùng Tiểu Cương đã từng nỗ lực để thành công ở nước ngoài. Bộ phim hài năm 2001 Big Shot’s Funeral (tạm dịch: Đám tang của quan lớn), một đoạn điệp khúc của đất nước Trung Quốc lan tràn chủ nghĩa tiêu dùng, do nam diễn viên Hollwood Donald Sutherland đóng vai chính, đã lập nên kỷ lục ở đại lục nhưng rất ít được chú ý ở Mỹ. Năm 2006, The Banquet, một bộ phim cổ trang hoành tráng, một lần nữa phá kỷ lục phòng vé nội địa nhưng gần như bị phớt lờ ở nước ngoài. Chủ tịch Vương Trung Lỗi của tập đoàn Hoa Nghị huynh đệ, đơn vị sản xuất Aftershock, cho biết, “Phùng Tiểu Cương đã từng nói mỗi đạo diễn đều mong phim của mình có lượng khán giả rộng rãi. Nhưng thật là một gánh nặng khi cứ giữ ý nghĩ muốn khán giả Mỹ hay Hồng Kông hiểu được bộ phim. Thế nên cách đây vài năm ông ấy cảm thấy mình chỉ nên tập trung vào khán giả Trung Quốc, và đó là lý do giúp ông thành công tại phòng vé.”

Nhưng Phùng Tiểu Cương rất có hy vọng rằng sức hấp dẫn của ông cuối cùng cũng sẽ lan rộng. “Ngành phim ảnh Trung Quốc đang phát triển từ 30 đến 40% mỗi năm,” ông nói. “Có lẽ nhờ vào các bộ phim Trung Quốc mà thế giới có thể hiểu hơn về đất nước Trung Hoa. Với các bộ phim của tôi, bạn có thể thấy cuộc sống ở Trung Quốc trông như thế nào trong 20 năm trước.” Mong là ông sẽ tiếp tục kể những câu chuyện vang dội về Trung Quốc; và người khác có thể cùng đồng hành, cùng khóc, cùng cười.

Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Newsweek