Nhân vật & Sự kiện

'Gisaeng' trong điện ảnh Hàn Quốc

13/02/2017

“Một phụ nữ được đào tạo làm ca sĩ, vũ công chuyên nghiệp và người bạn đồng hành cho nam giới tại một buổi tiệc hoặc quầy rượu để mua vui.” Đây là nghĩa của từ tiếng Hàn “gisaeng” nếu bạn tra trong từ điển.

Hwang Ji I (1986)

Đây là một nghề đặc biệt có nhu cầu lớn ở thời Joseon (1392-1910). Mặc dù nghề này thuộc về tầng lớp thấp trong cấp bậc xã hội, ‘gisaeng’ không phải là một kỹ nữ đơn giản. Rất nhiều ‘gisaeng’ được đào tạo chuyên sâu về thi ca, mỹ thuật hoặc âm nhạc, cho phép họ thảo luận và thưởng thức văn học và nghệ thuật với nam nhân có địa vị xã hội cao. Đó cũng là lý do tại sao một số ‘gisaeng’ nằm trong số những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong văn học và văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

Khi họ làm việc cùng những nhà quý tộc, câu chuyện tình chân thật vượt qua ranh giới xã hội thường diễn ra. Vì nhiều người sống một cuộc sống kịch tính, họ thường được mời lên phim với vai trò nữ chính là đương nhiên.

Nổi tiếng nhất là Hwang Jin Yi. Cô là một nhân vật lịch sử thời Joseon, xinh đẹp và tinh thông văn học. Khó thảo luận về văn học thời Joseon mà không đề cập đến cô. Có hai phim chính trong đó Hwang Jin Yi đóng vai trò trung tâm.

Hwang Jin Yi (2007)

Bae Chang Ho, một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất của điện ảnh Hàn Quốc những năm 1980, làm Hwang Jin I (1986) khi sự nghiệp ở đỉnh cao. Diễn viên chính là Chang Mi Hee, một ngôi sao lớn với hiệu suất phòng vé cao, được ngợi khen là có nét quyến rũ trong số những nữ diễn viên Hàn Quốc. Câu chuyện của Hwang Jin Yi được đạo diễn Chang Yoon Hyun làm lần nữa năm 2007, có ngôi sao hàng đầu châu Á Song Hye Kyo đóng chính. Trong Hwang Jin Yi, cô thường được mô tả là một phụ nữ rất tinh tế và sáng tạo.

Còn một ‘gisaeng’ rất nổi tiếng khác, mặc dù theo một cách khác với Hwang Jin Yi. Không ai khác hơn là Nongae, đã tự vẫn bằng cách gieo mình xuống sông với đô đốc Nhật Bản trong vòng tay mình, trong cuộc xâm lược của Nhật Bản. Cô thường được nhắc đến là một ‘gisaeng’ đức hạnh, giàu lòng yêu nước, hơn hẳn một cô gái tại bàn tiệc. Ngày nay Nongae không nổi tiếng như trước nhưng trong quá khứ, có hai phim về cô, một là Non-Gae của Yoon Bong Chun năm 1956 và phim còn lại là The Kisaeng của Lee Hyung Pyo năm 1972.

Gần đây một phim có tên Love, Lies đã phát hành. Tựa tiếng Hàn Hae Eo Hwa là một từ tiếng Hàn khác cho ‘gisaeng’, theo nghĩa đen là một bông hoa biết nói tiếng người. Ở Gyeongseong, tên trước đây của Seoul, dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản năm 1943, ‘gisaeng’ là đối tượng chính trong sản xuất và tiêu thụ văn hóa. Bối cảnh vào thời đó, Love, Lies nói về hai phụ nữ trong một trường đào tạo ‘gisaeng’, do Han Hyo Joo và Chun Woo Hee đóng chính. Cả hai đều là ca kỹ và muốn được một nhạc sĩ nổi tiếng thừa nhận. Họ ao ước an ủi người dân Joseon dưới chế độ thực dân bằng cách hát một bài hát do nhạc sĩ này sáng tác.

Love, Lies

Phim về ‘gisaeng’ đã được làm một thời gian rồi. Song, có một điều trở nên rõ ràng. Khi một phim Hàn Quốc có nhân vật nữ chính là một ‘gisaeng’, thì chủ đề chính của phim là văn học, nghệ thuật, lịch sử và tình yêu.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hankyoreh