Taste of Cinema chọn 20 phim võ thuật hay nhất xứng đáng được bạn dành
thời gian xem. Quái vật Điện ảnh trích giới thiệu 10 phim đầu danh sách
này.
Nhiều thập niên qua, những kẻ hợm phim nghiêm túc xem thường phim kung
fu như thể rác rưởi văn hóa, một dạng tạp nham không có não nhập khẩu từ
vành đai Thái Bình Dương xả cùng khắp các rạp chiếu phim thương mại và
lấp đầy chương trình phim khuya trên truyền hình.
Đây là một
quan điểm kỳ cục — liệu có bao giờ có một thể loại phim nào tiêu biểu
cho điện ảnh thuần túy lý tưởng nhất, một hình thức kết hợp động tác và
âm thanh trong phim mà không thể bắt chước được, thì đó chính là phim
kung fu.
Lý Tiểu Long trong phim Tinh võ môn / Fists of Fury, của đạo diễn La Duy, đứng thứ 17 trong danh sách của Taste of Cinema
Đây là một phong cách điện ảnh mê cuồng hình thể con người, với diễn
xuất hình thể phức tạp và khỏe khoắn. Trong chừng mực nhất định, thể
loại này thay thế phim nhạc kịch của Hollywood ở phương Tây bằng cách
thay hát múa bằng việc trao đổi những cú đấm và máu me được dàn dựng cẩn
thận, tất thảy đều lấy cảm hứng từ võ thuật truyền thống của Trung Hoa
có từ hàng ngàn năm trước.
Thật khó nói chính xác tại sao và thế
nào mà phim võ thuật Trung Quốc đã chuyển từ phim võ hiệp thuần túy —
tức “người hùng võ lâm” và các câu chuyện về kiếm khách thành thương
hiệu phim nhấn mạnh các cuộc đấm đá và đấu tay không, thường là do những
kẻ vô danh trong thứ bậc xã hội. Lý Tiểu Long có khả năng chịu trách
nhiệm cao nhất cho việc phổ biến lại phim này, dù
Đệ nhất quyền vương / Five Fingers of Death
(có trong danh sách này) thường được ghi nhận là phim đầu tiên — hay, ở
mức đánh giá nào khác, là phim thành công nhất —trực tiếp tạo nền cho
phim võ thuật Trung Quốc.
Thành Long, phải, trong phim Xà quyền diệt độc ưng / Snake In The Eagle’s Shadow của đạo diễn Viên Hòa Bình, xếp thứ 16
Trong trường hợp những đạo diễn như Trương Triệt, võ thuật chỉ tiến hóa
thành thứ gì đó… khác, ghi chép những cuộc phiêu lưu của những người
liều lĩnh tìm kiếm cao thủ ẩn dật nhằm thỏa mãn việc trả thù, trong khi
rất ít vận dụng võ thuật, đôi khi những thế võ và vũ khí hoàn toàn hư
cấu.
Lưu Gia Lương thường đi theo cùng cách này trong các câu
chuyện của ông, với định kiến về lịch sử võ thuật chân thực và việc
truyền dạy võ Thiếu lâm, trong khi Viên Hòa Bình, biên đạo võ thuật quốc
tế lừng danh cho những phim như
Ngọa hổ tàng long, bộ ba phim
Matrix và các phim
Kill Bill,
đồng thời cũng là một nhà làm phim nổi tiếng, đưa vào thể loại này một
lượng hài hước dồi dào, giúp bẩy lên sự nghiệp của những diễn viên như
Thành Long và Hồng Kim Bảo.
Lý Liên Kiệt trong phim Hoắc Nguyên Giáp / Fearless của đạo diễn Vu Nhân Thái, đứng thứ 13
Năm tháng qua đi và phim kung fu trở nên rắn chắc hơn, kỹ thuật điện ảnh
tinh vi hơn cho phép các cảnh chiến đấu táo bạo hơn được dàn dựng, và
gần đây hơn xem ra phim kung fu cừ khôi không còn chỉ xuất phát từ Trung
Quốc nữa —
Ong Bak 2 của Thái Lan và
The Raid: Redemption của Indonesia cũng có chỗ trong danh sách này, cùng với những xuất phẩm ấn tượng nhất của hãng Thiệu Thị và Gia Hòa.
Phần
lớn phim được giới thiệu trong danh sách này được khẳng định là kinh
điển, trong khi một số khác có lẽ cần có thêm thời gian trước khi được
công nhận là một trong những phim hay nhất của thể loại này. Điều mà hầu
hết độc giả có thể nhất trí là mỗi phim được thảo luận trong bài viết
này hứa hẹn những điều thú vị nhất, bất kể bạn đã xem phim đó bao nhiêu
lần.
10. Đông phương anh hào (Shaolin Challenges Ninja hay còn có tựa là Heroes of the East)Đạo diễn: Lưu Gia Lương
Phát hành năm 1978, Hồng Kông sản xuất
Hãy bắt đầu bằng việc nói rằng bộ phim này là thắng lợi cho Lưu Gia
Lương, và được đặt riêng ra với mọi phim kung fu khác nhờ là một trong
số rất ít phim thể loại này trong đó không có ai bị thượng nặng và không
có ai chết. Làm thế nào có tính giải trí? Với một bậc thầy như Lưu Gia
Lương ở ghế đạo diễn, không có gì phải lo.
Chuyện phim nói về võ
sinh trẻ tên Hà Đào (Lưu Gia Huy) được người cha giàu có sắp đặt hôn
phối với Cung Tử - một cô gái Nhật xinh đẹp. Hóa ra, cô cũng là một
người học võ, nhưng Hà Đào nhận thấy phong cách võ thuật của cô thiếu sự
duyên dáng nữ tính, và khuyến khích cô luyện võ phù hợp với phái nữ. Cô
gái không vui vì anh tiếp tục khăng khăng rằng võ thuật Nhật Bản không
hiệu quả bằng võ thuật Trung Hoa (thực ra ý anh muốn nói là quá tàn bạo).
Lưu Gia Huy trong vai Hà Đào
Trở về Nhật, và trong một nỗ lực đưa cô quay lại Trung Quốc, Hà Đào gửi
thư cho Cung Tử khẳng định tính ưu việt của võ thuật Trung Hoa, hy vọng
cô quay lại để chứng minh là anh sai. Không phải Cung Tử mà là cha cô
đọc lá thư đó, và, là một bậc thầy ninjutsu, cảm thấy bị xúc phạm. Ông
tập hợp đồ đệ và đi Trung Quốc để dạy cho chàng trai trẻ một bài học.
Tiếp sau là là chuỗi leo thang của những sự trái ngược trong võ thuật
Nhật Bản và Trung Hoa, kết thúc bằng một màn biểu diễn hoành tráng
ninjutsu đấu với võ thuật Trung Hoa, và kết thúc bằng màn hòa giải.
Có
vẻ ủy mị, thực sự đây là một câu chuyện dễ thương, có lẽ gần nhất với
một phim kung fu. Bỏ qua một bên tất cả những điều đó, phim đầy ắp những
cảnh đấu võ tuyệt vời, cũng như thủ pháp khôi hài của Lưu Gia Lương.
Điều thực sự nổi bật là quan điểm chủ đạo của bộ phim, kính trọng văn
hóa và võ thuật Nhật Bản, không giống như nhiều phim Trung Quốc miêu tả
người Nhật là những nhân vật phản diện một chiều. Thú vị, đầy màu sắc và
một sự thay đổi về nhịp điệu mới mẻ.
9. The StreetfighterĐạo diễn: Shigehiro Ozawa
Phát hành năm 1974, Nhật Bản sản xuất
Dù về mặt kỹ thuật là một phim karate, bộ phim kinh điển được sùng bái
này vẫn thuộc vào danh sách như là một đại diện hoàn hảo chủ dạng phim
ly kỳ võ thuật thành thị nổi bật vào thập niên 1970. Sonny Chiba trong
vai đấu thủ karate tự do Takuma Tsurugi, được thuê để cứu chuyên gia
karate Junjo thoát khỏi tù giam trong khi giả dạng làm một nhà sư. Khi
công việc hoàn thành, anh trai và em gái của Junjo đến gặp Takuma
Tsurugi hỏi xem Juno đâu, và nói họ không có tiền trả công cho anh.
Người
anh chết trong lúc đánh nhau với Takuma, sau đó anh này đã bán cô em
gái làm nô lệ. Sau đó anh được thuê bắt cóc con gái ông trùm dầu hỏa,
nhưng khi biết tổ chức Yakuza có dính líu vào thì anh hạ những người
thuê mình và quyết định đi tìm cô gái, đang được một đạo trưởng nổi
tiếng che chở.
Takuma thách đấu với đạo trưởng, và sau khi anh bị
thua thì lão đạo trưởng cho anh biết ông từng quen biết với người cha
quá cố của anh khi ở Trung Quốc. Đạo trưởng thuyết phục Takuma giúp truy
tìm Yakuza, một quyết định đưa đến cao trào trên chiếc tàu chở hàng
trong cơn bão, Takuma đối đầu với Junjo ngùn ngụt hận thù, trận chiến
kết thúc bằng một trong những thương tích ghê gớm nhất trên phim võ
thuật.
Sonny Chiba trong vai Takuma Tsurugi
The Streetfighter có vinh dự là phim đầu tiên bị phân loại X vì
bạo lực ở Mỹ. Lý do quá rõ — máu me, xương gãy răng rắc, răng văng ra
và sọ người bị đập nát vượt quá xa dự kiến của MPAA đối với một phim
hành động từ ngoài nước Mỹ thập niên 70.
Đây là một bộ phim Nhật
có cảm tưởng như phim kung fu Trung Quốc, đồng thời giữ được tông điệu
độc đáo của phim Nhật thập niên 70, từ trang phục hòa nhoáng đến nhạc
jazz hiện đại trong phần nhạc nền.
Chiba không chỉ là một võ sĩ
xuất sắc mà còn là một diễn viên giỏi, với thời lượng trên màn ảnh tương
đương Toshiro Mifune, và ở phim này anh thể hiện diễn xuất định hình sự
nghiệp trong vai nhân vật phản người hùng có vấn đề nghiêm trọng với
chính quyền. Các chiêu thức kỳ lạ, với những cú dừng và thở rít lạ lùng,
không giống bất cứ ai trong lịch sử phim võ thuật. Nhanh, thú vị, điên
cuồng và bạo lực, đây là một phim không bao giờ gây thất vọng. Phim có
hai phần tiếp theo và một số phim ăn theo.
8. Ngũ độc giáo / Five Deadly VenomsĐạo diễn: Trương Triệt
Phát hành năm 1978, Hồng Kông sản xuất
Được huấn luyện bí mật, năm võ sinh được hướng dẫn các thế võ dựa theo
các loài vật khác nhau: cáp mô (cóc), xà (rắn), bích hổ (tắc kè), ngô
công (rết) và bò cạp. Sợ rằng một hay nhiều người trong số đó có thể làm
ác, sư phụ họ dạy thêm cho đồ đệ thứ sáu mội thế một chút, biết mình
không sánh bằng các sư huynh. Ông bảo đồ đệ này kết hợp với bất cứ ai
trong Ngũ Độc không làm ác và có thể giúp tiêu diệt những người còn lại.
Đây
là phim làm nên danh tiếng của nhóm Venom Mob (Quách Chấn Phong, Lộc
Phong, Giang Sinh, Tôn Kiến, La Mãng và Vi Bạch), nhóm nam diễn viên có
kỹ năng, những cảnh chiến đấu nhào lộn giúp củng cố danh tiếng của đạo
diễn Trương Triệt.
So với một số phim khác của ông mà đánh đấm có
phần dư thừa, với trọng tâm lại là những âm mưu hèn hạ. Không phải là
nói những màn đấu võ không hay: cuối phim, cả năm phái tranh nhau làm bá
chủ, khi những đồng minh và những kẻ hai mặt đều trở mặt, và sáu môn
đồ, với sự trợ giúp của Bích Hổ, xử lý những môn đồ Ngũ độc giáo mưu mô.
Ngũ độc
Có lẽ phim này có một trong những cảnh mở màn hay nhất trong phim kung
fu, khi từng môn đồ biểu diễn trong phòng luyện tập riêng với ánh đuốc,
đi từ những thế căn bản trong khi đeo mặt nạ và ăn vận toàn màu đen.
Phim quay chậm để thể hiện chi tiết hơn những hành động phá hủy khi
những cột gỗ, chậu và đĩa gốm bị đập nát.
Người ta không thể đánh
giá thấp nền văn hóa ảnh hưởng đến tính độc đáo của bộ phim này, từ
những liên hệ hip hop và trò chơi điện tử đến những yếu tố nổi bật trong
các phim võ thuật khác và phim truyền hình. Và đây không phải là bộ
phim kỳ quái nhất mà Trương Triệt làm ra trong thập niên đó.
7. Diệp Vấn / Ip ManĐạo diễn: Diệp Vĩ Tín
Phát hành năm 2008, Trung Quốc sản xuất
Chân Tử Đan trong vai Diệp Vấn
Danh sách này có hai phim về cuộc đời của võ sư Vịnh Xuân quyền Diệp
Vấn, có lẽ nổi tiếng nhất vì có thời gian dạy dỗ Lý Tiểu Long.
Phim
lấy bối cảnh những năm 1930 ở Phật Sơn, khi vị danh sư này (do siêu sao
hành động đương thời Chân Tử Đan đóng) mở võ đường tại trang viên mà
ông sống cùng vợ và con trai, thính thoảng nhận những lời thách đấu hữu
nghị từ các võ sư khác trong trấn (và ít nhất một người không hữu hảo từ
tỉnh khác). Nhưng mọi sự thay đổi khi quân Nhật xâm lăng.
Mọi
người dân, kể cả Diệp Vấn, bị buộc phải đi làm than đá, và một tướng
Nhật tàn ác tìm vui cho bản thân hắn bằng cách dàn dựng những trận tỉ
thí giữa các võ sư bị bắt và một nhóm võ sĩ karate. Khi Diệp Vấn chấp
nhận thách đấu, ông chứng tỏ tài năng siêu tuyệt bằng cách một lúc hạ
mười người. Điều này dẫn đến một trận đấu sinh tử, khi tên tướng Nhật
nhất quyết buộc Diệp Vấn đấu với hắn một chọi một để phô diễn trước công
chúng võ thuật Nhật Bản ưu việt. Với đặt cược nghiêng về phía kẻ thù,
Diệp Vấn lấy sinh mạng mình chống đỡ cho gia đình, bằng hữu và người dân
trong trấn.
Một cảnh chiến đấu của sư phụ Diệp Vấn
Sức thuyết phục tuyệt vời của Diệp Vấn, ngoài diễn xuất hấp dẫn từ Chân
Tử Đan, là những cảnh tỉ võ căng não tột độ. Trong số đó, cuộc đấu giữa
Diệp Vấn và vô số võ sĩ karate đai đen là cảnh nổi bật, một màn ca tụng
dành cho cảnh hành động được dàn dựng sắc sảo. Đạo diễn Diệp Vĩ Tín đã
làm nên tuyệt tác nắm bắt vũ đạo của Hồng Kim Bảo, cùng thần thái những
năm 1930 của câu chuyện. Đây là một trong vô số phim về Diệp Vấn những
năm gần đây, trong đó có phần tiếp theo của phim này và một phim tiền
truyện do người khác đóng chính, cũng như phần thứ ba đã được lên kế
hoạch do Chân Tử Đan đóng và quay 3D.
6. Túy quyền / Drunken MasterĐạo diễn: Viên Hòa Bình
Phát hành năm 1978, Hồng Kông sản xuất
Gần như ngay sau việc ra mắt và thành công của bộ phim võ thuật hài đột phá
Xà quyền diệt Độc Ưng / Snake In the Eagle’s Shadow,
đạo diễn Viên Hòa Bình và ngôi sao Thành Long đã bắt tay làm ngay phim
tiếp theo vận dụng tất cả những yếu tố hiệu quả trong phim đầu và nâng
tầm hết mức có thể, dàn dựng nhiều cảnh chiến đấu hơn, kết hợp nhiều
phần nhào lộn và hài hình thể hơn, một kỹ thuật làm phim ăn chắc, và
thêm nhiều sáng tạo kỳ quái mà Viên Hòa Bình rất giỏi.
Thành Long trong vai Hoàng Phi Hồng
Thành Long đóng một vai có lẽ là chính xác nhất về mặt lịch sử trong số
những phiên bản người anh hùng Hoàng Phi Hồng, mà Lý Liên Kiệt đã khắc
họa rất nổi tiếng trong phim đầu tiên của loạt phim
Once Upon A Time In China.
Trong
phim này, sau khi chịu đựng sự dạy dỗ tàn bạo của Tô Khất Nhi (do cha
của Viên Hòa Bình, Viên Tiểu Điền đóng), anh học một dạng kung fu phối
hợp hiệu quả rượu với một chế độ tập luyện loằng ngoằng từ cha mình khi ông
quá chán ngán cái cách khoa trương, cẩu thả của Hoàng Phi Hồng lúc nào
cũng dẫn anh đến những cuộc đánh nhau với những người lạ thô lỗ.
Chuyện còn tệ hơn, có một kẻ giết thuê độc ác (cao thủ taekwondo Hwang Jang Lee, vai phản diện trong phim
Eagle’s Shadow)
có nhiệm vụ giết cha của Hoàng Phi Hồng. Tô Khất Nhi biểu diễn cho anh
tám chiêu thức của các túy thần, nhưng Hoàng Phi Hồng bỏ qua nữ thần vì
chiêu thức của nữ giới khiến anh bối rối. Chuyện này trở thành vấn đề
trong trận đánh cuối cùng, anh buộc phải kết hợp bảy chiêu thức kia
thành một chiêu thức mới.
Thành Long (phải) và Viên Tiểu Điền trong một cảnh phim Túy quyền
Thành Long cho thấy vì sao anh nổi tiếng hài hước ngang với tài năng võ
thuật trên màn ảnh, ảnh hưởng từ Keaton/Chaplain/Lloyd bộc lộ rõ trong
từng cảnh anh diễn. Vì với
Eagle’s Shadow, không có máy vi
tính, không có nhiều cách làm hiệu ứng đặc biệt hay đánh lừa thị giác,
chỉ có sức vóc và làm việc rất gian khổ.
5. Ong Bak 2Đạo diễn: Tony Jaa, Panna Rittikrai
Phát hành năm 2008, Thái Lan sản xuất
Phim hậu truyện hay tiền truyện lấy theo tên bộ phim đột phá
Ong Bak
của Tony Jaa, xuất phẩm có chút rắc rối này được đồng đạo diễn với diễn
viên chính của phim vượt lên trước và đứng trên vai của bát ngát những
phim kung fu ngông cuồng, thậm chí vượt mặt những tác phẩm bất tử của
Thiệu Thị. Lấy bối cảnh thế kỷ 15 ở Thái Lan thời chính biến không
ngừng, phim xoay quanh một chàng trai trẻ mồ côi sau khi hoàng gia của
anh bị tàn sát.
Suýt bị những kẻ buôn nô lệ quẳng làm mồi cho cá sấu, tính ngoan cố và
gan lì của anh khiến anh được trùm ăn cướp yêu mến, che chở cho anh và
cho anh học hầu hết các môn phái võ thuật từ nhiều cao thủ dưới trướng
của hắn. Lớn lên, anh tiếp quản ngôi vị thủ lĩnh, trước tiên truy lùng
những kẻ buôn nô lệ từng muốn giết anh, rồi đến kẻ đã giết hại gia đình
anh. Công việc thứ nhì đặt anh vào nguy hiểm chết người, vì anh bị quân
đội truy sát ở quê nhà, nơi mà sự thật phũ phàng về gia đình tội phạm
nhận nuôi anh phơi bày ra ánh sáng.
Không có gì được làm nửa vời ở
đây. Jaa dường như ám ảnh với việc vượt qua tất cả những thần tượng
phim võ thuật của anh chỉ bằng mỗi một phim này, bày tỏ sự tôn kính dành
cho những phim của Thành Long, Lý Liên Kiệt, Lý Tiểu Long, võ sĩ đạo,
và chút này chút nọ của những phim kung fu từng vẻ vang màn bạc.
Trong
trận đấu cuối phim Jaa có vẻ đẩy mình đến giới hạn thể chất, chuyển từ
kiểu đánh này sang thế đánh khác với sự kéo léo lẫn mê cuồng kết hợp
quyền cước, kiếm, tam tiết côn, thằng tiêu, kung fu, muay thai và nhu
thuật. Những tòa nhà nổ tung, diễn viên đóng thế ngã từ rất cao xuống,
màn ảnh đầy ắp một cơn lốc hành động căng thẳng. Trong năm phim Tony Jaa
có đóng trong đó, phim này vượt hơn những phim khác, hay hơn xét bất kỳ
phương diện nào, hay hơn
The Protector (ấn tượng như phim đó), và hay hơn xa — có buồn cũng phải nói —
The Protector 2.
Tony Jaa trong phim
Như thể Jaa đưa hết những ý tưởng hay nhất của anh vào dự án này, và dốc
hết mình đến mức chẳng còn lại gì cho bất cứ phim nào sau đó. Dù anh
không bao giờ đạt đến đỉnh cao này lần nữa, thế giới sẽ luôn biết anh có
thể cừ khôi đến mức nào khi dành cho một bộ phim mọi điều anh có.
4. Đệ nhất quyền vương (Five Fingers of Death tức King Boxer)Đạo diễn: Trịnh Xương Hòa
Phát hành năm 1972, Hồng Kông sản xuất
Mặc
dù không hẳn là phim kung fu đầu tiên, câu chuyện tàn nhẫn về vinh
quang và báo thù này với ngôi sao võ thuật thập niên 70 La Liệt đã bắt
đầu cơn cuồng phim kung fu ở Bắc Mỹ ngay trước
Long tranh hổ đấu / Enter the Dragon
với Lý Tiểu Long. Bộ phim đã đặt khuôn mẫu cho rất nhiều phim tương tự
sau đó: một thanh niên tên Triệu Chí Hào được sư phụ Tống gửi đến võ
đường Ngũ Thượng để hoàn thiện kỹ năng và hy vọng đoạt danh hiệu vô địch
trong giải đấu võ thuật sắp tới.
La Liệt trong vai Triệu Chí Hào
Sư phụ võ đường Bách Thắng Mạnh Đông Sơn quyết định con trai ông ta phải
thắng cuộc đấu và đi đến cực đoan để đảm bảo thành công đó. Ông ta thuê
một tay võ công khá giỏi tên Trần Lãng đe dọa võ đường đối thủ. Tên này
về sau thảm bại dưới tay Chí Hào tại một tửu quán nổi tiếng. Sau đó
Mạnh Đông Sơn đưa về ba sư phụ karate và judo Nhật Bản để bắt Chí Hào
trên đường đi và làm gãy tay anh để ngăn chặn anh học Thiết trảo công,
môn võ sẽ giúp anh gần như bất khả chiến bại ở giải đấu.
Chúng
cũng sát hại vị sư phụ Tống đã nuôi Chí Hào, chỉ vì tức giận. Sự giúp đỡ
của bạn bè và người yêu đã vực Chí Hào dậy và nuôi chí, sau đó anh
luyện Thiết trảo công và hướng tới chức vô địch. Tất cả oán thù được
giải quyết trong màn đấu cuối.
Người ta có thể nghĩ rằng phim
kung fu có từ đầu thập niên 70, trước khi thể loại này được hoàn thiện,
có lẽ hơi loảng xoảng và động tác chậm khi so với những phim về sau,
nhưng nhận định này là sai.
Five Fingers có tất cả phong cách
và tinh nhạy của một phim võ thuật chất lượng cao, và thay thế những
kiếm khách lịch lãm bằng những tay đấu quyền tinh nhuệ. Những cảnh chiến
đấu, dù không mãnh liệt như trong phim của Trương Triệt, không được
biên đạo khéo léo như trong tác phẩm của Lưu Gia Lương hay Viên Hòa
Bình, diễn ra nhanh và cuốn hút, và tận dụng hết sức năng lực thể chất
của diễn viên.
Một cảnh chiến đấu trong phim
Tông điệu u ám, tàn khốc của những phim kung fu sau này dường như lấy
nguyên mẫu từ đây: phần lớn nhân vật chính bị sát hại, bị móc mắt, đập
nát bàn tay, hay bị nện vào mặt. Với giá trị tuyệt vời, phim vẫn đứng
vững sau ngần ấy năm, và là, không hề bất ngờ, một ảnh hưởng lớn đến các
phim
Kill Bill, cả về hình ảnh lẫn nhạc nền.
3. Thiếu Lâm tam thập lục phòng (The 36th Chamber of Shaolin
hay còn có tựa Shaolin Master Killer hoặc Master Killer)Đạo diễn: Lưu Gia Lương
Phát hành năm 1978, Hồng Kông sản xuất
Chứng
kiến quan lại Mãn Châu chèn ép người Hán, chàng thanh niên Sơn Đức tham
gia phong trào phản Thanh phục Minh, tuy nhiên cả nhà và đồng chí của
anh đều bị giết. Để trả thù, anh lên chùa Thiếu Lâm học kung fu, nhưng
các vị cao tăng ở đó không có lệ truyền thụ võ công cho bất kỳ ai — anh
phải quy y và học võ thuật cơ bản rồi mới được phép luyện nâng cao.
Các cấp độ huấn luyện khác nhau của Thiếu Lâm chia thành 35 phòng, mỗi
phòng chuyên một kỹ năng hoặc chiêu thức. Sơn Đức thông thạo tất cả các
phòng, đi xa đến mức phát triển một vũ khí mới — gọi là tam tiết côn.
Anh đề nghị với các sư phụ một phòng mới, phòng thứ 36, dạy võ công cho
đại chúng, và gửi đi khắp nơi để tìm lính mới, đồng thời trừng phạt
tướng nhà Mãn chịu trách nhiệm về cái chết của cả gia đình anh và việc
đàn áp phong trào kháng chiến. Đến cuối, anh bắt đầu quá trình hi2nht
hành phòng thứ 36 của Thiếu Lâm tự, dạy cho các đệ tử tục gia võ thuật
đối kháng và khai sáng.
Chủ đề tương tự như bộ phim
Invincible Pole Fighter
của cùng đạo diễn,
36th Chamber chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, và
dành nhiều thời lượng nhấn mạnh vào việc huấn luyện nhọc nhằn, như nhà
binh mà các nhà sư Thiếu Lâm phải trải qua để trở thành cao thủ. Trên
hết thảy đây chính là điều phim muốn nói đến, miêu tả cuộc sống ở Thiếu
Lâm tự qua lăng kính khát vọng hoàn thiện bản thân của một nhân vật và
báo thù kiểu không phải nhà Phật (“Ngay cả Phật tổ cũng trừng phạt kẻ
xấu” anh nói để biện minh).
Rõ ràng đây là một phim gây ảnh hưởng — nhóm nhạc rap The Wu-Tang Clan
xem ra thực sự ái mộ phim này — phim còn khác thường vào thời đó, thời
mà các phim võ thuật thường tập trung vào hành động của các kiếm khách
giang hồ hay các cao thủ võ lâm, chứ không phải cuộc sống trong chùa.
Như trong tất cả những phim của Lưu Gia Lương, các cảnh đấu võ rất
tuyệt, được quay bằng kiểm lạ thường về mặt hình ảnh đã thực sự làm nên
danh tiếng cho hãng Thiệu Thị vào thời bấy giờ.
2. Đột kích (The Raid hay The Raid: Redemption)Đạo diễn: Gareth Evans
Phát hành năm 2012, Indonesia sản xuất
Đạo
diễn người xứ Welsh Gareth Evans đã xuất sắc kết hợp ý tưởng mức độ leo
thang và nhà vô địch chung cuộc với một mạch truyện kung fu
giết-chết-hết chịu ơn rất nhiều tác phẩm hay nhất của Ngô Vũ Sâm, Lâm
Lĩnh Đông và phim tâm lý tội phạm Hồng Kông thập niên 90 nói chung.
Thực ra, gọi đây là phim “kung fu” cũng không hoàn toàn công bằng vì võ
thuật chính thể hiện trong phim là pencak silat của Indonesia, mà trong
bối cảnh phim có vẻ rất giống võ tổng hợp nhấn mạnh hơn và muay thai
boxing. Câu chuyện chỉ có thế này: một đội SWAT đột kích vào tòa nhà
chung cư của một tên trùm xã hội đen cho phép mọi chuyện làm ăn mờ ám
trong khi bắt giữ người dân trong chung cư làm con tin. Nhóm SWAT bị
phát hiện và mọi chuyện đổ vỡ.
Họ bị tấn công tứ phía bằng dao
rựa -và-súng-những cú đấm, và khi cả đội dần dần ngã gục, một thành viên
đặc biệt tài năng về silat (Iko Uwais đóng) mở đường máu lên mái nhà,
đồng thời cố gắng cứu người anh ngang bướng và hạ một tay đấm khác. Và
tất nhiên không câu chuyện tội phạm nào hoàn chỉnh mà không có một sếp
cảnh sát cấp cao móc ngoặc với kẻ xấu.
Tác giả bài viết này từng
xem rất nhiều phim hành động, vậy mà vẫn thấy khó xem The Raid. Đây
không phải là chê giá trị của bộ phim ly kỳ hoành tráng những trận tứ
chiến, mà đây nhất định là một phim hàng đầu miêu tả một mức độ tàn bạo
phi thực.
Người ta bị chém, bị chặt tay, và các nhân vật bị đánh nặng đến mức họ
phải nhập viện hàng trăm lần. Bạn có thể nói phim hành động là phải vậy,
nhưng trong The Raid có cảm giác khủng khiếp hơn và tàn bạo hơn. Diễn
xuất thể chất cực đỉnh, giải thích địa vị được tôn sùng mà bộ phim này
đạt được.
Đây là một chuẩn mực không thể phủ nhận trong phim hành
động, một phim đã nâng chuẩn mực lên và thách thức các nhà làm phim
khác vượt lên. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng nhiều nhà sản xuất và
đạo diễn nhận thách thức đó. Đã có thảo luận bản làm lại của Mỹ, do
Evans sản xuất, nhưng đến giờ chưa có vẻ gì là trở thành hiện thực. Tiếp
theo là The Raid 2, và một phần ba có khả năng đang được triển khai.
1. Nhất đại tông sư / The GrandmasterĐạo diễn: Vương Gia Vệ
Phát hành năm 2013, Hồng Kông-Trung Quốc sản xuất.
Lương Triều Vỹ trong vai Diệp Vấn
Hãy để Vương Gia Vệ tái định nghĩa một cách cốt lõi phim kung fu là gì, y như cách ông định nghĩa lại võ thuật với
Đông tà Tây độc / Ashes of Time.
The Grandmaster
khác phim đó vì không tránh những cảnh chiến đấu, chỉ tràn qua tránh
lại chỗ này chỗ kia, trong khi làm cho hành động mờ ảo đi bằng cách quay
chậm.
Trong phim này, rõ ràng Vương Gia Vệ muốn làm một phim võ
thuật nghệ thuật thực thụ về mọi nghĩa, nhưng không muốn bị giới hạn bởi
hạn chế kể chuyện thường có của thể loại này. Về cơ bản ông kể đúng
cùng câu chuyện như hai phim Diệp Vấn của Chân Tử Đan, về những trận đấu
của cao thủ Vịnh Xuân quyền ở Phúc Sơn, mà Diệp Vấn trước hết phải
chứng tỏ mình xứng đáng lãnh đạo các cao thủ địa phương để đại diện cho
nền võ thuật Nam Trung Hoa, sau đó mất gần hết người thân trong các cuộc
đánh bom của quân Nhật, và cuối cùng lưu vong ở Hồng Kông mở trường dạy
Vịnh Xuân quyền.
Lương Triều Vỹ thể hiện một Diệp Vấn bề ngoài
lạnh lùng, điềm tĩnh, và Chương Tử Di vừa hấp dẫn lẫn bi kịch trong vai
người yêu thuần khiết của anh, người phụ nữ là truyền nhân cuối cùng của
môn phái của cha mình, chọn để cho tuyệt học đó chết cùng với mình khi
cô thất chí và nghiện thuốc phiện. Có một mối tình thầm lặng, thuyết
phục giữa hai nhân vật này vượt lên những kịch tính quá mức thường thấy
trong các câu chuyện tình của thể loại phim võ thuật.
Chương Tử Di trong phim The Grandmaster
The Grandmaster có là phim về sự kết thúc của một thời đại này
và sự bắt đầu của một thời đại khác, ý tưởng được diễn đạt bằng thời kỳ
tiến bộ của nhiều người trong dàn diễn viên, và cách các nhân vật nói về
sự hết thời của những kỹ thuật được sùng bái và đã bị lãng quên theo
năm tháng. Diệp Vấn hết lòng truyền dạy môn kung fu từng được dành riêng
cho con cái nhà giàu và lan truyền môn võ này càng xa càng tốt. Cuối
cùng, đây là một phim về sự nổi lên của văn hóa Trung Hoa và địa ngày
càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Những cánh chiến
đấu xuất sắc, còn ai khác hơn Viên Hòa Bình (cái tên thường xuyên xuất
hiện trong danh sách này) là người dàn dựng, và có rất ít phim hay cỡ
này trong những năm gần đây, với mọi cảnh có tác động như một bức ảnh
tông màu nâu đỏ, đẹp choáng váng, và Vương Gia Vệ sử dụng slow-motion
xuyên suốt một cách tài tình. Một bộ phim đẹp và hút hết tâm trí,
The Grandmaster
kể câu chuyện Diệp Vấn hay hơn các xuất phẩm hợp tác của Diệp Vĩ
Tín/Chân Tử Đan, và mặc dù vì một số vấn đề sản xuất dẫn đến việc phim
này ra mắt sau, rất xứng đáng để chờ đợi phim này.
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Taste of Cinema