Tin tức

Chappie hay là hậu Prometheus

03/03/2015

Tác giả bài viết này đã từng xem District 9 nên là người hâm mộ Neill Blomkamp cuồng nhiệt, không chỉ vì anh đã đem đến một phim mang tính giải trí và đầy cảm xúc, mà còn vì anh có khả năng lồng vào ý nghĩa đạo đức và chính trị. Xem trailer Chappie tác giả có những cảm xúc lẫn lộn.

Có vẻ về mặt kỹ thuật phim này sẽ xuất sắc như District 9, nhưng Blomkamp chừng như đã ngủ quên trên chiến thắng.

Đạo đức và chính trị doanh nghiệp phối trộn với văn hóa nhóm phong trào đối lập Nam Phi

Chủ đề chính của Chappie tương tự District 9, tóm gọn trong một câu: Nhân loại sẽ phản ứng thế nào với một dạng sự sống có tri giác mới hoàn toàn khác chúng ta? Trong District 9 khác biệt chính là dạng sự sống đó là người ngoài hành tinh, trong Chappie dạng sự sống mới là một sự sống nhân tạo do chính con người làm ra.

Ninja và Chappie có một mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa

Đã có những ngành khoa học chuyên tâm vào việc nhân loại sẽ phản ứng thế nào trước một sự kiện như thế, thậm chí những ngành chuyên tâm vào những dạng sự sống mới có thể trông ra sao. Liên quan đến trí tuệ nhân tạo thì ngay cả Stephen Hawking cũng đã nói về những rủi ro cố hữu trong đó.

Suy ngẫm về những hậu quả của sự sống nhân tạo còn xưa hơn cả những gì chúng ta nghĩ tới nhất; Golem,* người lùn, Pygmalion**... tất cả những truyền thuyết và huyền thoại có cùng chủ đề này. Phim hiện đại đầu tiên hẳn là Frankenstein; hay, Prometheus hiện đại kể từ đây có đề tài này. Frankenstein, người sáng tạo, phải đối phó với con quái vật, trong sách là được ráp nối, thông minh và chỉ muốn được người tạo ra nó, hay bất cứ ai, chấp nhận nó. Mọi chuyện kết thúc một cách hãi hùng vì con quái vật càng ngày càng căm giận Frankenstein đã không chấp nhận nó hoặc không chịu tạo ra cho nó một bạn phối ngẫu để nó không cô độc. Con quái vật này quả là một nhân vật bi kịch, đâu có yêu cầu được tạo ra và chỉ muốn được thừa nhận.

Hãy nuôi dạy con cái nên người, nhất là những đứa con làm bằng kim loại

Ít ra Chappie có được sự thừa nhận và tình yêu từ người tạo ra anh và một vài nhân vật trong phim, nhưng còn tất cả những phản ứng không lấy gì làm tích cực từ... ừm, hầu hết mọi người khác trong phim thì sao? Chappie sẽ không muốn bảo vệ mình với bất kỳ giá nào khi anh nhận ra người ta lùng bắt anh chứ? Anh ta sẽ không cáu điên với thiên hạ vì đã coi anh là một mối nguy hiểm chứ? Liệu anh sẽ (có quyền) phản công lại nếu anh muốn sống?

Từ những gì xem được trên trailer ta thấy rằng anh sẽ đánh trả, ít ra là phần nào, với sự giúp đỡ của bạn bè trong phong trào đối lập ở Nam Phi của anh, từ những hình ảnh cho thấy anh còn hơn cả hài lòng khi làm thế. Ngược lại, các nhà điều hành và kỹ sư đã tạo ra lực lượng cảnh sát rôbô này thì hết sức đáng đời khi phải kinh hoàng trước hậu quả. Bình minh của trí tuệ nhân tạo không chừng sẽ là hoàng hôn của nhân loại.

Hãy nhìn chằm chằm con khỉ đủ lâu...

Câu hỏi thú vị không phải là chúng ta sẽ phản ứng nhiều đến mức nào, mà là chúng sẽ phản ứng nhiều hơn đến mức nào?

Loài người chúng ta là sự sống có tri giác duy nhất mà chúng ta biết (tùy chuẩn của bạn thì có thể còn có cá heo, khỉ đột, thậm chí voi) có một lịch sử lâu dài và đẫm máu đối xử tệ với những người khác với chúng ta. Vấn đề là, đấy không hẳn là đặc tính riêng của loài sinh vật có tri giác. Liệu Chappie, nhận ra mặt xấu của con người quyết định rằng chúng ta không đáng sống, rồi chúng ta thấy mình lâm vào một ma trận chiến tranh với máy móc?

Ba định luật không cứu được ta lần này

Những ai quen thuộc với tác phẩm của Isaac Asimov,*** hay là khoa học giả tưởng nói chung, có lẽ sẽ biết ba định luật về khoa học người máy (robotics). Đây là bộ định luật do Asimov tạo ra làm tường lửa để ngăn chặn người máy nổi loạn và tấn công con người. Ông tiếp tục áp dụng ba định luật này vào bất kỳ công cụ nào và ngoại suy tác dụng của chúng với người máy biết suy nghĩ:

1. Người máy không thể làm hại con người hoặc trơ ì để cho con người làm hại. (Bất kỳ công cụ tối tân nào cũng sẽ không làm hại người sử dụng nó, đơn giản là thế).

2. Người máy phải tuân lệnh người điều khiển là con người, trừ khi những mệnh lệnh đó mâu thuẫn với Định luật 1. (Một công cụ, muốn hữu ích, phải thực hiện nhiệm vụ mà công cụ đó được thiết kế để làm).

3. Người máy phải bảo toàn sự tồn tại của mình miễn là sự bảo toàn đó không mâu thuẫn với Định luật 1 hoặc Định luật 2. (Một công cụ phải có sức bền hết mức có thể).

Ba định luật này có vẻ rất chặt chẽ, và người máy Asimov nhìn chung đã viết nên những câu chuyện cho thấy rôbô hiếm khi nổi loạn, mà lỡ có nổi loạn thì đa phần là vì bị sử dụng sai mục đích hoặc do chương trình bị lỗi. Tuy nhiên, xem ra không có khả năng một người máy cảnh sát mà lại được cài đặt chương trình không làm hại con người, thế nên tội phạm sẽ nhanh chóng suy ra điều đó, nhưng ngay cả dù Chappie cá biệt có tuân theo ba định luật này đi chăng nữa thì cũng sẽ sớm “chạy bậy” mà thôi.

Định luật số không

Người máy trong vũ trụ của Asimov rốt cuộc trở nên chuyên quyền không phải vì chúng muốn làm hại con người, mà vì chúng trở nên quá thông minh với chúng ta. Rốt cuộc chúng tự lập ra định luật đầu tiên của chúng, định luật 0.

Định luật 0. Người máy không thể hại con người, tức là, ì ra để cho con người làm hại.

Về lý thuyết thì có vẻ tốt đẹp, vấn đề là con người có khuynh hướng tự làm hại mình, và dù chúng ta cố kiềm chế không tự làm hại mình một cách trực tiếp; ai là người phán xét điều gì là tốt hơn hai tệ hơn cho loài người? Về lý thuyết chúng ta hoàn toàn có quyền phạm sai lầm và và gây hại cho mình nếu chúng ta chọn lựa làm vậy (hút thuốc lá, uống rượu, béo phì, ăn thức ăn nhanh, có những mối quan hệ độc hại, u uất...). Làm sao những chúa tể người máy của chúng ta (vì phải thừa nhận, chẳng bao lâu chúng sẽ lật đổ chúng ta thôi) giải quyết được những vấn đề đó?

Đến tận ngày nay, lịch sử đầy rẫy những người cảm thấy mình đang hành động vì nhân loại tốt đẹp hơn nhưng để lại đằng sau những dấu vết ác nghiệt: tôn giáo, chính trị và các chế độ độc tài lúc nào cũng kêu gọi "tốt lành hơn". Các thể chế chính trị tìm cách tạo dựng thiên đàng hạ giới, các cuộc chiến tranh tôn giáo nói là chiến đấu để cứu rỗi linh hồn cho những người ngoại đạo, thậm chí Hitler, hình ảnh thu nhỏ của quỷ dữ, mà cũng cảm thấy hắn đang vì một nhân loại tốt lành hơn, dù "nhân loại" mà hắn nghĩ không hẳn trùng khớp với điều mà mọi con người lành mạnh nghĩ trong đầu đi nữa cũng không làm giảm bớt ý nghĩa của suy nghĩ này, hắn nghĩ hắn đang làm điều tốt, tin hay không cũng mặc. Khi bạn có một mục tiêu lớn hơn thực tế, hiển nhiên chiến lược đạt được mục tiêu đó sẽ phải mất rất nhiều mạng người.

Blomkamp (ảnh trên, trái) có thể khiến chúng ta ủng hộ Chappie nhiều tới mức nào thì tùy nhưng tác giả sẽ cần nhiều hơn một đôi tai thỏ và giọng nói buồn cười để có thể bỏ qua ý định nô dịch hóa tất cả chúng ta của anh, dù đó là vì muốn tốt cho chúng ta đi chăng nữa.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Movieplot


* Trong truyền thuyết Do Thái, Golem là tên của con quái vật được làm từ bùn cũng giống như con người nhưng mạnh và khỏe hơn loài người.
** Trong huyền thoại Hy Lạp cổ, Pygmalion là hoàng tử đảo Cyprus, trầm lặng cô đơn và lãng mạn. Pygmalion đã đem hết tâm hồn mình để tạc nên bức tượng một cô gái đẹp tuyệt vời, đặt tên là Galatea. Từ khi có Galatea, Pygmalion vui sướng như có được người phụ nữ lý tưởng của đời mình, người bầu bạn mà hằng ngày chàng âu yếm chuyện trò. Pygmalion đem lòng yêu sâu sắc tác phẩm của chính mình và tha thiết khẩn cầu thần Vệ Nữ ban cho Galatea hơi thở sự sống. Cảm động trước tài năng và tình yêu chân thành của Pygmalion, nữ thần Tình Yêu đã hóa phép cho bức tượng ngà biến thành người thật. Ước mơ toại nguyện, nàng Galatea xinh đẹp trở thành vợ chàng và hai người sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.
*** Isaac Asimov (tên khai sinh Isaak Yudovich Ozimov, 1920-1992): tác giả người Mỹ và là giáo sư hóa sinh tại Đại học Boston, được xem là một bậc thầy khoa học viễn tưởng.