Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Frozen

10/12/2013

Disney lại vén màn câu chuyện cổ tích về nàng công chúa mới nhất của họ vừa đúng dịp Lễ Tạ ơn: Frozen (phát hành ở Việt Nam với tựa Nữ hoàng băng giá), phim hoạt hình ca nhạc chắc chắn sẽ thích hợp với những gia đình đang tìm kiếm chút niềm vui điện ảnh trong lúc cắt cơn buồn ngủ vì ăn quá nhiều gà tây.

Lấy cảm hứng phỏng theo truyện Bà Chúa Tuyết của Hans Christian Andersen, Frozen tập trung vào nàng công chúa luôn lạc quan Anna (Kristen Bell lồng tiếng), cùng với một tiều phu thô lỗ, một chú tuần lộc hoạt bát và một người tuyết cực đáng yêu - tiến vào vùng hoang dã lạnh giá và khắc nghiệt để tìm kiếm người chị Elsa (Idina Menzel) đã bị trục xuất, người đã khiến vương quốc chìm trong mùa đông vĩnh cửu bằng quyền năng phi thường của mình.

Frozen là một bộ phim đáng đồng tiền bát gạo, nhưng vé xem 3D thì sao? À, đấy chính là điều mà chuyên mục 3D hay không 3D bàn tới, phân tích cách sử dụng 3D trong một bộ phim với vai trò hướng dẫn tiêu dùng cho khán giả. Bằng cách điểm qua từng khía cạnh của việc áp dụng 3D, tác giả trao cho người đọc công cụ để quyết định xem liệu hiệu ứng 3D trong Frozen có xứng với phụ thu không.

Tính phù hợp

Phim hoạt hình vẽ bằng vi tính cơ bản là nền tảng thích hợp nhất cho 3D. Với mọi lớp hình ảnh trong khung hình được tạo ra bằng vi tính, thì việc tách và bẻ chúng ra để làm tăng chiều sâu của 3D càng dễ dàng hơn. Cho nên, chỉ tính công cụ thôi thì Frozen cũng đã phù hợp rồi. Và tính cả cốt truyện phiêu lưu ngập tràn những phong cảnh bao la, những bông tuyết đẹp ngỡ ngàng và các cảnh hành động vui nhộn thì việc dùng 3D không thể dễ hơn.

Điểm: 5/5

Kế hoạch và công sức

Disney luôn trung thành với phim 3D. Không chỉ những phim mới của họ như Tangled (đã phát hành ở Việt Nam với tựa Người đẹp tóc mây), Planes hay Wreck-It Ralph mới ra mắt dưới định dạng 3D, mà họ còn tái phát hành những phim kinh điển của mình như Beauty and the Beast, The Lion King, và Finding Nemo hậu chuyển đổi 3D. Về cơ bản, các nhà làm phim Disney ngày nay rõ ràng nhận thức được rằng phim của mình sẽ phải phát hành với chiều thứ ba. Vì thế các đạo diễn Chris Buck và Jennifer Lee đã lên kế hoạch tránh các yếu tố cận cảnh mờ ảo, lia máy quay và các góc máy "chết" ở định dạng 3D.

Điểm: 5/5

Trước màn ảnh

Hầu hết người xem đánh đồng phần này với 3D. Đây là khía cạnh mang tính "nổi" hướng về khán giả. Thực lòng mà nói, ngoài vài bông tuyết bay lả tả, người viết nhận thấy nhà làm phim ít sử dụng khía cạnh này trong Frozen. Tuy nhiên, Get a Horse, đoạn phim ngắn mở màn về chuột Mickey chiếu trước đó lại tận dụng tối đa "phần nổi", phần cường điệu nhất của 3D. Để tránh làm hỏng những bất ngờ của đoạn phim ngắn này, người viết chỉ tiết lộ bấy nhiêu thôi.

Điểm: 3/5

Sâu trong màn ảnh

Ngược lại, sâu trong màn ảnh là phần mở rộng ra thế giới của các nhân vật, và điều này được thể hiện tuyệt đẹp trong Frozen. Lâu đài nơi Anna và Elsa sống tráng lệ và sâu hút, và 3D không chỉ làm nổi bật sự nguy nga của nơi này mà còn nhấn mạnh rằng hai chị em cô đơn cảm thấy nó thật rộng lớn và trống vắng trong cảnh đầu phim. Ngay khi họ dấn thân vào rừng sâu, có khả năng 3D sẽ bị lạc trong tuyết, nhưng Buck và Lee đã thận trọng thiết kế thế giới băng tuyết bằng rất nhiều kết cấu phù hợp với 3D.

Điểm: 5/5

Độ sáng

Đây thường là vấn đề với những phim hành động tăm tối hay che chắn các cảnh chiến đấu chủ chốt trong bóng tối của màn đêm. Nhưng hoạt hình Disney được sinh ra để ngập tràn màu sắc tươi sáng và người xem sẽ không bỏ lỡ cơ hội tận hưởng chút nào của Frozen với sự bổ sung của các cặp kính 3D mờ ảo. Song, Get a Horse lẽ ra nên sáng hơn một chút. Những phim hoạt hình đen trắng đặc biệt trông tối tăm khi đeo kính vào.

Điểm: 4/5

Thử bỏ kính

Đây là cách đơn giản hữu hiệu để xem bạn bỏ tiền ra để có được bao nhiêu phần 3D. Chỉ cần tuột kính ra và xem hình trên màn ảnh mờ cỡ nào khi không có kính. Về cơ bản, hình càng mờ tức càng có nhiều 3D. Nhiều lớp hình ảnh của Frozen đảm bảo rằng phim sẽ vượt qua thử nghiệm này với những màu sắc bay lượn.

Điểm: 5/5

Sức khỏe của khán giả

3D tồi không chỉ gây khó chịu mà có thể khiến ta mệt mỏi, buồn nôn hoặc nhức đầu. Không có vấn đề nào kể trên xuất hiện khi xem Frozen. Tác dụng phụ tiêu cực duy nhất mà người viết gặp phải đó là những bài hát đáng yêu đó cứ lởn vởn trong đầu, khiến tác giả lẩm bẩm hát liên tục nhiều ngày sau đó. May thay nhạc phim đã được phát hành và trở thành phương thuốc hoàn hảo. Vậy đó, nhạc vẫn cứ văng vẳng trong tâm trí người viết. Nhưng ít ra giờ đây người viết đã thuộc hết lời nên không còn lẩm nhẩm mỗi câu "Bạn muốn đắp người tuyết không?" nữa. Không có gì để hối hận cả.

Điểm: 5/5
BẢNG ĐIỂM
Tính phù hợp
5
Kế hoạch và công sức
5
Trước màn ảnh
3
Sâu trong màn ảnh
5
Độ sáng
4
Thử bỏ kính
5
Sức khỏe của khán giả
5
Tổng điểm
32 (trên tối đa 35 điểm)

Kết luận: Nói chung, Frozen 3D là trải nghiệm rất tuyệt. Phim được xây dựng một cách kỹ càng, về mặt ảnh hưởng của kỹ thuật quay phim lên công cụ này và khán giả, lý giải cho hiệu ứng mờ ảo của kính 3D, và việc tận dụng khả năng của công cụ này để làm tăng chiều sâu. Nhưng bất chấp tổng điểm khá cao, người viết phải thừa nhận rằng mình không muốn khuyến khích khán giả xem phim ở định dạng 3D. Nói thực, nếu không phải có nhiệm vụ là chú ý đến các yếu tố 3D trong phim, tác giả không nghĩ mình sẽ nhận thấy chúng. Đây không hẳn là chỉ trích 3D, mà là một lời bình về việc bản thân Frozen đã lôi cuốn và thú vị rồi, dù có 3D hay không. Nhưng mà này, bởi thế giới của hai chị em ưa ca hát cùng những hoàng tử bảnh bao, người tuyết biết nói và chú tuần lộc đáng yêu quá lôi cuốn, nên người viết có thể hiểu được vì sao bạn muốn tiến đến thế giới ấy càng gần càng tốt.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi