Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Titanic

13/05/2012

"Bà có sẵn sàng quay lại với Titanic không?" là câu hỏi của nhân vật nhà săn tìm kho báu kiêu ngạo do Bill Paxton thể hiện đặt ra với nhân vật Rose lúc về già do nữ diễn viên quá cố Gloria Stuart thủ vai trong đoạn mở đầu phim Titanic, và đó cũng là câu hỏi tương tự mà đạo diễn kiêm tác giả kịch bản James Cameron đặt ra với khán giả khi siêu phẩm của ông quay lại các rạp hát ở định dạng 3D hợp thời trang.

Ngoài khía cạnh kiệt tác kỹ thuật vào thời điểm ra mắt năm 1997, Titanic đã trở thành một hiện tượng văn hóa và ghi một kỷ lục 14 đề cử Oscar và thắng 11 giải, trong đó có Đạo diễn xuất sắc và Phim xuất sắc, và thu được hơn 1,8 tỉ đôla doanh thu toàn cầu. Chung cuộc, đây là một thành công mà rất ít nhà làm phim mơ ước lập lại, thế nhưng Cameron đã làm được vào năm 2009 khi siêu phẩm viễn tưởng Avatar của ông vang danh khắp toàn cầu không những được giới phê bình khen ngợi mà thu về doanh số đình đám mà đã được củng cố và làm tăng giá trị nhờ sử dụng công nghệ 3D.

Giờ đây, Cameron, người ủng hộ 3D nhiệt thành, đưa thêm một chiều nữa vào khẳng định kinh điển hiện đại của ông, "3D làm giàu cho gần như mọi khoảnh khắc gây cấn trong phim Titanic và là những khoảnh khắc cảm xúc nhất. Hơn lúc nào hết, bạn thấy mình đang ở đó trải qua cơn nguy nan mà Jack và Rose trải qua. 3D nâng trải nghiệm phim lên một tầm mới."

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu xem liệu niềm đam mê 3D của Cameron có chuyển hóa vào công việc chuyển đổi hậu kỳ của Titanic hay không.

Tính phù hợp

Khi nhớ đến Titanic của Cameron, cảnh tượng đầu tiên hiện lên trong tâm trí thường nhất là hành động và kịch tính khó tin mở ra lúc con tàu khổng lồ này chìm xuống. Tuy nhiên, con tàu không va phải tảng băng trôi định mệnh cho đến khi đã được gần hai tiếng đồng hồ trong thời lượng 194 phút của bộ phim. Trước đó, hầu hết là cảnh lãng mạn và mâu thuẫn giai cấp, xem ra các yếu tố không phải là lựa chọn hiển nhiên cho một sự nâng cấp 3D. Tuy nhiên, sự kỳ vĩ và quy mô của con tàu huyền thoại này tự thân đã phù hợp cho việc bổ sung chiều không gian thứ ba.

Điểm: 3/5

Kế hoạch và công sức

Rõ ràng khi Titanic được sản xuất lần đầu vào năm 1997, không ai nghĩ đến việc làm phim này thành bản 3D. Tuy nhiên, Cameron đã khẳng định rằng mối quan tâm dành cho công nghệ 3D của ông đã có từ năm 2001, và ông cùng đối tác sản xuất lâu năm Jon Landau đã nghĩ đến việc áp dụng công nghệ này cho Titanic về sau. Sau khi chạy thử một số phiên bản, cặp đôi này đã giám sát toàn bộ quá trình tái dựng 3D của Titanic trong đó có những phát triển đột phá trong chuyển đổi 2D thành 3D, 300 nhân viên đồ họa vi tính, và hơn 750.000 giờ công để chạm khắc và xử lý cắt lớp ảnh (rotoscope) 295.000 khung hình để cho Titanic một chiều mới và sâu hơn. Thế nhưng, quay phim và dựng cảnh gốc khó mà hưởng được lợi ích của công nghệ 3D từ đầu đến cuối.

Điểm: 3/5

Trước màn ảnh

Đây thường được xem là khía cạnh lóa mắt và phô trương nhất của 3D, nhưng lại là khía cạnh gây hào hứng nhất. Tuy nhiên, phim chuyển đổi hậu kỳ thì khó mà tận dụng được yếu tố này, và Cameron cùng nhóm của ông không hề bận tâm, thật đáng tiếc khi có nhiều sóng biển cuồn cuộn trong phim như thế. Thay vì thế, Cameron thích việc đưa thêm chiều sâu trong màn ảnh hơn.

Điểm: 1/5

Sâu trong màn ảnh

Đây là điều bản Titanic 3D làm tốt nhất. Phong cách quay phim của Cameron trong phim này đã đem lại thích thú với sự phong phú về tính kỳ vĩ và quy mô của con tàu Titanic, nhưng với việc thêm chiều thứ ba, những đại sảnh, cầu thang, boong tàu và nhà ăn đều có chiều sâu như thực. 3D quả đã thêm yếu tố đáng kỳ diệu mới vào các cảnh quay trong phim trường cũng như cảnh thám hiểm xác con tàu dưới nước. Tuy nhiên, không chuyển tải được ngoại cảnh con tàu, do chuyển đổi hậu kỳ, trông phẳng toẹt và kém thật hơn trước khi để cạnh những bản chuyển đổi 3D được thực hiện xuất sắc khác.

Điểm: 4/5

Độ sáng

Phàn nàn thường gặp về phim 3D là hậu quả do cặp kính 3D đem lại sự tối tăm, mà một số phim không tính tới. Cameron, luôn để mắt đến mọi lời chỉ trích công nghệ 3D, đã tính tới điều này, đảm bảo mọi cảnh phim đều đủ sáng sủa để vẫn trong như pha lê với bóng râm của cặp kính 3D, do đó không bỏ lỡ chi tiết nào.

Điểm: 5/5

Thử bỏ kính

Đây là thử nghiệm điển hình mà phim chuyển đổi hậu kỳ đều thua phim quay bằng 3D. Cách thử rất đơn giản – bỏ kính ra và quan sát xem hình ảnh nhòe đi thế nào. Càng nhòe là càng rõ công dụng của 3D. Mặc dù chuyển đổi hậu kỳ, Titanic vẫn làm ăn tốt trong đấu trường này với các cảnh phim hành động có thể và đã được nhào nặn 3D. Vì thế, khi Rose và Jack lăn tuột trên boong tàu hoặc chạy trong hành lang, độ nhòe thay đổi, cho thấy nhóm của Cameron đã chú tâm vào việc sáng tạo một cảm giác như thật của chiều không gian thứ ba. Các cận cảnh thì kém ấn tượng hơn. Ở những cảnh này, các họa sĩ vi tính đã nỗ lực vô ích để khắc họa gương mặt, và thêm một chiều vào những yếu tố nền, chẳng hạn những lọn tóc xoắn của Rose, nhưng kết quả quá mờ nhạt khó nhận ra.

Điểm: 3/5

Sức khỏe của khán giả

Do nhảy từ tiêu điểm này sang tiêu điểm khác quá nhanh, đôi khi 3D làm cho khán giả thấy nhức đầu. Trong phim chuyển đổi hậu kỳ, việc này thường xảy ra hơn khi việc chuyển đổi làm cho phim bị rung như thể hình ảnh bị cà lăm. Với tất cả nỗ lực mà Cameron nhóm của ông đã đặt vào có một số sự "cà giật" như thế nhưng chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi gây khó chịu hơn là gây buồn nôn hoặc nhức đầu.

Điểm: 4/5

Kết luận: 23 trên 35. Một điểm số tốt, nhưng không phải là điểm số tuyệt vời. Nhóm của Cameron đã làm một công việc phi thường để đưa thêm chiều mới vào bi kịch tình yêu sử thi của ông, nhưng kết quả thực sự không thể cạnh tranh lại những phim được lên kế hoạch làm 3D từ đầu. Tuy nhiên, Titanic là một tuyệt tác trên màn ảnh rộng, và 3D quả có làm cho một số cảnh phim ấn tượng sâu sắc. Hãy mua vé tùy theo bạn muốn có trải nghiệm gì. Vì một số cảnh ngoạn mục thì 3D có tác dụng thật, nhưng phần lớn bộ phim chẳng cần cải thiện thêm gì cả.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi