Ánh đèn sân khấu hướng vào các nhà biên kịch khi khán giả Trung Quốc than phiền về chất lượng phim.
Cao Tuyền, một nhà biên kịch có tiếng đã từng viết nên vài bộ phim truyền hình nổi tiếng, đã bối rối và giận dữ khi thấy tên chị được ghi chú là “tác giả kịch bản giai đoạn đầu” trong bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Khải Ca Triệu thị cô nhi. Cao Tuyền khẳng định chị đã hoàn thành nửa đầu kịch bản rồi mới nghỉ việc. Nhưng chị phát hiện phần lớn nội dung phim thật ra là kết quả những cuộc thảo luận giữa chị, đạo diễn Trần và một nhà biên kịch khác.
“Tôi đã nỗ lực và hy vọng được công nhận. Tôi phải được ghi chú là ‘biên kịch’ thay vì kiểu mập mờ như ‘tác giả kịch bản giai đoạn đầu’. Tôi không muốn làm ầm ĩ chuyện này nhưng tôi muốn tiếng nói của tôi được nghe thấy, nhờ vậy mọi người sẽ chú ý hơn đến điều kiện hiện nay của các nhà biên kịch và sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chúng tôi,” Cao Tuyền nói.
Biên kịch Cao Tuyền được ghi chú là
"tác giả kịch bản giai đoạn đầu" của bộ phim Triệu thị cô nhi
Thông tin này đã khơi gợi sự chú ý về tình hình hiện tại của các nhà biên kịch ở Trung Quốc. Khán giả Trung Quốc thường than phiền rằng nước này đang thiếu kịch bản hay một cách trầm trọng. Ví dụ, nhiều khán giả phê bình chất lượng của các vở hài kịch ngắn trong chương trình Đêm hội Xuân của đài truyền hình trung ương Trung Quốc năm nay và nhiều người khá thất vọng. Người ta có thể thấy rõ việc thiếu tác giả giỏi và kịch bản chất lượng cao sau chương trình bắt mắt này.
Vị trí nguy hiểm
Nhất trí rằng các nhà biên kịch Trung Quốc đang có một vị trí nguy hiểm trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình. Điều làm phiền các tác giả nhất chính là những thay đổi thường xuyên từ phía đạo diễn và nhà sản xuất. Biên kịch thường bị mất quyền kiểm soát các tác phẩm của họ sau khi giao cho nhà sản xuất. Đồng thời, các đạo diễn được tự do quyết định có ghi chú tên tác giả hay không hoặc ghi bằng cách nào.
“Các nhà đầu tư và đạo diễn thường đưa ra nhiều thay đổi. Nếu sau đó chứng tỏ được những thay đổi này là tốt, họ sẽ sẽ nhận hết thành quả. Còn bằng không, chúng tôi thường bị chỉ trích vì thất bại đó,” theo lời Vương Uyển Bình, một nhà biên kịch nổi tiếng.
Mặc dù hàng trăm hàng ngàn người đang tham gia việc viết kịch bản, nhưng hệ thống này lại phân tầng vô cùng cao trong việc chi trả thù lao, với chỉ vài người đứng trên tầng cao nhất
Một bài báo trên tờ Nanhu Evening News về hiện trạng của các nhà biên kịch Trung Quốc cho biết tác giả kịch bản truyền hình ở Trung Quốc nhìn chung được phân vào bốn mức thù lao khác nhau. Mức cao nhất là khoảng 80.000 nhân dân tệ (12.000 USD) đến 150.000 tệ (23.000 USD) cho mỗi tập phim. Bậc cao nhất này chỉ có khoảng dưới 20 người gồm các biên kịch nổi tiếng như Cao Mãn Đường, Trâu Tĩnh Chi, Hải Nham, Vương Hải Linh và Đô Lương. Bậc thứ hai được khoảng 30.000 nhân dân tệ (4.500 USD) một tập phim, và cũng chỉ có vài nhà biên kịch thuộc bậc này. Bậc thứ ba kiếm khoảng 20.000 tệ (3.000 USD) một tập phim và bậc thấp nhất được 5.000 nhân dân tệ (758 USD) đến 8.000 nhân dân tệ (1.212 USD) mỗi tập phim.
Những con số này trái ngược với những mức thù lao cao hơn nhiều ở Mỹ. Ví dụ, Liên minh các nhà Biên kịch Mỹ quy định rằng mức thù lao thấp nhất cho mỗi tập phim là 35.079 USD và các tác giả kịch bản nổi tiếng của Mỹ có thể nhận được nhiều hơn mức thù lao này dù kịch bản có được quay thành phim hay không.
Ở nước ngoài, thù lao chi trả cho các nhà biên kịch chiếm khoảng 10-20% trong tổng ngân sách của một bộ phim truyền hình. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, con số này cao nhất chỉ là 5%, và thường là thấp hơn. Phần lớn số tiền được dùng để trả thù lao cho diễn viên.
Vương Sóc từng đấu tranh cho quyền lợi của các nhà biên kịch hồi đầu thập niên 1990
Các nhà biên kịch ở Trung Quốc cũng thường phải đối mặt với những điều kiện hợp đồng bất công. Điều kiện phổ biến nhất mà các tác giả thấy khó chịu là: Kịch bản có thể được sửa lại cho đến khi các nhà đầu tư hoàn toàn hài lòng, và phần thù lao cuối cùng của tác giả sẽ được giữ lại cho đến khi kịch bản được quay. Dù là các biên kịch hạng nhất cũng phải chấp nhận những điều kiện này.
Với các điều kiện như thế, nhiều tác giả chỉ thu được ít tiền hoặc chẳng có đồng nào cho tác phẩm của mình.
Giải pháp
Nhiều nhà biên kịch Trung Quốc hy vọng sẽ có một đoàn thể bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của họ.
“Tin tốt là người ta đang nỗ lực cho vấn đề này. Một hiệp hội phi chính phủ đã được thành lập. Nếu hiệp hội này có thể hoạt động được thì sẽ rất tốt cho các nhà biên kịch Trung Quốc,” Vương Hải Linh nói.
Đầu thập niên 1990, tập đoàn Hải Mã, do Vương Sóc - một tác giả và biên kịch nổi tiếng – thành lập, đã đấu tranh kịch liệt với các nhà sản xuất. Kết quả, Cục quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Nhà nước đã tăng thù lao cho các nhà biên kịch. Đó là sự khởi đầu của các tác giả kịch bản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Vào bước chuyển của thiên niên kỷ, ngày càng có nhiều vụ kiện tụng do các nhà biên kịch và nhà sản xuất đệ trình lên, tìm kiếm sự đảm bảo cho quyền lợi hợp pháp của họ. Các tác giả kịch bản muốn được nhiều hơn chỉ là một nhà văn. Họ còn muốn được là người thực hiện và giám sát cuối cùng cho các câu chuyện họ viết ra và được công nhận đầy đủ trong tác phẩm của mình.
Dịch: © Trúc Phương @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: Beijing Review