Bất chấp đại dịch ảnh hưởng đến việc sản xuất phim và đóng cửa rạp chiếu
trên toàn cầu, Trung Quốc đã vượt Bắc Mỹ trở thành thị trường điện ảnh
lớn nhất thế giới. Năm 2021, Trung Quốc đạt 47 tỉ nhân dân tệ (7 tỉ USD)
doanh thu phòng vé, phần lớn là từ các bộ phim bom tấn nội địa.
Những phim như
Trận chiến Hồ Trường Tân,
Hi, Mom! và chuỗi phim
Detective Chinatown
đã thành công rực rỡ ở phòng vé trong nước, hy vọng sẽ mở rộng lên
100.000 phòng chiếu toàn quốc vào năm 2025. Nhưng ngành công nghiệp này ở
Trung Quốc có nhiều thứ để cung ứng chứ không chỉ sử thi chiến tranh
nhân dân và phim hài có sự tham gia của các ngôi sao.
Một cảnh từ Egg and Stone (2012), phim độc lập của Trung
Quốc do Hoàng Kỳ thực hiện, tập trung vào những cô gái bị buộc phải tự
xoay xở ở các ngôi làng của tỉnh Hồ Nam khi cha mẹ họ rời đi tìm việc
làm
|
Một cuốn sách của học giả điện ảnh người Mỹ Karen Ma đã rọi sáng cực đối
diện của phổ điện ảnh: phim độc lập với ngân sách cực nhỏ mà chỉ để
được làm thôi đã là một cuộc chiến, chưa nói đến lấy được sự cho phép
cần thiết để đưa lên màn ảnh.
China’s Millennial Digital Generation: Conversations with Balinghou (Post-1980s) Indie Filmmakers
bênh vực cho một thế hệ đạo diễn tác gia trẻ trung, lý tưởng đang đấu
tranh để được lắng nghe trong một thị trường chịu kiểm duyệt nghiêm ngặt
và đòi hỏi khó khăn về mặt thương mại.
“Phim thương mại ở Trung
Quốc không cho bạn biết bất cứ gì về những chuyện đang thực sự xảy ra.
Các bộ phim gai góc hơn đang được các nhà làm phim độc lập thực hiện,”
Karen Ma nói từ nhà của cô ở New York. “Dạy một khóa học về điện ảnh
[tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Bắc Kinh] khiến tôi muốn theo chân
nhóm các nhà làm phim độc lập này, bởi vì họ vẫn còn trẻ và có lý tưởng.
“Nhưng
tôi cũng rất thất vọng khi thấy rằng không có nhiều tài liệu về họ. Tài
liệu tiếng Anh về ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc […] ít nhiều
dừng lại vào khoảng đầu thiên niên kỷ. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải làm gì
đó để giải quyết vấn đề này.”
Fly with the Crane (2012) của Lý Duệ Quân kể về một thôn dân lớn
tuổi phải giải quyết số phận của mình sau khi việc chôn cất ở quê nhà
không được cho phép
|
Karen Ma trình bày bảy nhà làm phim, tất cả đều sinh ra trong thập niên
1980 và là những người, như cô viết trong phần giới thiệu của cuốn sách,
“có xuất thân nông thôn […] và tập trung vào xã hội nông thôn như một
lăng kính nhìn ra các vấn đề xã hội lớn hơn của Trung Quốc.” Mỗi chương
dành riêng cho một đạo diễn tác gia mới nổi và bao gồm phỏng vấn kiểu
Hỏi & Đáp kéo dài khám phá quá trình khôn lớn và học hành, quá trình
sáng tạo của họ cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt để đưa
phim đầu tay của họ thành hiện thực.
Tác giả Karen Ma cũng chọn
của mỗi đạo diễn một bộ phim làm ví dụ nhập vai điển hình, khám phá câu
chuyện, bối cảnh và chủ đề một cách sâu sắc hơn.
Trong phim
Fly with the Crane
của ngôi sao đang lên Lý Duệ Quân (2012), một thôn dân già giải quyết
số phận của mình sau khi việc chôn cất ở quê nhà không được cho phép.
Hoàng Kỳ, nhà làm phim nữ duy nhất trong cuốn sách của Karen Ma, nâng
cao nhận thức trong
Egg and Stone (2012) và
The Foolish Bird
(2017) về “những đứa trẻ bị bỏ rơi”, những cô gái buộc phải tự xoay xở ở
các ngôi làng của tỉnh Hồ Nam khi cha mẹ bỏ đi tìm việc.
Một cảnh từ Single Man (2010) của Hác Kiệt
|
“Nhiều nhà làm phim độc lập chán ngán việc thúc đẩy sử dụng tiếng phổ
thông của ngành công nghiệp chủ lưu và hết sức hăng hái gắn bó với ngôn
ngữ đích thực của họ,” Karen Ma cho biết, trích dẫn nhà làm phim kiệt
xuất Giả Chương Kha là nguồn ảnh hưởng quan trọng đến thế hệ làm phim
mới này. “Ai nói tiếng phổ thông ở Hồ Nam hay Cam Túc? Đó chỉ là điều
không có thật. Họ thà không kiếm được nhiều tiền mà sống đúng với nghệ
thuật của mình.”
Một số nhà làm phim đã tìm ra cách để truyền
khát vọng độc lập của họ vào các dự án thương mại hơn. Hác Kiệt sinh ra ở
Hà Bắc đã thu hút sự chú ý, và một số tranh cãi, với phim đầu tay năm
2010,
Single Man, một phim hài thô thiển về bốn gã trai già tìm kiếm tình dục và tình yêu trong cộng đồng xa xôi của họ.
Hãn Ngọc Khôn, đến từ Bao Đầu, Nội Mông, đã ghi được thành công khó có thể xảy ra với phim đầu tay
The Coffin in the Mountain năm 2015, một phim ly kỳ lấy cảm hứng từ
Blood Simple (1984) của anh em Coen. Phần tiếp theo,
Wrath of Silence
(2017), với sự tham gia của Khương Vũ, anh trai của đạo diễn Khương
Văn, thừa nhận những ảnh hưởng tương tự từ phim thể loại của Hollywood
và cũng đã tìm được một lượng khán giả trong nước đáng chú ý.
Hãn Ngọc Khôn (cầm máy quay) thực hiện bộ phim đầu tay The Coffin in the Mountain năm 2015
|
Đối tượng của Karen Ma là một phần của thế hệ nhà làm phim đầu tiên được
tiếp cận dễ dàng với công nghệ kỹ thuật số rẻ tiền và nhiều tùy chọn
phân phối trực tuyến. Nhiều người trong số họ tự học, ít nhất là một
phần, bỏ qua lối truyền thống là theo học các cơ sở danh tiếng như Học
viện Điện ảnh Bắc Kinh, được coi là bắt buộc đối với các thế hệ nhà làm
phim Trung Quốc trước đây.
Karen Ma nói: “Tôi nhìn thấy cơ hội
thực sự cho những người không bị hệ thống này nhào nặn tạo ra thứ gì đó
mới mẻ. Họ có thể nhìn ra những khả năng mà những người tốt nghiệp từ
các học viện điện ảnh truyền thống có thể không nhìn ra, bởi vì họ đã ở
trong hệ thống đó quá lâu.”
Kể từ khi ban tuyên huấn của Đảng
Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm quản lý phim vào năm 2018, huy động
kinh phí cần thiết và lấy được giấy phép — biểu tượng rồng xuất hiện ở
đầu phim Trung Quốc cho biết chúng đã được chính phủ phê duyệt, và giấy
phép công chiếu riêng — trở nên rất khó.
Điều này đặc biệt đúng
đối với các nhà làm phim quyết chạm đến các mối quan tâm xã hội trong
các cộng đồng ít được đại diện, do các diễn viên không chuyên trình bày
bằng phương ngữ mạnh mẽ. Karen Ma nói, ngay cả sau khi các yêu cầu này
được đáp ứng, việc đưa phim của họ đến người xem vẫn là một thách thức.
Một cảnh từ The Foolish Bird (2017) của Hoàng Kỳ
|
“Thị trường Trung Quốc trở nên khó khăn đến mức ngay cả những nhà làm
phim độc lập dày dạn kinh nghiệm cũng bị ép văng ra.” Với hàng trăm bộ
phim được sản xuất mỗi năm, mang đến sự giải trí lấy ngôi sao làm lực
đẩy, bằng tiếng phổ thông và thể hiện tinh thần dân tộc Trung Hoa, “thời
lượng chiếu mà những phim này có được ở các rạp chiếu thương mại là
bằng không.”
Vậy Karen Ma tự tin đến mức nào về tương lai của
điện ảnh độc lập ở Trung Quốc? “Trong ngắn hạn, tôi nghĩ các nhà làm
phim độc lập sẽ tiếp tục gặp phải những thách thức. Phải nói rằng, vẫn
có nhiều cách để qua ải kiểm duyệt này,” cô nói.
Cuối cùng, tương
lai phụ thuộc vào việc các nhà làm phim có tầm nhìn sẵn sàng hy sinh
đến mức nào để đưa tác phẩm của họ lên màn ảnh. Ma thấy có ba lựa chọn:
“Đầu tiên, hãy xem bạn sẵn sàng thỏa hiệp bao nhiêu phần trăm tính nghệ
thuật của mình.
“Thứ hai, hãy nhắm đến một nhóm khán giả thích
hợp và quên đi việc kiếm tiền và ra rạp, chỉ sử dụng các nền tảng trực
tuyến. Hoặc thứ ba, hợp tác với một nhà đầu tư nước ngoài và đưa phim
của bạn ra bên ngoài Trung Quốc.”
Wrath of Silence (2017), với sự tham gia của Khương Vũ (ảnh), của Hãn Ngọc Khôn đã tìm được một lượng khán giả trong nước đáng chú ý
|
China’s Millennial Digital Generation là bức chân dung hấp dẫn
về một thị trường đang phát triển và mang đến cho những nhà làm phim
này, hơi trớ trêu, mức độ tiếp xúc vượt ra khỏi quê nhà.
Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post