Châu Á đang trải nghiệm bùng nổ hoạt hình, đánh dấu bằng hạng mục riêng tại HAF.
Hoạt hình từ châu Á chưa bao giờ lớn mạnh đến vậy. Đầu tháng này,
Na Tra 2 của Trung Quốc đã trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại, với doanh thu phòng vé vượt 2 tỉ USD.

Các phim hoạt hình châu Á như
Art College 1994,
The Colors Within,
Ghost Cat Anzu và
Look Back đã lọt vào danh sách rút gọn cho giải Oscar năm nay. Tại Berlinale hồi tháng 2, phim hoạt hình vẽ tay của Trung Quốc
A Story About Fire
đã chính thức được chọn tranh giải và Cannes năm ngoái đã vinh danh
Studio Ghibli của Nhật Bản với Cành Cọ Vàng danh dự và các buổi chiếu
phim.
Đón nhận làn sóng này, Hội chợ Dự án HKIFF đã giới thiệu
buổi trình chiếu dành riêng cho phim hoạt hình lần đầu tiên, bao gồm sáu
phim từ Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Nhật Bản. Là một phần
của Diễn đàn tài trợ điện ảnh Hồng Kông-châu Á (HAF), họ sẽ tìm kiếm
các đối tác tài chính và đồng sản xuất, đại lý bán quyền phát hành, bán
trước và tuyển chọn cho liên hoan phim.

Tác phẩm đoạt giải Kim Mã City of Lost Things của Dịch Trí Ngôn
|
Các dự án cũng sẽ được xem xét trao giải thưởng tiền mặt trị giá gần
13.000 USD (100.000 đôla Hồng Kông), do SkyFilm có trụ sở tại Bắc Kinh,
nổi tiếng với bộ phim hoạt hình ăn khách
Monkey King: Hero Is Back. trao tặng.
“Những dự án hoạt hình xuất sắc, chẳng hạn như
Art College 1994 của Lưu Kiện và tác phẩm đoạt giải Kim Mã
City of Lost Things
của Dịch Trí Ngôn, đã truyền cho chúng tôi niềm tin để giới thiệu và
quảng bá những tài năng và dự án đầy triển vọng thông qua sáng kiến hoạt
hình mới này,” Vương Khánh Thương, giám đốc ngành HKIFF Industry cho
biết.
Cloud of the Unknown (Hồng Kông-Pháp)
Đạo diễn Cao Nguyên

Họa sĩ sinh tại Côn Minh Cao Nguyên sẽ ra mắt phim truyện đầu tay về một
phụ nữ trẻ có thể di chuyển giữa thực tế và giấc mơ. Cô gặp một người
phụ nữ khác mơ tưởng trở thành họa sĩ bị liệt trong thế giới phản
địa đàng và cả hai nảy sinh tình cảm với nhau. Nhưng cả hai bắt đầu tự
hỏi liệu họ có thực sự tồn tại hay đang ở trong một giấc mơ.
“Hoàn
cảnh của họ âm hưởng thực tế của chính chúng ta, chẳng hạn như lệnh
phong tỏa do đại dịch,” Cao Nguyên nói. “Tôi hy vọng câu chuyện của họ
sẽ cộng hưởng với tất cả những người không khớp vào được thế giới này
bằng cách nói với họ rằng họ xứng đáng được sống.”
Bộ phim sẽ kết
hợp hoạt hình rotoscoping và Cao Nguyên sẽ vẽ tay hơn 90% bối cảnh.
“Tôi là họa sĩ có gần 20 năm kinh nghiệm và tôi thích miêu tả cảnh tượng
cuộc sống,” cô nói thêm. “Tôi cũng đã tạo ra các bản phác thảo mẫu cho
chuyển động của nhân vật trong từng cảnh và — với kỹ thuật rotoscoping —
tôi sẽ đích thân chỉ đạo quay phim người đóng để mang lại phong cách
hình ảnh độc đáo cho bộ phim hoạt hình này.”

Phim ngắn cùng tên trước đó của Cao Nguyên đã ra mắt tại Locarno năm
2020, thắng giải Arte Laguna. Phim truyện do Isabelle Glachant và
Camille Li thuộc Chinese Shadows của Pháp và Shasha & Co Production
sản xuất.
Light Pillar (Trung Quốc)
Đạo diễn Từ Tháo
Phim
đầu tay của biên kịch-đạo diễn Từ Tháo là hoạt hình kết hợp người thật
đóng. Lấy bối cảnh mùa đông tương lai tại một xưởng phim gần như bỏ
hoang, một người gác cổng tìm thấy tình bạn ở một chú mèo hoang. Sau khi
nhận được thiết bị VR thay cho thù lao, anh kết bạn với một người phụ
nữ trong thế giới ảo trong khi xưởng phim — đang bên bờ vực phá sản —
chuẩn bị quay một cảnh sẽ thổi bay toàn bộ khu phức hợp.
“
Light Pillar
lấy bối cảnh trong tương lai nhưng phản ánh hiện tại, sử dụng góc nhìn
hài hước để khám phá con người, sự kiện và khoảnh khắc bị lãng quên,” Từ
Tháo nói.

“Về mặt hình thức, hoạt hình thể hiện cuộc sống thực của nhân vật chính —
phẳng và hai chiều, thiếu sức sống. Ngược lại, người thật được sử dụng
để miêu tả thế giới ảo, nơi cảm thấy phong phú và năng động hơn. Sự đảo
ngược này làm nổi bật cách thế giới kỹ thuật số mang lại cho nhân vật
chính nhiều khả năng và phấn khích hơn so với cuộc sống hàng ngày của
anh ấy.”
Tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh nổi tiếng, trước đây Từ Tháo đã thực hiện bộ phim hoạt hình dài 43 phút
No Changes Have Taken in Our Life, được công chiếu lần đầu thế giới tại Rotterdam năm 2023 và thắng giải Golden Dove tại DOK Leipzig.
Light Pillar do nhà làm phim, diễn viên và nhà sản xuất Đại Bằng (
One and Only) và Lỗ Tiểu Vĩ (
Poem For a Distant Village) sản xuất cho Fengduan Film (Thượng Hải).
The Tale of the Holy Beast (Ấn Độ)
Đạo diễn Triparna Maiti.

Câu chuyện cảm động được kể theo góc nhìn của chú voi lạc đàn khi bị bọn
săn trộm tấn công rồi bị con người bắt làm voi xiếc. Cuối cùng, chú voi
trở thành voi đền thờ ở Kerala, danh tiếng không làm vơi đi sự cô quạnh
cho đến khi một chú voi máy bước vào và thay đổi cuộc sống của nó.
“Điều
làm cho bộ phim này trở nên độc đáo là sử dụng hoạt hình để khám phá
những giấc mơ và ác mộng của một loài động vật cả cuộc đời
sống trong xiềng xích,” Maiti đến từ Mumbai, từng có bộ phim tốt nghiệp
Water đã trình chiếu tại các liên hoan phim bao gồm Anifilm và Busan năm 2022, nói. “Tôi lấy cảm hứng từ những phim như
The Red Turtle,
Grave of the Fireflies và bộ phim đoạt giải Oscar gần đây
Flow, những phim lấy cách kể chuyện tối giản đầy chất thơ làm chìa khóa để đặt câu hỏi về những chủ đề sâu sắc hơn.”
Dự
án trước đây đã được giới thiệu tại Hội chợ Mifa của Annecy, Hội chợ dự
án châu Á Busan và Hội chợ phim Tasveer Seattle. Nhà sản xuất là Bejon K
Vinod cho FAEM có trụ sở tại Kerala. Vinod là giám đốc sản xuất của
Liên hoan phim quốc tế Dharamshala từ năm 2017 đến năm 2024 và là nhà
sản xuất chính của phim điện ảnh
Vichithram năm 2022.
A Mighty Adventure (Đài Loan-Hồng Kông-Malaysia)
Đạo diễn Viên Kiến Thao

Tình bạn giữa châu chấu, nhện và bướm là trung tâm của bộ phim hài hành
động này, trong đó ba chú côn trùng bắt đầu một chuỗi phiêu lưu để khám
phá bản chất thực sự của chúng. Đây là tác phẩm mới nhất của đạo diễn
người Hồng Kông Viên Kiến Thao, từng thắng giải phim hay nhất tại Annecy
năm 2003 với phim đầu tay
My Life as McDull.
“
A Mighty Adventure
là tác phẩm độc đáo kết hợp liền mạch giữa kỹ thuật quay phim đời thực
và các loài côn trùng CG không được nhân dạng hóa, tạo nên câu chuyện
hành động, im lặng, vừa ly kỳ vừa cảm động,” nhà làm phim cho biết. “Kỹ
thuật hoạt hình bắt nguồn từ các chuyển động tự nhiên và câu chuyện được
thúc đẩy bằng các cuộc rượt đuổi hài hước và mối quan hệ dịu dàng,
khiến bộ phim như một góc nhìn mới mẻ về thể loại phiêu lưu.”
Ông
nói thêm rằng các chủ đề chung về lòng dũng cảm, tình bạn và khao khát
thuộc về nhau sẽ giúp bộ phim kết nối với các gia đình trên khắp thế
giới.
Bộ phim do Trần Di Tinh sản xuất cho Zero One Film của Đài Loan, hãng phim từng có
Gold Fish thắng Kim Mã phim hoạt hình ngắn hay nhất năm 2019 và
Red Tail
được chọn tham dự Venice và thắng giải tác phẩm VR hay nhất tại Annecy
năm 2023. Phim cũng được Hoàng Minh Hy sản xuất cho Flystudio Malaysia,
hãng phim từng tham gia sản xuất
Tekken: Blood Vengeance và
Resident Evil: Retribution.
Min (Trung Quốc)
Đạo diễn Lý Giai Giai

Phim hoạt hình này tập trung vào một người phụ nữ trung niên trong cuộc
hôn nhân tầm thường, trở nên bối rối vì những khác biệt giữa cô và
chồng, những hạn chế về mặt sinh lý do sinh nở và áp lực gia đình gây ra
— khiến cô phải đưa ra lựa chọn cho tương lai của mình.
Đây là phim đầu tay của đạo diễn Lý Giai Giai, từng là đạo diễn hoạt ảnh cho
Art College 1994 của
Lưu Kiện, bộ phim đã tham gia tranh giải tại Berlinale năm 2023 và được
chọn cho một loạt liên hoan bao gồm Annecy, Sydney, Mumbai, Singapore,
Hồng Kông, Bắc Kinh và Tokyo. Lưu Kiện tham gia với tư cách là nhà điều
hành sản xuất.
“
Min sử dụng hoạt hình, một phương tiện
xa rời thực tế nhất, để trình bày câu chuyện với cảm giác chân thực mạnh
mẽ,” Lý Giai Giai, đã dựa một số câu chuyện kinh nghiệm cá nhân của
mình, nói. “Sự va chạm của các yếu tố đối lập như những mảnh vỡ tinh tế,
nữ tính của cuộc sống hàng ngày và những góc cạnh thô sơ của cuộc sống
đô thị đương đại ở Trung Quốc tạo nên một kết cấu nghệ thuật độc đáo
định hình tác phẩm này.”
Bộ phim do Khoa Hoạt hình và Trò chơi thuộc Học viện Nghệ thuật Trung Quốc sản xuất, nơi từng sản xuất
Art College 1994 và
Have a Nice Day năm 2017 của Lưu Kiện, cũng ra mắt tại Berlinale.
Wildheart (Pháp-Bỉ-Nhật)
Đạo diễn Marceau Nakayama

Lấy bối cảnh cuối thập niên 1960 tại Tokyo, kể câu chuyện Makoto 11 tuổi
đã cứu Kenta, cậu bé bị lạc mẹ trong một cuộc diễu hành. Sau một năm
cùng nhau trải qua cuộc sống đường phố, Makoto sợ mất đi người bạn đồng
hành khi viễn cảnh Kenta đoàn tụ với mẹ xuất hiện.
“
Wildheart
áp dụng phương pháp ‘điện ảnh hóa’, kết hợp ngôn ngữ điện ảnh của cách
kể chuyện người thật đóng với tự do biểu cảm của hoạt hình,” đạo diễn
Nakayama nói. “Câu chuyện lấy cảm hứng từ phim truyền hình gia đình hơn
là phim hoạt hình truyền thống.”
Nakayama, rời Nhật Bản năm 1999
và đồng sáng lập hãng nội dung sáng tạo Keytales tại Paris, nói thêm
rằng bộ phim chịu ảnh hưởng từ cả hoạt hình Nhật Bản và phương Tây. Ông
cho biết: “Bộ phim được định hình bởi một nhóm không biên giới, nơi
phương Đông gặp phương Tây, hoạt hình gặp điện ảnh và các kỹ thuật từ cả
hai thế giới hội tụ để tạo ra thứ gì đó độc đáo riêng.”
Theo Nakayama,
Wildheart
bắt nguồn từ “nghiên cứu văn hóa tỉ mỉ” và lấy cảm hứng từ các tác phẩm
của những nhà làm phim như Yasujiro Ozu và Hirokazu Kore-eda được ca
ngợi vì những bộ phim về trẻ em.
Các nhà sản xuất là Matteo Paolini cho Keytales và Justin Ambrosino cho Forerunner Films có trụ sở tại Bỉ.
Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily