Nhà làm phim Hồng Kông Đỗ Kỳ Phong đã nói về sự nghiệp lâu dài của mình,
gồm cả phong cách quay phim bất quy tắc của ông, trong cuộc trò chuyện
với đạo diễn người Nhật Yu Irie tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF)
2024. Ông cũng thừa nhận các nhà làm phim Hồng Kông hiện ít tự do hơn
trước đây.
Yu Irie, đạo diễn được chú ý trong mục Nippon Cinema Now của TIFF năm
nay, cho biết ông xem phim Hồng Kông từ nhỏ đến lớn và coi
Sát thủ lưu vong / Exiled và
Thương hỏa / The Mission của Đỗ Kỳ Phong là những bộ phim yêu thích của mình.
Nhà làm phim Hồng Kông Đỗ Kỳ Phong (trái) trong cuộc trò chuyện với
đạo diễn người Nhật Yu Irie tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) 2024
|
Khi được hỏi, Đỗ Kỳ Phong cho biết đúng là ông đã quay
Sát thủ lưu vong
và một số phim khác mà không có kịch bản: “Đối với tôi, việc tạo ra một
kịch bản phù hợp trước khi bắt đầu quay có nghĩa là bộ phim đã hoàn
thành. Tôi sẽ không thể thực hiện cảnh quay tốt nhất của mình.”
“Trước
khi bắt đầu quay thì tôi đã biết cảnh quay sẽ bắt đầu ở đâu, kết thúc ở
đâu và chúng tôi sẽ cắt cảnh ở đâu,” Đỗ Kỳ Phong nói tiếp. “Tất cả đều
nằm trong đầu tôi.”
Khi được hỏi cách làm việc như vậy ảnh hưởng
đến diễn viên của mình thế nào, ông nói: “Chừng một phần ba chặng đường,
các diễn viên sẽ biết đạo diễn đang tìm kiếm điều gì và sẽ nắm bắt được
tinh thần của bộ phim.”
Trương Gia Huy trong phim Sát thủ lưu vong (2006) của Đỗ Kỳ Phong
|
Nhưng rồi ông mỉm cười nói: “Có lẽ đó không phải là phong cách làm phim
hay nhất. Tôi sẽ không giới thiệu nó với các nhà làm phim trẻ.”
Nhà
làm phim huyền thoại, cũng đang phục vụ trong ban giám khảo của TIFF
cùng với nam diễn viên Hồng Kông Lương Triều Vỹ, cũng nói về việc ông
thường quay hai hoặc thậm chí ba phim cùng một lúc.
“Kiểu như một
phim thương mại, một phim cá nhân hơn, có lẽ cũng có một phim khác. Tôi
sẽ bắt đầu quay một phim, sau đó bỏ dở trong vài tháng nếu không cảm
thấy hứng thú. Bao nhiêu phong cách và phương pháp đạo diễn khác nhau,
tôi đều có thể phân biệt chúng trong đầu.”
Lữ Tụng Hiền trong Thương hỏa (1999) của Đỗ Kỳ Phong
|
Nói về phim tội phạm
Vấn tước / Sparrow năm 2008,
được trình chiếu tranh giải tại Liên hoan phim Berlin, ông cho biết:
“Chúng tôi mất hai đến ba năm để thực hiện bộ phim. Chúng tôi không có
đủ kinh phí, vì vậy chúng tôi sẽ quay một phim khác để lấy tiền rồi quay
lại với nó.”
Ông quay lại chủ đề về các nhà làm phim trẻ khi
được một khán giả hỏi về tình hình hiện tại của ngành công nghiệp điện
ảnh Hồng Kông. “Nói đến việc thể hiện và thực hiện, đã có một số quy
định được đưa ra ở Hồng Kông,” Đỗ Kỳ Phong nói, dường như ám chỉ việc
kiểm duyệt ngày càng tăng trong vài năm qua.
Năm ngoái, ba phim
trong Liên hoan phim ngắn quốc tế Fresh Wave của Hồng Kông đã bị các nhà
kiểm duyệt coi là có vấn đề và chỉ được phép chiếu với một số cảnh bị
che và tắt tiếng. Đỗ Kỳ Phong đã thành lập liên hoan phim thường niên
này, diễn ra vào mùa hè, để hỗ trợ các nhà làm phim mới nổi ở Hồng Kông.
Lâm Hy Lôi (trước) và Lâm Gia Đống trong phim Vấn tước (2008) của Đỗ Kỳ Phong
|
“Nếu bạn đang cố gắng làm ra một bộ phim, bạn phải sẵn sàng hiểu cách
thức kiểm duyệt hiện hành,” Đỗ Kỳ Phong nói tiếp. “Nếu bạn có điều gì
muốn nói với đời, bạn phải nghĩ cách nói và mức độ chân thực hoặc mức
độ rõ ràng của bạn.”
Ông cũng cho biết các nhà làm phim trẻ
không nên cảm thấy như họ không có bất kỳ lựa chọn nào. “Nếu bạn không
thể làm phim ở Hồng Kông, hãy làm ở Singapore, Malaysia, Đài Loan hoặc
thậm chí là ở Nhật Bản. Điều quan trọng nhất là phải có tài năng, và nếu
có tài năng, bạn có thể làm phim ở bất cứ đâu. Có thành hiện thực hay
không là tùy thuộc ở bạn, nhưng bạn phải làm một cách khôn ngoan.”
Đỗ
Kỳ Phong cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp điện ảnh
Hồng Kông, cả chính phủ lẫn tư nhân, vì đó là cách duy nhất để tạo ra
nhiều cơ hội hơn cho các nhà làm phim trẻ: “Tôi sắp 70 [tuổi]. Có lẽ
tôi có thể tiếp tục làm việc thêm mười năm nữa, nhưng tôi sẽ là một ông
già. Tình hình đã thay đổi, thời thế đã thay đổi.”
Ban giám khảo Liên hoan phim Tokyo 2024 tại lễ khai mạc. Từ trái
qua: nữ diễn viên Nhật Bản Ai Hashimoto, nhà làm phim người Hungary
Ildikó Enyedi, Lương Triều Vỹ chủ tịch ban giám khảo, nhà làm phim người
Hồng Kông Đỗ Kỳ Phong, và nữ diễn viên người Pháp Chiara Mastroianni
|
Cuộc trò chuyện giữa Đỗ Kỳ Phong và Yu Irie là một phần trong chuỗi sự
kiện TIFF Lounge của Liên hoan phim quốc tế Tokyo. Các buổi tọa đàm tại
TIFF Lounge còn có Christian Jeune của Liên hoan phim Cannes trò chuyện
với một số nhà làm phim được chọn cho phần Nippon Cinema Now của TIFF,
bao gồm Takino Hirohito, Dương Lễ Bình, Kim Yun Soo và Mark Gill.
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Deadline