Các nhà phân phối của bộ phim: Công ty điện ảnh trẻ Bắc Kinh, Công ty
phân phối điện ảnh Hoa Hạ và Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc gần đây đã
tuyên bố giá vé tối thiểu sẽ tăng lên 5 nhân dân tệ. Họ cũng nói rằng
các nhà phân phối có quyền nhận 45% lợi nhuận sản xuất, và các chủ rạp
nhận 55% còn lại.
Kết quả của sự thay đổi này là phần lãi cho nhà
phân phối đã tăng thêm 2% trong khi phần lãi cho chủ rạp giảm cùng số
lượng như thế, Liu Hongpeng, phó giám đốc Hiệp hội phân phối và trình
chiếu điện ảnh Bắc Kinh cho biết.
“Đấy chính là điểm mấu chốt dẫn đến xung đột,” Liu Hongpeng nói.
Áp phích phim Kim Lăng thập tam thoa [Ảnh: Photo/mtime.com]
Ông nói rằng giá vé cao hơn sẽ làm khán giá nổi cáu và e rằng họ sẽ quay lại trách cứ chủ rạp.
“Giá
vé trung bình ở Bắc Kinh là 35 nhân dân tệ,” Liu Hongpeng nói. “Theo
những gì nhà phân phối đã tuyên bố, giá vé tối thiểu sẽ là 40 nhân dân
tệ. Đó là mức giá kỷ lục.”
Tin rằng lợi ích bị xâm phạm, tám tổ
chức điện ảnh nổi tiếng, bao gồm Hiệp hội phân phối và trình chiếu điện
ảnh Bắc Kinh, Hội liên hiệp rạp chiếu phim Thượng Hải và Zhejiang Time
Cinema (Triết Giang) đe dọa tẩy chay phim nếu các nhà phân phối không điều chỉnh quy
định về giá vé và phân chia lợi nhuận.
Trương Vệ Bình, giám đốc Công ty điện ảnh trẻ Bắc Kinh, sản xuất phim
Kim Lăng thập tam thoa,
nói rằng việc tăng giá vé là hợp lý vì bộ phim có thời lượng 145 phút
và tốn 600 triệu nhân dân tệ để thực hiện, nguồn kinh phí lớn nhất từng
đổ vào một bộ phim Trung Quốc.
“Các chủ rạp thì chịu ít rủi ro
hơn các nhà đầu tư trong bộ phim,” Trương Vệ Bình nói. “Không có gì sai
trái khi nhà đầu tư kiếm được nhiều tiền hơn so với chủ rạp.”
Vì
tình hình căng thẳng gia tăng giữa các bên, Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền
thanh và Truyền hình Trung Quốc, tổ chức giám sát lĩnh vực phát thanh
truyền hình của Trung Quốc đã can thiệp với vai trò trung gian hòa giải.
Tong Gang, tổng giám đốc Cục điện ảnh, chủ trì cuộc đàm phán với đại diện của các chủ rạp và nhà phân phối vào ngày 23/11.
Một cảnh trong Kim Lăng thập tam thoa [Ảnh: Trương Nghệ Mưu]
Một trong những kết quả đạt được là: sẽ không có sự tẩy chay bộ phim và
việc dàn xếp phân chia lợi nhuận sẽ được áp dụng chỉ với 500 triệu nhân
dân tệ đầu tiên mà bộ phim thu về ở phòng vé, Liu Hongpeng nói.
“Nếu
doanh thu phòng vé vượt 500 triệu nhân dân tệ, các chủ rạp sẽ được phép
lấy phần trăm lợi nhuận nhiều hơn,” Liu Hongpeng nói.
Liu
Hongpeng cho biết giá vé tối thiểu sẽ thay đổi từ nơi này đến nơi khác. Ở
bốn thành phố cấp một – Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến –
giá vé là 40 nhân dân tệ. Ở 56 thành phố cấp hai, kể cả Vũ Hán và Thành
Đô, giá vé là 35 nhân dân tệ, và giá vé là 30 nhân dân tệ ở những thành
phố khác.
“Tất cả điều này là đề xuất trong bản dự thảo đầu tiên và có thể được thay đổi,” Liu Hongpeng nói.
“Nhưng nếu giá vé tăng lên đợt này, giá vé phim khác cũng sẽ được nâng lên trong tương lai,” ông nói
Khang Dịch Long, một khán giả quen thuộc của các rạp chiếu phim ở Bắc Kinh, nói rằng giá vé thực tế thường gấp đôi giá vé tối thiểu.
Khi
giá vé tối thiểu là 35 nhân dân tệ, thường là vậy, giá vé chính thức sẽ
là 70 nhân dân tệ,” Khang Dịch Long nói. “Nhưng khi giá vé tối thiểu là 40
nhân dân tệ, giá vé chính thức sẽ là 80 nhân dân tệ. Vì thế tôi sẽ phải
trả thêm 10 nhân dân tệ để xem một bộ phim.”
Kim Lăng thập tam thoa
lấy bối cảnh năm 1937 ở Nam Kinh và có diễn viên người Anh Christian
Bale đóng chính, anh đóng vai một linh mục giúp đỡ nhóm kỹ nữ thoát khỏi
quân lính Nhật. Bộ phim phát hành ở Trung Quốc vào ngày 15/12.
Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi